Đình Tế
tổ 13D, cụm 8, ngõ 178 Tây Sơn, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội
Giới thiệu
Đình Tế nằm trong khu di tích lăng Hoàng Cao Khải có địa chỉ tại tổ 13D, cụm 8, ngõ 178 Tây Sơn, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
Theo một số nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa thì đình Tế được xây dựng cùng thời điểm với đình Làng trong khu lăng Hoàng Cao Khải để thờ Hoàng Cao Khải ngay khi ông còn sống. Hàng năm, nhân dân và các quan lại phong kiến, nho sĩ phải đến làm lễ tại đình Tế và đình Làng để tế sống Hoàng Cao Khải.
Hoàng Cao Khải (1845-1933), nguyên danh là Hoàng Văn Khải, tự là Đông Minh, hiệu là Thái Xuyên, quê quán tại làng Đông Thái (nay thuộc xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh); Ông đỗ cử nhân năm 1868 và được bổ làm Huấn đạo huyện Thọ Xương, sau làm Giáo thụ phủ Hoài Đức. Trước khi Pháp chiếm Bắc Kỳ, Hoàng Cao Khải lần lượt giữ các chức vụ: Tri huyện Thọ Xương rồi thăng Quyền Án Sát Lạng Sơn, Quyền Tuần Phủ Hưng Yên.
Năm 1891, ông được phong Thái Tử Thiếu Bảo, Binh Bộ Thượng Thư, Khâm Sai Kinh Lược Sứ Bắc Kỳ. Năm 1892, được phong Võ Hiển Đại Học Sĩ, hàm Chánh Nhất Phẩm.
Năm 1893, Hoàng Cao Khải huy động nhân dân các nơi lấp đầy các ruộng trũng, ao hồ, vùng đầm lầy hoang hóa thuộc các làng Nam Đồng, Thịnh Quang, Khương Thượng để xây dựng khu dinh thự lấy tên là ấp Thái Hà (ghép tên làng Đông Thái – quê ông với Hà Nội – nơi Hoàng Cao Khải cư trú).
Hoàng Cao Khải đã cho xây dựng trong khu ấp Thái Hà nhiều công trình kiến trúc trong khu tư dinh của họ Hoàng gồm: Nhà Thờ họ (Từ Đường), 12 lăng mộ (trong đó trung tâm là lăng Hoàng Cao Khải và lăng Hoàng Trọng Phu), đình Làng, đình Tế, Hồ Vuông, hồ Bán Nguyệt, gò Nghênh Phong, Trụ Đèn… Ngoài ra, Hoàng Cao Khải còn vận động các quan lại, nho sĩ mua đất ở đây để lập biệt thự cho đông vui, như: Cụ Đốc Học Nguyễn Văn Ngạc, Nguyễn Quang Oánh, Tổng Đốc Nguyễn Năng Quốc, Trần Lưu Huệ, cụ Cử Nhân Đông Mẫu (là thân sinh cụ Nguyễn Ngọc Phan)…
Di tích đình Tế được hình thành và phát triển cùng với khu tư dinh và lăng Hoàng Cao Khải. Đây là một di tích còn tương đối nguyên vẹn trong khu lăng Hoàng Cao Khải hiện nay với các hạng mục kiến trúc gồm: Tiền Tế, Hậu Cung cùng hai dãy Tả - Hữu Vu.
Tiền Tế là một nếp nhà 5 gian, 2 dĩ, xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, mái lợp ngói mũi hài cổ. Mặt bằng theo lối bốn hàng chân. Các bộ vì bên trong được liên kết với nhau theo kiểu “Giá chiêng chồng rường con nhị”, kết hợp nghệ thuật chạm khắc hoa văn mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX.
Hậu Cung gồm 3 gian 2 dĩ nằm song song với tòa Tiền Tế tạo thành dạng chữ “Nhị”. Bộ khung gồm 4 bộ vì gỗ kết cấu kiểu “Giá chiêng chồng rường con nhị” trên mặt bằng 6 hàng chân cột.
Hai dãy Tả - Hữu Vu mỗi dãy gồm 3 gian, 2 dĩ, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, mặt bằng kiến trúc theo kiểu hai hàng chân. Bộ khung bên trong gồm 5 bộ vì gỗ làm theo cách thức vì kèo truyền thống.
Phần trang trí trên kiến trúc đình Tế chủ yếu tập trung trên các bộ vì, cốn nách tại nhà Tiền Tế và Hậu Cung - nơi diễn ra các nghi lễ quan trọng với các đề tài như: Tứ linh, tứ quý, rồng cuốn thủy, long mã hà đồ, sóng nước, thần quy lạc thư… mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.
Trải qua nhiều thăng trầm, biến thiên của lịch sử, vượt lên trên sự hủy hoại của thiên nhiên và tác động tiêu cực của con người, sự hiện hữu của di tích góp phần làm đa dạng, phong phú thêm cho các công trình kiến trúc trong khu lăng Hoàng Cao Khải và nghệ thuật đình làng Việt Nam ở thế kỷ XIX. Di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia năm 1962.
Bản đồ
Địa điểm xung quanh