Chùa Láng
Chùa Láng, Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội
0243 851 1306
Giới thiệu
Chùa Láng tọa lạc tại phường Láng Thượng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Đây nguyên là đất Trại An Lãng thuộc tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức thời Nguyễn.
Tên chữ của chùa là “Chiêu Thiền Tự”. Giải thích tên gọi này, tấm bia “Chiêu Thiền Tự tạo lệ bi”, niên hiệu Thịnh Đức 4 (1656) hiện còn lưu tại chùa có ghi:“Vì có điềm tốt rõ rệt, nên gọi là “Chiêu”. Đây là nơi sinh ra Thiền sư Từ Đạo Hạnh nên gọi làThiền”[1], song nhân dân địa phương vẫn quen gọi theo tên nôm danh xưng là chùa Láng. Ngoài ra, chùa còn có tên là chùa Cả.
Chùa Láng được dựng trên một thế đất đẹp với nhiều cây cổ thụ rợp mát, phong cảnh u tịch, thâm nghiêm, từ xa xưa đây được mệnh danh là “Đệ nhất tùng lâm” (tức rừng thông cổ nhất ở kinh thành Thăng Long). Theo bài minh trong bia “Chiêu Thiền tự tạo lệ bi”, do Tiến sĩ Nguyễn Văn Trạc soạn năm Thịnh Đức thứ 4 (1656) đã mô tả cảnh đẹp của ngôi chùa như sau: “Thật là danh lam bậc nhất thế gian, không chùa nào sánh kịp, khí tốt Phượng Thành bên hữu tỏa khắp, dòng Tô Lịch bên tả lượn vòng. Nhĩ Hà nghìn rặm quanh Kinh đô uốn khúc như rồng xanh lớp lớp chầu về. Tản Viên dãy núi đầy thế đẹp hướng vào, như hổ trắng đàn đàn đến họp…”
Cũng theo bia Tạo Lệ, chùa được xây dựng từ thời Lý Anh Tông (1138-1175). Ngoài thờ Phật, chùa còn thờ vị Thiền sư nổi tiếng Từ Đạo Hạnh và vua Lý Thần Tông. Sự tích về Từ Đạo Hạnh được ghi chép và truyền tụng rộng rãi trong dân gian, qua thần tích và các truyền thuyết về Ngài, đặc biệt là hai tác phẩm Lĩnh Nam Chích Quái và Thiền Uyển Tập Anh. Các tài liệu này cho rằng: Từ Đạo Hạnh vốn sinh ra ở đây, rồi tu luyện đắc đạo, hóa thân ở chùa Thầy (chùa Phật Tích - Quốc Oai - Hà Nội). Ông từng sang Tây Thiên học phép thuật, biết cưỡi mây, đạp nước, bay lên trời, chui xuống đất, kì diệu khôn lường. Sau khi Từ Đạo Hạnh lên núi Sài Sơn tu luyện, đầu thai vào làm con trai của Sùng Hiền Hầu, em ruột vua Lý Nhân Tông. Do vua không có con nên truyền ngôi cho người con trai của Sùng Hiền Hầu, tức vua Lý Thần Tông (1128-1138). Vì vậy, người con của vua Lý Thần Tông sau này là Lý Anh Tông (1138-1175) đã cho xây dựng chùa Chiêu Thiền để thờ vua cha và tiền thân của ông là Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Sách Thiền Uyển Tập Anh cho biết thêm: Từ Đạo Hạnh là vị danh sư nổi tiếng đương thời, ông trở thành vị tổ thứ 12 của thiền phái Tỳ - Ni - Đa - Lưu - Chi. Ông đã đào tạo nên nhiều nhà sư xuất sắc, tiêu biểu như Quốc sư Nguyễn Minh Không sau này.
Trải qua các triều đại, chùa Láng được sửa chữa nhiều lần vào các năm: Thịnh Đức 4 (1656), năm Cảnh Trị 4 (1666), Tự Đức 22 (1869), Thành Thái 13 (1901)… diện mạo của ngôi chùa đã thay đổi nhiều, song ngôi chùa vẫn giữ nguyên ở vị trí cũ với nét cổ kính của một danh thắng bậc nhất phía Tây thành Thăng Long.
Khuôn viên của chùa khá rộng, gồm quần thể các công trình kiến trúc được bố cục trên một trục chính đạo. Từ ngoài vào phải đi qua ba lớp cổng, khu sân chùa lát gạch Bát Tràng cổ, giữa sân có nhà Bát Giác, hai bên là hai dãy Dải Vũ song song. Kiến trúc chính của chùa được làm theo kiểu “Nội công ngoại quốc” gồm tòa Tiền Đường, Phương Đình, Trung Đường, Thiêu Hương, Thượng Điện. Hai bên Thượng điện có hai dãy Hành Lang, phía sau có nhà Chuông, nhà Khánh, khu thờ Mẫu, thờ Tổ, Tả - Hữu Mạc…và khu vườn Tháp ở phía sau chùa.
Mở đầu kiến trúc là Tam Quan Ngoại có dạng thức một Nghi Môn được giới nghiên cứu cho rằng kiểu thức nghi môn chùa Láng có tính chất nghi môn của cung vua phủ chúa thời Lê Trung Hưng (1533-1789) với 4 trụ cột vuông to và ba mái nhỏ uốn cong gắn vào sườn cột, mái giữa cao hơn hai mái bên tạo cho kiến trúc uyển chuyển, mềm mại. Giữa cổng có bức hoành phi đề 4 chữ “Thiền Thiên Khải Thánh” (Trời thiền sinh Thánh), bên phải đề “Tuệ Nhật”, bên trái đề “Từ Vân”, bên dưới có đôi voi phục. Tam quan này được coi là dạng thức mẫu cho các công trình văn hóa khác trùng tu sau này như cổng đền Voi Phục, cổng đình Kim Liên (Hà Nội) và ít nhiều gắn với ngôi đền (thờ Từ Đạo Hạnh).
Tam Quan Nội là nếp nhà ngang 3 gian, xây kiểu chồng diêm hai tầng 4 mái ngói mở ra không gian thoáng đãng. Chính giữa bờ nóc đắp mặt trời lửa, ngăn giữa mái trên và mái dưới đắp đề tài “Lã Vọng câu cá”, bát bửu, người ngựa, phía dưới mở 3 cửa ra vào. Bộ khung kết cấu dạng “Thượng chồng rường giá chiêng, hạ kẻ bẩy”.
Sau Tam Quan Nội là con đường gạch rộng dẫn vào cổng trong cùng, hai bên đường xây tường lửng và hai hàng muỗm trăm tuổi tỏa bóng xuống bên đường. Sau lớp cổng này là sân rộng, hai bên có hai dãy Dải Vũ, mỗi dãy gồm 9 gian. Trước đây, giữa sân chùa xây một bệ đá to để dùng trong ngày lễ hội; sau này, nhân dân địa phương đã dựng ngôi nhà Bát Giác bao quanh.
Nhà Bát giác hay còn gọi lànhà Bảo Cái. Đây là nơi đặt kiệu Thánh vào trước ngày hội, nhà xây bằng gạch cổ nung già, để trần ở 8 cạnh, mái lợp kiểu mái chồng, 2 tầng, 16 mái được lợp ngói vẩy với những đầu đao cong vút, uốn lượn rất thanh thoát. Đỉnh nóc được đắp hoạ tiết 4 con phượng đang múa với đường nét mềm mại. Tầng mái bên trên đắp 8 con rồng cuộn, đây là công trình nghệ thuật khá độc đáo, tạo nên điểm nhấn cho khu kiến trúc chùa Láng.
Tòa Tiền Đường có qui mô rộng lớn, gồm 9 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, mái lợp ngói ta, kiểu chồng diêm hai tầng 4 mái. Đỡ mái thượng là các bộ vì kết cấu theo kiểu “thượng chồng rường giá chiêng, hạ kẻ”, hai mái hạ làm kẻ cong dài. Trang trí ở hạng mục này khá phong phú, đa dạng trên các đầu dư, kẻ, con rường, cốn nách với các đề tài hổ phù, rồng, long mã, chim phượng, tứ quý… mang đặc trưng nghệ thuật thế kỷ XIX.
Tòa Trung Đường có kích thước tương đương với tòa Tiền Đường. Nối hai tòa nhà này được thông qua một Phương Đình nhỏ kiểu 4 mái đao cong. Đề tài trang trí tại Trung Đường giống với tòa Tiền Đường về phong cách và niên đại nghệ thuật. Riêng gian giữa hiện còn mảng chạm rồng phượng mang đặc trưng của phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê thế kỷ XVIII.
Thiêu Hương là nếp nhà dọc gồm 2 gian ở phía sau. Kết cấu bộ khung gồm 3 bộ vì kèo cầu đơn giản, hai bên xây tường bao.
Thượng Điện là nếp nhà ngang 3 gian song song với Trung Đường, xây kiểu tường hồi bít đốc, bộ khung có kết cấu kiểu chồng rường. Phần trang trí tập trung trên các đầu dư được chạm đầu rồng mang đặc trưng của phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII-XVIII.
Hai dãy Hành Lang nối Thượng Điện với khu nhà Tổ, kết cấu theo kiểu kèo cầu quá giang, mặt trước để trống, mặt sau xây tường bao. Đây nơi đặt 18 vị La Hán (còn gọi là 18 vị Tổ Truyền Đăng).
Phía sau chùa chính gồm các công trình: Nhà Chuông, Nhà Khánh đều được thiết kế theo kiểu hai tầng 8 mái đao cong, bên trong treo chuông và khánh cổ. Khu nhà Tổ có qui mô khá rộng, gồm 2 nếp nhà song song nhau, mỗi nếp 7 gian tạo thành kiểu chữ “nhị”. Nếp nhà ngoài làm nơi thờ Tổ, nếp nhà bên trong thờ Mẫu; hai bên nhà Tổ lại xây hai dãy Tả - Hữu mạc, mỗi bên 5 gian. Dãy nhà bên phải dùng làm nơi gửi hậu, và đặt những tấm bia ghi tên họ của những người được cúng giỗ hậu; dãy bên trái là nơi ở của nhà sư trụ trì. Sau chùa, chếch về phía bên phải là khu vườn tháp – nơi yên nghỉ của các vị sư đã viên tịch, bên trái là giếng chùa. Những công trình này đã góp phần tô điểm cho di tích chùa Láng trở nên thanh tịnh và trầm mặc của một ngôi chùa có niên đại khởi dựng tới hàng ngàn năm tuổi.
Tương ứng với qui mô kiến trúc, hiện vật của di tích vô cùng phong phú và đa dạng, gồm văn bia, minh chuông, khánh, hoành phi, câu đối, cửa võng, sắc phong, tượng thờ…phản ánh quá trình tồn tại và phát triển của di tích qua từng thời kỳ lịch sử khác nhau.
Với đặc điểm của ngôi chùa “Tiền Phật Hậu Thánh”, các hiện vật trong chùa cũng đa dạng, phong phú, phản ánh khá đậm nét nội dung và tính chất thờ cúng của di tích. Với tổng số 198 pho tượng Phật lớn nhỏ được sắp xếp theo qui định của một ngôi chùa Việt cổ, chùa Láng như một bảo tàng mỹ thuật với đầy đủ các bộ tượng được tạo tác đẹp, chau chuốt như bộ tượng: Tam Thế Phật, Quan Âm Chuẩn Đề, A Di Đà, Ngọc Hoàng – Kim Đồng - Ngọc Nữ, An Nan, Ca Diếp, Di Lặc, Tuyết Sơn, Cửu Long … đạt tính chuẩn mực cao, có niên đại nghệ thuật thế kỷ XIX. Bên cạnh đó, các tượng đắp bằng đất như: Tứ Thiên Vương, Bát Bộ Kim Cương, Khuyến Thiện – Trừng Ác với dáng vẻ uy nghi, oai vệ thể hiện đầy quyền năng bảo vệ Phật pháp. Đặc biệt trong chùa còn có hai ban Tây Thập Điện Sơn Trang Động và ban Đông Thập Điện Sơn Trang động được thiết kế sát hai hồi tòa Trung Đường cao gần tới gần nóc nhà. Mật điện đắp bằng vữa và đất, hình vách đá với tảng mây, bên trong có các lớp tượng Chư Phật, A Di Đà, Ngọc Hoàng Thượng Đế, các vị Thiên thần - Nhân gian và Địa ngục. Tuy có niên đại ra đời vào khoảng đầu thế kỷ XX, song đây vẫn là một trong những động Thập Điện khá đẹp hiện còn trong các ngôi chùa cổ ở Hà Nội.
Hệ thống tượng La Hán ở hai bên Hành Lang chùa được thể hiện với những biểu hiện và trạng thái khác nhau: nét hỉ xả, từ bi, sự đăm chiêu, vương vấn giữa đạo và đời; tượng Tổ mang tính chân dung cao, tượng Mẫu đầy nét dân dã vui tươi…đều được người nghệ nhân gửi gắm qua từng tác phẩm, tạo nên một thế giới Phật pháp đa đạng, phong phú đầy màu sắc, phản ánh tâm tư của từng nhân vật cũng như nhiều khía cạnh khác nhau của đời sống xã hội đương thời.
Ngoài tượng Phật, tính chất “đền thờ” thể hiện khá đậm nét thông qua hệ thống di vật liên quan đến “Đức Thánh Láng”. Đó là hai pho tượng Thiền sư Từ Đạo Hạnh làm bằng mây cuộn được phủ sơn thếp một trong những kiệt tác hiếm thấy ở Việt Nam và tượng Lý Thần Tông bằng gỗ đặt ngồi trong khám được tạo tác ở thế kỷ XIX cùng nhiều đồ thờ khác như: Hạc, Long Ngai, Kiệu Long Đình, Kiệu Bát Cống, Chấp Kích, Giá Kiếm,…được tạo tác đẹp, mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII-XIX đã góp phần tạo cho di tích chùa Láng trở nên đặc biệt và độc đáo so với những ngôi chùa trong vùng.
Đáng lưu tâm, chùa còn lưu giữ được12 đạo sắc phong cho Thiền sư Từ Đạo Hạnh và vua Lý Thần Tông (trong đó có 3 sắc thời Hậu Lê, một sắc thời Tây Sơn, 8 sắc thời Nguyễn) cùng 15 tấm bia đá, chuông đồng, khánh đồng, hoành phi, cuốn thư, câu đối… niên đại trải dài từ thời Lê đến thời Nguyễn. Trong những tư liệu này, đáng quan tâm là tấm bia: “Chiêu Thiền Tự Tạo Lệ Bi”, ngoài giá trị về mặt điêu khắc, nghệ thuật, đây còn là tư liệu lịch sử quan trọng, giúp cho việc tìm hiểu lịch sử ngôi chùa, thân thế, sự tích đức Thánh Từ Đạo Hạnh, những lần trùng tu, tôn tạo, qui định về các ngày tuần tiết, sóc vọng… Với những giá trị đó mà Tấm bia đã được chọn là một trong 63 văn bia tiêu biểu được tuyển chọn in trong cuốn sách “Tuyển tập văn bia Hà Nội”do nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản năm 1978.
Từ xưa đến nay, chùa Láng vẫn được coi là trung tâm của hệ thống di tích liên quan đến Thiền sư Từ Đạo Hạnh, như: chùa Nền tương truyền chính là nhà của Từ Đạo Hạnh. Chùa Hoa Lăng (xưa còn gọi Ba Lăng) là nơi thờ Thân Mẫu của Ngài, chùa Tam Huyền nơi thờ Thân Phụ của Ngài, chùa Thầy (nơi tu hành đắc đạo của Thiền sư Từ Đạo Hạnh), chùa Thưa...
Chùa Láng đã đi vào lịch sử như một niềm tự hào của văn hóa dân tộc. Sự hiện diện của ngôi chùa là bằng chứng khẳng định giá trị trường tồn của di tích ở vùng đất phía Tây kinh thành Thăng Long, về sự dung hòa giữa tín ngưỡng bản địa và Phật giáo, về dấu ấn độc đáo của những ngôi chùa dạng “Tiền Phật Hậu Thánh” trong lịch sử Phật giáo Việt nam dưới thời nhà Lý. Ngôi chùa từng là nơi hội tụ các công trình nghiên cứu về lịch sử Phật giáo, kiến trúc, điêu khắc, mỹ thuật… của nhiều học giả trong và ngoài nước. Với những giá trị của di tích, chùa Láng đã được xếp hạng là di tích cấp Quốc gia ngày 28/4/1962.
[1] - Theo bia Chiêu Thiền tự tạo lệ bi
Bản đồ
Địa điểm xung quanh