Đền Vườn
Số 106, Phố Pháo Đài Láng, Phường Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội
0243 851 1306
Giới thiệu
Đền Vườn hay còn được gọi là đền Mắt Rồng trước kia thuộc xóm Vườn, thôn Láng Trung, trại Yên Lãng, tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận; nay là số 106 phốPháo Đài Láng, phường Láng Thượng,quận Đống Đa,thành phố Hà Nội.
Tương truyền, đền Vườn được khởi dựng từ rất sớm để thờ thần Linh Lang Đại Vương – vị thần được thờ chính tại đền Voi Phục, trại Thủ Lệ. Theo thần tích ngài là Hoàng Tử thứ tư của vua Lý Thánh Tông. Mẹ ngài là Hạo Nương, người làng Bồng Lai, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai cùng gia đình ra Thị Trại (tức trại Thủ Lệ) sinh sống. Một lần khi bà đang tắm ở Hồ Tây thì có con Giao Long đến quấn 3 vòng quanh người, từ đó bà mang thai. Sau 14 tháng thì sinh được một người con trai có hình dung kỳ vỹ, to lớn khác thường, trên lưng có hình “Nhị thập bát tú” xếp hàng vảy nến, giữa bụng có sao Bắc Đẩu điểm như hạt châu chia làm “Thất diệu”. Vua Lý rất mừng liền theo điềm báo đặt tên con là Hoàng Lang.
Sau khi Hoàng Lang ra đời được hơn một tháng thì giặc phương Bắc xâm lược nước ta. Triều đình cử sứ giả đi tìm người hiền ra giúp nước thì Hoàng Lang bỗng vươn mình ngồi dậy, thân cao 9 thước, tay cầm cờ lệnh nhảy lên lưng voi, dẫn đoàn quân xông lên đánh tan quân giặc.
Khải hoàn trở về, vua Lý muốn nhường ngôi nhưng Hoàng Lang từ chối không nhận. Ít lâu sau chàng bị bệnh, khi vua cha tới thăm, Hoàng Lang thưa rằng: thần vốn là con của Long Quân, vì thấy thế nước nguy nan nên vâng mệnh trời thác xuống Hoàng gia để giúp nước, nay giặc đã dẹp xong, thần xin trở về Thuỷ Quốc. Biết nhà vua muốn hậu thưởng, cho phép nhân dân sau này được phụng thờ để hộ quốc an dân, Hoàng Lang xin được cầm lá cờ lệnh khi trước để tung lên trời, cờ bay đến đâu thì cho phép nơi đó được phụng thờ. Sau đó liền biến thành con rắn trắng dài hơn trăm trượng lao thẳng xuống Hồ Tây rồi biến mất. Lá cờ lệnh bay đi bay lại rồi giáng xuống trước điện vua ngồi. Sau này 269 làng trông thấy lá cờ bay qua đã được triều đình cho phép lập đền thờ Linh Lang. Các triều đại phong kiến đều ban sắc phong cho vị Hoàng Tử có công với nước.
Ngày nay, giới sử học đều cho rằng Linh Lang chính là Hoàng Tử Hoằng Chân, con vua Lý Nhân Tông, người đã hy sinh anh dũng trên phòng tuyến sông Cầu năm Đinh Tỵ (1077) trong cuộc chiến tranh chống Tống, bảo vệ nền độc lập tự chủ của đất nước ở thế kỷ thứ XI.
Trước đây đền Vườn chỉ có ba gian nhà ngói, nhưng lâu ngày bị xuống cấp nặng. Năm 2002, ngôi đền được phục dựng lại. Năm 2011, lại được sửa chữa khang trang. Đền tọa lạc trong một không gian đẹp, thoáng, gồm các hạng mục: Nghi Môn, Giếng đền, Đại Bái, Hậu Cung, Miếu thờ Hai Bà và các công trình phụ trợ nhằm tôn thêm không gian, cảnh quan cho di tích.
Nghi Môn đền gồm hai trụ biểu xây gạch, đỉnh trụ trang trí trái Dành cách điệu, bên dưới là các ô lồng đèn trang trí văn triện, thân trụ ghi câu đối chữ Hán. Qua cổng là giếng đền hình bán nguyệt. Tương truyền xưa kia là giếng làng (còn gọi là giếng Mắt Rồng), dân trong làng ra gánh nước về sử dụng trong sinh hoạt. Nay giếng đã được cải tạo sạch đẹp, bờ giếng tạo lan can, cạnh giếng có cây đa cổ thụ tạo nên phong cảnh thanh u, tĩnh lặng.
Kiến trúc chính của đền gồm 3 gian, 2 chái, kiểu bốn mái đao cong, mái lợp ngói ta, phía trước các gian mở cửa bức bàn. Vào bên trong, hai bộ vì đỡ mái làm theo kiểu “Thượng chồng rường giá chiêng hạ kẻ truyền” trên mặt bằng bốn hàng chân cột. Để tạo cho kiến trúc thêm phần thanh thoát, trên các bức cốn nách và đầu dư được trang trí đề tài cúc lão, mai lão, rồng cuốn thủy, phượng vũ. Tại các con rường sát thượng lương chạm mặt hổ phù, xung quanh là vân lá, văn triện.
Gian giữa treo hai bức Cuốn thư đề bốn chữ Hán: “Quốc hương thiên cổ” và “Thượng đẳng tối linh” cùng bức Cửa võng chạm trổ đề tài rồng chầu mặt trời, cúc lão hóa long, mai lão hóa long, phía dưới đặt một Hương án bằng gỗ cỡ lớn bài trí Đỉnh trầm, Chân nến, Mâm bồng, Ngai thờ, Chấp kích...
Ngoài các hạng mục kiến trúc chính, phía bên trái đền còn có một ngôi miếu nhỏ gọi là miếu Hai Bà. Miếu xây dạng chồng diêm hai tầng bốn mái, bên trong đổ bê tông, bên ngoài dán ngói. Trong miếu thờ Hồng Hoa Công Chúa và Bạch Hoa Công Chúa cùng những vị thần trong tín ngưỡng của đạo Mẫu.
Đền Vườn còn lưu giữ được hệ thống di vật gồm: 4 đôi Câu đối, 1 bộ Chấp kích, 1 đôi Hạc thờ, 3 bộ Hương án, 2 bức Cuốn thư, 6 bức Hoành phi, 5 bộ Cửa võng, 3 Mâm bồng, 1 bộ Khám thờ, 8 pho tượng Mẫu và rất nhiều đồ thờ khác… mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XX.
Hàng năm, cứ đến ngày mùng 9 và mùng 10 tháng Giêng (âm lịch), tại đây lại diễn ra lễ hội truyền thống nhằm tri ân, tưởng nhớ đến các vị thần linh đã có công phù trì, bảo hộ cho cuộc sống bình yên của dân làng. Lễ hội đã thu hút sự tham gia của đông đảo bà con khối phố và du khách thập phương với nhiều hình thức diễn xướng dân gian mang ý nghĩa giáo dục, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân.
Nằm trong khu vực đậm đặc những di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng như: Chùa Láng, chùa Nền, đình Ứng Thiên, chùa Cảm Ứng, Pháo đài Láng…, đền Vườn là địa điểm không thể bỏ qua để tham quan và chiêm bái của du khách thập phương trong hành trình tìm về di sản văn hóa vùng đất phía Tây của thủ đô Hà Nội.
Bản đồ
Địa điểm xung quanh