Lăng Phùng Hưng
Số 02 Giảng Võ, Cát Linh, Đống Đa, Hà Nội
0243 851 1306
Giới thiệu
Lăng Phùng Hưng có tên gọi là “Phùng Vương Cố Lăng” (nghĩa là Lăng cũ vua Phùng). Tương truyền đó là mộ của Phùng Hưng, người anh hùng cứu nước ở thế kỷ thứ VIII. Di tích tọa lạc tại ngõ 2, phố Giảng Võ, phường Cát Linh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
Phùng Hưng xuất thân từ dòng dõi đời đời làm quan lang, ông là hào trưởng đất Đường Lâm (nay là xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) - Người được nhân dân suy tôn là Bố Cái Đại Vương do có công đánh đuổi quân xâm lược nhà Đường để giành lại độc lập dân tộc.
Theo sử sách và thư tịch cũ, vào năm Tân Mùi (761), Phùng Hưng cùng các tướng là Phùng Hải, Phùng Dĩnh, Đỗ Anh Hàn…. chia làm 5 đạo quân bất ngờ vây đánh thành Tống Bình. Cao Chính Bình đã đem 4 vạn quân ra nghênh chiến. Sau 7 ngày đêm xung sát, quân giặc yếu thế phải rút vào thành cố thủ.
Nghĩa quân của Phùng Hưng thừa thắng xông lên bủa vây khắp 4 mặt thành. Thấy quân lính mình bị chết nhiều, Cao Chính Bình lo sợ ốm rồi chết. Phùng Hưng chiếm lĩnh thành trì, sau đó lên ngôi vua, trị vì điều khiển việc nước được 7 năm thì mất. Sau đó, con trai của ông là Phùng An lên nối ngôi thay cha được 2 năm thì bị vua Đường cử Triệu Xương mang quân sang đánh bại.
Sau khi ông mất, nhân dân đã lập đền thờ Phùng Hưng tại quê hương (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây ngày nay) và nhiều làng quê ở Hà Nội đã suy tôn Phùng Hưng làm Thành Hoàng làng, như: làng Hoàng Cầu, làng Giảng Võ, làng Quảng Bá, làng Triều Khúc,… Lăng mộ của ông hiện vẫn được tôn thờ tại phường Cát Linh, quận Đống Đa.
Tương truyền, lăng Phùng Hưng được xây dựng ngay sau khi ông qua đời. Trải qua thời gian và sự tác động của thiên nhiên, lăng bị xuống cấp, đã qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa. Năm 2010, khu lăng mộ Phùng Hưng được trùng tu, tôn tạo và khánh thành đúng dịp kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội với quy mô khang trang như hiện nay.
Lăng nằm ngay sát hè ngõ số 2, phố Giảng Võ, hướng mặt ra phía Tây, xung quanh có tường bao tạo sự tôn nghiêm và cung kính đối với người anh hùng dân tộc. Trước Lăng là Nghi Môn dạng tứ trụ. Đỉnh hai trụ chính trang trí bốn chim phượng chụm đuôi vào nhau tạo thành trái Dành cách điệu, dưới các ô lồng đèn đắp hổ phù. Hai trụ bên đắp đôi nghê chầu. Thân các trụ tạo mặt cắt ghi câu đối chữ Hán.
Qua Nghi Môn là bức Bình phong đắp dạng Cuốn thư, hai đầu cuộn lại, giữa có 4 chữ Hán đề: “Phùng Vương Cố Lăng”, đỉnh Cuốn thư có đôi rồng chầu vào hổ phù đội mặt trời, hai bên là hai trụ biểu, đỉnh trụ có nghê đứng chầu. Trước Bình phong đặt một Lư hương bằng đá cỡ lớn để du khách thắp hương trước khi vào trong làm lễ. Xung quanh sân được bố trí nhiều chậu cây cảnh và các cây lưu niên tạo sự gần gũi và thân thiện với thiên nhiên.
Vào bên trong là khu lăng mộ. Trước lăng xây một án thờ bằng đá, trên đặt Bát hương, Lọ hoa, Chóe và một số đồ thờ. Khu lăng mộ xây lộ thiên, được thiết kế kiểu tay ngai bằng chất liệu đá xám, hai bên thành ngai chạm rồng uốn khúc. Phần mộ xây giật cấp, trước mộ đặt hai con nghê đá đứng canh mang ý nghĩa bảo vệ sự uy nghiêm cho đức vua. Sau lăng là bức tường lửng đắp nề ngõa rồng chầu mặt trời, rồng lửa, vân mây.
Ngoài khu lăng mộ, trong di tích còn có đền thờ Bố Cái Đại Vương. Đây là công trình mới được tôn tạo vào năm 2010 nhân dịp kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Đền thờ gồm 2 gian, gian ngoài là nơi tiếp khách, bên trong thờ chính. Nhà xây gạch, bộ khung kết cấu theo cách thức cổ truyền. Cửa ra vào làm dạng “Thượng song hạ bản” trang trí rồng mây, rùa, hạc, chim phượng. Bên trong xây bục gạch cao đặt ngai và tượng của Bố Cái Đại Vương bằng đồng cùng nhiều đồ thờ khác….
Theo truyền thống từ xưa, hàng năm, cứ đến ngày sinh và ngày hóa của Ngài (13 tháng 8 và 25 tháng 12 âm lịch) nhân dân những nơi thờ Phùng Hưng lại tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm nhằm tri ân người anh hùng đã có công đánh giặc giữ nước ở thế kỷ thứ VIII. Đây là hoạt động thiết thực nhằm giáo dục cho các thế hệ nối tiếp truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm đối với Tổ quốc trong công cuộc xây dựng vào bảo vệ đất nước hiện nay.
Lăng Phùng Hưng đã được xếp hạng là tích cấp Quốc gia năm 1981.
Bản đồ
Địa điểm xung quanh
Tất cả các bài đánh giá