Chùa Ngọc Hồ
Số 128 Phố Nguyễn Khuyến, Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
0243 851 1306
Giới thiệu
Chùa có tên chữ là "Ngọc Hồ tự", ngoài ra chùa còn được gọi theo tên Nôm là “chùa Bà Ngô” (để ghi công đức người phụ nữ đã có công xây dựng ngôi chùa). Hiện chùa tọa lạc tại số 128, phố Nguyễn Khuyến, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
Chưa rõ chùa khởi dựng vào năm nào. Theo sách “Thăng Long Cổ Tích Khảo” thì chùa Ngọc Hồ được xây dựng vào đời vua Lý Thần Tông, năm 1128. Sách này cho biết: nguyên xưa, trước Tam Quan chùa có gò đất hình hồ rượu, dưới gò có giếng nước thiên nhiên trong mát, cho nên lấy tên chùa là “Ngọc Hồ”. Còn theo tấm Bia: “Ngọc Hồ tự công đức bi”, dựng năm Bảo Đại thứ 10 (1935) thì chùa này được dựng vào thời Lê Thánh Tông (1460-1497), khi đó có người phụ nữ là “Bà Ngô” phát tâm công đức, bỏ tiền để xây dựng ngôi chùa. Để ghi nhớ công ơn bà, nhân dân địa phương lấy tên “Bà Ngô” để đặt tên cho chùa từ đó.
Trong truyện “Bích Câu kỳ ngộ” của Đoàn Thị Điểm chùa Bà Ngô còn được gắn với câu chuyện ly kỳ của vua Lê Thánh Tông (1460-1497) từng gặp Tiên nữ tại đây. Tương truyền, một lần khi vua đến thăm trường Quốc Tử Giám, lúc đi qua chùa đã nghe thấy tiếng một ni cô đang tụng kinh niệm Phật. Đến khi trở về, nhà vua đã ghé thăm chùa và gặp ni cô. Vua cùng ni cô bình thơ, ngâm vịnh... Thánh Tông rất tán thưởng mời cô gái về cung. Nhưng đến cửa thành, ni cô liền biến mất. Vua cho là Tiên nữ nên sai dựng một toà lầu ở nơi đó, gọi là Lầu Vọng Tiên (nghĩa là lầu trông ngóng Tiên) ở trước cửa Đại Hưng. Sau này, khi vua Gia Long cho xây lại thành Thăng Long, lầu này bị dỡ bỏ và chuyển tới địa phận thôn Bắc Hạ, sau đổi thành đền (tức đền Vọng Tiên, ở 12b phố Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm hiện nay).
Cũng để ghi lại cuộc ngự du và gặp Tiên của vua Lê Thánh Tông, một ngôi đền thờ Lê Thánh Tông đã được dựng ngay sát chùa, nằm trong cùng kiến trúc. Có thể nói đây là một ngôi chùa cổ ở kinh đô thể hiện được khía cạnh khá đặc biệt của đạo Phật nước ta, đó là tư tưởng giải thoát mọi sự phiền não của đạo Phật kết hợp với hướng siêu thoát của đạo Tiên (một biến thể của đạo Lão) nhằm đạt tới cuộc sống thanh tao, gạt mọi danh lợi tầm thường nơi trần thế.
Trải bao thăng trầm của lịch sử, chùa Ngọc Hồ được trùng tu, sửa chữa vào các năm: 1863, 1864, 1865... Thời kỳ Bảo Đại, chùa được sửa chữa lớn. Đôi câu đối tại chùa đã ghi lại lần sửa chữa này:
"Bất ký Ngô bà tu lý nguyệt
Đản tri Bảo Đại khánh thành niên".
Tạm dịch:
Không nhớ tháng Bà Ngô sửa chữa
Chỉ biết năm Bảo Đại khánh thành
Chùa Bà Ngô nằm ngay sát hè phố Nguyễn Khuyến, cách khu Văn Miếu – Quốc Tử Giám và chùa Bà Nành chừng vài chục mét. Các hạng mục kiến trúc hiện nay gồm: Tam Quan, Tiền Đường, Thượng Điện, nhà Tổ, nhà Mẫu, đền thờ vua Lê Thánh Tông và các công trình phụ trợ khác.
Tam Quan chùa là một kiến trúc rất đồ sộ, có hình thức nửa Nghi Môn, nửa Tam Quan với 3 cổng xây cuốn vòm dạng chồng diêm hai tầng 8 mái đao cong. Cổng chính lợp ngói ta, tầng trên để trống 4 phía, bên trong treo chuông đồng đúc năm Thành Thái thứ 2 (1887) với dòng chữ "Ngọc Hồ tự chung". Hai cổng phụ lợp giả ngói ống, bên dưới đắp chữ Hán "Ngọc Hồ tự" và "Ngọc Hồ từ". Hai bên Tam Quan là hai trụ biểu xây cao vượt hẳn lên, đỉnh đắp trái Dành cách điệu, thân trụ đắp câu đối chữ Hán.
Kiến trúc chính của chùa được kết cấu dạng chữ “Đinh”, gồm tòa Tiền Đường và Thượng Điện.
Tiền Đường gồm 5 gian, 2 dĩ xây tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta. Chính giữa bờ nóc đắp 3 chữ Hán "Ngọc Hồ tự". Sát hai hồi hiên xây 2 trụ biểu khá cao, đỉnh trụ đắp hai con nghê chầu vào nhau. Dưới là phần lồng đèn, thân trụ đắp nổi câu đối chữ Hán.
Khác với nhiều ngôi chùa cổ, chùa Ngọc Hồ có phần mái hiên làm dạng mái vòm để mở rộng không gian bằng một vì vỏ cua. Đây là kiểu kiến trúc rất hiếm ở ngoài Bắc theo kiểu Nhà Kèn. Lối kiến trúc này chủ yếu ở Hội An. Các bộ vì đỡ mái bên trong theo kiểu “Thượng giá chiêng hạ kẻ ngồi” kết hợp ván mê, cốn mê, chạm khắc hổ phù, lá lật để tạo sự thanh thoát cho kiến trúc.
Tòa Thượng Điện gồm 4 gian ở phía sau. Kết cấu các bộ vì theo kiểu “Thượng giá chiêng, hạ kẻ ngồi” trên mặt bằng hai hàng chân cột. Sát tường hậu xây các bục gạch làm nơi bài trí các lớp tượng Phật. Dọc hai sườn Phật điện bài trí bộ tượng Thập Điện Diêm Vương.
Nhà Tổ gồm 7 gian, 2 dĩ, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta. Bộ khung kết cấu kiểu “Kèo cầu quá giang cột trốn”. Đây là nơi thờ Đức Bồ Đề Đạt Ma và các vị sư trụ trì chùa đã quá cố.
Khu nhà Mẫu và đền thờ Lê Thánh Tông nằm song song nhau tạo thành kiểu chữ “Nhị”, mỗi nếp nhà gồm 3 gian. Nếp nhà ngoài là đền thờ vua Lê Thánh Tông cùng vua cha Ngọc Hoàng, Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Yết Kiêu, Dã Tượng. Nếp nhà bên trong thờ Tam Toà Thánh Mẫu, mẫu Liễu Hạnh và các vị thần trong tín ngưỡng thờ Mẫu.
Chùa Ngọc Hồ còn bảo lưu được hệ thống di vật đa dạng, phong phú, gồm: 35 pho Tượng tròn, 03 quả Chuông đồng, 16 tấm Bia đá cùng rất nhiều Hoành phi, Cửa võng, Y môn, Câu đối… mang niên đại nghệ thuật thế kỷ XIX-XX với nội dung ca ngợi cảnh đẹp ngôi chùa, ca ngợi đạo phật và ghi chép quá trình trùng tu, tôn tạo… cũng như nhiều khía cạnh khác nhau của đời sống xã hội đương thời.
Nằm trong vùng đất đậm đặc các di tích lịch sử - văn hóa, như: Văn Miếu – Quốc Tử Giám, chùa Tiên Phúc, chùa Phổ Giác, Y Miếu Thăng Long, Bích Câu Đạo Quán, đền Sòng Sơn… chùa Ngọc Hồ đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với những du khách muốn tìm hiểu về vùng đất của đạo Nho – Phật – Lão cũng như sự đa dạng của các loại hình di tích tôn giáo – tín ngưỡng trong đời sống xã hội đương đại.
Chùa Ngọc Hồ đã được xếp hạng là di tích cấp Quốc gia năm 1993.
Bản đồ
Địa điểm xung quanh