![](/themes/dulieu360/img/background-index.jpg)
Điện Huy Văn
ngõ Văn Chương, phường Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội
Giới thiệu
Trong con ngõ Huy Văn thuộc phường Văn Chương, quận Đống Đa có một khu di tích gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của vua Lê Thánh Tông và mẹ của ông là Quang Thục Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao. Di tích có niên đại khởi dựng vào cuối thế kỷ XV, cách ngày nay đã trên 500 năm, đó là quần thể di tích Quốc gia nổi tiếng chùa – điện Huy Văn.
Các sách “Đại Nam Nhất Thống Chí”, “Tang Thương Ngẫu Lục” và “Thăng Long Cổ Tích Khảo” đều ghi rằng: Sau khi Lê Thánh Tông lên ngôi, vua theo chỗ ngôi nhà cũ của Thái Hậu dựng điện Huy Văn, bên cạnh dựng chùa Dục Khánh. Năm 1496, Lê Thánh Tông truy phong mẹ là Quang Thục Hoàng Thái Hậu, còn cho tạc tượng bà và đúc chuông đặt thờ tại điện Huy Văn. Như vậy, điện Huy Văn được lập ngay sau khi bà Hoàng Thái Hậu qua đời. Sau này, nhân dân còn thờ thêm cả vua Lê Thánh Tông và Hoàng Hậu của Người.
Về Quang Thục Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao: Theo các văn bia hiện còn trong di tích như: “Trùng tu Huy Văn điện bi ký” niên hiệu Minh Mệnh thứ 4 (1823) và “Trùng tu Huy Văn điện, Dục Khánh tự bi ký” niên hiệu Tự Đức 17 (1864) cùng các nguồn sử liệu cho biết: Ngô Thị Ngọc Dao, người xã Động Bàng, huyện Yên Động, phủ Thanh Hóa (nay là xã Định Hoà, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá). Ông nội là Ngô Kinh, gia thần củaLê Khoáng vàLê Lợi, cha làNgô Từ, người giữ vai trò cung cấp quân lương trong những ngày đầukhởi nghĩa Lam Sơn, khai quốc công thầnnhà Lê Sơ. Chị ruột là Hoàng Hậu Ngọc Xuân được vào hầu Lê Thái Tổ ở Hậu Cung.
Vào niêu hiệu Thiệu Bình (1434-1439), bà được mời vào làm Tiệp Dư và cho ở cung Khánh Phương. Sau bị Hoàng Hậu ghen ghét nên bà ra lánh nạn tại chùa Dục Khánh ở phía Nam cấm thành. Vào một đêm bà mơ thấy Thượng Đế ban cho một Tiên Đồng rồi sinh ra con trai đặt tên là Tư Thành (sau này chính là vua Lê Thánh Tông). Tư Thành ở ngoài cung cấm, là cậu bé rất thông minh, dĩnh ngộ, văn võ toàn tài. Năm 1459, tháng 10 âm lịch,mùa đông,Lê Nghi Dângây biến, Hoàng Thái Hậu và Hoàng Đế Nhân Tông Tuyên bị giết hại. Năm 1460, các đại thần làNguyễn Xí,Đinh Liệt,Lê Lăng,Lê Niệm,Nguyễn Đức Trunglàm cuộc binh biến giết chết Lê Nghi Dân, đưa Tư Thành lên ngôi, đó chính là vua Lê Thánh Tông (1460-1497). Sau khi lên ngôi, Lê Thánh Tông đã tôn mẹ làmThánh Mẫu Hoàng Thái Hậu, ởđiện Thừa Hoa, vua lại cho sửa chùa Dục Khánh và dựng điện Huy Văn.
Năm Hồng Đức thứ 27 (1496), sau khi cùng Lê Thánh Tông về bái yếtLam Kinh, bà bị bệnh nặng rồi mất tại điện Thừa Hoa, thọ 76 tuổi, hôm đó là ngày26 tháng 2. Lê Thánh Tông đau buồn, truy tôn mẹ làmQuang Thục Hoàng Thái Hậu.
Về vua Lê Thánh Tông: Ông là con trai thứ 4 của vua Lê Thái Tông và bà Ngô Thị Ngọc Dao. Lê Thánh Tông sinh ngày 20 tháng 7 năm 1442 tại cung Khánh Phương (theo văn bia chùa Huy Văn thì ông sinh tại chùa Dục Khánh vì khi đó triều đình đang xảy ra lộn xộn, mẹ ông bị vu tiếng xấu nên bị đuổi ra ở tại chùa Dục Khánh – nơi bà thường đến cầu tự). Năm 1445, ông được phong làm Bình Nguyên Vương. Năm 1460, triều đình phế truất Lê Nghi Dân, lập Lê Thánh Tông lên ngôi. Ông ở ngôi được 38 năm, trong 10 năm đầu lấy niên hiệu là Quang Thuận (1460-1469), 28 năm sau lấy niên hiệu là Hồng Đức (1470-1497).
Ngay từ nhỏ, Tư Thành đã nổi tiếng là người ham học, thông minh, có tài cả về chính trị, quân sự, kinh tế, văn học, nghệ thuật. Dưới triều đại Lê Thánh Tông trị vì, chế độ phong phong kiến Việt Nam đã đạt tới đỉnh cao trên nhiều lĩnh vực như: kinh tế, văn hóa, xã hội, bộ máy Nhà nước phong kiến đã đạt tới mức hoàn hảo. Về mặt lập pháp, các chế độ và thể chế của Nhà nước đã được quy định thành luật. Ông còn sai sưu tập các điều luật, bổ sung và hệ thống hóa thành bộ luật Hồng Đức – một bộ luật nổi tiếng trong lịch sử đã phản ánh và thừa nhận một số quyền lợi của người dân và đã chú ý nhiều đến phụ nữ. Bên cạnh đó, Lê Thánh Tông còn thảo ra 24 điều huấn dụ, vận động tránh điều dở, làm điều hay. Ông chú ý đến việc chăm lo đê điều, khai hoang, phát triển các công trình thủy lợi, bảo vệ hoa màu và trâu bò. Vì vậy, nông nghiệp đã đạt tới mức phồn thịnh.
Việc giáo dục, phát triển văn hóa dưới triều Lê Thánh Tông cũng đạt được những thành quả rực rỡ. Chính ông là người cho dựng Bia Tiến sĩ ở Văn Miếu, cho nghiên cứu và biên soạn bộ “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư”, ông sáng lập ra “Hội Tao Đàn” và tự xưng là “Tao Đàn nguyên súy”. Các Chiếu, Chỉ, Dụ, Sớ, Cáo, vua đều tự tay soạn thảo. Lê Thánh Tông còn xem lại bản án oan của Nguyễn Trãi trong vụ án “Lệ Chi Viên” và xuống chiếu “Minh oan” cho Nguyễn Trãi, ra lệnh cho sưu tầm thơ văn của Ức Trai – Nguyễn Trãi.
Theo văn bia, khi mới xây dựng, điện Huy Văn có quy mô đẹp đẽ, khang trang. Trải bao năm tháng, điện dần bị xuống cấp. Tấm bia dựng năm 1679 tại điện cho biết: vào khoảng giữa thế kỷ XVII, kẻ trộm đã vào điện lấy cắp pho tượng của bà Ngô Thị Ngọc Dao bằng đồng. Năm 1650, chúng lại đánh cắp quả chuông lớn của điện. Sau đó, năm 1678, sư trụ trì chùa là Doãn Đình Thuấn đã cho đúc lại quả chuông và tạc lại tượng của Ngô Thái Hậu. Cũng trong năm này, điện Huy Văn được trùng tu, sửa chữa rất lớn.
Cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, điện Huy Văn bị hư hỏng nặng. Bia “Trùng tu Huy Văn điện bi ký”, dựng năm Minh Mệnh thứ 4 (1823) có ghi: “Trải bao năm tháng, điện bị xiêu đổ khiến người trông thấy cũng không tránh khỏi ngậm ngùi... Do đó, các quan viên trong dòng họ Lê đã đóng góp tiền của, công sức để trùng tu điện. Khởi công vào năm Nhâm Ngọ (1822), đến năm Quý Mùi (1823) thì xong, cao ráo sáng sủa, rường cột huy hoàng, điện lại khôi phục được cảnh trí như xưa”.
Đến năm 1864, lại có đợt trùng tu lớn chùa – điện Huy Văn: “Bên ngoài chùa là điện thờ Thánh Mẫu kiểu nhà kép mái chồng đều 3 gian, bên trong là nhà thờ Phật, có dãy hành lang thành kiểu chữ “Công” đều 5 gian. Nói chung về di tích, chỗ nào cũ thì làm lại cho mới, vị trí theo xưa mà kiến trúc có thay đổi”.
Sang thế kỷ XX, điện Huy Văn bị đổ nát, năm 1985, Sở Văn hóa – Thông tin Hà Nội đã cho tu sửa lại chùa – điện – đền Huy Văn. Trong đợt đại trùng tu vào năm 2013 - 2014, các công trình kiến trúc chùa – điện – đền Huy Văn đã được sửa lại toàn bộ. Lần tu sửa này đã cho mở cổng mới trông ra ngõ Huy Văn, tu sửa điện – đền Huy Văn, chùa Dục Khánh, nhà Tổ, nhà Giảng Đường, vườn Tháp, lầu Cô, lầu Cậu, lát lại sân, xây tường bao quanh khu vực di tích...
Mở đầu kiến trúc là Nghi Môn được làm dạng tứ trụ, hai trụ chính đắp 4 chim phượng tạo thành trái Dành cách điệu, hai trụ bên đắp hai con nghê hướng chếch ra phía ngoài với ý nghĩa kiểm soát tâm hồn kẻ hành hương trước khi vào lễ Thánh. Giữa hai trụ chính được làm 4 mái đao cong, hai mái bên gắn vào sườn cột. Trên nóc mái trang trí rồng lá cách điệu, bên dưới 3 cánh cổng làm bằng gỗ theo kiểu cửa truyền thống “Thượng song hạ bản”.
Điện Huy Văn hiện nay gồm tòa Tiền Tế và Hậu Cung nằm trong khuôn viên chung với chùa Dục Khánh và đền Huy Văn. Các công trình kiến trúc của điện làm hài hòa, phù hợp với không gian nhằm tôn thêm vẻ uy nghiêm của di tích.
Tòa Tiền Tế gồm 5 gian, xây tường hồi bít đốc tay ngai, mái lợp ngói ta, trước hai hồi hiên có hai trụ biểu cao, đỉnh trụ đắp đôi nghê chầu, thân trụ bổ khung đắp câu đối chữ Hán. Các bộ vì bên trong đều làm bằng gỗ, kết cấu kiểu “Thượng chồng rường giá chiêng, hạ kẻ ngồi, bẩy hiên”. Ba gian giữa treo Hoành phi, Cửa võng, Câu đối. Bên dưới đặt 3 Hương án cỡ lớn mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.
Hậu Cung gồm 3 gian, 2 dĩ nằm song song với tòa Tiền Tế tạo thành kiểu chữ “Nhị”, nhà xây kiểu tường hồi bít đốc, mái ngói ta. Bộ khung gồm 4 bộ vì gỗ kết cấu giống như các bộ vì tòa Tiền Tế. Phía trước các gian đều mở cửa bức bàn “Thượng song hạ bản”, nền nhà lát gạch đỏ.
Tại các gian đặt Hương án và Khám thờ bằng gỗ. Khám gian giữa đặt tượng vua Lê Thánh Tông ngồi trên ngai rồng trông rất uy nghi, oai vệ. Tượng cao chừng hơn 1m, khuôn mặt quắc thước nhưng còn trẻ, mặt trắng, râu dài, đen, đầu đội mũ trào, mình mặc áo Hoàng Bào. Các cụ trong làng Văn Chương cho biết, pho tượng này đã thờ tại đây đã hơn 200 năm. Hai bên có hai tượng Quan Cận Thần, tạc trong thế đứng, đầu đội mũ cánh chuồn, mình mặc áo thụng màu đỏ có bố tử trước ngực màu vàng.
Khám gian bên trái là tượng Ngô Thị Ngọc Dao. Tượng tạc thân hình nhỏ nhắn, khuônmặt trái xoan, đôn hậu, tai to, dài, chảy thể hiện sự phúc đức, cao quý, đầu đội mũ. Tượng mặc áo thụng màu đỏ.
Khám gian bên phải là tượng Hoàng Hậu Trường Lạc, vợ của vua Lê Thánh Tông. Tượng tạc dáng ngồi, khuôn mặt trái xoan, da trắng, mũi cao, miệng nhỏ xinh xắn, đầu đội mũ, bên ngoài khoác áo màu vàng có điểm văn sóng nước, mây cuộn, chim phượng.
Nhìn chung, các tượng tại điện Huy Văn đều được tạc với tỷ lệ tượng cân phân, mang tính chân dung cao, nét mặt sống động thể hiện được thần thái của từng nhân vật. Các pho tượng này đều mang niên đại cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX.
Ngoài các pho tượng thờ, tại điện Huy Văn còn bảo lưu được nhiều Hoành phi, Cửa võng, Câu đối, Đỉnh trầm, Hạc thờ, Chấp kích, Giá văn, Hương án, Bát hương… được chạm bong kênh, chạm lộng, chạm nổi rất đẹp các đề tài hoa văn truyền thống như: tứ linh, tứ quý, văn triện, sóng nước, chim phượng, vân mây… rất đa dạng ở nội dung và hình thức thể hiện. Các hoành phi, câu đối đều tập trung ca ngợi vùng đất, ca ngợi công đức của vị vua anh minh Lê Thánh Tông, Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao và sự thịnh trị của vương triều Lê Sơ. Đặc biệt, chùa – điện Huy Văn còn bảo lưu được 11 tấm bia đá từ thời Lê đến thời Nguyễn, phản ánh sự ra đời, tồn tại của di tích. Nội dung văn bia là những tư liệu lịch sử vô cùng quý hiếm cung cấp cho chúng ta biết thêm về tình hình chính trị ở thế kỷ XV, những chuyện thâm cung bí sử của triều đại Lê Sơ. Thông qua văn bia, chúng ta biết thêm về cuộc đời và sự nghiệp của vua Lê Thánh, của Quang Thục Hoàng Thái Hậu trong những năm tháng triều đình xảy ra nhiều biến cố. Văn Bia cũng cho biết về quy mô kiến trúc và những lần trùng tu, tôn tạo. Những tư liệu này góp phần bổ khuyết cho những bộ chính sử còn đang thiếu tư liệu như hiện nay.
Từ xưa, theo lệ, cứ đến ngày vua Lê Thánh Tông băng hà, dân làng tổ chức tưởng niệm, rước Kiệu lên đền thờ vua ở phố Hàng Hành. Ngày 26 tháng 2 âm lịch hàng năm, dân làng lại tổ chức cúng giỗ Quang Thục Hoàng Thái Hậu rất long trọng thể hiện lòng biết ơn và truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của các thế hệ hậu sinh đối với những người đã có công trong lịch sử dân tộc.
Điện Huy Văn là di sản quý của thủ đô Hà Nội và cả nước. Điện Huy Văn đã được xếp hạng là di tích cấp Quốc gia năm 1996.
Bản đồ
Địa điểm xung quanh