Quần Thể Di Tích Bích Câu Đạo Quán và Chùa An Quốc
12 Cát Linh, Cát Linh, Đống Đa, Hà Nội
0243 851 1306
Giới thiệu
BÍCH CÂU ĐẠO QUÁN
Bích Câu Đạo Quán tọa lạc tại số nhà 14, phố Cát Linh, phường Cát Linh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Trước đây, là thôn An Trạch, huyện Vĩnh Thuận, phủ Phụng Thiên. Di tích được gọi bằng nhiều tên khác nhau như: đình Bích Câu (gọi theo tên làng Bích Câu), đình Tú Uyên (gọi theo nhân vật được thờ trong đình). Tuy nhiên cái tên Bích Câu Đạo Quán đã quá quen thuộc với người dân Hà Nội từ bao đời nay.
Bích Câu Đạo Quán được xây dựng vào thời Lê Thánh Tông (thế kỷ 15), là nơi để các đạo sĩ đến luyện phép trường sinh và thờ cúng Thần Tiên. Sang thế kỷ XVII, đạo Giáo suy thoái, phần lớn các quán dần trở thành đền, chùa. Trong khuôn viên Bích Câu Đạo Quán cũng có thêm chùa và điện thờ Mẫu.
Nhân vật thờ trong Quán Bích Câu là Tiên Ông Trần Tú Uyên. Theo truyện “Bích Câu kỳ ngộ ký” của Đoàn Thị Điểm thì vào đời vua Lê Thánh Tông (1442-1479) có chàng trai nhà nghèo tên là Trần Tú Uyên chỉ dựng được một căn lều tạm bên ngòi nước ở phường Bích Câu làm nơi ăn học. Một hôm đi xem hội ở chùa Ngọc Hồ (tức chùa Bà Ngô, nay thuộc phường Văn Miếu) chàng gặp tiên nữ Giáng Kiều, Hai người cảm mến và yêu nhau, nhưng do người Trần thế, kẻ Thiên đình mà không đến được với nhau. Để được sống gần người yêu, nàng Giáng Kiều đã hoá phép náu mình vào bức họa rồi hiện hình thành người trần thế chung sống với chàng. Họ sinh được một con trai đặt tên là Châu Nhi. Sau này Tú Uyên sinh ra phóng đãng, uống rượu, bỏ học hành. Khuyên can chồng không được, Giáng Kiều tức giận bỏ về trời. Tú Uyên sống một mình hiu quạnh, buồn bã toan tự tử thì Giáng Kiều lại xuất hiện khuyên can chồng chú tâm học nghề thuốc cứu người. Tú Uyên nghe lời vợ học hành thành đạt, cứu chữa cho người dân quanh vùng. Được một thời gian thì cả hai cùng cưỡi Hạc bay về trời, vào chốn bồng lai tiên cảnh.
Sau này, giặc Xiêm đến xâm lăng nước ta. Vua Lê Thánh Tông nghe nói chùa Bích Câu rất linh ứng nên đến làm lễ, xin ngài phù hộ cho đất nước. Đêm ấy, có người báo mộng với nhà vua rằng không cần phải cất quân đi đánh giặc, ngài sẽ giúp cho. Sáng dậy, vua Lê đem mộng ấy nói cho trăm quan biết và không cử quân đi nữa.
Mấy ngày sau, vua được tin báo giặc Xiêm đã rút cả về nước vì tướng giặc khi đến đầu địa phận thì bị cảm nặng khó bề sống được. Đương lúc nguy cấp, được Tú Uyên hiện lên ban cho mấy viên thuốc uống và khỏi liền. Đội ơn cứu sống ấy, viên tướng đứng lên làm lễ tạ Ngài và rút quân về nước.
Từ xưa, đình Bích Câu vẫn do nhân dân phường An Trạch quản lý, thờ phụng Đức Tiên Ông Trần Tú Uyên làm Thành hoàng làng. Sau nhiều năm chiến tranh, loạn lạc, Bích Câu Đạo Quán bị đổ nát. Đời vua Gia Long, tổng trấn Bắc thành là Lê Chất bỏ tiền riêng tu sửa lại. Thời kỳ toàn quốc kháng chiến, Quán Bích Câu là trụ sở của Ủy ban Kháng chiến Hàng Bột. Sau này, quán bị quân Pháp đốt cháy. Năm 1953, nhân dân khôi phục lại như hiện nay.
Ngoài việc thờ phụng Đức Tiên Ông Trần Tú Uyên, Bích Câu Đạo Quán còn là nơi hội tụ của các vị tao nhân, mặc khách đến xin thư, ca, phú, dâng thơ, vịnh thơ, xin đơn thuốc đều linh nghiệm. Các vị quan lại, nho sinh học và làm việc ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng thường qua lại quán, biến nơi đây thành địa điểm tụ hội của những tài năng văn chương trong cả nước.
Bích Câu Đạo Quán ngày nay vẫn được làm trên gò Quy Đôi xưa, nằm quay mặt ra hướng Nam (tức là nhìn ra phố Cát Linh). Tổng thể các công trình kiến trúc hiện nay của di tích gồm: Nghi Môn, Tiền Tế, Hậu Cung, Nhà Mẫu, Nhà Khách.
Nghi Môn Quán Bích Câu được xây bằng vôi vữa, kiến trúc và kiểu dáng khá đẹp và độc đáo, gồm 4 trụ biểu có tiết diện hình vuông, đỉnh các trụ đều trang trí hình chái giành cách điệu, các ô lồng đèn phía dưới đắp tứ linh, tứ quý. Bên trên cổng đắp bức cuốn thư đề 4 chữ Hán “Bích Câu Đạo Quán”, phía trước chỉ mở một cửa chính để đi lại, còn hai cổng bên được xây bằng những bức tường lửng trang trí nề ngõa văn triện.
Qua Nghi Môn, là khoảng sân rộng, ở giữa có bể nước tròn, trên đó dựng hòn non bộ để chắn gió, cũng là làm tăng thêm vẻ đẹp cho khu di tích. Để bước lên sân của quán phải qua 3 bậc tam cấp bó gạch, hai bên hồi có hai trụ biểu cao, trên đỉnh trụ đắp hình búp sen, thân trụ đắp câu đối bằng chữ Hán.
Kiến trúc chính của quán Bích Câu được làm theo dạng chữ “Đinh” dạng “Tiền đao Hậu đốc” gồm Tiền Tế và Hậu Cung. Tòa Tiền Tế gồm 3 gian 2 chái kết cấu theo dạng chồng diêm hai tầng 8 mái với 8 đầu đao cong mềm mại bay lên, mái ngói mũi hài. Đỉnh mái trên đắp mặt trời, hai đốc mái đắp hình con Markara chầu vào giữa mái, ngăn giữa tầng mái trên và tầng mái dưới là bức hoành phi đề 4 chữ Hán: “Thần kinh tại hội” ý nói các bậc Thần tiên ở kinh đô đều hội tụ tại đây. Kiến trúc của quán Bích Câu tuy đã bị thay đổi và tu sửa nhiều lần xong vẫn mang đặc trưng của kiến trúc truyền thống.
Hậu Cung là nếp nhà dọc gồm 3, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi hài, bộ khung gồm 3 bộ vì kết cấu kiểu kèo cầu quá giang trốn cột. Gian sát hồi xây bệ cao đặt một khám thờ gỗ bên trong có 3 pho tượng của Tú Uyên (Tiên Ông), Giáng Kiều (Tiên Bà) và Châu Nhi (Tiên Con). Tượng Tú Uyên tạc dáng một đạo sỹ, tóc màu trắng, đỉnh đầu có búi tó, râu dài, mình mặc áo thụng màu vàng ngồi trên bệ nhị cấp, chân đi hia, hai tay đặt lên đầu gối, phong thái ung dung, đĩnh đạc. Ngồi bên phải là tượng Giáng Kiều, mình mặc áo màu vàng, đầu đội mũ cài trâm và bên trái là Tiên con với hình dáng một trẻ nhỏ. Cả ba pho tượng được tạc khá đẹp, tỷ lệ hài hòa, cân đối.
Phía bên phải Quán Bích Câu là hai hạng mục Nhà Mẫu và Nhà Khách mới được tôn tạo năm 2011-2012. Nhà Mẫu kết cấu kiểu chữ “Đinh” gồm Tiền Tế 3 gian 2 chái, kiểu 4 mái đao cong, Hậu Cung gồm 2 gian xây tường hồi bít đốc. Bên trong bài trí hệ thống tượng Mẫu cùng nhiều hoành phi, câu đối, cửa võng, hương án được sơn son thếp vàng lộng lẫy.
Khu Nhà Khách nằm ở phía bên phải quán, xây gạch gồm 3 gian, kiểu tường hồi bít đốc theo phong cách truyền thống. Đây là nơi hàng tuần thường diễn ra các buổi trình diễn của giáo phường ca trù Thăng Long – Hà Nội.
Bích Câu Đạo Quán còn bảo lưu được một số di vật phản ánh nội dung tín ngưỡng của di tích, đó là: 3 pho tượng đạo Lão (gồm Tiên Ông, Tiên Bà, Tiên Con), khám thờ, hương án, hoành phi, cửa võng, câu đối, biển gỗ, hạc thờ, chấp kích…đều được chạm khắc đẹp, chau chuốt tạo cho di tích trở nên linh thiêng, huyền bí..
Hàng năm, nhân dân mở hội vào mồng 4 tháng 2 âm lịch kỷ niệm ngày thành đạo của Tiên Ông; ngày mồng 3 tháng 6 kỷ niệm ngày Chân Nhân bay về trời; ngày 12 tháng 8 ngày sinh của Tiên Ông cũng là lễ hội chính của đền. Trong ngày hội chính có các chương trình lễ tụng kinh thỉnh Phật, thỉnh Thánh, tế lễ. Đặc biệt, sau phần lễ là chương trình văn nghệ biểu diễn ca trù và hoạt cảnh Tiên Ông tu học, làm thuốc cứu người rồi gặp tiên nữ. Buổi chiều dành cho dân làng và khách thập phương vào dâng hương làm lễ.
Bích Câu Đạo Quán là một di tích tiêu biểu minh chứng cho Đạo Giáo Thần Tiên đã tồn tại trong đời sống người dân Thăng Long và cũng là một địa chỉ được nhiều du khách thăm quan, chiêm bái. Quán Bích Câu gắn liền với mối duyên kỳ ngộ giữa nàng tiên Giáng Kiều và chàng Tú Uyên nơi hạ giới, gửi gắm ước mơ người và tiên hòa hợp của nhân gian. Nơi đây được xem như sự khởi đầu của việc truyền bá những tư tưởng của Đạo Lão trong tôn giáo ở Việt Nam. Với những giá trị của di tích, ngày 02/03/1990, Bích Câu đạo quán đã được xếp hạng là di tích cấp Quốc gia.
CHÙA AN QUỐC
Chùa An Quốc còn được gọi là chùa Bích Câu, nằm ngay bên cạnh Bích Câu Đạo Quán có địa chỉ số nhà 14, phố Cát Linh, phường Cát Linh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Đây nguyên là đất phường Bích Câu, huyện Quảng Đức, kinh thành Thăng Long thời Lê. Thời Nguyễn, chùa thuộc thôn An Trạch, tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội.
Ngôi chùa gắn với truyền thuyết Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long. Một hôm vua mơ thấy Phật Bà Quan Âm mời vua lên đài sen, Ngài bẻ tám cành hoa sen trắng ban cho vua. Tỉnh dậy, vua đem việc ấy nói với các quan trong triều và cao tăng. Các cao tăng thưa rằng ở hồ Tảo Liên, phường Bích Câu, cửa Nam thành Thăng Long có loại sen trắng nở sớm, mùi hương rất thơm. Vua sai đem hoa sen ấy đến nhìn, quả đúng như trong mộng, liền cho xây chùa để thờ phụng Quan Âm gọi chùa Đắc Quốc. Đến thời Lê Thánh Tông (1460-1497), một lần khi Ngài đến thăm chùa đã cho đổi tên thành chùa An Quốc.
Trong thời kỳ toàn quốc kháng chiến, quán Bích Câu cùng chùa An Quốc là trụ sở của Ủy ban Kháng chiến Hàng Bột, sau bị quân Pháp đốt cháy chỉ còn lại một số pho tượng Phật. Những năm sau này, nhà chùa và chính quyền địa phương xây 3 gian nhà tạm làm nơi thờ Phật. Năm 2011, với sự nỗ lực của chính quyền các cấp cùng các cơ quan chuyên môn, Bích Câu Đạo Quán được trùng tu, tôn tạo, mở mang khuôn viên và phục dựng lại ngôi chùa An Quốc. Công trình được hoàn thành vào cuối năm 2012.
Chùa nằm bên trái quán Bích Câu, trông ra phố Cát Linh. Du khách đến đây vừa có thể vào lễ Thánh, lại vừa có lễ Phật mà không phải di tích nào cũng có điều kiện thuận lợi như vậy.
Tòa Tam Bảo chùa An Quốc có kết cấu dạng chuôi vồ gồm Tiền Đường và Thượng Điện.
Tiền Đường gồm 3 gian 2 chái, mô phỏng theo phong cách kiến trúc thời Lê dạng 4 mái với 4 đầu đao cong uốn lượn mềm mại hướng lên không trung, mái lợp ngói ta. Hai đốc mái trang trí hai đầu kìm (rồng lá) cách điệu, chính giữa bờ nóc đắp bức hoành phi đề 3 chữ Hán: “An Quốc tự”, đầu hồi hai bên để dạng cửa sổ chữ “Thọ” vừa để lấy ánh sáng từ bên ngoài vào, vừa tạo sự thông thoáng cho di tích. Mặt trước mở cửa bức bàn “Thượng song hạ bản” chạy suốt 5 gian, lối lên xuống đều làm bằng những phiến đá xanh cỡ lớn. Trước sân có một giếng tròn tạo cảnh quan và mang ý nghĩa tụ thủy, tụ phúc cho di tích. Trong sân chùa được bố trí các chậu cây cảnh và ghế đá để khách hành hương có thể ngồi ngắm cảnh di tích và thư giãn, nghỉ ngơi trong khuôn viên yên tĩnh trước cửa thiền.
Vào bên trong, nền nhà lát gạch đỏ, bộ khung được làm bằng gỗ lim, kết cấu theo kiểu “Thượng chồng rường giá chiêng hạ kẻ”. Chạy dọc 5 gian đều treo các bức Cửa võng, Hoành phi, Câu đối được sơn son thếp vàng lộng lẫy, chạm bong, chạm thủng, chạm lộng các đề tài rồng chầu mặt trời, rồng chầu hoa cúc, tứ linh, tứ quý tạo sự linh thiêng cho Phật điện… Gian giữa đặt ban thờ, hai gian hồi Tiền Đường bài trí các tượng Khuyến Thiện – Trừng Ác, Đức Ông – Thánh Tăng.
Thượng Điện gồm 3 gian dọc ở phía sau tạo thành kiểu “chuôi vồ”, nhà xây tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta. Bên trong Thượng Điện là nơi đặt các lớp tượng Phật; trên cùng là các bộ tượng Tam Thế Phật đại diện cho 3000 vị Phật ở ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai, bộ tượng Hoa Nghiêm Tam Thánh, tượng Quan Âm Chuẩn Đề, tượng Cửu Long, tượng Ngọc Hoàng - Nam Tào – Bắc Đẩu. v.v… Nhìn chung, các bộ tượng chùa An Quốc mang niên đại tạo tác vào thế kỷ XIX-XX với những đường nét tinh tế, khéo léo, đạt tính chuẩn mực của nghệ thuật điêu khắc đương thời.
Khu nhà Tổ nằm ở phía sau chùa, xây dạng chữ “Nhất”, kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, nền nhà lát gạch đỏ. Bộ khung được làm bằng gỗ mô phỏng theo các thức truyền thống. Đây là nơi an tọa của Sư tổ Bồ Đề Đạt Ma và các vị Tổ trụ trì chùa đã viên tịch.
Nhà Mẫu có qui mô và hình thức giống như nhà Tổ. Tại các gian bài trí các lớp tượng Mẫu. Gian giữa thờ Tam Tòa Thánh Mẫu, Ngũ Vị Tôn Ông, Ông Hoàng Bảy – Ông Hoàng Mười, hai gian bên thờ chúa Sơn Trang và đức Thánh Trần Hưng Đạo.
Chùa An Quốc cùng với quán Bích Câu trở thành quần thể di tích đặc biệt và độc đáo của thủ đô Hà Nội. Vốn là miền đất Phật, theo thời gian chùa trở thành nơi hội tụ của Thần Tiên đã làm cho cụm di tích chứa đựng biết bao điều lý thú khi nghiên cứu về sự hiện diện của Phật giáo - Đạo giáo trên mảnh đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến. Di tích nằm trong khu vực đậm đặc các di tích lịch sử - văn hóa, như: Văn Miếu – Quốc Tử Giám, chùa Cát Linh, đền Sòng Sơn, chùa Phổ Giác, chùa Tiên Phúc, chùa Bà Ngô… tạo thành những điểm du lịch hấp dẫn khi tìm hiểu về di sản của thủ đô Hà Nội.
Chùa An Quốc – Quán Bích Câu đã được xếp hạng là di tích cấp Quốc gia năm 1990.
Bản đồ
Địa điểm xung quanh