Đình Trung Tự
Ngõ 198 Xã Đàn, Phương Liên, Đống Đa, Hà Nội
0243 851 1306
Giới thiệu
Đình Trung Tự còn có tên là đình Đông Tác (tức tên gọi theo địa danh của làng Trung Tự xưa kia) tọa lạc tại ngõ 198 Xã Đàn, phường Phương Liên, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Đây nguyên là đất phường Đông Tác, huyện Thọ Xương, phủ Phụng Thiên thời Lê. Thế kỷ XIX, Trung Tự thuộc tổng Tả Nghiêm (sau đổi thành tổng Kim Liên), huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội.
Đình thờ thần Cao Sơn Đại Vương – vị thần trấn giữ phía Nam cho kinh đô Thăng Long, được thờ ở rất nhiều nơi trong địa bàn cư trú của người Việt. Thần Cao Sơn được thờ chính tại đình (đền) Kim Liên, quận Đống Đa. Theo truyền thuyết thì Cao Sơn chính là một trong 50 người con theo mẹ Âu Cơ lên núi, rồi trở thành bộ tướng của Sơn Tinh trong đền núi Tản Viên (Ba Vì) do có công giúp vua Hùng dẹp tan giặc Thục. Trải qua thời gian cùng sự dịch chuyển của tâm thức dân gian, thần Cao Sơn được suy tôn trở thành một trong “Thăng Long tứ trấn” - vị thần trấn giữ phía Nam, bảo vệ cho kinh đô Thăng Long xưa.
Ngoài thờ thần Cao Sơn Đại Vương, đình Trung Tự còn phối thờ Huệ Minh Công Chúa và Phúc thần Đại Vương Nguyễn Hy Quang (1634-1692), người làng Trung Tự đã có đóng góp rất lớn đối với dân làng trong việc đòi lại đất bị quan lại chiếm đoạt từ nhiều đời trước. Trải qua nhiều lần xét xử, đến năm1674, người dân Đông Tác - Trung Tự đã được trở về phục nghiệp trên đất cũ của mình. Sau đó ông bỏ tiền lương cùng dân làng sửa sang làng xóm, tạo dựng quê hương. Sau khi ông qua đời, dân làng Trung Tự đã phối thờ ông làm Phúc Thần ở đình làng cùng với thần Cao Sơn Đại Vương và Huệ Minh Công Chúa.
Tương truyền, đình Trung Tự khởi nguồn từ ngôi miếu nhỏ thờ thần Cao Sơn Đại Vương và Huệ Minh Công Chúa. Đến thế kỷ XVII phát triển thành ngôi đình làng. Căn cứ vào tấm bia hộp hiện còn. Đó là bia: “Đông Tác Phường Trung Tự Thôn Địa Giới Kiệt” (nghĩa là mốc địa giới thôn Trung Tự, phường Đông Tác) do Tư Nghiệp Quốc Tử Giám Hoàng giáp khoa Đinh Sửu niên hiệu Chính Hòa thứ 18 (1697)Nguyễn Trùsoạn năm 1733 (ngày 2 tháng 6 năm Quý Sửu, niên hiệu Long Đức thứ 2), đúng 60 năm sau khi dân làng Trung Tự kiện để đòi lại đất đai bị quân doanh chiếm đóng.
Và tấm bia thứ hai: “Di Ái Bi” do Giải nguyên Nguyễn Thành Thể (cháu đích tôn của Giải Nguyên Nguyễn Hy Quang) soạn năm Tân Dậu (1741), niên hiệu Cảnh Hưng thứ 2, đời vua Lê Hiển Tông đã minh chứng việc ra đời của đình Trung Tự.
Tuy nhiên, dấu ấn của ngôi đình thời Lê đã không còn, kết quả kiến trúc hiện nay của đình Trung Tự mang đậm phong cách kiến trúc thời Nguyễn và những lần trùng tu sau này ở thế kỷ XX.
Các công trình của đình hiện nay gồm: Nghi Môn, Đại Đình, Hậu Cung được bố cục trong khuôn viên đã có tường bao quanh, tách biệt với khu dân cư.
Mở đầu kiến trúc là hạng mục Nghi Môn mới được xây vào những năm gần đây. Nghi Môn gồm 2 trụ biểu xây cao, đỉnh trụ trang trí trái dành cách điệu, phần thân tạo mặt cắt ghi câu đối bằng chữ Hán. Bên trái là tấm biển đá ghi “Đình Trung Tự”, bên phải gắn tấm bia lưu niệm sự kiện cách mạng tại di tích.
Sân đình lát gạch Bát Tràng. Trước sân có một hạng mục kiến trúc nhỏ, trên đó đề chữ “Ngưỡng chỉ”, bên trong thờ hai pho tượng quan Văn, quan Võ. Bên trái sân là bức tường gắn những tấm bia ghi công đức, bên phải dựng một nhà che bia kiểu 4 mái giả ngói ống, bên trong đặt tấm bia hộp. Sát nhà che bia còn một cây thị rất lớn, các cụ cho hay cây thị có tuổi thọ khoảng 400 năm, cành lá vẫn xum xuê che mát xuống khu nhà bia. Trong hốc cây từng là nơi cất giấu tài liệu bí mật của Đảng.
Đại Đình gồm 5 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi hài cổ, chính giữa bờ nóc đắp đôi rồng chầu mặt trời. Phía trước 3 gian mở cửa bức bàn. Bộ khung được kết cấu bởi 6 bộ vì gỗ theo kiểu “Thượng giá chiêng chồng rường, hạ cốn” trên 4 hàng chân cột, nền nhà gian giữa làm dạng lòng thuyền thấp hơn so với hai bên. Trước gian giữa treo bức Y Môn “Thượng đẳng phúc thần”, bên dưới đặt 1 Hương Án gỗ, hai bên bày Hạc thờ, Chấp Kích, Lọng, Tán, Biển gỗ khá đẹp. Gian bên trái đặt bộ Kiệu Long Đình, gian bên phải đặt bộ Kiệu Bát Cống.
Tòa Hậu Cung gồm 3 gian nhà dọc ở phía sau tạo thành kiểu chuôi vồ. Nhà xây tường hồi bít đốc, kết cấu bộ khung gồm 4 bộ vì gỗ hình thức giống với tòa Đại Đình. Sát tường hậu, nơi cao và sâu nhất là nơi đặt Long Ngai – Bài Vị của 3 vị thần là Cao Sơn Đại Vương, Huệ Minh Công Chúa và Phúc thần Nguyễn Hy Quang.
Đình Trung Tự còn lưu giữ được nhiều di vật quý hiếm, có giá trị lịch sử - văn hóa và nghệ thuật tiêu biểu cho kho tàng di sản văn hóa của dân tộc. Đáng chú ý là 02 tấm bia đá hiện còn trong đình. Trong đó tấm bia hộp niên hiệu Long Đức 3 (1733) ghi lại địa giới của làng Trung Tự xưa kia, đây có lẽ là văn bia duy nhất còn tìm thấy ở nội thành cho biết chỉ giới của các làng thôn cũ. Bên cạnh đó là tấm bia soạn năm Cảnh Hưng 2 (1741) là những tư liệu vô cùng quý hiếm giúp cho các nhà nghiên cứu tìm hiểu về lịch sử làng Trung Tự, về chế độ sử dụng ruộng đất cũng như những thay đổi địa danh và địa giới hành chính của làng Trung Tự trong tiến trình lịch sử. Ngoài hai di văn trên, trong đình còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý hiếm khác như hạc gỗ, kiệu rước, hoành phi, câu đối, cửa võng, hương án, long ngai – bài vị được tạo tác khéo léo và tinh xảo mang niên đại nghệ thuật thế kỷ XIX-XX.
Đình Trung Tự còn là nơi chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng của địa phương. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược, đình là nơi nuôi dấu, chở che cho cán bộ về nằm vùng hoạt động. Tại cây thị trước sân đình chính là cất dấu và trung chuyển tài liệu liên lạc của Đảng trong những năm tháng cách mạng gặp vô vàn khó khăn. Để ghi nhớ sự kiện trên, ngày 04 tháng 02 năm 2013, UBND thành phố Hà Nội đã ra Quyết định số 756/QĐ-UBND gắn biển lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến tại đình Trung Tự.
Di tích nằm ở phía Nam kinh thành Thăng Long xưa, trong khu vực đậm đặc các di tích lịch sử - văn hóa như: Đàn Xã Tắc, đài Thiên Văn (nay thuộc Khâm Thiên), đền Kim Liên – một trong Thăng Long Tứ Trấn của kinh đô Thăng Long.
Đình Trung Tự là nơi tôn vinh, tưởng niệm những vị thần đã có công bảo hộ, phù trì cho đời sống nhân dân được bình yên, no ấm. Mái đình là nơi ghi dấu biết bao thăng trầm của lịch sử, là hồn quê, là không gian văn hóa cộng đồng làng Việt, nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, nơi khoe diễn nét tài hoa dân dã…. Với những giá trị của di tích, năm 1992, đình Trung Tự đã được xếp hạng là di tích cấp Quốc Gia.
Bản đồ
Địa điểm xung quanh