Đình Trung Phụng
Số 43 ngõ 165 ngõ chợ Khâm Thiên, Trung Phụng, Đống Đa, Hà Nội
0243 851 1306
Giới thiệu
Đình Trung Phụng có địa chỉ tại số 43/165, ngõ chợ Khâm Thiên, phường Trung Phụng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Đây nguyên là đất của hai thôn Phụng Thánh và Thị Trung. Đến giữa thế kỷ XIX, hai thôn này hợp nhất với nhau thành thôn Trung Phụng, thuộc tổng Tiền Nghiêm, huyện Thọ Xương, tỉnh Hà Nội.
Đình Trung Phụng thờ thần Cao Sơn Đại Vương – vị thần trấn giữ phía Nam cho kinh đô Thăng Long xưa. Theo truyền thuyết, thần Cao Sơn vốn là con của Quốc tổ Lạc Long Quân và Quốc mẫu Âu Cơ, là một trong 50 người con theo mẹ lên núi, sau trở thành một bộ tướng của Sơn Tinh (tức thánh Tản Viên). Do thần Cao Sơn có công giúp Sơn Tinh đánh thắng Thủy Tinh và bộ tộc người Âu trong cuộc chiến tranh Hùng – Thục nên được thờ ở vị trí thứ 2 trong đền núi Tản Viên (Ba Vì). Đến thời Lê Trung hưng, khi vua Lê Tương Dực giấy quân dẹp loạn khôi phục cơ nghiệp lớn của vua Lê Lợi đã được Thần ngầm giúp, báo mộng, chỉ trong 10 ngày đã thành công. Để nhớ ơn Thần, năm 1509, vua cho xây dựng lại đền thờ to đẹp hơn ở phường Kim Hoa gần thành Thăng Long thời bấy giờ (nay là đền Kim Liên).
Theo hồi cố của các bậc cao niên trong làng, đình Trung Phụng có niên đại khởi dựng từ sớm với quy mô rộng rãi, khang trang. Dấu tích của ngôi đình cũ còn lại là hai cột đồng trụ phía trước sân đình hiện nay. Căn cứ vào đạo sắc phong sớm nhất hiện còn trong di tích niên hiệu Tự Đức thứ 3 (1850) và nhiều Hoành phi, Câu đối được lập vào đời Tự Đức, Thành Thái thì đình Trung Phụng có thể được khởi dựng vào cuối thế kỷ XVIII, sau đó được trùng tu nhiều lần ở thế kỷ XIX và thế kỷ XX.
Trải qua thời gian chiến tranh và sự tác động của thiên nhiên, đình Trung Phụng bị xuống cấp, hư hỏng. Năm 2005, thể theo nguyện vọng của chính quyền và nhân dân địa phương, ngôi đình được khôi phục lại làm nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh cho nhân dân trong phường.
Đình Trung Phụng hiện nay có qui mô kiến trúc khiêm tốn, từ ngoài vào là cổng Nghi Môn được dùng làm lối đi chung với đền Trung Phụng. Nghi Môn được thiết kế gồm 3 cổng. Cổng giữa làm chồng diêm hai tầng 8 mái với 8 góc đao cong uyển chuyển, mái lợp ngói giả ống, bờ nóc đắp rồng chầu mặt trời, dưới xây cuốn vòm. Hai bên là hai cổng phụ có hình thức giống với cổng chính. Từ hai cổng phụ kéo sang hai bên là hai trụ biểu, đỉnh trụ đắp đôi nghê chầu vào nhau, thân trụ đắp câu đối chữ Hán, đế trụ thắt cổ bồng.
Kiến trúc đình Trung Phụng hiện nay xây hai tầng bằng vật liệu bền vững: tầng 1 làm nhà khách, tầng 2 làm nơi thờ tự. Kết cấu bộ khung theo kiểu “Thượng chồng rường, trung bán chồng rường, tiền kẻ hậu bẩy”. Phần trang trí chỉ mang tính chất điểm xuyết các văn lá lật, gờ chỉ trên các con rường, đầu bẩy nhằm tạo sự mềm mại cho kiến trúc.
Trải qua thời gian tồn tại, đến nay đình Trung Phụng còn lưu giữ được nhiều di vật có giá trị lịch sử - văn hóa, nghệ thuật như: 09 đạo Sắc phong thời Nguyễn cùng nhiều Hoành phi, Câu đối, Khám thờ, Đỉnh trầm, Long ngai – Bài vị, Bát bửu, Hương án, Cửa võng…mang phong cách nghệ thuất thế kỷ XIX-XX, phản ánh bước đi của lịch sử mỹ thuật đương thời. Những di vật này không chỉ là linh hồn của di tích mà nó còn giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu về lịch sử điêu khắc, mỹ thuật, nghệ thuật cũng như nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc sống xã hội đương thời.
Ngoài giá trị về mặt kiến trúc, nghệ thuật, lễ hội hàng năm tại đình làng Trung Phụng được tổ chức từ ngày 15 đến ngày 17 tháng 3 âm lịch là dịp sinh hoạt văn hóa tâm linh bổ ích nhằm kết nối mọi thành viên trong cộng đồng, tạo nên sự gắn bó, đoàn kết, duy trì những thuần phong, mỹ tục tốt đẹp của địa phương, hướng con người tới những giá trị chân – thiện – mỹ.
Từ bao đời nay, đình Trung Phụng là biểu tượng thân thuộc của mỗi người dân địa phương, ngôi đình là trung tâm sinh hoạt của cộng đồng cư dân làng xã, nơi giáo dục cho các thế hệ tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc. Mái đình là hình ảnh thiêng liêng, gắn bó, gần gũi để người dân gửi gắm những tâm tư, tình cảm, ước vọng cầu mong cho cuộc sống no ấm, hạnh phúc. Với những giá trị của di tích, đình Trung Phụng đã được UBND thành phố Hà Nội xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa năm 2016.
Bản đồ
Địa điểm xung quanh