Đình Thổ Quan
Số 133 Ngõ Thổ Quan, Thổ Quan, Đống Đa, Hà Nội
0243 851 1306
Giới thiệu
Đình Thổ Quan tọa lạc tại số 133, ngõ Thổ Quan, phường Thổ Quan, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Thổ Quan là tên gọi được sáp nhập bởi hai thôn Quan Thổ thuộc tổng Hữu Nghiêm, huyện Thọ Xương và thôn Quan Trạm thuộc tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận từ giữa thế kỷ XIX.
Đình Thổ Quan thờ 3 anh em họ Đào là Hiển Hựu, Phương Dung và Quý Minh, họ vốn người Thanh Hóa di cư tới làng Thổ Quan. Thần tích kể lại rằng mẹ của ba Ngài nằm mộng thấy Tiên cho ăn ba quả đào, sau đó có thai sinh ra ba anh em và đặt luôn là họ Đào. Năm 40 sau công nguyên, khi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đánh đuổi giặc Đông Hán, 3 anh em họ Đào đã chiêu mộ binh sĩ đi theo Hai Bà đánh giặc. Dấu tích còn lại ở Thổ Quan đến ngày nay là một số tên địa danh cổ như: Ống Lệnh, Bãi Trận, Hồ Đồn… tương truyền đó là những nơi nghĩa quân họ Đào nổ ống lệnh xuất quân, đóng đồn và tập trận…
Sau đó ba anh em sang xứ Kinh Bắc chiêu mộ thêm binh lính cùng các tướng lĩnh của Hai Bà chiến đấu với quân của Tô Định. Năm 43, Mã Viện đem quân sang đánh, sau khi chống cự không nổi, Hai Bà Trưng đã trẫm mình xuống dòng nước sông Hát để giữ trọn khí tiết. Ba anh em họ Đào tiếp tục xây dựng đồn lũy chống giặc cho tới phút cuối cùng. Trong đình hiện nay vẫn còn đôi câu đối ca ngợi sự nghiệp của ba vị:
Nhất thi khảng khái anh hùng lệ
Bách chiến quan hà cố quốc tâm
Tạm dịch:
Khảng khái một bài thơ, anh hùng nhỏ lệ
Quan hà trăm trận đánh, nước cũ ghi lòng.
Trải qua các triều đại, các thần đều hiển linh, phù hộ cho quốc thái dân an, thái bình thịnh trị và được gia phong mỹ tự là “Thượng đẳng phúc thần”; hàng năm, cho phép dân làng tổ chức lễ cúng ngày sinh vị thứ nhất và vị thứ hai vào ngày 12 tháng 2 (âm lịch); vị thứ 3 vào ngày 15 tháng 7 (âm lịch).
Theo lời kể của các bô lão và truyền thuyết dân gian ở địa phương thì đình Thổ Quan có niên đại khởi dựng từ rất sớm, nằm trong vùng đất cổ của kinh thành Thăng Long. Tấm bia dựng năm Thành Thái Giáp Ngọ (1894) hiện còn trong đình đã ghi: “... Thổ Quan là nơi thờ ba vị Thượng Đẳng Thần... khởi công vào tháng mạnh xuân năm Thành Thái Giáp Ngọ (1894), xây một toà đình, một bệ, lợp ngói sau hơn một tháng thì xong. Việc xây dựng này há chẳng to lớn lắm sao? ...”.
Tấm bia Thành Thái năm Ất Mùi (1895) đã nhắc lại việc trùng tu của năm trước và nêu công đức của các hội chủ hưng công, tu tạo ngôi đình: "Việc xây dựng này há chẳng to lớn lắm sao, ai chẳng nói rằng quê ta đã từ lâu được hưởng ân trạch của nước, hưởng đức tốt của thần, văn võ ngày càng rạng rỡ, hiền nghiệp mỗi ngày một tiến thêm, mới hay rằng quy mô rộng lớn, cảnh quan đẹp, mới mẻ, chẳng là bắt đầu từ nền móng của hôm nay sao...".
Tuy nhiên, trong những ngày Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1946, giặc Pháp đã đốt phá đình Thổ Quan. Sau ngày hòa bình lập lại, ngôi đình được nhân dân đóng góp công sức khôi phục lại trên nền đất cũ. Quy mô kiến trúc hiện nay mang dấu ấn của lần trùng tu vào cuối thế kỷ XX.
Đình Thổ Quan nằm sâu trong ngõ Thổ Quan, nơi có mật độ cư dân đông đúc. Mặt bằng các công trình kiến trúc gồm Nghi Môn, Đại Đình, Hậu Cung được làm theo kiểu “chuôi vồ”.
Nghi Môn đình xây gạch theo cách thức truyền thống, vào bên trong là sân đình khá rộng, lát gạch Bát Tràng. Trong sân trồng một số cây cảnh vừa tạo cảnh quan và bóng mát cho di tích. Đặc biệt, ngay trước cửa đình còn một cây đa cổ thụ, tán lá xum xuê, xanh tốt tỏa bóng mát xuống cả một góc sân đình, tạo nên khung cảnh yên tĩnh giữa phu phố phường đông vui, tấp nập.
Đại Đình gồm 5 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, chính giữa bờ nóc đắp đôi rồng chầu mặt trời, ba gian giữa mở cửa bức bàn, các gian bên mở cửa sổ tạo sự thông thoáng cho di tích. Vào bên trong, bộ khung gồm 6 bộ vì bê tông giả gỗ kết cấu kiểu “Kèo cầu quá giang trốn cột”.
Hậu Cung là nếp nhà dọc ở phía sau tạo thành kiểu chữ “Đinh”, mái đổ bê tông bên trong, bên ngoài dán ngói. Nơi cao và sâu nhất đặt ba bộ Long ngai – Bài vị của ba vị Thành Hoàng làng cùng nhiều đồ Tế khí gắn với nội dung tín ngưỡng của di tích.
Mặc dù đã trải qua nhiều biến động của lịch sử, nhưng đình Thổ Quan vẫn còn bảo lưu được khá nhiều hiện vật quý có giá trị về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật, tiêu biểu như: 01 cuốn Thần phả, 02 đạo Sắc phong, 03 tấm Bia đá, 03 bộ Long ngai - Bài vị cùng nhiều đồ thờ như: Khám, Bát bửu, Bảng văn, Đỉnh đồng, Hoành phi, Câu đối, Cửa võng… được tạo tác khéo léo, tinh xảo, mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX-XX.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ngôi đình là nơi nuôi dưỡng, che chở cho cán bộ hoạt động nội thành, nơi thành lập Uỷ ban cách mạng lâm thời (tháng 8/1945), nơi bầu ra những đại biểu Quốc hội khoá đầu tiên sau ngày cách mạng tháng 8 thành công.
Đình Thổ Quan đã gắn liền với cảnh sắc và con người nơi đây, là trung tâm sinh hoạt văn hoá của cộng đồng dân cư làng xã, nơi giáo dục con người hướng tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia năm 1993.
Bản đồ
Địa điểm xung quanh