Đình Thịnh Hào
190 Tôn Đức Thắng, Hàng Bột, Đống Đa, Hà Nội
0243 851 1306
Giới thiệu
Đình Thịnh Hào tọa lạc tại số 190, phố Tôn Đức Thắng, phường Hàng Bột, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Ngoài tên gọi trên, di tích còn được gọi là đình Lang Miếu (vì trước đây đình thuộc giáp thôn Lang Miếu thuộc phường Thịnh Hào cũ, tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội).
Đình thờ Thành Hoàng làng là thần Cao Sơn Đại Vương – vị thần trấn giữ phía nam kinh đô Thăng Long và Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng – người anh hùng đánh giặc cứu nước ở thế kỷ thứ VIII. Đây là những vị thần được thờ ở rất nhiều nơi trong địa bàn cư trú của người Việt vùng châu thổ Bắc bộ.
Theo truyền thuyết thì thần Cao Sơn Đại Vương vốn là con của Quốc tổ Lạc Long Quân và Quốc mẫu Âu Cơ, là một trong 50 người con theo mẹ lên núi, sau trở thành một bộ tướng của Sơn Tinh (tức thánh Tản Viên). Do thần Cao Sơn có công giúp Sơn Tinh đánh Thủy Tinh và bộ tộc người Âu trong cuộc chiến tranh Hùng – Thục nên được thờ ở vị trí thứ 2 trong đền núi Tản Viên (Ba Vì). Đến thời Lê, khi vua Lê Tương Dực giấy quân dẹp loạn để khôi phục cơ nghiệp lớn của Lê Lợi đã được thần ngầm giúp, báo mộng, chỉ trong 10 ngày đã thành công. Để nhớ ơn thần, năm 1509, vua cho xây dựng lại đền thờ to đẹp hơn ở phường Kim Hoa gần thành Thăng Long thời bấy giờ (nay là đền Kim Liên).
Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng tên tự làCông Phấn, là hào trưởng đất Đường Lâm và có uy tín lớn đối với nhân dân trong vùng. Vào khoảng nửa sau thế kỷ VIII, Cao Chính Bình được cử sang làm đô hộ An Nam. Tên này đã ra sức bòn rút của cải, bóc lột khiến cho đời sống nhân dân vô cùng khổ cực, lầm than. Vào khoảng đời Đại Lịch (766-779), Phùng Hưng cùng hai anh em là Phùng Hải và Phùng Dĩnh phát động một cuộc khởi nghĩa lớn chống lại chính quyền đô hộ nhà Đường. Cuộc chiến tranh kéo dài hơn 20 năm, đến năm 791 thì đạo quân kéo về bao vây thành Tống Bình (Hà Nội).
Tướng giặc là Cao Chính Bình đem quân ra ngoài thành nghênh chiến nhưng bị thua to nên đã lo sợ, phát bệnh mà chết. Phùng Hưng vào phủ thành, tổ chức việc cai trị trong cả nước, xây dựng nền độc lập lâu dài. Nhưng chẳng bao lâu ông lâm bệnh rồi mất, nhân dân thương tiếc suy tôn là Bố Cái Đại Vương, coi như cha mẹ của nhân dân, lập đền thờ ở quê hương ông và khắp mọi miền đất nước. Ngoài những ngôi đền mà nhân dân xây lên để thờ ông, nhiều làng quê vùng đồng bằng Bắc bộ suy tôn Phùng Hưng làm Thành Hoàng làng.
Căn cứ các tài liệu hiện còn trong di tích, đặc biệt là hai đạo Sắc phong niên hiệu Duy Tân (1911) và Sắc phong niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924) cùng 04 tấm Bia đá thì đình Thịnh Hào được ra đời vào khoảng đầu thế kỷ XIX. Năm 1928 được trùng tu, tôn tạo. Sau ngày hòa bình lập lại, đình được sử dụng làm trụ sở UBND phường Hàng Bột. Năm 1998, UBND phường được di dời đi nơi khác, ngôi đình được tu bổ làm nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh cho cộng đồng dân cư sở tại.
Theo hồi cố của các bô lão, xưa đình làm theo hướng Đông Nam, kiến trúc theo kiểu chữ “Đinh” gồm Tiền Tế và Hậu Cung. Trước đình có Nghi Môn dạng tứ trụ, bên phải có giếng đình. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, hiện nay đình Thịnh Hào không còn giữ được quy mô như lúc khởi dựng, chỉ còn lại phần Hậu Cung của ngôi đình cũ gồm 2 gian nhà dọc, xây gạch kiểu tường hồi bít đốc, mái đổ bê tông, bên ngoài dán ngói, nền lát gạch men.
Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, nhưng đình Thịnh Hào vẫn lưu giữ được một số di vật được tạo tác vào thời Nguyễn, như: 02 đạo Sắc phong, 04 tấm Bia đá, 02 bức Hoành phi, 01 đôi Câu đối… góp phần làm giàu thêm kho tàng di sản văn hóa của địa phương. Sự hiện diện của ngôi đình đã khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của tín ngưỡng thờ cúng Thành Hoàng trong đời sống đương đại nhằm xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, giàu bản sắc truyền thống trên bước đường hội nhập và phát triển.
Đình Thịnh Hào đã được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp Thành phố năm 2016.
Bản đồ
Địa điểm xung quanh