Chùa An Quốc
nhà 14, phố Cát Linh, phường Cát Linh, Q. Đống Đa, Hà Nội
Giới thiệu
Chùa An Quốc còn được gọi là chùa Bích Câu, nằm ngay bên cạnh Bích Câu Đạo Quán có địa chỉ số nhà 14, phố Cát Linh, phường Cát Linh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Đây nguyên là đất phường Bích Câu, huyện Quảng Đức, kinh thành Thăng Long thời Lê. Thời Nguyễn, chùa thuộc thôn An Trạch, tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội.
Ngôi chùa gắn với truyền thuyết Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long. Một hôm vua mơ thấy Phật Bà Quan Âm mời vua lên đài sen, Ngài bẻ tám cành hoa sen trắng ban cho vua. Tỉnh dậy, vua đem việc ấy nói với các quan trong triều và cao tăng. Các cao tăng thưa rằng ở hồ Tảo Liên, phường Bích Câu, cửa Nam thành Thăng Long có loại sen trắng nở sớm, mùi hương rất thơm. Vua sai đem hoa sen ấy đến nhìn, quả đúng như trong mộng, liền cho xây chùa để thờ phụng Quan Âm gọi chùa Đắc Quốc. Đến thời Lê Thánh Tông (1460-1497), một lần khi Ngài đến thăm chùa đã cho đổi tên thành chùa An Quốc.
Trong thời kỳ toàn quốc kháng chiến, quán Bích Câu cùng chùa An Quốc là trụ sở của Ủy ban Kháng chiến Hàng Bột, sau bị quân Pháp đốt cháy chỉ còn lại một số pho tượng Phật. Những năm sau này, nhà chùa và chính quyền địa phương xây 3 gian nhà tạm làm nơi thờ Phật. Năm 2011, với sự nỗ lực của chính quyền các cấp cùng các cơ quan chuyên môn, Bích Câu Đạo Quán được trùng tu, tôn tạo, mở mang khuôn viên và phục dựng lại ngôi chùa An Quốc. Công trình được hoàn thành vào cuối năm 2012.
Chùa nằm bên trái quán Bích Câu, trông ra phố Cát Linh. Du khách đến đây vừa có thể vào lễ Thánh, lại vừa có lễ Phật mà không phải di tích nào cũng có điều kiện thuận lợi như vậy.
Tòa Tam Bảo chùa An Quốc có kết cấu dạng chuôi vồ gồm Tiền Đường và Thượng Điện.
Tiền Đường gồm 3 gian 2 chái, mô phỏng theo phong cách kiến trúc thời Lê dạng 4 mái với 4 đầu đao cong uốn lượn mềm mại hướng lên không trung, mái lợp ngói ta. Hai đốc mái trang trí hai đầu kìm (rồng lá) cách điệu, chính giữa bờ nóc đắp bức hoành phi đề 3 chữ Hán: “An Quốc tự”, đầu hồi hai bên để dạng cửa sổ chữ “Thọ” vừa để lấy ánh sáng từ bên ngoài vào, vừa tạo sự thông thoáng cho di tích. Mặt trước mở cửa bức bàn “Thượng song hạ bản” chạy suốt 5 gian, lối lên xuống đều làm bằng những phiến đá xanh cỡ lớn. Trước sân có một giếng tròn tạo cảnh quan và mang ý nghĩa tụ thủy, tụ phúc cho di tích. Trong sân chùa được bố trí các chậu cây cảnh và ghế đá để khách hành hương có thể ngồi ngắm cảnh di tích và thư giãn, nghỉ ngơi trong khuôn viên yên tĩnh trước cửa thiền.
Vào bên trong, nền nhà lát gạch đỏ, bộ khung được làm bằng gỗ lim, kết cấu theo kiểu “Thượng chồng rường giá chiêng hạ kẻ”. Chạy dọc 5 gian đều treo các bức Cửa võng, Hoành phi, Câu đối được sơn son thếp vàng lộng lẫy, chạm bong, chạm thủng, chạm lộng các đề tài rồng chầu mặt trời, rồng chầu hoa cúc, tứ linh, tứ quý tạo sự linh thiêng cho Phật điện… Gian giữa đặt ban thờ, hai gian hồi Tiền Đường bài trí các tượng Khuyến Thiện – Trừng Ác, Đức Ông – Thánh Tăng.
Thượng Điện gồm 3 gian dọc ở phía sau tạo thành kiểu “chuôi vồ”, nhà xây tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta. Bên trong Thượng Điện là nơi đặt các lớp tượng Phật; trên cùng là các bộ tượng Tam Thế Phật đại diện cho 3000 vị Phật ở ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai, bộ tượng Hoa Nghiêm Tam Thánh, tượng Quan Âm Chuẩn Đề, tượng Cửu Long, tượng Ngọc Hoàng - Nam Tào – Bắc Đẩu. v.v… Nhìn chung, các bộ tượng chùa An Quốc mang niên đại tạo tác vào thế kỷ XIX-XX với những đường nét tinh tế, khéo léo, đạt tính chuẩn mực của nghệ thuật điêu khắc đương thời.
Khu nhà Tổ nằm ở phía sau chùa, xây dạng chữ “Nhất”, kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, nền nhà lát gạch đỏ. Bộ khung được làm bằng gỗ mô phỏng theo các thức truyền thống. Đây là nơi an tọa của Sư tổ Bồ Đề Đạt Ma và các vị Tổ trụ trì chùa đã viên tịch.
Nhà Mẫu có qui mô và hình thức giống như nhà Tổ. Tại các gian bài trí các lớp tượng Mẫu. Gian giữa thờ Tam Tòa Thánh Mẫu, Ngũ Vị Tôn Ông, Ông Hoàng Bảy – Ông Hoàng Mười, hai gian bên thờ chúa Sơn Trang và đức Thánh Trần Hưng Đạo.
Chùa An Quốc cùng với quán Bích Câu trở thành quần thể di tích đặc biệt và độc đáo của thủ đô Hà Nội. Vốn là miền đất Phật, theo thời gian chùa trở thành nơi hội tụ của Thần Tiên đã làm cho cụm di tích chứa đựng biết bao điều lý thú khi nghiên cứu về sự hiện diện của Phật giáo - Đạo giáo trên mảnh đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến. Di tích nằm trong khu vực đậm đặc các di tích lịch sử - văn hóa, như: Văn Miếu – Quốc Tử Giám, chùa Cát Linh, đền Sòng Sơn, chùa Phổ Giác, chùa Tiên Phúc, chùa Bà Ngô… tạo thành những điểm du lịch hấp dẫn khi tìm hiểu về di sản của thủ đô Hà Nội.
Chùa An Quốc – Quán Bích Câu đã được xếp hạng là di tích cấp Quốc gia năm 1990.
Bản đồ
Địa điểm xung quanh