Chùa Phúc Khánh
Cầu vượt Ngã Tư Sở, Thịnh Quang, Đống Đa, Hà Nội
+84 24 3563 9126
Giới thiệu
Chùa có tên chữ là “Phúc Khánh tự”. Tuy nhiên, nhân dân địa phương vẫn quen gọi bằng tên Nôm là chùa Sở (bởi thời Lê, nơi đây vốn là Sở đồn của triều đình, gọi là Thịnh Quang Sở. Lâu ngày, chữ “Sở” được đặt làm tên chùa). Chùa hiện tọa lạc tại số 382, phố Tây Sơn, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
Tương truyền, chùa Phúc Khánh được khởi dựng từ cuối thời Trần - đầu thời Lê Sơ, là nơi dạy các Phật tử tu hành chính quả. Thời Lê Trung Hưng, ngôi chùa đã trở thành một danh tích nổi tiếng của đất kinh thành. Cuối thế kỷ XVIII, trong trận Ngọc Hồi - Đống Đa lịch sử, ngôi chùa bị thiêu hủy hoàn toàn. Bài minh trên quả Chuông đúc năm Cảnh Thịnh thứ 4 (1796) hiện còn trong chùa cho biết: “Chùa Phúc Khánh, trại Thịnh Quang bỗng nhiên gặp nạn binh hỏa, Phật đài, tịnh xá, nền móng đổ nát…. Nay có vị tăng đồ chùa Trấn Quốc tên là Chiếu Liên đi chơi ghé qua, được dân làng ái mộ mời ở lại để trụ trì. Nhân đó bỏ sức cúng tiền, khuyến giác thập phương hợp sức cùng bản trại xây dựng lại ngôi chùa, mọi việc dần dần hoàn thành”. Minh Chuông cũng cho biết thêm: Đô đốc Trần Văn Lễ (trong phong trào Tây Sơn) đã cúng tiền đúc chuông cùng pho tượng Cửu Long cho chùa.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, chùa Sở lại một lần nữa bị thiêu hủy. Sau ngày hòa bình lập lại, nhà chùa cùng chính quyền địa phương đã vận động nhân dân đóng góp công sức xây dựng lại để nhân dân có nơi lễ Phật. Quy mô kiến trúc hiện nay là kết quả của những lần trùng tu vào các năm 1993, 1996, 1998 gồm các hạng mục: Tam Quan, Tiền Đường, Thượng Điện, nhà Tổ, nhà Mẫu, Lầu Quan Âm, khu Tháp Mộ và những công trình phụ trợ phục vụ cho các sinh hoạt thường ngày của nhà chùa và du khách thập phương
Mở đầu kiến trúc là Tam Quan xây cuốn vòm kiểu chồng diêm hai tầng 8 mái với những đầu đao cong uyển chuyển, bên trên treo quả chuông lớn, hai bên Tam Quan xây hai trụ biểu có đắp hình đôi nghê hướng đầu vào nhau mang ý nghĩa cho sự soi rọi tâm hồn của con người trước khi vào chốn tâm linh, thân trụ đắp đôi câu đối chữ Hán.
Tiền Đường là một nếp nhà gồm 5 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta. Ba gian giữa mở cửa bức bàn, nền chùa lát gạch Bát Tràng cổ. Bộ khung gồm các bộ vì gỗ được liên kết với nhau theo kiểu “Thượng giá chiêng chồng rường hạ kẻ ngồi” trên mặt bằng bốn hàng chân cột. Phần trang trí tập trung thể hiện ở các bức cốn nách, kẻ, bẩy, câu đầu… với đề tài phong phú, giàu tính nghệ thuật, thể hiện khát vọng về một cuộc sống no đủ, sung túc, vạn vật sinh sôi, phát triển, như: mai lão, cúc lão hoá rồng, địa lan, đào, sen, lựu, na… mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.
Thượng Điện là nếp nhà dọc, gồm 3 gian ở phía sau tạo thành kiểu chữ “Đinh”. Đó là lối kết cấu phổ biến trong các di tích kiến trúc tôn giáo – tín ngưỡng của người Việt vùng đồng bằng Bắc bộ. Nhà xây tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta. Bộ khung được làm theo kiểu “Giá chiêng xà nách” đăng đối. Nghệ thuật chạm khắc đơn giản, chủ yếu là bào trơn, kẻ soi thiên về độ bền chắc.
Khu nhà Mẫu gồm 5 gian, 2 dĩ; nhà Tổ 7 gian tạo nên tổng thể hoàn chỉnh cho ngôi chùa. Các hạng mục kiến trúc này đều làm theo phong cách truyền thống. Đây là nơi thờ các vị sư Tổ của chùa đã quá cố và hệ thống tượng theo tín ngưỡng của đạo Mẫu.
Trong khuôn viên chùa có một kiến trúc hình thức giống như một Phương Đình, kết cấu hai tầng 8 mái đao cong, tầng dưới để trống bốn phía, bên trong đặt pho tượng Quan Âm Nghìn Mắt Nghìn Tay. Đỡ các tàu đao là hệ thống cột gỗ lớn ở bốn góc. Nghệ thuật trang trí tập trung tại xà hạ, tàu đao, câu đầu chạm nổi cánh sen, hoa cúc, hạc, rồng, vân mây khá đậm đặc mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.
Chùa Phúc Khánh còn lưu giữ được khối lượng di vật phong phú, đa dạng với nhiều chủng loại và chất liệu khác nhau; trong đó, đáng quan tâm là các tượng: A Di Đà, Quan Thế Âm, Đại Thế Chí, Quan Âm Nghìn Mắt Nghìn Tay … được chạm khắc đẹp, chau chuốt, bố cục cân đối, đạt tính chuẩn mực của nghệ thuật điêu khắc đương thời. Theo một số nhà nghiên cứu thì các tượng này chủ yếu được làm vào thế kỷ XVIII nhưng có xu hướng ngả về phong cách nghệ thuật thời Tây Sơn.
Cùng với hệ thống tượng Phật, chùa còn lưu giữ được 21 tấm Bia đá, 3 quả Chuông đồng có niên đại từ thời Lê – Tây Sơn đến thời Nguyễn. Đây là nguồn sử liệu quý hiếm giúp cho việc tìm hiểu về lịch sử vùng đất, lịch sử ngôi chùa, quá trình trùng tu, tôn tạo và các khía cạnh khác nhau của đời sống xã hội đương thời. Bên cạnh những di vật trên, chùa còn rất nhiều Hoành phi, Cửa võng, Cuốn thư, Câu đối, Hương án, Đỉnh trầm và các đồ thờ tự… chạm trổ tinh tế, khéo léo thể hiện ước vọng của nhân dân về một cuộc sống sung túc, mưa thuận gió hòa, đất nước thái bình, thịnh trị.
Đã từ lâu, chùa Phúc Khánh trở thành ngôi chùa nổi tiếng của thủ đô Hà Nội bởi giá trị lịch sử văn hóa - kiến trúc nghệ thuật và những sinh hoạt tôn giáo đậm nét truyền thống. Đặc biệt, vào các dịp Rằm tháng Bảy, ngày Rằm tháng Giêng hàng năm, nhà chùa thường làm lễ cầu siêu để cầu cho Quốc thái dân an, mọi nhà ấm no, hạnh phúc. Đây là hoạt động thường niên nên thu hút rất đông các Phật tử và du khách thập phương đến chùa lễ Phật, cầu an...
Chùa Sở (Phúc Khánh tự) đã được xếp hạng là di tích cấp Quốc gia năm 1988.
Bản đồ
Địa điểm xung quanh