Đình - Đền Trung Tả
Số 24, ngõ Trung Tả, Khâm Thiên, Thổ Quan, Đống Đa
0243 851 1306
Giới thiệu
ĐÌNH TRUNG TẢ
Đình Trung Tả có địa chỉ tại số 264, phố Khâm Thiên, phường Thổ Quan, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
Đình Trung Tả thờ Trần Hưng Đạo (1232–1300), một tôn thất hoàng giaĐại ViệtthờiTrần, ông là nhà chính trị, nhà quân sự kiệt xuất ở thế kỷ XIII, người đã chỉ huy quân đội đánh tanhai cuộc xâm lược của quân Nguyên – Mông năm 1285 và năm 1288. Không chỉ là một thiên tài quân sự, Trần Hưng Đạo còn là một nhân cách lớn để lại tiếng thơm muôn đời cho hậu thế. Khi đất nước bị lâm nguy, ông sẵn sàng gạt bỏ thù riêng để lo việc nước. Mặc dù lập được chiến công phi thường nhưng sự trung thành của ông khiến người đời phải thán phục. Ông chính là biểu tượng của lòng trung nghĩa, sự tận tuỵ báo quốc, là khí phách bất phàm của một bậc chính nhân quân tử. Trước khi mất, ông vẫn không quên dặn các vua Trần: “Phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc" cho sự nghiệp lâu dài của nước nhà. Ông còn là tác giả của hai bộ binh thư và đặc biệt bài "Hịch tướng sĩ" nổi tiếng còn lưu truyền đến ngày nay. Sau khi ông mất, vua phong ông tước Hưng Đạo Đại Vương. Nhân dân lập đền thờ ông ở khắp nơi trên mọi miền đất nước. Ngoài ra, nhiều nơi đã thờ Trần Hưng Đạo làm Thành Hoàng làng với mong muốn được bảo vệ, chở che cho muôn dân được bình an, hạnh phúc.
Hiện chưa có một văn tự nào ghi chép cụ thể thời kỳ khởi dựng của di tích. Theo lời kể của các cụ cao tuổi cùng những truyền thuyết dân gian tại địa phương, thì ngôi đình được khởi dựng từ khá sớm trong vùng đất cổ của kinh thành Thăng Long xưa. Sau đó đình được trùng tu vào năm Tự Đức thứ mười ba (1860), Thành Thái nguyên niên (1889), Bảo Đại thứ ba (1928). Năm 1946, đình bị giặc Pháp đốt cháy. Sau ngày hòa bình, nhân dân đã xây dựng lại ngôi đình làm nơi thờ cúng Thành Hoàng.
Vào đêm ngày 26/12/1972, giặc Mỹ đã ném bom B52 hủy diệt, san phẳng khu phố Khâm Thiên, đình Trung Tả bị phá hủy, kết quả kiến trúc hiện nay mang dấu ấn của lần trùng tu vào cuối thế kỷ XX.
Tương truyền, trước kia trong khu vực trước cửa đình - đền có một hồ nước lớn, hồ rộng tới 3 mẫu, cạnh hồ còn có cây si cổ thụ. Từ khu hồ vào sân đình còn một bồn hoa, rồi đến bức bình phong đắp nổi hai chữ "Phúc Thọ" và một bể non bộ. Cạnh hồ có cây cầu bắc ngang để dân làng lấy nước giặt giũ. Xung quanh hồ và trước cửa đình - đền có nhiều cây hoa, cây ăn quả, như: phong lan, na, cây đa cổ thụ. Những công trình kiến trúc của khu vực này cùng cảnh quan xưa đã không còn, kiến trúc hiện tại của di tích đã bị thu hẹp bởi các công trình dân sinh nằm liền kề với di tích.
Từ ngoài phố Khâm Thiên, đến số 264 là một cổng nhỏ xây cuốn vòm bằng gạch, phía trên trang trí hoa văn kỷ hà và bức đại tự đề 4 chữ Hán “Văn Chương linh từ”[1]; men theo con ngõ nhỏ đi tiếp vào lớp cổng thứ hai cũng hình thức xây cuốn vòm, chồng diêm hai tầng 8 mái, lợp ngói vảy. Đỉnh nóc mái đắp hình mặt trời lửa, ngăn giữa tầng mái trên và tầng mái dưới đắp chữ “đình đền Trung Tả”, dưới là bức cuốn thư đề chữ “làng Văn Chương” dẫn vào con đường lát gạch khoảng vài chục mét là đến sân đình.
Đình xây theo hướng Tây Nam, bằng vật liệu hiện đại, trước đình là sân gạch nhỏ và cây đa cổ thụ tỏa bóng mát xuống sân. Trước hiên có hai trụ biểu, đỉnh trụ trang trí nghê chầu, mái hiên trang trí rồng chầu mặt trời xen lẫn các họa tiết vân lá.
Kiến trúc hiện tại của đình Trung Tả khá khiêm tốn theo kiểu chữ “Đinh” gồm tòa Tiền Tế và Hậu Cung.
Nhà Tiền Tế gồm 3 gian, mái đổ bê tông. Đây là nơi thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hậu Cung gồm 2 gian dọc, xây hai tầng. Tầng 1 mái đổ bê tông, tầng hai lợp bằng ngói ri, kết cấu các bộ vì làm bằng gỗ theo kiểu “Kèo cầu quá giang trốn cột”. Đây là nơi thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo. Tượng Trần Hưng Đạo đặt trong ngai rồng ở vị trí trang trọng nhất. Tượng cao trên 1m, mặc áo long bào có bố tử, đầu đội mũ Bình thiên. Mặt tượng vuông vức, tai to chảy dài, nét quắc thước. Tượng mang niên đại đầu thế kỷ XX, song những nét tạc tượng đều thuân thủ theo cách tạo tác của những tượng truyền thống nên mang giá trị nghệ thuật cao. Bên dưới là tượng hai người con gái của Ngài cùng hai vị quan hầu cận. Trên các gian treo hai bức Đại tự: “Hưng Đạo Đại Vương” và “Trấn Nam Thiên”.
Trải qua nhiều biến động của lịch sử, đến nay đình Trung Tả vẫn còn bảo lưu được một số di vật quý, có giá trị lịch sử - văn hóa, đó là 3 tấm Bia đá được tạo vào các năm Tự Đức 13 (1860), Thành Thái nguyên niên (1889), Bảo Đại 3 (1928), tượng Đức Thánh Trần và những người hầu cận cùng nhiều Hoành phi, Câu đối, Cửa võng sơn son thếp vàng lộng lẫy. Những di vật này phần lớn mang niên đại nghệ thuật thế kỷ XIX-XX.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đình Trung Tả còn là một trong những địa chỉ hoạt động và truyền bá chữ Quốc ngữ, nơi cất giấu tài liệu, vũ khí và là trạm cứu thương của đội Tự vệ Biệt động nội thành.
Mặc dù không còn giữ được dáng vẻ của lần khởi dựng nhưng sự hiện diện của di tích đã minh chứng cho nhu cầu tín ngưỡng thờ Thành Hoàng làng không thể thiếu của cư dân địa phương, về sự tồn tại của hình thái tín ngưỡng đình làng trong văn hóa cộng đồng làng Việt. Ngôi đình là biểu tượng thân thuộc, là niềm tự hào của mỗi người dân làng Trung Tả xưa và nay.
Đình Trung Tả đã được xếp hạng là di tích cấp Quốc gia năm 1993.
ĐỀN TRUNG TẢ
Đền Trung Tả nằm trong khuôn viên cụm di tích đình – đền Trung Tả có địa chỉ tại số 264, phố Khâm Thiên, phường Thổ Quan, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
Đền Trung Tả nằm thờ Quang Thục Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao – thân mẫu của vua Lê Thánh Tông. Bà được thờ chính tại chùa - điện Huy Văn, phường Văn Chương. Ngô Thái Hậu là người đã hết lòng cùng con chăm lo sự nghiệp đế vương, là một trong những chỗ dựa tin cậy của Lê Thánh Tông.
Theo sử sách, Quang Thục Hoàng Thái Hậu, họ Ngô, húy là Dao, người xã Động Bàng, huyện Yên Động. Ông nội là Ngô Kinh, gia thần củaLê Khoángvà sau đó làLê Lợi, cha làNgô Từ, người giữ vai trò cung cấp quân lương trong những ngày đầukhởi nghĩa Lam Sơn, khai quốc công thầnnhà Lê Sơ. Chị ruột là Hoàng hậu Ngọc Xuân được vào hầu Lê Thái Tổ ở Hậu cung.
Năm Thiệu Bình thứ 3 (1436), khi mới 14 tuổi được tuyển vào cung. Bà là người nết na hợp khuôn phép, lễ nghĩa, được vua Lê Thái Tông rất mến yêu. Năm Đại Bảo thứ nhất (1440), bà được phongTiệp Dư, ngự ởcung Khánh Phương. Bà thường đến lễ cầu tự tại chùa Dục Khánh (tức chùa Huy Văn), sau đó sinh Hoàng tử Lê Tư Thành (tức vua Lê Thánh Tông) và được đặc cách phong làm Sung Viên. Năm 1459, tháng 10 âm lịch,mùa đông,Lê Nghi Dângây biến. Hoàng thái hậu và Hoàng đế Lê Nhân Tông bị giết hại. Bà Ngô Thị Ngọc Dao cùng con là Lê Tư Thành ra lánh nạn tại chùa Dục Khánh. Năm 1460, các đại thầnNguyễn Xí,Đinh Liệt,Lê Lăng,Lê Niệm,Nguyễn Đức Trunglàm binh biến giết chết Lê Nghi Dân và đưa Hoàng tử Tư Thành lên ngôi. Vua Lê Thánh Tông tôn mẹ làmThánh Mẫu Hoàng Thái Hậu, ởđiện Thừa Hoa.
Năm Hồng Đức thứ 27 (1496), sau khi cùng vua Lê Thánh Tông về bái yếtLam Kinh, bà bị bệnh nặng rồi mất tại điện Thừa Hoa, thọ 76 tuổi, hôm đó là ngày26 tháng 2. Lê Thánh Tông đau buồn, truy tôn mẹ làmQuang Thục Hoàng Thái Hậu.
Hiện chưa có văn tự nào ghi chép cụ thể thời kỳ khởi dựng của di tích. Theo lời kể của các cụ cao tuổi cùng những truyền thuyết dân gian tại địa phương, đình và đền Trung Tả được khởi dựng từ khá sớm trong vùng đất cổ của kinh thành Thăng Long. Theo nội dung văn bia còn lưu giữ trong đền cho biết: Đền đã từng được tu sửa vào các năm Tự Đức thứ mười ba (1860), Thành Thái nguyên niên (1889), Bảo Đại thứ ba (1928).
Vào đêm ngày 26/12/1972, giặc Mỹ đã ném bom B52 hủy diệt, san phẳng khu phố Khâm Thiên, đền Trung Tả bị phá hủy, kết quả kiến trúc hiện nay mang dấu ấn của lần trùng tu vào cuối thế kỷ XX.
Tương truyền, trước kia trong khu vực trước cửa đình - đền có một hồ nước lớn, hồ rộng tới 3 mẫu, cạnh hồ còn có cây si cổ thụ. Từ khu hồ vào sân đình còn một bồn hoa, rồi đến bức bình phong đắp nổi hai chữ "Phúc Thọ" và một bể non bộ. Cạnh hồ có cây cầu bắc ngang để dân làng lấy nước giặt giũ. Xung quanh hồ và trước cửa đình - đền có nhiều cây hoa, cây ăn quả, như: phong lan, na, cây đa cổ thụ. Những công trình kiến trúc của khu vực này cùng cảnh quan xưa đã không còn, kiến trúc hiện tại của di tích đã bị thu hẹp bởi các công trình dân sinh nằm liền kề với di tích.
Từ ngoài phố Khâm Thiên, đến số 264 là một cổng nhỏ xây cuốn vòm bằng gạch, phía trên trang trí hoa văn kỷ hà và một bức đại tự đề 4 chữ Hán “Văn Chương linh từ”[1]; men theo con ngõ nhỏ đi tiếp vào lớp cổng thứ hai cũng hình thức xây cuốn vòm, chồng diêm hai tầng 8 mái, lợp ngói vảy. Đỉnh nóc mái đắp hình mặt trời lửa, ngăn giữa tầng mái trên và tầng mái dưới đắp chữ “đình đền Trung Tả”, dưới là bức cuốn thư đề chữ “làng Văn Chương” dẫn vào con đường lát gạch khoảng vài chục mét là đến di tích.
Đình và đền Trung Tả xây theo hướng Tây Nam, bằng vật liệu hiện đại, kết cấu kiến trúc theo kiểu chữ “Đinh” gồm Tiền Tế và Hậu Cung.
Tiền Tế: Gồm 3 gian, xây gạch, phía trước hiên đổ mái bằng, gian giữa làm đua ra, phía trên đắp bức cuốn thư đề 4 chữ Hán: “Trung Tả linh từ”, hai bên cuốn thư đắp rồng chầu mặt trời, dưới xây hai trụ bê tông, thân trụ đắp câu đối, sân đền lát gạch men.
Kết cấu nội thất là hệ thống khung gỗ kết cấu kiểu “Kèo cầu quá giang trốn cột”. Gian giữa là ban thờ Ngũ Vị Tôn Ông ngồi trong khám, gian bên trái là cung Sơn Trang, gian phải là cung Chầu Lục. Phía trên gian giữa treo bức đại tự đề “Lê triều Thái hậu”, dưới là bức Cửa võng và Câu đối.
Hậu Cung gồm 1 gian, 2 dĩ ở phía sau tạo thành kiểu chữ “Đinh”, nhà xây tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, kết cấu bộ khung cũng theo dạng “Kèo cầu quá giang trốn cột”.
Trong Hậu Cung tượng của Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao. Tượng được đặt ngồi trong khám, bên trái là tượng vua Lê Thánh Tông, bên phải là tượng Phạm Hoàng Hậu, dưới ban thờ đặt 3 pho tượng Mẫu ngồi trong khám thờ, hai bên có tượng hai ông Hoàng Bảy – Hoàng Mười.
Tượng bà Ngô Thị Ngọc Dao được tạc dáng ngồi khoanh chân, tỷ lệ cân xứng, đầu đội mũ tì lư, vành vũ trang trí những bông hoa cúc mãn khai, tóc búi ngược lên đỉnh, mình mặc áo thụng nhiều lớp. Mắt tượng mở to, nhìn thẳng, khuôn mặt đôn hậu, mũi thẳng, miệng nhỏ, tai lớn thể hiện sự cao quý, đức độ. Đây là pho tượng tạo tác rất đẹp, mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.
Đền Trung Tả còn lưu giữ được nhiều di vật quý như: tượng Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao, tượng vua Lê Thánh Tông, tượng Hoàng Hậu họ Phạm và hệ thống tượng Mẫu cùng các Hoành phi, Câu đối, Cửa võng, Khám thờ… được chạm khắc tỷ mỷ, chau chuốt, sơn thếp lộng lẫy mang niên đại nghệ thuật thế kỷ XIX-XX.
Từ xa xưa, dân làng Trung Tả và làng Huy Văn lập đền thờ bà Ngô Thị Ngọc Dao với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” nhằm tri ân người đã có những đóng góp to lớn trong lịch sử dân tộc.
Đền Trung Tả đã được xếp hạng là di tích cấp Quốc gia năm 1993.
[1]- Sở dĩ có tên gọi này nguyên do từ giữa thế kỷ XIX, thôn Trung Tả hợp với thôn Hương Miến, Huy Văn thành thôn Văn Hương. Sang đầu thế kỷ XX, lại đổi thành thôn Văn Chương, vì thế mà Trung Tả trở thành một giáp của thôn Văn Chương.
Bản đồ
Địa điểm xung quanh