Đình - Chùa Linh Quang
Số 55 Ngõ Văn Chương 2, phường Văn Chương, Đống Đa, Hà Nội
0243 851 1306
Giới thiệu
ĐÌNH LINH QUANG
Đình Linh Quang tọa lạc tại số 55, ngõ Văn Chương 2, phường Văn Chương, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
Đình thờ thần Bạch Mã Đại Vương (còn gọi là thần Long Đỗ) – vị thần trấn giữ phía Đông kinh đô Thăng Long xưa, được phong làm Quốc Đô Thành Hoàng Đại Vương. Thần Bạch Mã được thờ ở nhiều nơi nhưng thờ chính tại đền Bạch Mã, số 76 Phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.
Tương truyền vào thế kỷ thứ IX, Cao Biền xây thành Đại La, khi ra ngoài cửa Đông thấy một người lạ trong đám mây ngũ sắc. Vốn là Đạo sỹ, Biền có ý muốn trấn áp. Đêm ấy, Biền nằm mộng thấy người đã gặp xưng là Long Đỗ. Biền liền dùng bùa yểm bằng đồng chôn xuống đất, bùa liền bị sét đánh tan. Biền cả sợ và lập đền thờ.
Khi Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long xây dựng kinh thành gặp nhiều khó khăn, nhiều lần thành đắp lên rồi lại đổ. Vua cho người đến cầu đảo ở đền thờ thần Long Đỗ thì thấy con ngựa trắng đi từ trong đền ra qua thành một vòng rồi vào trong đền thì biến mất. Vua theo vết chân ngựa rồi đắp thành thì thành không đổ nữa. Vua xuống chiếu phong Long Đỗ làm Thành hoàng cho cư dân Thăng Long thờ tự, tước phong là “Quảng Lợi Bạch Mã Tối Linh Thượng Đẳng Thần”.
Sau này, khi kiến trúc đình làng phát triển, thần Bạch Mã được nhiều làng quê vùng Hà Nội thờ làm Thành Hoàng làng, trong đó có đình Linh Quang với ước vọng cầu mong được Thần bảo hộ, chở che để dân làng được bình yên, hạnh phúc.
Theo hồi cố của các bậc cao niên thì trước đây làng Linh Quang có hai giáp: giáp Linh Quang và giáp Linh Động, mỗi giáp đều có một ngôi đình cùng thờ thần Bạch Mã và một ngôi chùa riêng. Tuy nhiên, qua nhiều thăng trầm, biến thiên của lịch sử, ngôi chùa của giáp Linh Động đã bị phá hủy. Trong quá trình đô thị hóa, hai ngôi đình của hai giáp đã bị dỡ bỏ khi cải tạo hồ Văn Chương, các hiện vật được chuyển về khu nhà Tổ của chùa Linh Quang. Sau này, để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân địa phương, nhà Tổ của chùa Linh Quang đã được sử dụng làm đình Linh Quang như ngày nay. Đến năm Khải Định thứ 3 (1918), di tích được trùng tu, sửa chữa.
Đình Linh Quang hiện nằm bên cạnh chùa Linh Quang trong khuôn viên khép kín theo kiểu “Tả thần hữu Phật”. Đình quay hướng Đông, dạng chữ “Nhất”. Mặt bằng gồm 5 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, mái lợp ngói ta với 6 bộ vì đỡ mái kiểu “Thượng chồng rường, hạ kẻ”. Phần trang trí chủ yếu là lá lật, vân mây trên xà nách, con rường, kẻ mang tính điểm xuyết tạo sự nhẹ nhàng cho kiến trúc.
Tồn tại đến ngày nay, di tích đình Linh Quang còn bảo lưu được hệ thống di vật có giá trị lịch sử - văn hóa, tiêu biểu là 07 đạo Sắc phong cho Thần Hoàng, trong đó Sắc sớm nhất niên hiệu Tự Đức thứ 3 (1850), Sắc muộn nhất niên hiệu Khải Định 9 (1924), 02 bộ Long ngai – Bài vị nghệ thuật thế kỷ XIX cùng Kiệu rước, Hoành phi, Câu đối, Biển lệnh, Cửa võng, Đỉnh đồng, Lục bình, Bát hương, Chân đèn… niên đại thế kỷ XIX-XX.
Để tưởng nhớ đến công lao của Thần, hàng năm dân làng Linh Quang mở hội vào ngày 22 tháng 2 âm lịch. Lễ hội đã thu hút được đông đảo bà con nhân dân trong phường và khách thập phương về dự, tạo không khí vui tươi, phấn khởi sau một năm lao động, sản xuất; Đồng thời giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cho các thế hệ trẻ có trách nhiệm đối với di sản văn hóa của quê hương.
Đình Linh Quang đã được UBND thành phố Hà Nội xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa năm 1999.
CHÙA LINH QUANG
Chùa Linh Quang tọa lạc tại số 55, ngõ Văn Chương 2, phường Văn Chương, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
Chùa mang tên địa danh của làng Linh Quang từ xưa. Vào thế kỷ XIX, đây nguyên là đất tổng Tiền Nghiêm, huyện Thọ Xương, Phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội.
Hiện chưa rõ chùa có từ bao giờ? Chỉ biết rằng đầu thế kỷ XIX, ngôi chùa đã tồn tại cùng với sự tồn tại của giáp Linh Quang. Căn cứ vào dấu vết kiến trúc và những di vật hiện còn cho thấy chùa Linh Quang được trùng tu vào thế kỷ XIX và thế kỷ XX.
Theo hồi cố của các bậc cao niên thì trước đây làng Linh Quang có hai giáp: giáp Linh Quang và giáp Linh Động, mỗi giáp đều có một ngôi đình cùng thờ thần Bạch Mã và một ngôi chùa riêng. Tuy nhiên, qua nhiều thăng trầm, biến thiên của lịch sử, ngôi chùa của giáp Linh Động đã bị phá hủy. Trong quá trình đô thị hóa, hai ngôi đình của hai giáp đã bị dỡ bỏ khi cải tạo hồ Văn Chương, các hiện vật được chuyển về khu nhà Tổ của chùa Linh Quang. Sau này, để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân địa phương, nhà Tổ của chùa Linh Quang đã được sử dụng làm đình Linh Quang. Như vậy, xưa kia qui mô của chùa Linh Quang khá rộng, bao gồm cả đình Linh Quang hiện nay.
Các công trình kiến trúc của chùa Linh Quang bao gồm: Tam Quan, Tam Bảo, nhà Tổ - nhà Mẫu, khu vườn Tháp ở phía bên trái chùa và các công trình phụ trợ, nằm trong khuôn viên có tường bao quanh tách biệt với khu dân cư.
Tam Quan chùa nằm ngay sát hè ngõ Văn Chương 2, được xây 3 cổng. Cổng chính xây kiểu hai tầng 4 mái, tầng trên có gác treo chuông, bốn mặt cuốn vòm, để trống. Thường ngày khách ra vào chùa chỉ đi bằng cổng phụ phía bên trái chùa, còn cổng chính chỉ mở vào các ngày tuần tiết, sóc vọng và những ngày lễ lớn tại chùa. Hai cổng bên thấp hơn với hai tầng 8 mái, các mái uốn cong nhẹ nhàng để tạo sự thanh thoát, mềm mại. Phía trước và sau cổng đều đắp câu đối chữ Hán.
Qua cổng, vào bên trong là khoảng sân gạch dẫn vào chùa. Chùa Linh Quang được kết cấu dạng chữ “Đinh” gồm 5 gian Tiền Đường, 3 gian Thượng Điện. Kiến trúc chùa mang đặc trưng của phong cách kiến trúc thời Nguyễn, xây tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, các cánh cửa ra vào được làm dạng cửa “Thượng song hạ bản” vừa kín đáo nhưng vẫn đảm bảo sự thông thoáng cho di tích bởi hệ thống trấn song phía trên. Vào bên trong, các bộ vì gỗ kết cấu kiểu “Thượng chồng rường hạ kẻ truyền” trên những hàng cột gỗ. Trang trí trên kiến trúc khá giản dị, chủ yếu thể hiện dưới dạng bào trơn, đóng bén, gờ chỉ mang tính chất điểm xuyết nhẹ nhàng.
Tại các gian có treo Hoành phi, Cửa võng, Câu đối tạo sự linh thiêng và trang hoàng cho di tích. Bên trong Thượng Điện xây bục gạch cao làm nơi bài trí các lớp tượng Phật của chùa.
Cũng giống như các ngôi chùa thuộc vùng châu thổ Bắc bộ, bài trí tượng Phật chùa Linh Quang tuân thủ theo nguyên tắc của ngôi chùa Việt truyền thống. Trên cùng là bộ tượng Tam Thế Phật đại diện cho 3.000 vị Phật ở ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai; tiếp đến là tượng A Di Đà cứu khổ, cứu nạn, tượng Quan Âm Chuẩn Đề với những đôi tay tỏa ra các hướng như giang tay cứu độ chúng sinh; tượng Cửu Long mô tả lúc đức Thích Ca chào đời; tượng Đức Ông – Thánh Tăng, tượng Khuyến Thiện – Trừng Ác là những vị trợ thủ đắc lực của nhà Phật; tượng Tổ mang tính chân dung cao, tượng Mẫu gần gũi, đầy chất dân dã .v.v…. Nhìn chung các tượng chùa Linh Quang được tạo tác cân phân, tỷ mỷ, mang đặc trưng của phong cách tạc tượng thời Nguyễn với những đường nét chau chuốt, chuẩn mực.
Phía sau chùa còn nếp nhà 5 gian dùng làm nơi thờ Tổ và thờ Mẫu. Ngoài ra, bên trái chùa còn khu vườn Tháp gồm 2 ngọn Tháp mộ cao 3 tầng được xây bằng những viên gạch Bát Tràng mỏng, đỉnh tháp trang trí búp sen biểu trưng cho triết lý nhà Phật. Đây là nơi an nghỉ của những vị sư trụ trì của chùa đã viên tịch.
Đình - chùa Linh Quang là những công trình văn hóa tâm linh của cộng đồng cư dân làng xã tạo thành tổng thể hoàn chỉnh của làng Linh Quang xưa và nay. Có nhà nghiên cứu đã nói rằng: Nếu ngôi đình làng chứa đựng bao quốc hồn, quốc túy của dân tộc thì ngôi chùa làng lại chính là con thuyền Bát nhã chở đạo, hướng con người tới những giá trị chân – thiện – mỹ. Và chùa Linh Quang cũng không ngoài giá trị đó. Ngôi chùa chính là nơi gửi gắm mọi vui buồn trong cuộc sống, hướng con người tới những điều tốt đẹp của lòng bi, bác ái, tạo niềm tin, động lực để nâng đỡ cho đời sống tinh thần của tầng lớp nhân dân lao động.
Chùa Linh Quang đã được UBND thành phố Hà Nội xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa năm 1999.
Bản đồ
Địa điểm xung quanh