Đình Khương Thượng
165 phố Khương Thượng, quận Đống Đa
0243 851 1306
Giới thiệu
Đình Khương Thượng tọa lạc tại số nhà 165, phố Khương Thượng, phường Khương Thượng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Thời Lê, di tích thuộc đất huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín. Đến thời Nguyễn, Khương Thượng thuộc tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội.
Đình thờ Thần Hoàng làng là một Thiên thần, tước hiệu: Phổ Hoá Hoằng Tĩnh Chiêu Cảm Đại Vương, nhân dân gọi là Thần Quy Động (tức gò Rùa). Câu chuyện về thần Quy Động được dân làng truyền rằng: Xưa kia, người trong làng thường bị ốm đau, bệnh tật. Một đêm trên gò Rùa thấy phát hào quang sáng rực, làng bèn lập miếu thờ. Từ đó, nhân dân mới được yên ổn, thịnh vượng.
Đời Cao Biền nhà Đường sang cai trị nước ta đã phong cho thần là Phổ Hóa Hoằng Tĩnh Chiêu Cảm Đại Vương. Khi vua Lý Thái Tổ đắp thành Đại La, một đêm đã ngự giá vào miếu Ngài, được Thần báo mộng nên mới đắp xong Thành. Thời nhà Lê, trong nước giặc đã nổi lên quấy phá, nhà vua đã xa giá tới miếu Quy Sơn để mật trình, nhờ thế mà dẹp yên được giặc. Vua Lê bèn ban cấp cho làng Khương Thượng 7 mẫu ruộng công điền để hương khói.
Chưa rõ đình được xây dựng từ bao giờ. Tương truyền, ban đầu nơi này chỉ là ngôi miếu nhỏ bằng tranh tre gọi là miếu Quy Sơn. Thế kỷ XVII, khi kiến trúc đình làng phát triển, từ chức năng của ngôi miếu được chuyển hóa thành ngôi đình làng. Trong trận Đống Đa lịch sử vào mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789), đình Khương Thượng đã bị thiêu trụi hoàn toàn. Sau này, dân làng xây dựng lại ngôi đình trên nền đất cũ. Từ đó đến nay, di tích đã trải qua rất nhiều lần trùng tu, tôn tạo để có quy mô khang trang như hiện nay.
Di tích toạ lạc trên khu đất cao ráo, thoáng đãng trông ra phố Khương Thượng. Phía trước đình có hồ bán nguyệt mang ý nghĩa tụ thủy, tụ phúc cho di tích. Dân làng Khương Thượng kể rằng: Cách đây khoảng vài chục năm, trên hồ vẫn còn 3 gò đảo nổi lên, cây cối mọc um tùm, huyền bí. Hiện nay mép hồ đã được cải tạo thành con phố đông đúc nhộn nhịp, một bức Bình phong án ngữ trước mặt đình như để chặn những luồng khí độc từ bên ngoài thâm nhập vào. Cổng Nghi Môn khá đồ sộ với bốn trụ biểu cao trang trí theo cách thức truyền thống. Từ lâu, nơi đây đã trở thành khu vực vui chơi, thể thao của thanh thiếu niên và là nơi nghỉ ngơi, đánh cờ, tập dưỡng sinh của những người cao tuổi.
Vào bên trong, khuôn viên của đình rất rộng, sân được lát gạch đỏ, hai bên sân có Tả - Hữu Mạc, mỗi bên 5 gian, lại có hai nhà Che Bia hai bên làm dạng hai tầng 8 mái ẩn mình dưới những tán cổ thụ xum xuê, rợp mát. Trước tòa Đại Bái, là Phương Đình kết cấu kiểu chồng diêm hai tầng 8 mái với những đầu đao duyên dáng, uốn lượn như bay lên không trung. Các bộ vì đỡ mái bên trong được kết cấu kiểu “Chồng rường giá chiêng” tỳ lực trên 4 cột gỗ lim khá to. Bốn cột quân xây gạch, trát vữa. Trên các bộ vì, đầu dư, bẩy hiên, trang trí hổ phù, rồng mây mang ý nghĩa cầu mưa, cầu được mùa của cư dân trồng lúa nước.
Kiến trúc chính của ngôi đình có quy mô bề thế, khang trang, gồm tòa Đại Bái, Ống Muống và Hậu Cung. Các cụ cao tuổi trong làng Khương Thượng cho hay: Xưa kia, đình được làm dạng chuôi vồ (chữ Đinh), chỉ có tòa Đại Bái và Hậu Cung. Sau này, khi tu sửa, để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, tòa Hậu Cung đã được làm lùi về phía sau để khoảng trống làm thêm tòa Ống Muống, vì vậy quy mô của đình Khương Thượng hiện nay khá đồ sộ và bề thế so với những di tích khác ở nội thành.
Tòa Đại Bái gồm 9 gian, xây gạch, mái lợp ngói mũi hài cổ. Các bộ vì đều được kết cấu theo dạng “Chồng rường giá chiêng hạ kẻ” trên những hàng cột gỗ lim chắc khỏe. Những bức cốn nách được chạm trổ tinh vi đề tài rồng cuốn thủy, cá chép, phượng vũ, rồng lá, vân mây… với đường nét chắc khỏe được thể hiện dưới nhiều góc độ bằng đôi bàn tay tài hoa của người nghệ nhân như muốn chuyển tải những hoài bão, khát vọng của nhân dân nhằm cầu mong một cuộc sống mưa gió thuận hòa, mùa màng sung túc, bội thu.
Qua Đại Bái là tòa Ống Muống. Hạng mục kiến trúc này mới được làm trong những năm gần đây tạo cho không gian ngôi đình thêm rộng mở. Tòa Hậu Cung ở phía sau gồm 3 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi hài. Các bộ vì được liên kết với nhau theo cách thức truyền thống.
Trải qua các triều đại, thần đều được ban tặng Sắc phong để tỏ rõ sự linh ứng. Theo thống kê của Viện Viễn Đông Bác Cổ kê khai năm 1938 thì trong đình Khương Thượng có tới 20 đạo Sắc phong, trong đó có 12 Sắc đời Lê, 2 Sắc đời Tây Sơn; 6 Sắc đời Nguyễn cùng Thần tích, Hoành phi, Câu đối, Cửa võng, Kiệu rước, Hương án, Chấp kích, Bia đá … phản ánh quá trình tồn tại của di tích trong tiến trình lịch sử.
Nằm trong địa phận của chiến trường Đống Đa lịch sử năm xưa, đình Khương Thượng cùng với nhiều di tích trong vùng như: Chùa Bộc, chùa Đồng quang, Thanh Miếu, Gò Đống Đa… đã trở thành những địa danh lịch sử ghi dấu chiến thắng hào hùng của nghĩa quân Tây Sơn vào mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789). Trải bao thăng trầm của lịch sử, đình Khương Thượng vẫn luôn là biểu tượng chứa đựng biết bao quốc hồn, quốc túy của dân tộc. Mái đình đã chứng kiến những sự kiện đổi thay của làng xã; đồng thời là nơi giáo dục cho các thế hệ truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tình yêu quê hương, đất nước. Đối với mỗi người dân làng Khương Thượng, dù có đi đâu, nhưng đến ngày hội làng (ngày 12 tháng 2 âm lịch) đều trở về quê thắp nén tâm hương dâng lên Đức Thành Hoàng để tỏ lòng tri ân, thành kính, cầu mong cho cuộc sống được thái bình, an lạc, mọi nhà yên vui, hạnh phúc.
Đình Khương Thượng được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là di tích cấp Quốc gia năm 1990.
Bản đồ
Địa điểm xung quanh