Từ đường - Hồ Vuông
tổ 10B Thái Hà, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, TP. Hà Nội
Giới thiệu
Từ Đường họ Hoàng nằm trong khu Lăng Hoàng Cao Khải, có địa chỉ tại tổ 10B Thái Hà, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
Hoàng Cao Khải (1845-1933), nguyên danh là Hoàng Văn Khải, tự là Đông Minh, hiệu là Thái Xuyên, quê quán tại làng Đông Thái (nay thuộc xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh); Ông đỗ cử nhân năm 1868 và được bổ làm Huấn đạo huyện Thọ Xương, sau làm Giáo thụ phủ Hoài Đức. Trước khi Pháp chiếm Bắc Kỳ, Hoàng Cao Khải lần lượt giữ các chức vụ: Tri huyện Thọ Xương rồi thăng Quyền Án Sát Lạng Sơn, Quyền Tuần Phủ Hưng Yên.
Năm 1891, ông được phong Thái Tử Thiếu Bảo, Binh Bộ Thượng Thư, Khâm Sai Kinh Lược Sứ Bắc Kỳ. Năm 1892, được phong Võ Hiển Đại Học Sĩ, hàm Chánh Nhất Phẩm.
Năm 1893, Hoàng Cao Khải huy động nhân dân các nơi lấp đầy các ruộng trũng, ao hồ, vùng đầm lầy hoang hóa thuộc các làng Nam Đồng, Thịnh Quang, Khương Thượng để xây dựng khu dinh thự lấy tên là ấp Thái Hà (ghép tên làng Đông Thái – quê ông với Hà Nội – nơi Hoàng Cao Khải cư trú).
Hoàng Cao Khải đã cho xây dựng trong khu ấp Thái Hà nhiều công trình kiến trúc trong khu tư dinh của họ Hoàng gồm: Nhà Thờ họ (Từ Đường), 12 lăng mộ (trong đó trung tâm là lăng Hoàng Cao Khải và lăng Hoàng Trọng Phu), đình Làng, đình Tế, hồ Vuông, hồ Bán Nguyệt, gò Nghênh Phong, Trụ Đèn… Ngoài ra, Hoàng Cao Khải còn vận động các quan lại, nho sĩ mua đất ở đây để lập biệt thự cho đông vui, như: cụ Đốc Học Nguyễn Văn Ngạc, Nguyễn Quang Oánh, Tổng Đốc Nguyễn Năng Quốc, Trần Lưu Huệ, cụ Cử Nhân Đông Mẫu (là thân sinh cụ Nguyễn Ngọc Phan)…
Từ Đường họ Hoàng trước đây là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu của khu lăng Hoàng Cao Khải. Tuy nhiên, sau cải cách ruộng đất năm 1956, các công trình kiến trúc tại đây, trong đó có Từ Đường họ Hoàng được giao cho Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh sử dụng, quản lý. Thời gian qua, nhiều hạng mục công trình của di tích đã bị sửa chữa, cải tao phục vụ cho việc giảng dạy, nghiên cứu và học tập của Học viện; Do vậy, diện mạo và cảnh quan của di tích giờ chỉ còn hiện hữu ở khu hồ nước hình vuông, cổng vào, toà Tiền Tế và Hậu Cung.
Khu hồ nước ngoài việc tạo cảnh quan, điều hòa không khí cho môi trường xung quanh, nó còn mang ý nghĩa tụ phúc, tụ thủy cho di tích. Hồ nước nằm ngay phía trước cổng vào, diện tích là 1300m2, được ngăn cách với di tích bởi con đường nhỏ lát gạch. Trước đây, quanh hồ được kè đá, lối lên xuống làm thành bậc vững chắc. Năm 1998, UBND quận Đống Đa đã cải tạo, sửa sang, nạo vét lòng hồ và lắp lan can qui mô như hiện nay.
Cổng vào được thiết kế thành hai lớp: Lớp cổng ngoài gồm hai trụ biểu hình vuông, đỉnh trụ đắp chái giành cách điệu. Lớp cổng phía bên trong có hình thức giống với cổng bên ngoài nhưng đỉnh trụ đắp đôi nghê chầu hướng chếch ra phía ngoài. Giữa sân xây một bể non bộ hình lục giác, hai bên sân có hai dãy Tả - Hữu Vu, mỗi bên 5 gian, 2 dĩ, lợp ngói ta. Phía trước tạo 3 bậc lên xuống bằng đá, mỗi gian chia 5 phòng làm nơi ở cho các Học viên của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Từ Đường có kết cấu kiểu chữ “Đinh”, gồm Tiền Tế 5 gian, Hậu Cung 3 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ri. Kết cấu bộ khung theo kiểu “Chồng rường giá chiêng kết hợp ván mê” và “Chồng rường trụ trốn” bào trơn đóng bén. Phần trang trí chủ yếu được tập trung trên các bộ cánh cửa ra vào, đề tài: hoa cúc, mai, rồng chầu, hổ phù, văn hình học mang đặc trưng phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX.
Trải qua nhiều thăng trầm, biến thiên của lịch sử, trước sự hủy hoại của thiên nhiên và tác động của con người, sự hiện hữu của di tích góp phần làm đa dạng, phong phú thêm cho các công trình kiến trúc trong khu lăng Hoàng Cao Khải và kiến trúc truyền thống Việt Nam ở thế kỷ XIX.
Di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia năm 1962.
Bản đồ
Địa điểm xung quanh