Đình Văn Hương
Số 3, Ngách 107, Ngõ Văn Hương, Hàng Bột, Đống Đa, Hà Nội
0243 851 1306
Giới thiệu
Đình Văn Hương có địa chỉ tại số 107, ngõ Văn Hương, phường Hàng Bột, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Ngôi đình mang tên gọi của làng Văn Hương ở thế kỷ XIX. Đến đầu Thế Kỷ XX, thôn Văn Hương hợp với thôn Thanh Miến, Trung Tả và Huy Văn thành thôn Văn Chương, vì thế đình Văn Hương còn được gọi là đình Văn Chương.
Đình thờ Thành Hoàng làng là thần Nam Phương Xích Đế. Theo truyền thuyết, Nam Phương Xích Đế còn được gọi là thần Chu Tước, thần Viêm Đế, thần Nông. Đây là vị thần đại diện cho lửa, ứng với phương Nam, ông tổ nông nghiệp, người đã dạy dân trồng ngũ cốc và chế tạo ra cày bằng gỗ.
Theo cuốn Thần tích làng Văn Hương do Hàn Lâm Viện Đông Các đại học sỹ Nguyễn Bích Phụng soạn vào năm Hồng Phúc thứ nhất (1572), Thành hoàng làng húy là Đạo Công, sinh ngày 27 tháng 2 năm Giáp Ngọ. Thủa nhỏ đã có tư chất thông minh, dĩnh ngộ hơn người. Lớn lên, Đạo Công trở thành bậc anh hùng cái thế trong thiên hạ, được vua Hùng tin yêu, phong làm chỉ huy Sứ tướng quân. Khi Thục vương đem quân tiến đánh Văn Lang, Hùng Vương cử Đạo Công đem quân dẹp giặc, chỉ trong 10 ngày, quân Thục đã bị đánh bại. Hùng Vương triệu Đạo Công về triều, mở tiệc mừng công, ban thưởng cho phép về thăm quê. Ngài đến địa phận nay là thôn Văn Chương thì hóa vào đám mây ngũ sắc, hôm ấy là ngày 14 tháng 2. Nhà vua tưởng nhớ, sắc phong làm Thượng Đẳng Phúc Thần, cho phép dân làng Văn Chương lập miếu thờ cúng.
Hiện trong đình còn nhiều đôi Câu đối nói về sự tích vị thần, như:
Xích Đế trấn Nam phương, Long Đỗ địa linh thập bách kỷ;
Cổ Thần giáng thanh miếu, Văn Chương thắng tích vạn thiên xuân
Tạm dịch:
Xích Đế trấn phương Nam, Long Đỗ địa linh vạn năm trải;
Cổ Thần giáng đền miếu, Văn Chương thắng tích mấy ngàn năm.
Xưa, đình Văn Hương có quy mô to lớn, khang trang. Dấu tích còn lại của ngôi đình cũ là hai cột đồng trụ sát ngõ Văn Hương. Trụ biểu xây khá cao, đỉnh trụ đắp bốn chim phượng chụm đuôi vào nhau tạo thành chái giành cách điệu, bên dưới là các ô lồng đèn đắp nổi tứ linh, tứ quý. Trụ biểu có một mặt tiếp giáp với các hộ dân nên đã bịt kín, 3 mặt còn lại vẫn còn những đôi Câu đối đắp chữ Hán khá rõ nét. Đôi câu đối mặt ngoài ghi:
Lưỡng trụ Đông Tây y nhật nguyệt
Trùng tu miếu vũ mỹ sơn hà
Tạm dịch:
Hai trụ Đông Tây nương nhật nguyệt;
Trùng tu đình miếu đẹp sơn hà.
Các công trình kiến trúc của đình hiện nay gồm: cổng vào, Tiền Tế và Hậu Cung.
Từ ngoài ngõ Văn Hương, đi qua con ngõ nhỏ khoảng vài chục mét là vào đến cổng đình Văn Hương. Cổng gồm 02 lớp: lớp cổng ngoài được làm dạng chồng diêm hai tầng 8 mái với 8 đầu đao uốn cong uyển chuyển, mái lợp giả ngói ống, đỉnh mái đắp hình mặt trời lửa, bên dưới xây cuốn vòm. Từ đây, men theo con đường lát gạch dẫn vào lớp cổng thứ hai. Lớp cổng này xây hai trụ thấp, bên trên cuốn vòm khung sắt. Sân đình lát gạch Bát Tràng, bên trái sân còn một cây si cổ thụ, cạnh cây si xây một am thờ. Tương truyền đây là nơi thờ Đức Thánh Bà, húy là Hồng vốn chuyển từ ngoài cổng vào.
Tiền Tế là một nếp nhà 5 gian, xây tường hồi bít đốc tay ngai, mái lợp ngói ta. Chính giữa bờ nóc đắp rồng chầu mặt trời, hai đốc mái gắn hai rồng lá cách điệu, bên dưới để khoảng hiên khá rộng, ba gian giữa mở cửa bức bàn “Thượng song hạ bản”, nền nhà lát gạch Bát Tràng.
Bộ khung gồm 6 bộ vì gỗ được kết cấu theo hai dạng thức: Bốn bộ vì gian giữa kết cấu kiểu “Chồng rường giá chiêng, hạ kẻ hiên”; hai bộ vì hồi kết cấu kiểu “Kèo cầu quá giang” trốn cột gác trực tiếp lên tường bao. Sát hai hồi hiên đắp hai tượng Vũ Đinh – Thiên Ất mang ý nghĩa bảo vệ cho nhà Thánh. Phía trước hiên là hai trụ biểu, đỉnh trụ đắp chái giành cách điệu, các ô lồng đèn trang trí 4 mặt hổ phù quay ra bốn hướng, thân trụ đắp câu đối chữ Hán.
Hậu Cung là nếp nhà 1 gian 2 dĩ, ở phía sau Tiền Tế tạo thành kiểu chữ “Đinh”. Nhà xây tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta. Bộ khung gồm 2 bộ vì gỗ kết cấu kiểu “Kèo cầu quá giang trốn cột”.
Phần trang trí trên kiến trúc đình Văn Hương chủ yếu được thể hiện trên các thanh rường, đấu kê, đầu dư, câu đầu, dép hoành chạm nổi văn triện, lá lật, rồng lá, hổ phù ngậm chữ triện… mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.
Di tích còn lưu giữ được nhiều di vật quý hiếm, có giá trị lịch sử - văn hóa và nghệ thuật, như: Án gian, Cửa võng, Hoành phi, Câu đối, Giá văn, Kiệu rước, Ngai thờ, Bát bửu, Bát hương, Mâm bồng, Chân nến, tượng Thành Hoàng… được chạm khắc đẹp, tinh xảo các đề tài trang trí truyền thống mang đặc trưng niên đại nghệ thuật thế kỷ XIX-XX. Một số bức hoành phi được tạo tác vào thời Nguyễn, như: “Thánh cung vạn tuế”, “Quang Minh hiển hách” niên hiệu Tự Đức Đinh Sửu (1877), “Huân phong phổ phiến” niên hiệu Duy Tân (1908). Đặc biệt là pho tượng thần Nam Phương Xích Đế tạo tác theo hình tượng võ tướng, phủ sơn đỏ, ngồi trên bệ gỗ sơn son, nét mặt quắc thước, mắt xếch, mày ngài, mũi dọc dừa, đầu đội mũ trụ, mình mặc áo bào trang trí rồng, vân xoắn, văn hình học... mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.
Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, ngôi đình luôn được các cấp chính quyền và nhân dân địa phương chăm lo, gìn giữ, trùng tu, tôn tạo nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông, góp phần làm giàu thêm kho tàng văn hóa của mảnh đất ngàn năm văn hiến.
Đình Văn Hương đã được xếp hạng là di tích Lịch sử văn hóa cấp Thành phố năm 2004.
Bản đồ
Địa điểm xung quanh