Đình Trung Kính
Ngõ chùa Mỹ Quang, Trung Phụng, Đống Đa, Hà Nội
0243 851 1306
Giới thiệu
Đình Trung Kính nằm trong ngõ Chợ Khâm Thiên, phường Trung Phụng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Vào giữa thế kỷ XIX, đây nguyên là đất thuộc thôn Mỹ Đức, tổng Tiền Nghiêm, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội.
Hiện chưa rõ thời điểm cụ thể hình thành di tích. Qua khảo sát, dấu vết hiện còn trên kiến trúc và một số di vật, có thể tạm nhận định ngôi đình được khởi dựng vào khoảng giữa thế kỷ XIX để thờ Thành Hoàng làng là Thái Y Viện Nguyễn Chính Công. Trải qua thời gian, đình được trùng tu nhiều lần ở thế kỷ XX. Lần tu sửa gần đây vào năm 2011.
Các công trình kiến trúc hiện nay của di tích gồm: Cổng đình, Tiền Tế, Hậu Cung.
Cổng đình được xây gạch đơn giản, trên cổng ghi ba chữ: “Đình Trung Kính”. Vào bên trong qua khoảng sân hẹp lát gạch Bát Tràng là tòa Tiền Tế và Hậu Cung.
Tiền Tế là nếp nhà 3 gian, xây theo kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, mái lợp ngói ta. Chính giữa bờ nóc đắp đôi rồng chầu mặt trời, hai đốc mái đắp đầu kìm cách điệu. Phía trước mỗi gian là cửa gỗ kiểu “Thượng song hạ bản”, phần trên là chấn song con tiện tạo sự thông thoáng và lấy ánh sáng từ bên ngoài vào, phần dưới để ván bưng chạm trổ hoa văn hình học, chữ triện, nền đình lát gạch Bát Tràng. Trước đình có bức bình phong trang trí cuốn thư, rồng chầu, phượng vũ, vân mây trông khá đẹp.
Bộ khung Tiền Tế gồm 4 bộ vì gỗ kết cấu kiểu “Thượng chồng rường giá chiêng, hạ cốn” kết hợp ván mê trên mặt bằng ba hàng chân cột. Trang trí trên các con rường, cốn, ván mê là họa tiết lá lật, vân mây, văn triện tạo sự nhẹ nhàng cho kiến trúc. Phía ngoài hiên xây hai cột đá chạm trổ các tảng mây cuộn, hoa cúc, rồng mây, hoa thị. Hai bên hồi hiên đặt hai pho tượng Vũ Đinh – Thiên Ất đứng chầu mang ý nghĩa bảo vệ cho nhà Thánh.
Tại gian giữa đặt một hương án gỗ chạm trổ hoa văn truyền thống. Bên trên treo Hoành phi, dưới là bộ cửa võng chạm rồng chầu mặt trời, cúc lão, mai lão mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Hai bên ban thờ treo Câu đối lòng máng chạm nổi Hán tự.
Hậu Cung đình gồm 2 gian dọc tạo thành kiểu chữ “Đinh”. Kết cấu kiến trúc gồm 3 bộ vì kiểu “Kèo cầu quá giang cột trốn”. Gian ngoài treo bức Hoành phi “Chính đại quang minh”, gian trong đặt chiếc khám thờ gỗ bên trong đặt Ngai thờ, bài vị của Thần Hoàng làng.
Đình Trung Kính hiện còn lưu giữ được một số di vật có giá trị, phản ánh quá trình tồn tại của di tích, tiêu biểu như: 02 bức Hoành phi, 02 bộ Cửa võng, 02 đôi Câu đối, 03 Hương án gỗ, 01 bộ Khám thờ, 01 bộ Long ngai – Bài vị, 01 đôi Hạc gỗ mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX-XX.
Nằm trong khu vực của Đài Khâm Thiên Giám xưa kia, đình Trung Kính cùng với đình Tô Tiền, đình Khâm Đức, đình Thái Kiều, đình Nam Mặc, đình – đền Trung Phụng tạo thành một quần thể kiến trúc tín ngưỡng đậm chất truyền thống của người Việt. Sự hiện diện của ngôi đình là minh chứng phản ánh, ghi dấu những biến động của một số phường thôn tại khu vực này vào giữa thế kỷ XIX trên đất Thăng Long – Hà Nội.
Bản đồ
Địa điểm xung quanh