Quần Thể Di Tích Phường Trung Liệt
Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội
0243 851 1306
Giới thiệu
LĂNG HOÀNG CAO KHẢI VÀ HỒ BÁN NGUYỆT
Lăng Hoàng Cao Khải có địa chỉ tại tổ 10B Thái Hà, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
Hoàng Cao Khải (1845-1933), nguyên danh là Hoàng Văn Khải, tự là Đông Minh, hiệu là Thái Xuyên, quê quán tại làng Đông Thái (nay thuộc xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh); Ông đỗ cử nhân năm 1868 và được bổ làm Huấn đạo huyện Thọ Xương, sau làm Giáo thụ phủ Hoài Đức. Trước khi Pháp chiếm Bắc Kỳ, Hoàng Cao Khải lần lượt giữ các chức vụ: Tri huyện Thọ Xương rồi thăng Quyền Án Sát Lạng Sơn, Quyền Tuần Phủ Hưng Yên.
Năm 1891, ông được phong Thái Tử Thiếu Bảo, Binh Bộ Thượng Thư, Khâm Sai Kinh Lược Sứ Bắc Kỳ. Năm 1892, được phong Võ Hiển Đại Học Sĩ, hàm Chánh Nhất Phẩm.
Năm 1893, Hoàng Cao Khải huy động nhân dân các nơi lấp đầy các ruộng trũng, ao hồ, vùng đầm lầy hoang hóa thuộc các làng Nam Đồng, Thịnh Quang, Khương Thượng để xây dựng khu dinh thự lấy tên là ấp Thái Hà (ghép tên làng Đông Thái – quê ông với Hà Nội – nơi Hoàng Cao Khải cư trú).
Hoàng Cao Khải đã cho xây dựng trong khu ấp Thái Hà nhiều công trình kiến trúc trong khu tư dinh của họ Hoàng gồm: Nhà Thờ họ (Từ Đường), 12 lăng mộ (trong đó trung tâm là lăng Hoàng Cao Khải và lăng Hoàng Trọng Phu), đình Làng, đình Tế, hồ Vuông, hồ Bán Nguyệt, gò Nghênh Phong, Trụ Đèn … Ngoài ra, Hoàng Cao Khải còn vận động các quan lại, nho sĩ mua đất ở đây để lập biệt thự cho đông vui, như: cụ Đốc Học Nguyễn Văn Ngạc, Nguyễn Quang Oánh, Tổng Đốc Nguyễn Năng Quốc, Trần Lưu Huệ, cụ Cử Nhân Đông Mẫu (là thân sinh cụ Nguyễn Ngọc Phan)…
Lăng Hoàng Cao Khải được xây trên khu đất cao ráo, thoáng mát. Trước lăng là khu hồ Bán Nguyệt khá rộng, mặt nước hồ phẳng lặng, trong xanh tạo nên vẻ nên thơ, trầm mặc của một di tích đã bị màu thời gian bao phủ; hai bên sân đặt 8 pho tượng Vệ Binh bằng đá đứng gác. Kết cấu kiến trúc của lăng làm dạng chữ “Đinh”, gồm 3 gian Tiền Tế, 1 gian Hậu Cung. Tất cả các hạng mục đều được làm bằng đá lấy từ phủ Quốc Oai đem về rồi được các hiệp thợ nổi tiếng gia công, chế tác. Hệ thống cột, xà, bảy, cửa võng, diềm, tường, gạch lát nền đều bằng đá và chạm trổ chau chuốt, tinh vi.
Tòa Tiền Tế được làm cao hơn mặt sân, phía trước làm 5 bậc lên xuống bằng những phiến đá xanh cỡ lớn ghép lại. Toàn bộ kiến trúc được liên kết bởi 14 cột đá tròn đường kính 25cm, và 12 cột đá vuông có cạnh là 40cm x 40cm đỡ phần mái. Mái làm trần ghép bằng những phiến đá lớn. Nền lát đá xanh. Gian giữa đặt án thờ, hai gian hồi đặt hai ngôi mộ của Hoàng Cao Khải cùng vợ là Phạm Thị Tố.
Hậu Cung được kết cấu bởi 4 cột vuông và 4 cột tròn đỡ mái, trên các đầu cột gắn đầu rồng, thân cột chạm hoa cúc, văn hình học. Phần mái tạo kiểu mái đốc được ghép bởi những phiến đá xanh có đục chạm hoa sen, văn kỷ hà, chữ triện….
Phần trang trí trong lăng tập trung chủ yếu tại các đầu cột và trần nhà họa tiết rồng ngậm hạt ngọc, lá đề, hoa dây, văn hình học, cánh sen cách điệu với lối chạm nổi tinh tế, mềm mại nhưng vô cùng phóng khoáng mang niên đại nghệ thuật thế kỷ XIX.
Lăng Hoàng Cao Khải là một trong những công trình kiến trúc độc đáo trong điêu khắc đá của người Việt thế kỷ XIX. Nét độc đáo của di tích được thể hiện từ khâu xây lắp đến cách trang trí trên kiến trúc, nghệ thuật lắp ghép những tấm đá cỡ lớn thành khối rất tốn kém và công phu. Các nhà sử học Việt Nam coi đây là “Thành nhà Hồ thứ hai” của người Việt. Còn nhà sử học người Pháp Phillippe Papin đánh giá công trình này là “Một trong những đỉnh cao của kiến trúc đá Phương Đông”.
Lăng Hoàng Cao Khải đã được xếp hạng là di tích cấp Quốc gia năm 1962.
LĂNG HOÀNG TRỌNG PHU VÀ AM ĐÁ
Lăng Hoàng Trọng Phu và Am nằm trong khu lăng Hoàng Cao Khải, có địa chỉ tại tổ 10A-10B, ngõ 252, phố Tây Sơn, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
Hoàng Trọng Phu (1872 – 1946), tự là Văn Mệnh, hiệu là Hoa Liễu Lâu, là một quan chứctriều Nguyễnvà Chính phủ Bảo hộPháptạiBắc Kỳ. Ông là con trai thứ của Khâm Sai Kinh Lược Sứ Bắc Kỳ Hoàng Cao Khải, nguyên quán làng Đông Thái (nay thuộc xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Năm 1888, Hoàng Trọng Phu được chính quyền thuộc địa cử sang học tại trường Thuộc địa Pháp cùng với Thân Trọng Huề, Lê Văn Miến (họa sỹ Việt Nam đầu tiên). Lúc mới về nước, Hoàng Trọng Phu làm Thông Ngôn cho vua Thành Thái. Năm 1897, được điều ra Bắc làm Án Sát Bắc Ninh, giảng dạy điều hành trường Hậu Bổ chuyên đào tạo Quan viên cho triều đình.
Từ năm 1907, ông kế vị cha làm Tổng Đốc Hà Đông cho đến năm 1938. Bên cạnh những hoạt động đảm bảo trị an trong địa phận cai trị, Hoàng Trọng Phu là người quan tâm đến di sản văn hóa dân tộc. Ông cho trùng tu các danh thắng nổi tiếng như: chùa Trầm (huyện Chương Mỹ, Hà Nội), chùa Bút Tháp (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), chùa Bảo Đài thuộc khu vực chùa Hương (huyện Mỹ Đức), mở mang xây dựng ấp Thái Hà. Hoàng Trọng Phu rất có công trong việc khôi phục, phát triển các làng nghề thủ công truyền thống phục vụ đời sống dân sinh. Ông viết cuốn sách “Nghề truyền thống Hà Đông”, mô tả chi tiết 136 làng nghề với những sản phẩm nổi tiếng trong và ngoài nước (đặc biệt là ngành tơ lụa, khảm trai, thêu ren). Ông còn cho mời nghệ nhân điêu khắc gỗ Nguyễn Văn Đông ở làng Nhân Hiền, phủThường Tínvề làm Hiệu Trưởng đầu tiên của trường Bách Nghệ (nơi trường Đại học Bách Khoa Hà Nội ngày nay), thành lập Hội Tiểu Canh nông công nghệ Hà Đông và cử các phái đoàn mang sản phẩm thủ công (the, lụa, mây tre đan) tham dự triển lãm tại thủ đô Paris nước Pháp. Ông quan tâm phát triển làng nghề lụaVạn Phúctrở thành điểm sáng về kinh tế. Nhiều lần chính ông đã chu cấp tiền cho người Vạn Phúc mang lụa đi tham gia triển lãm ở Paris và chọn các nghệ nhân giỏi rồi đưa sang Trung Quốc học nghề lụa, sang Nhật học nghề sơn mài, nghề mộc, nghề bạc; mở Bảo tàng Mỹ Nghệ cho các nghệ nhân ở La Cả, La Khê.
Trong lĩnh vực văn hóa – xã hội, Hoàng Trọng Phu cổ súy phong trào “Trấn hưng Phật giáo” tại Bắc kỳ những năm 1930. Ông được phong Đại Học Sĩ Võ Hiển Điện, hàm Thái Tử Thiếu Bảo, được nhân dân quen gọi với cái tên gần gũi là Cụ Thiếu Hà Đông.
Lăng Hoàng Trọng Phu nằm gần với khu lăng của Hoàng Cao Khải, được xây dựng hoàn toàn bằng chất liệu đá theo kiểu chữ “Đinh”, gồm 3 gian Tiền Tế , 1 gian Hậu Cung. Đá xây lăng được lấy từ phủ Quốc Oai đem về rồi được các hiệp thợ nổi tiếng gia công, chế tác. Toàn bộ hệ thống cột, xà, bẩy, cửa võng, diềm, tường, gạch lát… đều bằng đá và chạm trổ hoa văn chau chuốt, tinh vi.
Tiền Tế được thiết kế gồm 14 cột tròn, đường kính 25cm và 12 cột vuông 40cmx40cm để đỡ phần mái. Mặt trong mái được ghép bằng các phiến đá cỡ lớn, mặt ngoài lợp giả ngói ống, hai đốc mái trang trí hình búp sen cách điệu. Nền lát đá xanh. Gian giữa đặt một án thờ, hai gian bên đặt hai ngôi mộ bằng đá của Hoàng Trọng Phu và vợ ông. Trên nắp mộ khắc chữ bằng tiếng Việt và tiếng Pháp nay đã bị mờ, xung quanh mộ chạm nổi hoa dây, chữ “Thọ”, văn hình học.
Hậu Cung được tạo bởi 4 trụ đá vuông và 4 trụ tròn đỡ mái, thân cột chạm nổi hoa cúc, văn hình học; phần mái tạo kiểu mái đốc được ghép bởi những phiến đá xanh có đục chạm hoa sen, văn kỷ hà, chữ triện…. Trong cung đặt tấm Bia đá cỡ lớn. Bia cao 3m (cả đế), rộng 1m. Trán bia trang trí rồng chầu mặt trời, diềm và đế bia chạm trổ hoa dây, văn sóng nước. Bia được dựng vào năm Duy Tân thứ 7 (1913).
Nghệ thuật trang trí trong lăng Hoàng Trọng Phu khá chau chuốt và công phu thể hiện cả mặt ngoài và bên trong nội thất. Các đề tài trang trí tập trung tại các đầu cột, trần nhà, cửa ra vào, đốc mái… họa tiết rồng chầu mặt trời, đầu rồng, dơi ngậm chữ “Thọ”, lá đề, hoa dây, văn hình học, cánh sen cách điệu… mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX.
Khu Am Đá nằm trong khu dân cư cụm 9, tổ 10A của phường Trung Liệt. Am có diện tích 11m2, kết cấu gồm 4 trụ cao 1m60 hình ròng rọc đỡ toàn bộ mái nhà. Bốn góc tạo 4 đầu đao cong, diềm mái đắp giả ngói ống, tường bao xung quanh xây bằng gạch chỉ, phía trên để cửa thông gió. Phần trang trí tập trung tại các góc tường, trần nhà, chân cột họa tiết rồng, cánh sen, hoa dây, văn sóng nước mang đặc trưng niên đại nghệ thuật thời Nguyễn.
Lăng Hoàng Trọng Phu và Am Đá là một trong những công trình kiến trúc độc đáo trong điêu khắc đá của người Việt thế kỷ XIX. Nét độc đáo của di tích được thể hiện từ khâu xây lắp đến cách trang trí trên kiến trúc, nghệ thuật lắp ghép những tấm đá cỡ lớn thành khối rất tốn kém và công phu. Các nhà sử học Việt Nam coi đây là “Thành nhà Hồ thứ hai” của người Việt. Còn nhà sử học người Pháp Phillippe Papin đánh giá công trình này là “Một trong những đỉnh cao của kiến trúc đá Phương Đông”.
Lăng Hoàng Trọng Phu và Am Đá đã được xếp hạng là di tích cấp Quốc gia năm 1962.
TỪ ĐƯỜNG VÀ HỒ VUÔNG
Từ Đường họ Hoàng nằm trong khu Lăng Hoàng Cao Khải, có địa chỉ tại tổ 10B Thái Hà, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
Hoàng Cao Khải (1845-1933), nguyên danh là Hoàng Văn Khải, tự là Đông Minh, hiệu là Thái Xuyên, quê quán tại làng Đông Thái (nay thuộc xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh); Ông đỗ cử nhân năm 1868 và được bổ làm Huấn đạo huyện Thọ Xương, sau làm Giáo thụ phủ Hoài Đức. Trước khi Pháp chiếm Bắc Kỳ, Hoàng Cao Khải lần lượt giữ các chức vụ: Tri huyện Thọ Xương rồi thăng Quyền Án Sát Lạng Sơn, Quyền Tuần Phủ Hưng Yên.
Năm 1891, ông được phong Thái Tử Thiếu Bảo, Binh Bộ Thượng Thư, Khâm Sai Kinh Lược Sứ Bắc Kỳ. Năm 1892, được phong Võ Hiển Đại Học Sĩ, hàm Chánh Nhất Phẩm.
Năm 1893, Hoàng Cao Khải huy động nhân dân các nơi lấp đầy các ruộng trũng, ao hồ, vùng đầm lầy hoang hóa thuộc các làng Nam Đồng, Thịnh Quang, Khương Thượng để xây dựng khu dinh thự lấy tên là ấp Thái Hà (ghép tên làng Đông Thái – quê ông với Hà Nội – nơi Hoàng Cao Khải cư trú).
Hoàng Cao Khải đã cho xây dựng trong khu ấp Thái Hà nhiều công trình kiến trúc trong khu tư dinh của họ Hoàng gồm: Nhà Thờ họ (Từ Đường), 12 lăng mộ (trong đó trung tâm là lăng Hoàng Cao Khải và lăng Hoàng Trọng Phu), đình Làng, đình Tế, hồ Vuông, hồ Bán Nguyệt, gò Nghênh Phong, Trụ Đèn… Ngoài ra, Hoàng Cao Khải còn vận động các quan lại, nho sĩ mua đất ở đây để lập biệt thự cho đông vui, như: cụ Đốc Học Nguyễn Văn Ngạc, Nguyễn Quang Oánh, Tổng Đốc Nguyễn Năng Quốc, Trần Lưu Huệ, cụ Cử Nhân Đông Mẫu (là thân sinh cụ Nguyễn Ngọc Phan)…
Từ Đường họ Hoàng trước đây là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu của khu lăng Hoàng Cao Khải. Tuy nhiên, sau cải cách ruộng đất năm 1956, các công trình kiến trúc tại đây, trong đó có Từ Đường họ Hoàng được giao cho Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh sử dụng, quản lý. Thời gian qua, nhiều hạng mục công trình của di tích đã bị sửa chữa, cải tao phục vụ cho việc giảng dạy, nghiên cứu và học tập của Học viện; Do vậy, diện mạo và cảnh quan của di tích giờ chỉ còn hiện hữu ở khu hồ nước hình vuông, cổng vào, toà Tiền Tế và Hậu Cung.
Khu hồ nước ngoài việc tạo cảnh quan, điều hòa không khí cho môi trường xung quanh, nó còn mang ý nghĩa tụ phúc, tụ thủy cho di tích. Hồ nước nằm ngay phía trước cổng vào, diện tích là 1300m2, được ngăn cách với di tích bởi con đường nhỏ lát gạch. Trước đây, quanh hồ được kè đá, lối lên xuống làm thành bậc vững chắc. Năm 1998, UBND quận Đống Đa đã cải tạo, sửa sang, nạo vét lòng hồ và lắp lan can qui mô như hiện nay.
Cổng vào được thiết kế thành hai lớp: Lớp cổng ngoài gồm hai trụ biểu hình vuông, đỉnh trụ đắp chái giành cách điệu. Lớp cổng phía bên trong có hình thức giống với cổng bên ngoài nhưng đỉnh trụ đắp đôi nghê chầu hướng chếch ra phía ngoài. Giữa sân xây một bể non bộ hình lục giác, hai bên sân có hai dãy Tả - Hữu Vu, mỗi bên 5 gian, 2 dĩ, lợp ngói ta. Phía trước tạo 3 bậc lên xuống bằng đá, mỗi gian chia 5 phòng làm nơi ở cho các Học viên của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Từ Đường có kết cấu kiểu chữ “Đinh”, gồm Tiền Tế 5 gian, Hậu Cung 3 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ri. Kết cấu bộ khung theo kiểu “Chồng rường giá chiêng kết hợp ván mê” và “Chồng rường trụ trốn” bào trơn đóng bén. Phần trang trí chủ yếu được tập trung trên các bộ cánh cửa ra vào, đề tài: hoa cúc, mai, rồng chầu, hổ phù, văn hình học mang đặc trưng phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX.
Trải qua nhiều thăng trầm, biến thiên của lịch sử, trước sự hủy hoại của thiên nhiên và tác động của con người, sự hiện hữu của di tích góp phần làm đa dạng, phong phú thêm cho các công trình kiến trúc trong khu lăng Hoàng Cao Khải và kiến trúc truyền thống Việt Nam ở thế kỷ XIX.
Di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia năm 1962.
Bản đồ
Địa điểm xung quanh