Đình Thanh Miến
Số 20 Ngõ Thanh Miến, Văn Miếu
0243 851 1306
Giới thiệu
Đình Thanh Miến có địa chỉ tại số 20, ngõ Thanh Miến, phường Văn Miếu, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Đây nguyên là đất thôn Thục Miến, tổng Hữu Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Tới giữa thế kỷ XIX, thôn này hợp nhất với thôn Thanh Ngô thành thôn Thanh Miến, thuộc tổng Yên Hòa, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội.
Đình Thanh Miến thờ Thành Hoàng Bản Thổ - vị thần tối thượng có nhiệm vụ bảo hộ cho cuộc sống bình yên của dân làng. Trải qua các triều đại, Thần được ban tặng nhiều sắc phong để tỏ rõ sự linh ứng.
Tương truyền đình được khởi dựng từ rất sớm. Căn cứ vào một số đạo sắc phong hiện còn trong đình và dấu vết kiến trúc thì đình Thanh Miến được dựng vào khoảng đầu thời Nguyễn, sau đó được trùng tu, sửa sang nhiều lần. Qui mô kiến trúc hiện nay là kết quả của lần trùng tu vào năm 2010. Các công trình kiến trúc của đình bao gồm: Nghi Môn, Đại Bái, Hậu Cung.
Nghi Môn đình được xây dạng tứ trụ khá đồ sộ. Đỉnh hai trụ chính đắp bốn chim phượng chụm đôi vào nhau tạo thành chái giành cách điệu, hai trụ bên đắp nghê chầu mang ý nghĩa kiểm soát tâm hồn của kẻ hành hương trước khi vào đình lễ Thánh, các ô lồng đèn trang trí long, ly, quy, phượng, thân trụ đắp câu đối chữ Hán. Trên hai trụ chính được nối với nhau bởi hai mái giả. Đỉnh mái trang trí đôi rồng chầu vào mặt trời lửa, dưới mái xây cuốn vòm, đề 3 chữ Hán “Thanh Miến Từ”.
Vào bên trong, sân đình lát gạch đỏ, bên trái xây một cây hương nhỏ. Kiến trúc đình Thanh Miến được kết cấu dạng chữ “Đinh”, gồm tòa Đại Bái 3 gian 2 dĩ, Hậu Cung 1 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, mái lợp ngói ta. Chính giữa bờ nóc đắp một mặt trời lửa, hai đốc mái đắp hình con Makara (đầu kìm). Trước hiên xây hai trụ biểu cao gần tới nóc mái, đỉnh trụ đắp chái giành cách điệu, thân trụ ghi câu đối chữ Hán.
Bộ khung được kết cấu theo kiểu “Thượng giá chiêng hạ kẻ ngồi kết hợp ván mê” thiên về độ bền chắc. Gian giữa đặt một Hương án lớn chạm nổi đôi rồng chầu vào mặt Hổ Phù, xung quanh trổ thủng các ô trang trí hoa dây, cuốn thư, cánh sen cách điệu. Trên Hương án đặt bộ Khám thờ bằng gỗ, trong Khám đặt Long ngai - Bài vị của vị Thành Hoàng làng, hai bên bài trí bộ Chấp kích. Phía trên các gian treo Hoành phi, bên dưới là Cửa võng và Câu đối.
Hiện di tích còn bảo lưu được một số di vật góp phần làm giàu thêm kho tàng di sản văn hóa truyền thống gồm: 06 đạo Sắc phong (thời Nguyễn), 01 Hương án, 01 bộ Chấp kích, 01 Khám thờ, 01 bộ Long ngai – Bài vị cùng Đỉnh trầm, Cuốn thư, Hoành phi, Cửa võng, Câu đối được sơn son thếp vàng lộng lẫy mang đặc trưng phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.
Từ bao đời nay, di tích đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng cư dân làng Thanh Miến nhằm cầu mong một cuộc sống mưa thuận gió hòa, dân khang, vật thịnh. Ngôi đình chính là dấu tích về sự thay đổi địa giới hành chính dựa trên sự hợp nhất của một số phường thôn diễn ra tại đây vào giữa thế kỷ XIX để thành lập thôn Thanh Miến - mà tên gọi của nó còn tồn tại cho tới hôm nay.
Bản đồ
Địa điểm xung quanh