Đình Nam Đồng
Số 73 Nguyễn Lương Bằng, Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội
0243 851 1306
Giới thiệu
Đình Nam Đồng có địa chỉ tại số 73, phố Nguyễn Lương Bằngphường Nam Đồng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
Đình thờ Thái Uý Lý Thường Kiệt, người anh hùng dân tộc đã có công phá Tống, bình Chiêm, bảo vệ đất nước ở thế kỷ XI.
Lý Thường Kiệt (1019-1105), tên húy là Ngô Tuấn, tự là Thường Kiệt, sau được vua ban Quốc tính đổi sang họ Lý. Ông quê tại phường Thái Hòa, kinh thành Thăng Long. Lý Thường Kiệt làm quan trải qua 3 đời vua:Lý Thái Tông,Lý Thánh Tông vàLý Nhân Tông. Ông là nhà quân sự kiệt xuất, nhà chính trị nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam.
Năm 1069, quân Chiêm Thành quấy phá lãnh thổ phía Nam nước ta, vua Lý Thánh Tông thân chinh cầm quân đi chinh phạt, Lý Thường Kiệt được phong chức Nguyên Soái Đại Tướng Quân, chỉ huy đội tiên phong đánh bại Chiêm Thành, bắt sống vua Chiêm là Chế Củ, buộc người Chiêm phải dâng 3 châu cho Đại Việt để được tha về nước.
Năm 1075, nhà Tống ráo riết chuẩn bị xâm lược nước ta, chúng tập trung binh lực ở Ung Châu (Nam Ninh – Quảng Tây), Khâm Châu, Liên Châu (nay thuộc Quảng Tây). Trước nguy cơ đó, ngày 27/10/1075, Lý Thường Kiệt đã chủ động đem 10 vạn quân sang đất Tống công phá ba địa điểm Ung Châu, Khâm Châu và Liên Châu để chặn thế mạnh của giặc, buộc nhà Tống phải hoãn binh tiến đánh nước ta.
Cuối năm 1076, nhà Tống lại sai Quách Quỳ mang 10 vạn quân sang xâm lược Đại Việt. Lý Thường Kiệt dựa vào địa hình sông núi để chặn thế mạnh của giặc. Chiến cuộc giằng co ở hai bên bờ sông Như Nguyệt (tức sông Cầu ngày nay) trong nhiều tháng. Đến tháng 3/1077, quân Tống bị quân dân Đại Việt đánh bại hoàn toàn, phải thừa nhận Đại Việt là một quốc gia độc lập.
Tương truyền, sau trận đánh trên sông Như Nguyệt năm 1077, ông được vua cho về đóng quân ở trại Nam Đồng. Lý Thường Kiệt đã đưa dân đến đây khai khẩn, dạy dân cách canh tác và cho hưởng rất nhiều đặc lợi để phát triển đời sống. Ông mất năm 1105, hưởng thọ 86 tuổi. Để ghi nhận công lao và những đóng góp to lớn của ông đối với đất nước,vua Lý Nhân Tông đã cho lập đền thờ Lý Thường Kiệt ở nhiều nơi, các triều đại sau này đều ban tặng Sắc phong để nhân dân đời đời thờ phụng. Hiện trong đình còn đôi câu đối ca ngợi Lý Thường Kiệt:
Phạt Tống phong công lưu đế giản;
Bình Chiêm vĩ tích tại vương kỳ
Tạm dịch:
Dẹp giặc Tống, sử sách lưu chép mãi;
Bình quân Chiêm đất kinh kỳ vang dội chiến công.
Tương truyền, đình Nam Đồng được xây dựng từ rất sớm. Các nguồn thư tịch cổ như: Minh Chuông, Bia đá, Thần tích và các di vật hiện còn cho biết ngôi đình ra đời vào thế kỷ XVII, sau đó được trùng tu, tôn tạo vào thế kỷ XVIII và các thế kỷ tiếp theo. Kiến trúc hiện nay là kết quả của lần trùng tu lớn vào thời Nguyễn.
Đình tọa lạc ngay mặt phố Nguyễn Lương Bằng, quay hướng Đông Bắc. Các cụ trong làng kể lại rằng đình làng Nam Đồng trước đây rộng rãi, phía trước có ao đình và Nghi Môn tứ trụ, bên phải là giếng khơi, hai bên sân có nhiều cây cổ thụ xanh tốt, sum suê. Tuy nhiên, cuối thế kỷ XIX, khi người Pháp mở con đường Hà Nội - Hà Đông nên đã lấp phần ao phía trước và Nghi Môn khiến cho không gian ngôi đình bị thu hẹp lại. Các công trình kiến trúc hiện nay gồm: Nghi Môn, Đại Bái, Hậu Cung, Tả - Hữu Mạc và một số công trình phụ trợ.
Nghi Môn đình được thiết kế đơn giản gồm hai cột đồng trụ xây gạch đơn giản, đỉnh trụ đắp hai nghê chầu hơi chếch ra phía ngoài, các ô lồng đèn trang trí tứ linh, tứ quý, thân trụ đắp câu đối chữ Hán.
Kiến trúc chính của đình Nam Đồng được kết cấu theo dạng chữ “Đinh” gồm 5 gian Đại Bái, 3 gian Hậu Cung.
Tòa Đại Bái được xây kiểu tường hồi bít đốc, tay ngai, mái lợp ngói mũi hài cổ, chính giữa bờ nóc đắp hình hổ phù đội mặt trời với ý nghĩa cầu được mùa của cư dân trồng lúa nước, hai đốc mái đắp đầu kìm cách điệu. Phía trước các gian mở cửa “Thượng song hạ bản”, nền đình lát gạch Bát Tràng.
Bộ khung gồm 6 bộ vì gỗ kết cấu theo dạng “Thượng chồng rường giá chiêng, hạ cốn, kẻ hiên” và “Thượng chồng rường giá chiêng, hạ kẻ truyền” trên mặt bằng bốn hàng chân cột. Phần trang trí trên tòa Đại Bái tập trung trên các bức cốn nách, con rường, câu đầu, dép hoành đề tài phượng vũ, rồng ổ, rồng vờn mây, mai lão hóa long, cúc lão hóa long, lá lật, vân mây, hổ phù ngậm chữ “Thọ”, cá chép, long mã, hoa sen… tạo nên bức tranh sinh động thể hiện ước nguyện về một cuộc sống no đủ, mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi, phát triển.
Hậu Cung gồm 3 gian, các bộ vì đỡ mái kết cấu kiểu “Thượng giá chiêng, hạ cốn” trên mặt bằng bốn hàng chân cột. Nhà có khoảng hiên rộng, sát hai hồi hiên đắp hai tượng võ sỹ “Vũ Đinh – Thiên Ất” mang ý nghĩa bảo hộ sự uy nghiêm cho nhà Thánh. Tại các bức cốn hiên chạm trổ rồng ổ, rồng mây, cúc lão hóa long, văn triện mang phong đậm phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.
Đình Nam Đồng còn lưu giữ được nhiều di vật cổ, quý hiếm có niên đại nghệ thuật thế kỷ XVII-XVIII-XIX, tiêu biểu như: 01 quả Chuông đồng niên hiệu Chính Hòa thứ 11 (1690), 05 tấm Bia đá niên hiệu Cảnh Hưng thứ 17 (1756), Cảnh Hưng 32 (1771), Gia Long 14 (1815), Minh Mệnh 24 (1836)…, 01 Hương án, 01 bộ Long ngai – Bài vị, 01 Kiệu Bát Cống, 01 bộ Kiệu Long Đình, 01 pho tượng Thần Hoàng cùng rất nhiều đồ tế khí khác như: Chấp kích, Cửa võng, Hoành phi, Câu đối, Cuốn thư… minh chứng cho quá trình ra đời, tồn tại và phát triển của di tích; đồng thời góp phần làm giàu thêm kho tàng di sản của Thăng Long – Hà Nội.
Trải bao thăng trầm của lịch sử dân tộc, đình Nam Đồng vẫn luôn được các thế hệ người dân nơi đây chăm lo, gìn giữ và phát huy giá trị. Ngôi đình là biểu tượng thân thuộc của mỗi làng quê, nơi chứa đựng những giá trị “hồn cốt” của dân tộc nhằm hướng con người tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Đình Nam Đồng đã được xếp hạng là di tích cấp Quốc gia năm 1991.
Bản đồ
Địa điểm xung quanh