Lăng Hoàng Trọng Phu và Am đá
tổ 10A-10B, ngõ 252, phố Tây Sơn, P. Trung Liệt, Q. Đống Đa, Hà Nội
Giới thiệu
Lăng Hoàng Trọng Phu và Am nằm trong khu lăng Hoàng Cao Khải, có địa chỉ tại tổ 10A-10B, ngõ 252, phố Tây Sơn, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
Hoàng Trọng Phu (1872 – 1946), tự là Văn Mệnh, hiệu là Hoa Liễu Lâu, là một quan chứctriều Nguyễnvà Chính phủ Bảo hộPháptạiBắc Kỳ. Ông là con trai thứ của Khâm Sai Kinh Lược Sứ Bắc Kỳ Hoàng Cao Khải, nguyên quán làng Đông Thái (nay thuộc xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Năm 1888, Hoàng Trọng Phu được chính quyền thuộc địa cử sang học tại trường Thuộc địa Pháp cùng với Thân Trọng Huề, Lê Văn Miến (họa sỹ Việt Nam đầu tiên). Lúc mới về nước, Hoàng Trọng Phu làm Thông Ngôn cho vua Thành Thái. Năm 1897, được điều ra Bắc làm Án Sát Bắc Ninh, giảng dạy điều hành trường Hậu Bổ chuyên đào tạo Quan viên cho triều đình.
Từ năm 1907, ông kế vị cha làm Tổng Đốc Hà Đông cho đến năm 1938. Bên cạnh những hoạt động đảm bảo trị an trong địa phận cai trị, Hoàng Trọng Phu là người quan tâm đến di sản văn hóa dân tộc. Ông cho trùng tu các danh thắng nổi tiếng như: chùa Trầm (huyện Chương Mỹ, Hà Nội), chùa Bút Tháp (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), chùa Bảo Đài thuộc khu vực chùa Hương (huyện Mỹ Đức), mở mang xây dựng ấp Thái Hà. Hoàng Trọng Phu rất có công trong việc khôi phục, phát triển các làng nghề thủ công truyền thống phục vụ đời sống dân sinh. Ông viết cuốn sách “Nghề truyền thống Hà Đông”, mô tả chi tiết 136 làng nghề với những sản phẩm nổi tiếng trong và ngoài nước (đặc biệt là ngành tơ lụa, khảm trai, thêu ren). Ông còn cho mời nghệ nhân điêu khắc gỗ Nguyễn Văn Đông ở làng Nhân Hiền, phủThường Tínvề làm Hiệu Trưởng đầu tiên của trường Bách Nghệ (nơi trường Đại học Bách Khoa Hà Nội ngày nay), thành lập Hội Tiểu Canh nông công nghệ Hà Đông và cử các phái đoàn mang sản phẩm thủ công (the, lụa, mây tre đan) tham dự triển lãm tại thủ đô Paris nước Pháp. Ông quan tâm phát triển làng nghề lụaVạn Phúctrở thành điểm sáng về kinh tế. Nhiều lần chính ông đã chu cấp tiền cho người Vạn Phúc mang lụa đi tham gia triển lãm ở Paris và chọn các nghệ nhân giỏi rồi đưa sang Trung Quốc học nghề lụa, sang Nhật học nghề sơn mài, nghề mộc, nghề bạc; mở Bảo tàng Mỹ Nghệ cho các nghệ nhân ở La Cả, La Khê.
Trong lĩnh vực văn hóa – xã hội, Hoàng Trọng Phu cổ súy phong trào “Trấn hưng Phật giáo” tại Bắc kỳ những năm 1930. Ông được phong Đại Học Sĩ Võ Hiển Điện, hàm Thái Tử Thiếu Bảo, được nhân dân quen gọi với cái tên gần gũi làCụ Thiếu Hà Đông.
Lăng Hoàng Trọng Phu nằm gần với khu lăng của Hoàng Cao Khải, được xây dựng hoàn toàn bằng chất liệu đá theo kiểu chữ “Đinh”, gồm 3 gian Tiền Tế , 1 gian Hậu Cung. Đá xây lăng được lấy từ phủ Quốc Oai đem về rồi được các hiệp thợ nổi tiếng gia công, chế tác. Toàn bộ hệ thống cột, xà, bẩy, cửa võng, diềm, tường, gạch lát… đều bằng đá và chạm trổ hoa văn chau chuốt, tinh vi.
Tiền Tế được thiết kế gồm 14 cột tròn, đường kính 25cm và 12 cột vuông 40cmx40cm để đỡ phần mái. Mặt trong mái được ghép bằng các phiến đá cỡ lớn, mặt ngoài lợp giả ngói ống, hai đốc mái trang trí hình búp sen cách điệu. Nền lát đá xanh. Gian giữa đặt một án thờ, hai gian bên đặt hai ngôi mộ bằng đá của Hoàng Trọng Phu và vợ ông. Trên nắp mộ khắc chữ bằng tiếng Việt và tiếng Pháp nay đã bị mờ, xung quanh mộ chạm nổi hoa dây, chữ “Thọ”, văn hình học.
Hậu Cung được tạo bởi 4 trụ đá vuông và 4 trụ tròn đỡ mái, thân cột chạm nổi hoa cúc, văn hình học; phần mái tạo kiểu mái đốc được ghép bởi những phiến đá xanh có đục chạm hoa sen, văn kỷ hà, chữ triện…. Trong cung đặt tấm Bia đá cỡ lớn. Bia cao 3m (cả đế), rộng 1m. Trán bia trang trí rồng chầu mặt trời, diềm và đế bia chạm trổ hoa dây, văn sóng nước. Bia được dựng vào năm Duy Tân thứ 7 (1913).
Nghệ thuật trang trí trong lăng Hoàng Trọng Phu khá chau chuốt và công phu thể hiện cả mặt ngoài và bên trong nội thất. Các đề tài trang trí tập trung tại các đầu cột, trần nhà, cửa ra vào, đốc mái… họa tiết rồng chầu mặt trời, đầu rồng, dơi ngậm chữ “Thọ”, lá đề, hoa dây, văn hình học, cánh sen cách điệu… mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX.
Khu Am Đá nằm trong khu dân cư cụm 9, tổ 10A của phường Trung Liệt. Am có diện tích 11m2, kết cấu gồm 4 trụ cao 1m60 hình ròng rọc đỡ toàn bộ mái nhà. Bốn góc tạo 4 đầu đao cong, diềm mái đắp giả ngói ống, tường bao xung quanh xây bằng gạch chỉ, phía trên để cửa thông gió. Phần trang trí tập trung tại các góc tường, trần nhà, chân cột họa tiết rồng, cánh sen, hoa dây, văn sóng nước mang đặc trưng niên đại nghệ thuật thời Nguyễn.
Lăng Hoàng Trọng Phu và Am Đá là một trong những công trình kiến trúc độc đáo trong điêu khắc đá của người Việt thế kỷ XIX. Nét độc đáo của di tích được thể hiện từ khâu xây lắp đến cách trang trí trên kiến trúc, nghệ thuật lắp ghép những tấm đá cỡ lớn thành khối rất tốn kém và công phu. Các nhà sử học Việt Nam coi đây là “Thành nhà Hồ thứ hai” của người Việt. Còn nhà sử học người Pháp Phillippe Papin đánh giá công trình này là “Một trong những đỉnh cao của kiến trúc đá Phương Đông”.
Lăng Hoàng Trọng Phu và Am Đá đã được xếp hạng là di tích cấp Quốc gia năm 1962.
Bản đồ
Địa điểm xung quanh