![](/themes/dulieu360/img/background-index.jpg)
Đền Huy Văn
ngõ Văn Chương, phường Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội
0243 851 1306
Giới thiệu
Đền Huy Văn là tên gọi theo địa danh của làng Huy Văn xưa; Ngoài ra, đền còn có tên gọi khác là đền Chư Vị, hay gọi nôm na theo nhân dân địa phương là đền thờ Bà Cô, Ông Mãnh. Ngôi đền nằm trong quần thể di tích chùa – điện – đền Huy Văn thuộc phường Văn Chương, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
Đền Huy Văn có khởi nguồn từ ngôi điện Tân Minh vốn ở trong thành Hà Nội vào cuối thế kỷ XIX. Theo một số tài liệu, sau khi chiếm thành Hà Nội lần thứ hai vào năm 1882, để xây dựng căn cứ quân sự phục vụ cho quân đội, thực dân Pháp đã phá đi một số di tích trong thành. Năm Thành Thái thứ 5 (1893), khi đó Hoàng Cao Khải là Phụ Chính Đại Thần, Khâm sai Bắc Kỳ đã cho dựng một ngôi đền 3 gian bên cạnh điện Huy Văn và cho chuyển tượng và đồ thờ từ điện Tân Minh về đây để thờ cúng.
Năm 1940, đền được nhân dân cho trùng tu sửa chữa. Những năm sau này, sư trụ trì chùa Dục Khánh là người vẫn trông nom cả chùa – điện và đền Huy Văn đã cho sửa chữa đền, nhưng về cơ bản vẫn giữ nguyên kiểu dáng của ngôi đền cũ như lúc khởi dựng.
Tương truyền, đền Huy Văn thờ một người con gái của vua Lê Thánh Tông, sau khi bà mất được thờ làm Tổ Cô tại điện Tân Minh. Ngoài ra, đền Huy Văn còn thờ đức thánh Trần Hưng Đạo – vị anh hùng dân tộc kiệt xuất ở thế kỷ XVIII và đức Thánh Bà (còn gọi là Bà Ngâu), vốn người thôn Huy Văn nhưng không may chết trẻ vào giờ thiêng. Trước đây, bà được thờ tại ngôi miếu nhỏ cạnh điện Huy Văn. Năm 1940, sau khi tu sửa đền, nhân dân đã chuyển Ngai - Bài vị của Bà từ ngôi miếu nhỏ vào thờ trong đền.
Đền Huy Văn có quy mô kiến trúc khiêm tốn, trang nhã, là một nếp nhà 3 gian, dạng chữ “Nhất”, xây kiểu tường hồi bít đốc, tay ngai, mái lợp ngói ta, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, lòng nhà khá rộng và sâu, nền lát gạch men. Mặt trước mở cửa bức bàn “Thượng song hạ bản” có tác dụng vừa lấy ánh sáng từ bên ngoài vào, vừa làm thông thoáng cho nội thất di tích.
Vào bên trong bộ khung được làm bằng gỗ, kết cấu kiểu “Thượng chồng rường giá chiêng, hạ kẻ truyền” với hình thức bào trơn, đóng bén thiên về độ bền chắc. Dưới 3 gian đặt 3 chiếc Khám thờ bằng gỗ sơn son thếp vàng. Gian giữa thờ Tam Tòa Thánh Mẫu, gian bên phải là Chúa Sơn Trang, gian bên trái thờ Đức Thánh Trần.
Mặc dù đã trải qua nhiều sự thăng trầm của lịch sử, nhưng đền Huy Văn vẫn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị, như: Hoành phi, Cửa võng, Khám thờ, Chấp kích, Long ngai – Bài vị, Câu đối… được phủ nền vàng triện gấm cùng những họa tiết trang trí mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Hệ thống tượng Mẫu trong đền với đầy đủ các nhân vật trong hệ thống Tam Phủ, Tứ Phủ được tạo tác cân đối, sống động, gần gũi với đời thường. Đặc biệt là động Sơn Trang được mô tả thế giới của các Mẫu ở chốn rừng xanh, núi biếc vui ca và nhã nhạc nhằm giải thoát con người thoát khỏi mọi khổ đau nơi trần thế. Những di vật tại đền Huy Văn chính là phần “hồn” của di tích, tạo cho di tích thêm vẻ u linh, uy nghiêm của một ngôi đền cổ.
Đền Huy Văn đã được xếp hạng là di tích cấp Quốc gia năm 1996.
Bản đồ
Địa điểm xung quanh