Gò Đống Đa và đền vua Quang Trung
276 Phố Đặng Tiến Đông, Quang Trung, Đống Đa, Hà Nội
0243 851 1306
Giới thiệu
Gò Đống Đa tọa lạc nằm ở cuối phố Tây Sơn và phố Đặng Tiến Đông, thuộc phường Quang Trung, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Xưa, đây thuộc đất làng Khương Thượng, huyện Quảng Đức, phủ Thuận Thiên, kinh thành Thăng Long.
Có nhiều giả thuyết khác nhau về nguồn gốc và sự hình thành của gò Đống Đa. Nhưng chắc chắn, quanh vùng này đã là bãi chiến trường của “xuân lửa Kỷ Dậu”, nơi Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh xâm lược. Xác giặc chết la liệt, xương cốt chôn vùi ngổn ngang thành gò, thành đống; Nơi đây cũng có nhiều cây đa cổ thụ mọc um tùm. Bởi vậy, nhân dân thường gọi những gò đống đó là “gò Đống Đa”,cái tên “gò Đống Đa” vì thế mà hình thành. Ngoài ra, Gò Đống Đa còn được gọi là “gò Trung Liệt” (tức gọi theo tên của ngôi miếu Trung Liệt xây dựng ở trên gò).
Năm 1788, vua Lê Chiêu Thống sau khi nghe Nguyễn Hữu Chỉnh chống lại nhà Tây Sơn thất bại đã chạy sang cầu cứu nhà Thanh. Vua Mãn Thanh lợi dụng tình hình trong nước rối ren, mượn cớ giúp đỡ Lê Chiêu Thống đã cho Tôn Sĩ Nghị đem 29 vạn quân chia làm 3 đạo theo đường Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang ồ ạt tiến vào Đại Việt.
Thế giặc mạnh như vũ bão, lại hung hãn, lực lượng quân Tây Sơn đóng ở Lạng Sơn không chống cự nổi. Trước tình hình đó, Ngô Thì Nhậm cùng Ngô Văn Sở quyết định tạm rút lui về Biện Sơn (Thanh Hóa) và Tam Điệp để bảo toàn lực lượng, rồi cử đô đốc Nguyễn Văn Tuyết vào Phú Xuân báo tin với Nguyễn Huệ. Ngày 22/12/1788, nhận được tin cấp báo, Nguyễn Huệ xuất quân ngay hôm sau. Để cho chính danh, trong buổi xuất quân dưới chân núi Ngự Bình (Huế), ông tuyên bố lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung. Sau bốn ngày, đạo quân của Quang Trung tiến đến Nghệ An, tuyển thêm 10 vạn quân, chiêu nạp được một số sĩ phu Bắc Hà như Nguyễn Thiếp cùng hiến kế đánh giặc. Sau khi tham vấn ý kiến của Nguyễn Thiếp: “Nếu đánh gấp thì không quá 10 ngày sẽ phá tan. Nếu trì hoãn một chút thì khó lòng mà được nó”, vua Quang Trung quyết định hành quân thần tốc. Ngày 15/1/1789, quân Tây Sơn tập kết tại Tam Điệp – Biện Sơn, hợp với quân của Ngô Văn Sở và Ngô Thì Nhậm chờ sẵn ở đó. Trước khi xuất quân, để động viên tinh thần quân sĩ, Quang Trung mở tiệc cho quân lính ăn tết trước và nói rằng: “Nay hãy ăn tết Nguyên Đán trước, sang xuân ngày mùng 7 ta sẽ vào Thăng Long mở tiệc ăn mừng, các ngươi cứ nhớ lấy lời ta nói xem có đúng hay không”. Theo kế hoạch, nghĩa quân của Quang Trung chia làm 5 đạo theo 5 mũi tiến vào Thăng Long:
Mũi chính binh đánh trực diện vào phía Nam Thăng Long do đích thân Quang Trung chỉ huy;
Mũi đột kích đo đô đốc Bảo chỉ huy qua Sơn Minh, đến Đại Áng, áp sát đồn Ngọc Hồi;
Mũi kỳ binh do đô đốc Đông bí mật theo đường Chương Đức (Chương Mỹ, Hà Nội) vượt sông Nhân Mục tấn công cứ điểm Khương Thượng tiến vào Thăng Long từ phía nam;
Mũi vu hồi đo đô đốc Tuyết chỉ huy vòng theo đường biển, tiến lên chiếm giữ Lục Đầu, uy hiếp quân địch từ phía Đông;
Mũi bao vây do đô đốc Lộc chỉ huy, vượt lên Phượng Nhãn, khóa chặt đường rút lui của địch.
Đúng 30 tết, đại quân vượt sông Gián Khẩu (sông Đáy) đánh vào cứ điểm tiền tiêu khiến địch bị bất ngờ không kịp trở tay. Mùng 3 tết đồn Ngọc Hồi bị bức hàng. Từ đêm mùng 4, rạng sáng mùng 5, năm mũi tiến công của đại quân Tây Sơn đồng loạt bất ngờ tiến vào Thăng. Mũi kỳ binh của đô đốc Đông vào căn cứ Đống Đa. Được sự hỗ trợ của nhân dân địa phương bện rơm làm “rồng lửa” uy hiếp quân giặc, nhanh chóng hạ đồn Khương Thượng, tướng giặc là Sầm Nghi Đống phải thắt cổ tự tử. Sau thắng lợi tại Đống Đa, mũi chủ lực của Quang Trung tấn công trực diện vào Ngọc Hồi với lực lượng hùng mạnh nhất: ngoài bộ binh được trang bị bạch khí, hỏa hổ, súng điểu thương…còn có sự yểm trợ của hơn 100 voi trang bị pháo dã chiến trên lưng do nữ tướng Bùi Thị Xuân chỉ huy. Quân Thanh đóng chặt cửa thành cho pháo bắn ra tới tấp, Quang Trung cho quân ghép ván, bên ngoài quấn rơm ướt làm thành 20 lớp tường di động che chắn cho bộ binh, sau nửa ngày đồn Ngọc Hồi bị tiêu diệt, các tướng giặc đều tử trận.
Rạng sáng ngày mùng 5 tết, Tôn Sĩ Nghị nghe tin Đống Đa thất thủ, Sầm Nghi Đống tự vẫn, đồn Ngọc Hồi bị hạ. Quá hoảng sợ, y không kịp mặc áo giáp lên ngựa chạy về Bắc quốc. Thấy vậy, quân giặc cũng xô đẩy nhau chạy theo, rơi xuống sông chết rất nhiều. Sau đó tàn quân chạy đến Phượng Nhãn thì gặp đạo quân của đô đốc Lộc phục sẵn xông ra chặn đánh. Đạo quân của Ô Đại Kinh ở Sơn Tây nghe tin hoảng sợ rút vội về nước.
Trưa ngày mùng 5 tết, trong bộ chiến bào sạm đen vì khói súng, Quang Trung dẫn đại binh tiến vào Thăng Long với niềm tự hào và niềm kiêu hùng dân tộc. Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mãn Thanh toàn thắng. Chỉ trong 5 ngày đêm, dưới sự lãnh đạo tài tình của vua Quang Trung, quân và dân ta đã làm nên kỳ tích đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược, đưa đất nước lên một vị thế cao chưa từng có trong lịch sử.
Sau này, với lòng khoan dung của nhân dân ta và để có bang giao chấm dứt chiến tranh, vua Quang Trung đã cho lập đền thờ Sầm Nghi Đống ngay tại gò Đống Đa.
Gò Đống Đa hiện nay gồm có các công trình: Cổng ra vào (cổng chính và cổng phụ), Nghi môn, khu vực gò Đống Đa, Tượng đài và Đền thờ Hoàng đế Quang Trung, khu trưng bày lưu niệm sự kiện trận đánh Đống Đa lịch sử.
* Cổng chính: Gồm một lối đi, nằm ngay sát vỉa hè phố Tây Sơn, hạng mục này mới được tu bổ trong vài năm gần đây. Cổng làm một tầng với bốn mái đao cong, đỉnh bờ nóc để trơn, hai đầu mái là hai con kìm cách điệu, bốn đầu đao là hình tượng rồng lá, mái lợp ngói vẩy.
* Cổng phụ: Hướng mặt ra phố Đặng Tiến Đông, cổng này được mở chủ yếu để đón khách khi vào thăm quan di tích. Cổng được xây một tầng với một lối đi dẫn vào bên trong bằng chất liệu bê tông, mái dán ngói vẩy, không có họa tiết trang trí, chủ yếu với công năng xuất nhập hanh thông phục vụ du khách khi vào chiêm bái.
* Khu vực Gò Đống Đa: Sau trận đánh ngày mùng 5 tết Kỷ Dậu (1789), khu vực Đống Đa xác giặc chết ngổn ngang khắp nơi, từ làng Nam Đồng, Khương Thượng tới làng Thịnh Quang. Vua Quang Trung đã cho thu nhặt các xác chết đem chôn vào 12 hố và chất cao thành gò. Năm 1851, do mở đường, mở chợ, nhân dân lại phát hiện thấy có nhiều hài cốt giặc, nên thu nhặt chôn vào một hố to, cạnh núi Ốc (còn gọi là Loa Sơn), rồi đắp đất cao lên liền với núi cũ và cũng được gọi là Gò Đống Đa. Sau này, khi mở rộng thành phố Hà Nội, thực dân Pháp đã bạt đi 12 gò, chỉ còn lại gò ở núi Ốc. Do đó, Gò Đống Đa hiện nay là gò thứ 13 còn sót lại, còn gọi là “Kình Nghê quán” (tức gò chôn xác giặc dữ như cá Kình, cá Nghê ngoài biển). Sự kiện này được ghi lại trong bài thơ “Loa Sơn điếu cổ”(Viếng núi Ốc) của thi sĩ đương thời Ngô Ngọc Du có chép:
Thành Nam thập nhị Kình Nghê quán
Chiếu điện anh hùng đại võ công
Nghĩa là:
Mười hai gò xác phía Nam thành
Ngời sáng chiến công bậc anh hùng
Thế kỷ XIX, kinh lược sứ Hoàng Cao Khải do có công đàn áp các cuộc khởi nghĩa của sĩ phu yêu nước nên được thực dân Pháp phong cho ấp Thái Hà. Hắn đã cho phá bỏ đền thờ Sầm Nghi Đống và di dời miếu Trung Liệt (vốn được xây dựng từ năm Chính Hòa thứ 6 (1685) từ thôn Văn Tân (cạnh khu vực Văn Miếu) về gò Đống Đa. Trong miếu thờ các vị trung thần, liệt quốc như: Lê Lai, Tổng đốc Thành Hà Nội Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Lâm, Tổng đốc Hoàng Diệu, Trương Quốc Dụng, Đoàn Thọ, Nguyễn Cao, Trương Đăng Quế. Từ năm1946, miếu thờ thêm vua Quang Trung). Tuy nhiên, hiện nay, ngôi miếu không còn, chỉ còn lại duy nhất hạng mục cổng miếu, mang đậm dấu ấn thời Nguyễn. Cổng được xây dựng theo kiểu cổng thành gồm vọng lâu 3 tầng để quan sát hướng xuống phía dưới. Tầng trên cùng với bốn mái đao cong giả ống và hai con kìm ở hai đầu bờ nóc. Chính giữa là những chấn song con tiện để tạo sự thông thoáng và có chức năng như vọng gác tiền tiêu. Tầng dưới cùng nằm lưng chừng gò gồm một lối đi chính cuốn hình vòm, phía trên là ba chữ đại tự “Trung Liệt Miếu” (Miếu Trung Liệt), hai bên đắp đôi câu đối chữ Hán:
Thử thành quách, thử giang san, bách chiến phong trần dư xích địa
Vị nhật tinh, vị hà nhạc, thập niên tâm sự cộng thanh thiên
Tạm dịch:
Ấy thành quách, ấy núi sông, trăm trận phong trần có dư trong thước đất
Vì trời đất, vì sông núi, nỗi niềm mười năm chỉ biết bày tỏ với trời xanh
Gò là hạng mục nổi bật giữa không gian của di tích này. Từ cổng miếu bước lên những bậc dật cấp cao dần là tới đỉnh gò. Gò có diện tích khá lớn, xung quanh được bó vỉa cao ba lớp bằng đá xanh, phần thân và đỉnh gò là những cây cổ thụ và cây lưu niên đan cài. Đây là hạng mục gốc và có giá trị đặc biệt của di tích này. Mặt sau của gò cũng được tạo bởi các bậc thềm đá dẫn lên phía trên, tạo thành lối đi theo kiểu chữ “chi”. Đặc biệt tại đây còn các bậc đá xếp lớp từ các chân tảng, dấu tích của ngôi miếu cổ.
Nghi Môn: Là hạng mục mới được tu bổ, làm bằng chất liệu đá nhám, nằm hơi chếch hướng mặt phố Đặng Tiến Đông. Nghi môn gồm bốn trụ: hai trụ chính xây to và cao hơn, đỉnh trụ đắp chái giành cách điệu, phần dưới trang trí tứ linh, tứ quí. Hai trụ bên, chất liệu, kiểu thức, sắc thái giống hai trụ giữa nhưng có kích thước và tiết diện nhỏ hơn.
Tượng đài Quang Trung: Được xây dựng bên cạnh gò Đống Đa vào dịp kỷ niệm 200 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Công trình này trông rất đồ sộ, mở lối chính hướng ra mặt phố Đặng Tiến Đông. Hai bên phía sau tượng đài là hai bức phù điêu. Bức bên phải dài 30m, cao 4,5m, diện tích 135m2; Bức bên trái dài 17m, cao 4,5m, diện tích 77,4m2, mô tả trận đánh của quân và dân ta dưới sự chỉ huy tài tình của Quang Trung tấn công thần tốc vào giải phóng kinh thành Thăng Long. Phù điêu làm bằng chất liệu đá trắng chạm nổi, đường nét tinh xảo, chân thực và sống động, diễn tả những bước tiến công thần tốc, công phá hạ các đồn của quân Thanh ở Hà Hồi, Ngọc Hồi, Khương Thượng, Đống Đa với những hình ảnh người, ngựa, voi chiến, hỏa đồng và những đoàn người. Mặt sau của hai bức phù điêu được ốp đá hoa cương, có ghi lời hịch của vua Quang Trung, sơ đồ các trận đánh, ngọc tỷ đề bốn chữ Hán “Sắc mệnh chi bảo”...
Từ Nghi Môn bước qua khoảng sân rộng, hai bên là hệ thống cây lưu niên là tới tượng Quang Trung - Nguyễn Huệ. Tượng được tạc dưới dạng một vị tướng, lưng đeo gươm, đầu chít khăn, mình vận áo thắt đai lưng, tay chạm hờ vào đốc kiếm. Tượng tạc cân phân, khuôn mặt quắc thước, mắt sáng, mũi cao, ngực nở, bắp tay cuồn cuộn. Tượng cao 14,65m làm bằng chất liệu bê tông cốt thép nặng 200 tấn, được ốp đá hoa cương và phun vảy đồng. Phía dưới chân tượng là lư hương đồng và một sân khấu rộng lát đá hoa cương và các đường băng, thảm cỏ và cây xanh.
Đền thờ vua Quang Trung: Đây là hạng mục nổi trội nhất nằm sau tượng đài, tôn lên vẻ uy nghi lộng lẫy cho di tích. Ngôi đền mới được xây dựng năm 2010, nhân kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội với hai tầng công năng: Tầng trên là đền thờ làm theo phong cách kiến trúc truyền thống hai tầng mái; Tầng dưới sử dụng làm phòng trưng bày các hiện vật, các bức ảnh diễn tả cuộc tiến công thần tốc của nghĩa quân Tây Sơn.
Tầng trên của ngôi đền làm theo kiến trúc truyền thống 2 tầng 8 mái đao cong thắt cổ diêm mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn, gồm hai hạng mục Đại Bái và Hậu Cung.
Tòa Đại Bái: gồm 3 gian, 2 chái, làm kiểu chồng diêm hai tầng 8 mái, bờ nóc để trơn, chỉ có hai đầu bờ nóc gắn hai con kìm lá cách điệu đuôi xoắn. Ngăn cách giữa tầng mái trên và tầng mái dưới là phần cổ diêm đóng ván đố lụa ở bốn mặt. Ba gian giữa phía trước đặt những chấn song con tiện và bức hoành đề “Điện thờ Hoàng đế Quang Trung”. Tầng dưới quây gạch ba mặt, mặt trước hai gian hồi trổ cửa sổ tròn hình chữ “Thọ” cách điệu để lấy ánh sáng, 3 gian giữa để cửa bức bàn “thượng song hạ bản”. Toàn bộ tường hiên xung quanh được quây bởi lan can và trụ đá lửng, trang trí hoa văn theo đề tài truyền thống với nét chạm sắc nét, tinh tường.
Vào bên trong là các bộ vì đỡ mái làm theo hai dạng cách: Bốn vì giữa làm theo kiểu“Thượng giá chiêng chồng rường, trung bán giá chiêng chồng rường, hạ kẻ bẩy” trên sáu hàng chân cột, hai bộ vì của hai chái làm theo kiểu “Thượng chồng rường, trung bán giá chiêng chồng rường, kẻ xó, hạ kẻ bẩy”.Tại đây bài trí 3 ban thờ: Giữa là Ban Công đồng; hai bên thờ Quan võ và Quan văn nhưng quy mô nhỏ và giản lược hơn.
Hậu Cung là hạng mục nằm song song với Đại Bái, được ngăn cách bởi khoảng nền sân lọng nhỏ. Hậu cung được làm biến thể hai tầng mái kiểu điện Thánh chùa Bối Khê (thôn Song Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai) nhưng giản lược hơn. Hệ thống các đấu củng được thay bằng các con sơn và tay co, tám đầu đao uốn cong như đang bay vút lên nền trời, trang trí giống ở phần Đại bái.
Mái Hậu Cung là loại ngói vẩy, phần cổ diêm trang trí chấn song con tiện ở bốn mặt, tầng dưới quây kín bằng ván đố lụa cùng hệ thống kẻ hiên đua ra gối lên các cột hiên. Trong cung bài trí 3 ban thờ: Ban thờ giữa thờ Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ; Ban bên hữu thờ Thân phụ và Thân mẫu vua Quang Trung; Ban bên tả thờ Bắc cung Hoàng hậu Ngọc Hân Công Chúa.
Phòng trưng bày tại tầng dưới có tổng diện tích 100m2. Bên ngoài cửa nhà trưng bày là hai khẩu súng thần công (mô phỏng). Ngay sau cửa vào là bộ Bát Xà Mâu, phía sau là sa bàn trận đánh Ngọc Hồi - Đống Đa; bên phải là tượng vua Quang Trung được làm bằng thạch cao, bên trái là tượng Đô đốc Long cạnh dàn cồng chiêng Tây Nguyên. Sát tường bên phải của nhà trưng bày gồm ảnh vườn trầu, ấp Tây Sơn Nhất, điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt, Gò Lăng...Tiếp đó là phả đồ họ Hồ, phía dưới là tấm bia Mộ Tổ phục chế. Sau là mô hình thuyền Đại Hiệu - một loại thuyền chiến cỡ lớn có trang bị hoả lực mạnh của quân Tây Sơn.
Phía bên trái của nhà trưng bày là một số loại vũ khí thời Tây Sơn như súng thần công, kiếm của nữ tướng Bùi Thị Xuân, một số bút tích chiếu chỉ, lệnh chỉ của vua Quang Trung. Ngoài ra nhà trưng bày còn lưu giữ một số hiện vật như tảng đá ong dùng để xây thành Hoàng Đế năm 1778, tảng đá cột đình làng Kiên Mỹ - quê hương Tây Sơn tam kiệt. Đây là nơi lưu giữ những chứng tích quan trọng nhất của phong trào Tây Sơn tại kinh thành Thăng Long.
Di tích gò Đống Đa – nơi ghi dấu chiến công vang dội nhất của nhân dân ta ở thế kỷ XVIII - một trong những trận quyết chiến, chiến lược đã đi vào lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc ta. Khu di tích được xem là biểu tượng chiến thắng của nghĩa quân Tây Sơn, là minh chứng cho tinh thần yêu nước, đoàn kết, dũng cảm và khát vọng hòa bình của mỗi người dân Việt Nam. Đến với Gò Đống Đa hôm nay, chúng ta càng thêm tôn kính người anh hùng Quang Trung – Nguyễn Huệ và trân quí những giá trị của hòa bình - độc lập - tự do.
Ngày 24/12/2018, Gò Đống Đa đã được Thủ tưởng chính phủ ra quyết định công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt.
Bản đồ
Địa điểm xung quanh
Tất cả các bài đánh giá