Đình Hoàng Cầu
Số 40, Phố Nguyễn Phúc Lai, Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội
0243 851 1306
Giới thiệu
Đình Hoàng Cầu có địa chỉ tại số 40, phố Nguyễn Phúc Lai, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Đình Hoàng Cầu là tên gọi theo địa danh của thôn Hoàng Cầu, nguyên là một xóm trại của phường Thịnh Hào thời Lê. Sang thời Nguyễn, phường này trở thành một làng lớn thuộc tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội.
Đình thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng. Ông quê làng Cam Lâm, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội ngày nay.
Phùng Hưng tên tự là Công Phấn, dòng dõi đời đời làm Quan Lang, là hào trưởng đất Đường Lâm, người có uy tín lớn đối với nhân dân trong vùng. Vào khoảng nửa sau thế kỷ thứ VIII, Cao Chính Bình được cử sang làm Đô Hộ An Nam. Tên này đã ra sức bóc lột khiến cho đời sống nhân dân vô cùng khổ cực, lầm than. Vào khoảng đời Đại Lịch (766-779), Phùng Hưng cùng hai anh em là Phùng Hải và Phùng Dĩnh phát động một cuộc khởi nghĩa lớn chống lại chính quyền đô hộ nhà Đường. Cuộc khởi nghĩa kéo dài hơn 20 năm, đến năm 791 nghĩa quân của Phùng Hưng kéo về bao vây thành Tống Bình (Hà Nội).
Tướng giặc là Cao Chính Bình đem quân ra ngoài thành nghênh chiến nhưng bị thua to nên đã lo sợ, phát bệnh mà chết. Phùng Hưng vào Phủ thành, tổ chức việc cai trị trong cả nước, xây dựng nền độc lập lâu dài. Nhưng chẳng bao lâu, ông lâm bệnh rồi mất, nhân dân thương tiếc suy tôn Phùng Hưng làm Bố Cái Đại Vương coi như cha mẹ của nhân dân và lập đền thờ ông ở quê hương (nay thuộc xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Nhiều làng quê vùng đồng bằng Bắc bộ đã suy tôn ông làm Thành Hoàng làng, trong đó có làng Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
Ngoài thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, đình Hoàng Cầu còn phối thờ thêm 4 vị nữa là: Phùng An, Bảo Hoa Nương Công Chúa (là con của Phùng Hưng), Cao Sơn Đại Vương, Bạch Mã Đại Vương (là hai vị thần thuộc “Tứ trấn Thăng Long” , trấn giữ phía Nam và phía Đông kinh đô Thăng Long).
Qua nghiên cứu các di vật hiện còn trong đình như: Bia đá niên hiệu Chính Hòa (1680), Sắc phong niên hiệu Cảnh Hưng 28 (1767) cùng Thần phả, Long ngai - Bài vị… , đình Hoàng Cầu có niên đại khởi dựng khá sớm, vào khoảng thời Lê Mạt, sau đó được trùng tu, sửa chữa nhiều lần vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Một số hạng mục được tôn tạo trong những năm gần đây.
Đình Hoàng Cầu tọa lạc trong khuôn viên rộng, thoáng giữa khu trung tâm của làng. Đình quay hướng Nam – hướng của Thánh nhân trong quan niệm về bố trí kiến trúc truyền thống. Các công trình kiến trúc đình Hoàng Cầu hiện nay được bố cục hài hòa, đăng đối theo một trục thần đạo, phía trước có hồ bán nguyệt mang ý nghĩa tụ thủy, tụ phúc theo quan niệm dân gian, tiếp đến là Nghi Môn tứ trụ, vào bên trong sân gạch khá rộng. Tại đây bố trí toà Phương Đình rồi đến Tiền Tế và Hậu Cung ở phía sau.
Nghi Môn đình Hoàng Cầu là một hạng mục khá đồ sộ, gồm 4 trụ biểu. Đỉnh trụ hai trụ chính đắp bốn chim phượng chụm đuôi vào nhau tạo thành chái giành cách điệu, bên dưới các ô lồng đèn trang trí tứ linh, tứ quí, thân trụ đắp câu đối chữ Hán. Hai trụ bên đắp hai nghê hướng chếch ra phía ngoài mang ý nghĩa kiểm soát tâm hồn của kẻ hành hương trước khi vào lễ Thánh. Nối trụ chính với trụ bên là hai cổng phụ làm dạng chồng diêm hai tầng 8 mái lợp giả ngói ống được trang trí khá công phu: đỉnh mái đắp hình mặt trời, 8 góc mái là 8 đầu đao uốn lượn mềm mại hướng lên trời xanh. Bên dưới những bức tường lửng trang trí hổ phù, rồng, vân mây… mang ý nghĩa của “Long, Hổ hội”. Đây là những mảng nề ngõa được làm công phu và đẹp mắt.
Tòa Phương Đình có dạng hình vuông, xây chồng diêm hai tầng 8 mái, 8 góc đao cong uốn lượn bay vút lên không trung. Giữa bờ nóc đắp đôi rồng chầu mặt nguyệt, mái lợp ngói ta, phần cổ diêm làm chấn song con tiện. Vào bên trong gồm 4 bộ vì gỗ định vị trên 4 hàng chân cột chắc khỏe. Xung quanh xây bằng gạch giả gỗ khá độc đáo.
Tòa Tiền Tế gồm 3 gian, xây kiểu chồng diêm hai tầng mái lợp ngói ta. Đỉnh nóc mái đắp lưỡng long chầu nhật. Bộ khung đổ bê tông thiên về độ chắc khỏe.
Hậu Cung được kết cấu theo kiểu nhà vuông có dạng giống như nhà Phương Đình nhưng chỉ làm một tầng mái. Bốn đầu đao tạo đầu rồng cách điệu, đỉnh móc mái trang trí văn kỷ hà, bên ngoài dán ngói, phía trong đổ bê tông.
Trải qua thời gian, đình Hoàng Cầu đã thay đổi nhiều so với thời điểm khởi dựng. Phần trang trí trong đình hiện nay chủ yếu tập trung ở các bức cốn tòa Phương Đình, Tiền Tế và phía trước cổng Nghi Môn với đề tài tứ linh, tứ quý, vân mây tạo sự thanh thoát cho di tích.
Điều làm cho ngôi đình trở nên có giá trị là hệ thống di vật của di tích rất đa dạng, phong phú về chủng loại và chất liệu, đó là 22 đạo Sắc phong cho các vị Thần Hoàng có niên đại trải dài từ thời Lê Trung hưng đến thời Nguyễn, trong đó có 3 sắc thời Hậu Lê, 5 sắc thời Tây Sơn, 14 sắc thời Nguyễn, 3 tấm bia đá (trong đó có tấm Bia dựng năm Chính Hòa vạn vạn niên (1680), 1 bia niên hiệu Tự Đức 31 (1880) và 1 bia niên hiệu Thành Thái 5 (1889), 1 chuông đồng niên hiệu Tự Đức cùng Long ngai, Kiệu rước, Hương án, Chấp kích, Sập thờ và các đồ Tế khí được tạo tác thế kỷ XIX-XX.
Đặc biệt, trong di tích còn lưu giữ được hai pho tượng Phỗng cổ khá đẹp có hình thức gần giống với đôi Phỗng ở đền Bạch Mã, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm. Phỗng có hình dáng thân dài, ngực nở, gò má cao, hàm nở, mặt vuông gân guốc, lộ cốt như mang sức mạnh vô bờ bến để phụng sự cho nhà Thánh. Phỗng đạt yếu tố chân dung hoàn thiện, gần gũi với nghệ thuật thế kỷ XVII-XVIII. Một số nhà nghiên cứu mỹ thuật truyền thống đánh giá đây là đôi tượng Phỗng đẹp và quý hiếm ở thủ đô Hà Nội.
Tồn tại cùng thời gian, di tích mang đậm trên mình những giá trị lịch sử - văn hóa của dân tộc. Là nơi tôn vinh, tưởng niệm Thành Hoàng làng, đồng thời cũng là địa điểm làm việc của hội đồng kỳ mục làng xã. Từ bao đời nay, mái đình vẫn luôn là hình ảnh thân thuộc đối với mỗi người dân làng Hoàng Cầu. Đình gắn bó, chở che, nâng đỡ tâm hồn, hướng con người tới những giá trị chân – thiện – mỹ.
Đình Hoàng Cầu đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 2016.
Bản đồ
Địa điểm xung quanh