Pháo đài Láng
Ngõ 14 Đường Pháo Đài Láng, Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội
0243 851 1306
Giới thiệu
Di tích Pháo Đài Láng có địa chỉ tại số 8, phố Pháo Đài Láng, nằm trong khu vực cơ quan của Tổng cục Khí tượng Thủy văn thuộc phường Láng Thượng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
Pháo Đài Láng là một di tích có giá trị nằm trong hệ thống các di tích cách mạng kháng chiến của thủ đô Hà Nội. Tại đây, vào lúc 20 giờ 3 phút ngày 19/12/1946, Pháo Đài Láng do trung đội trưởng Nguyễn Ứng Gia chỉ huy đã vinh dự được bắn phát pháo đầu tiên làm hiệu lệnh mở màn cho toàn quốc kháng chiến.
Pháo đài Láng được thực dân Pháp xây dựng từ năm 1941, trên cánh đồng láng Láng Trung, xã Yên Lãng, huyện Hoàn Long, Đại lý đặc biệt Hà Nội. Pháo đài gồm 4 khẩu pháo cao xạ 75 ly và một đài chỉ huy. Tại trận địa này, đã có lần thực dân Pháp bắn máy bay Mỹ trên bầu trời Hà Nội nhưng không trúng. Tháng 3 năm 1945, khi Phát xít Nhật đảo chính Pháp, pháo đài Láng lọt vào tay quân Nhật. Khi Nhật đầu hàng đồng minh, cách mạng tháng 8 thành công, quân Nhật đã cho phá hủy các cỗ pháo lớn, tháo vứt những bộ phận quan trọng để không phải trao lại cho quân Tưởng vào giải giáp vũ khí. Bộ phận quân giới của ta đã tìm kiếm, thu nhặt ở tất cả các nơi về, dồn các bộ phận lại, từ 20 khẩu pháo ca xạ để thành 7 khẩu pháo hoàn chỉnh bắn được.
Từ sau Hiệp ước Sơ Bộ ngày 6/3/1946, thực dân Pháp bội ước, chúng gây hấn với ta ở nhiều nơi và tăng quân số một cách đột biến với các lực lượng tinh nhuệ, thiện chiến được trang bị các loại vũ khí hiện đại gồm 62 xe bọc thép, 14 máy bay, 42 khẩu pháo, 5.000 súng trường, 600 liên thanh nhẹ, 180 liên thanh nặng; đồng thờ bố trí các cứ điểm chặn các cửa ngõ vào thành phố để làm một vành đại bao vây Hà Nội, khống chế các vị trí chiến thuật của ta. Chúng âm mưu dùng động cơ mạnh trong Thành phố để tấn công, chia cắt Hà Nội ra từng mảnh, bao vây tiêu diệt ta ở từng khu vực. Đặc biệt, càng về những ngày cuối năm 1946, thực dân Pháp càng tăng cường khiêu khích. Ở Hà Nội, liên tục xảy ra những vụ đốt nhà, cướp của, bắt bớ dân thường, nổ súng vào lực lượng Tự vệ…
Trước tình hình đó, theo Chỉ thị của Trung ương Đảng, ngày 29/6/1946, tại Trại Vệ quốc đoàn Trung ương (nay thuộc số 40 phố Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thành lập Đoàn pháo binh đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam, gồm 4 Trung đội bố trí ở 3 pháo đài: Pháo Đài Láng 2 khẩu, Pháo Đài Xuân Canh 1 khẩu, Pháo Đài Xuân Tảo 2 khẩu. Đến tháng 11/1946, đồng chí Vương Thừa Vũ giao nhiệm vụ cho đồng chí Phạm Văn Đôn, Đại đội trưởng pháo binh trực tiếp chỉ huy pháo đài Láng[1].
Trong quá trình chuẩn bị chiến đấu, đơn vị khẩn trương xây dựng công sự, tìm kho đạn. Kế hoạch tác chiến của ta là chủ yếu bắn điểm vào từng khu vực chứ chưa phối hợp với bộ binh. Trọng tâm bắn phá là thành Hà Nội (Trụ sở của bộ Tổng tham mưu quân đội Pháp) và làm hiệu lệnh thông tin cho các pháo đài khác. Pháo đài Láng làm nhiệm vụ tập trung bắn phá những khu vực có đông lực lượng binh lính Pháp như: Sân bay Bạch Mai, Nhà dầu Shell Khâm Thiên…
Pháo Đài Láng có địa thế rất thuận lợi, từ trận địa này, pháo của ta có thể bắn phá, uy hiếp kẻ địch từ các phía: Bắc, Nam, Đông thành Hà Nội. Mặt khác, trận địa còn có ưu thế như: Súng hoàn chỉnh hơn và gần Bộ chỉ huy mặt trận.
Ngày 16/12/1946, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và chỉ huy trưởng mặt trận Hà Nội Vương Thừa Vũ, chính trị viên Trần Độ đã đến Pháo đài Láng thăm các khẩu đội, động viên anh em chiến sĩ chuẩn bị tốt, sẵn sàng chiến đấu.
Liên tiếp trong các ngày 16, 17, 18, 19 tháng 12/1946, thực dân Pháp trắng trợn khiêu khích, gây hấn, tàn sát đồng bào ta. Tối ngày 18/12/1946, chúng gửi Tối hậu thư cho Chính phủ ta đòi tước vũ khí của Vệ quốc đoàn, tự vệ, công an và đòi kiểm soát thành phố. Trước tình hình đó, chiều ngày 19/12/1946, Bộ chỉ huy mặt trận cấp tốc triệu tập Hội nghị phổ biến tình tình, giao nhiệm vụ cho các lực lượng chiến đấu ở Hà Nội. Tối ngày 19/12/1946, đúng 20 giờ, theo mệnh lệnh của Bộ chỉ huy, công nhân Nhà máy điện Hà Nội cho nổ mìn phá máy phát điện, đèn thành phố vụt tắt, báo hiệu bắt đầu cuộc toàn quốc kháng chiến. Pháo đài Láng phát hỏa, bắn những phát đạn đầu tiên vào cơ sở của địch trong thành phố, làm hiệu lệnh toàn quốc kháng chiến.
Vào hồi 20 giờ 3 phút, đồng chí Phạm Văn Đôn trực tiếp chỉ huy pháo đài Láng đã hạ lệnh bắn liên tục 3 loạt đạn, các trận địa pháo Xuân Canh, Xuân Tảo bắn nối tiếp vào vào thành Hà Nội, sau đó bắn khống chế vào các khu vực hoạt động của giặc Pháp; riêng pháo đài Thổ Khối được phân công bắn vào sân bay Gia Lâm. Đêm đó, ta bắn khoảng 500 phát. Do bị bất ngờ nên bọn Pháp hết sức lúng túng, mãi đến hôm sau (20/12), chúng mới bắn trả nhưng không hề trúng pháo đài Láng. Ngày 20/12, trận địa Láng chuyển hướng sang nhiều vị trí trọng yếu như: Thành Hà Nội, Dinh Toàn quyền, Ga Hàng Cỏ, Nhà dầu Shell, Nhà đúc Tiền, Nhà máy Bia. … Ngay hôm sau, địch cho máy bay Moran trinh sát thành phố tìm vị trí pháo đài Láng để ném bom. Bằng cách ngắm trực tiếp, chiến sĩ pháo đài đã lập chiến công vang dội bằng việc bắn rơi một chiếc máy bay địch trên địa bàn Thủ đô vào ngày 21/12/1946. Đây là lần đầu tiên máy bay Pháp bị ta bắn tan xác trên bầu trời Hà Nội. Ngày 22-12-1946, đồng chí Võ Nguyên Giáp gửi thư khen ngợi biểu dương các chiến sĩ pháo đài.
Những ngày sau đó, Pháo Đài Láng vừa tiếp tục chiến đấu, vừa củng cố lại trận địa, xây dựng thêm 2 pháo đài giả cách trận địa khoảng 1 đến 2 km để đánh lừa địch, nên phần nào tránh được tổn thất do quân Pháp phản pháo.
Pháo Đài Láng đã liên tục chiến đấu cho đến cuối tháng 01/1947. Trong quá trình chiến đấu, pháo đài Láng cũng bị phản pháo và hy sinh một số chiến sĩ. Đến đầu tháng 02/1947 có lệnh bắn hết đạn rồi tháo dỡ chuyển đi. Một số bộ phận nặng không chuyển được thì phá hủy tại chỗ.
Pháo Đài Láng được xây dựng trên một khu đất cao bằng phẳng rộng khoảng 1.000 m2 giữa hai thôn Láng Trung và Láng Thượng. Trận địa Láng được xây dựng với nhiệm vụ bảo vệ bầu trời Hà Nội, chống máy bay của Phát xít Nhật nên được xây dựng khá kiên cố, 4 khẩu pháo cao xạ 75 ly được gắn chặt vào 4 bệ pháo đài bằng bê tông. Các pháo đài được xây dựng ở 4 góc trận địa, mà trung tâm Sở chỉ huy, hào chiến đấu.
Từ một công trình chiến đấu kiên cố, đến nay pháo đài Láng đã bị hủy hoại hoàn toàn khi chấm dứt vai trò quân sự. Dấu tích còn lại duy nhất là nòng của khẩu pháo 75 ly, dài 3m (thân súng dài 2m, bệ súng dài 0.8m) nằm giữa những tòa nhà cao tầng của cơ quan Khí tượng thủy văn Láng. Cuối thế kỷ XX, thành phố mở rộng con đường chạy qua đây nên đã đặt tên là phố Pháo Đài Láng.
Pháo Đài Láng hiện nay nằm trong khuôn viên có hàng rào chấn song sắt bao quanh, xung quan trồng rất nhiều cây bóng mát; khu trồng cỏ và trồng hoa được xây thành từng ô nhỏ trông khá đẹp mắt. Khẩu pháo được tôn lên bục cao, đắp ụ tròn xung quanh. Trong khuôn viên của di tích có phòng truyền thống trưng bày các tài liệu, hiện vật, ảnh tư liệu liên quan đến cuộc kháng chiến toàn quốc, tiêu biểu như: Quả bom ba càng; 5 viên đạn pháo cao xạ 75mm; mã tấu là những vũ khí của tự vệ và bộ đội pháo đài đã sử dụng trong những ngày Toàn quốc kháng chiến bảo vệ Thủ đô.
Trận địa Pháo Đài Láng - nơi bắn phát súng để mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc ngày 19/12/1946 là mệnh lệnh báo hiệu cho toàn thể nhân dân Việt Nam bước vào giai đoạn lịch sử mới, đó là cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp diễn ra trên phạm vi toàn bộ đất nước. Nhân dân Hà Nội, các chiến sĩ Hà Nội là những người có vinh dự nổ phát súng đầu tiên của cuộc kháng chiến toàn quốc, họ đã bảo vệ một cách xứng đáng trong hai tháng đầu chiến đấu giữa lòng Hà Nội. Trận địa Pháo Đài Láng đã tô thêm trang sử vẻ vang của Binh chủng pháo binh Việt Nam anh hùng và nối dài thêm danh sách di tích cách mạng kháng chiến của thủ đô Hà Nội.
Sau 60 ngày đêm, Pháo Đài Láng đã cùng quân dân Hà Nội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “Giam chân quân địch ở Hà Nội, tiêu hao nhiều sinh lực địch, bảo toàn lực lượng để tạo điều kiện cho nhân dân ta chuẩn bị kháng chiến lâu dài…”.
Di tích là minh chứng cho ý chí “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của quân và dân Thủ đô Hà Nội trong những năm đầu kháng chiến, đây là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ về lòng dũng cảm, ý chí kiên cường và niềm tự hào của các thế hệ người Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.
Di tích đã được công nhận là di tích Lịch sử cấp Quốc gia năm 1993.
[1] - Phạm Văn Đôn, nguyên là pháo thủ của quân đội Pháp năm 1939, từng được đưa sang Pháp học về chỉ huy pháo binh. Khi về nước, tháng 2/1945, ông dời bỏ hàng ngũ địch về quê tham gia Việt Minh, giành chính quyền ở Ý Yên, Nam Định (tháng 8/1945), rồi ra nhập Vệ quốc đoàn ở Thành Nam.
Bản đồ
Địa điểm xung quanh