Y Miếu Thăng Long
Sô 12 Y Miếu, Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội
0243 851 1306
Giới thiệu
Y Miếu Thăng Long có địa chỉ tại số 12, phố Y Miếu, phường Văn Miếu, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Thế kỷ XIX, nguyên là đất các thôn Văn Mặc và Thanh Ngô thuộc tổng Hữu Nghiêm (sau đổi thành tổng Yên Hòa), huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội.
Y Miếu Thăng Long là nơi tưởng niệm hai vị danh y nổi tiếng của đất nước là: Tuệ Tĩnh Thiền Sư và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Ngoài ra, nơi đây còn phối thờ các vị lương y của nền y học dân tộc cổ truyền.
- Tuệ Tĩnh Thiền Sư: Ông tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, pháp danh là Tuệ Tĩnh. Ông sinh tại hương Nghĩa Phủ, tổng Văn Thái, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương ngày nay.
Do mồ côi cha từ năm 6 tuổi nên Tuệ Tĩnh được các nhà sư chùa Hải Triều và chùa Giao Thủy nuôi cho ăn học. Năm 22 tuổi, ông thi đậu Thái Học Sinh dưới triều vua Trần Dụ Tông (1341-1379) nhưng không ra làm quan mà đi tu và nghiên cứu y học, làm thuốc chữa bệnh cứu dân. Năm 55 tuổi (1385), ông đi sứ sang nhà Minh. Tại Trung Quốc, ông vẫn làm thuốc và chữa khỏi bệnh cho Hoàng Hậu triều Minh và được vua Minh phong là “Đại Y Thiền Sư”. Sau ông mất ở Giang Nam, nhưng không rõ năm nào?
Khi còn sống, Tuệ Tĩnh đã xây dựng 74 ngôi chùa làm nơi chữa bệnh cho nhân dân. Ông trồng cây thuốc, sưu tầm các bài thuốc và kinh nghiệm chữa bệnh trong dân gian, huấn luyện y học cho các tăng đồ. Ông đã tổng hợp y dược dân tộc cổ truyền và viết sách truyền bá y học.
Đặc biệt, trong bộ “Nam Dược Thần Hiệu”, ông tổng hợp được 580 vị thuốc Nam, 3873 phương thuốc dân tộc, điều trị 184 loại bệnh trong 10 khoa lâm sàng. Ông là một vị danh y giỏi, có công lao to lớn trong việc xây dựng quan điểm y học dân tộc độc lập, tự chủ, sát với thực tế Việt Nam. Ông luôn nêu cao khẩu hiệu “Nam dược trị Nam nhân”, được người đương thời mệnh danh là “Ông Thánh thuốc Nam”.
- Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác:
Theo các tài liệu như: Gia phả, “Hải Dương địa chí” và “Thượng Kinh ký sự” thì Lê Hữu Trác trú quán tại làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương (nay là xã Hoàng Hữu Nam, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hải Dương). Ông sinh ngày 12 tháng 11 năm Giáp Thìn, niên hiệu Bảo Thái thứ 5 (1720), đời vua Lê Dụ Tông tại quê mẹ ở xứ Bầu Thượng, xã Vĩnh Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh (nay là xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) trong một gia đình có truyền thống nối đời khoa mục.
Thuở nhỏ, Lê Hữu Trác theo cha đi học ở kinh đô Thăng Long đã nổi tiếng là người thông minh, học giỏi, hiểu rộng, thơ hay. Đến năm Kỷ Mùi (1739), khi ông 20 tuổi thì cha mất nên phải thôi học về cự tang nuôi mẹ, tiếp tục đèn sách thi vào Tam Trường, sau đó không đi thi nữa.
Là người lớn lên trong bối cảnh nước nhà rối ren dưới thời vua Lê chúa Trịnh, nhân dân lầm than, khổ cực nên Lê Hữu Trác quyết không tham gia con đường quan lộ mà đem hết tài năng để chữa bệnh cứu người làm ý tưởng cao cả của đời mình, bởi ông nghĩ: “Mình trót làm ông thầy thuốc thì làm cho hết cái sức của mình, dựng lên một lá cờ thắm trong y giới”.
Lãn Ông không bị các tư tưởng và quan niệm cũ ràng buộc, ông luôn đề cao tinh thần: “Còn nước còn tát”, không tin vào thuyết “Số mệnh” đương thời. Ông luôn đoàn kết với đồng nghiệp, khiêm tốn học hỏi, tác phong chữa bệnh luôn thận trọng, xem mạch kỹ càng, chẩn đoán toàn diện, định bệnh rất kỹ nhưng khi cần thì rất kiên quyết, dám dùng thuốc mạnh để công tà. Trong suốt 40 năm làm nghề y, ông đã tổng hợp những thành tựu của y học dân tộc kết hợp với nhiều công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc, xây dựng nền y học Việt Nam toàn diện về lý luận và phương pháp điều trị.
Ngoài việc soạn sách, Lãn Ông còn mở trường dạy nghề thuốc để truyền bá y đạo. Năm 1781, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 42, chúa Trịnh Sâm đã cho triệu ông về Thăng Long để chữa bệnh cho Trịnh Cán. Chuyến đi này, ông đã viết tập “Thượng Kinh ký sự”. Đây là tác phẩm duy nhất trong nền văn học cổ về lối viết văn tự sự với những con người thật, việc thật, mô tả đầy đủ cuộc sống của chúa Trịnh cùng những sinh hoạt của tầng lớp công khanh, nho sĩ cũng như diện mạo của kinh thành Thăng Long ở thế kỷ XVIII. Ông để lại cho đời sau nhiều tác phẩm có giá trị như: “Hải Thượng Lãn Ông Y Tâm Tông Tĩnh” gồm 28 tập với 66 quyển đề cập đến nhiều vấn đề về y học, các loại bệnh, phương pháp điều trị; viết về 150 loại thuốc thường dùng. Các công trình y học của ông được các nhà y học và trí thức đánh giá rất cao. Hải Thượng Lãn Ông mất ngày 15 tháng Giêng, năm Quang Trung thứ 4 (1791), thọ 71 tuổi.
Y Miếu Thăng Long được khởi dựng từ năm Canh Ngọ (1750) do Xuyên Hầu và Ngoạn Quận Công đứng ra xây dựng nhưng quy mô ban đầu còn sơ lược, giản đơn. Đến năm Cảnh Hưng thứ 34 (1773), chúa Trịnh đã lệnh cho Chưởng Viện Thái Y là Trịnh Đình Ngoạn đứng ra trông coi việc xây dựng và mở rộng Y Miếu. Công việc được hoàn thành vào năm Giáp Ngọ (1774) với quy mô rộng rãi, khang trang: “Thẳng thắn bay bướm, cung tường lộng lẫy, dãy dọc nhà ngang, cột rường đồ sộ và đã có nơi để mọi người chiêm ngưỡng, bày tỏ lòng thành kính”.
Đến năm Giáp Ngọ (1834), Y Miếu được trùng tu lại và mở rộng thêm quy mô. Sách Thăng Long cổ tích khảo ghi rõ: “Năm tháng lâu ngày đổ nát, năm Giáp Ngọ (1834) trùng tu. Lương y Bắc Thành Văn Hòa Tử quyên góp tu sửa làm cho to hơn, hai bên tả - hữu phối thờ Tiên Hiền các triều, trước cửa miếu có nhà để cứu trợ, trước nhà cứu trợ có Nghi Môn bằng cột đá”.
Thời thuộc Pháp, Y Miếu bị đổ nát, tấm bia ghi lịch sử của di tích đã được chuyển đến chùa Phổ Giác để bảo quản, gìn giữ. Năm 1953, Hội Y dược học Việt Nam được giao quản lý Y Miếu đã cho trùng tu lại, xây tường bao quanh, di tích trở thành trụ sở của Hội Y dược Việt Nam. Năm 2001, Ban quản lý di tích danh thắng đã tiến hành trùng tu, tôn tạo. Các hạng mục hiện nay của Y Miếu được kết cấu theo dạng chữ “Nhị”, gồm 3 gian Tiền Tế, 3 gian Hậu Cung.
Toà Tiền Tế xây dạng chồng diêm hai tầng, mái lợp ngói ta. Chính giữa bờ nóc đắp đôi rồng chầu mặt trời, bờ dải đắp hai con xô dưới dạng sư tử hí cầu, bốn góc mái đắp đầu kìm (rồng lá), mái đổ bê tông kiểu mái vòm, bên ngoài dán ngói. Gian giữa treo bức Đại tự “Đức bị nhân hoàn” (nghĩa là: Đức cao trùm người và vũ trụ), hai bên là hai Cuốn thư “Đức nhược sơn” (bên phải) và “Tâm như thủy” (bên trái), dưới là đôi Câu đối.
Hậu Cung gồm 3 gian kết cấu kiến trúc giống như tòa Tiền Tế. Tại đây đặt 3 bộ Hương án bằng gỗ cỡ lớn. Hương án gian giữa bài trí hai pho tượng của Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác bằng đồng ngồi trên Ngai, bên trong có Khám thờ và Bài vị. Hai bên tả - hữu đặt Bài vị của những vị được phối thờ trong ngành y học cổ truyền.
Di tích còn lưu giữ được nhiều di vật có giá trị, như: Bia đá, Cửa võng, Hoành phi, Cuốn thư, Câu đối, Hương án, Ngai thờ, Bài vị, Tượng Thánh... Đáng quan tâm là tấm bia dựng năm Cảnh Hưng 35 (1774) của Thái Y Viện ghi lại quá trình xây dựng Y Miếu. Đây là tư liệu lịch sử vô cùng quý hiếm giúp chúng ta biết được quy mô, quá trình ra đời, trùng tu, tôn tạo cũng như những tầng lớp đã tham gia đóng góp để xây dựng Miếu thờ ông Tổ của ngành y nước nhà. Tấm bia đã được Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam lựa chọn, giới thiệu và in trong bộ sách “Tuyển Tập Văn Bia Hà Nội”, xuất bản năm 1978.
Hàng năm, cứ đến ngày 15 tháng Giêng âm lịch, những người làm Đông y trong cả nước lại tụ hội về đây để thắp nén tâm hương tưởng niệm các vị Danh y Tiền bối của dân tộc. Đây là truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của người Việt Nam trong việc biết ơn, tôn vinh những người đã xây dựng nền móng cho ngành y học cổ truyền nước nhà.
Y Miếu Thăng Long đã được xếp hạng là di tích cấp Quốc gia năm 1980.
Bản đồ
Địa điểm xung quanh