Đền Văn Chỉ
72 Ngõ Văn Chương, Thổ Quan, Đống Đa, Hà Nội
0243 851 1306
Giới thiệu
Đền Văn Chỉ có tên chữ là “Văn Chương Linh Từ” (tức là đền thiêng Văn Chương) tọa lạc tại ngách 27, ngõ Văn Chương, phường Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội. Thế kỷ XIX, đây nguyên là đất tổng Hữu Nghiêm, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội.
Theo truyền thuyết dân gian và lời kể của các cụ cao niên thì đền Văn Chỉ chính là nơi hóa của đức Nam Phương Xích Đế (được thờ làm Thành Hoàng tại đình Văn Hương). Hiện nay, khu vực của đền vẫn còn mộ của Ngài. Bên cạnh phần mộ của Nam Phương Xích Đế, nhân dân xây ngôi đền Văn Chỉ để thờ Ngài và sau này phối thờ Mẫu.
Nam Phương Xích Đế hay còn gọi là Xích Đế, Viêm Đế, Chu Tước, húy là Đạo Công. Ngài sinh ngày 27 tháng 2 năm Giáp Ngọ. Thủa nhỏ đã có tư chất thông minh, dĩnh ngộ hơn người. Lớn lên, Đạo Công trở thành bậc anh hùng cái thế trong thiên hạ. Khi đó, nhà Hùng tổ chức tuyển người hiền tài, Đạo Công ra ứng thí và được tuyển chọn, phong làm Chỉ huy sứ tướng quân. Bấy giờ, vua Hùng Vương thứ 18 có ý định nhường ngôi cho con rể là Sơn Tinh. Nghe tin, Thục Vương đã đem quân tiến đánh đất nước Văn Lang. Hùng Vương cử Đạo Công đem quân đi dẹp giặc. Chỉ trong 10 ngày, quân Thục đã bị đánh bại. Thắng trận trở về, Sơn Thánh cho người tâu với Hùng Vương ban chiếu triệu Đạo Công về triều, vua mở tiệc mừng công, ban thưởng tướng sĩ, cho phép Đạo Công về thăm thực ấp và quê quán. Ngài đến địa phận thôn Văn Chương, Văn Hương (ngày nay) thì hóa vào đám mây ngũ sắc, hôm ấy là ngày 14 tháng 2. Nhân dân làm sớ tâu lên triều đình, vua bèn cử người về làm lễ và phong làm Thượng Đẳng Phúc Thần, cho phép giáp Đông, ấp Văn Chương lập miếu thờ cúng.
Ngoài thờ Nam Phương Xích Đế, đền Văn Chỉ còn phối thờ Mẫu. Đây vốn là tín ngưỡng dân gianthuần Việt,có lịch sử lâu đời, biến chuyển thích ứng với sự thay đổi của xã hội. Tín ngưỡng thờ Mẫu chính là sự tôn thờ bà Mẹ “Xứ sở”, như: Mẹ Đất – mẹ Nước – mẹ Âu Cơ với ước vọng cầu mong về sức khỏe, tài lộc, may mắn, là một nhu cầu tất yếu trong đời sống tâm linh của người Việt, mang lại cho con người niềm tin, sức mạnh và nghị lực trong đời sống xã hội. Tục thờ Mẫu có nguồn gốc từ thời Tiền sử khi người Việt thờ các thần linh thiên nhiên gọi là Nữ Thần Mẹ. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, tín ngưỡng thờ Mẫu ở nước ta đã phát triển hình thành tín ngưỡng Tam phủ (Thiên phủ, Nhạc phủ, Thoải phủ), Tứ phủ (Thiên phủ, Nhạc phủ, Thoải phủ, Địa phủ). Đến thế kỷ XVI, trên cơ sở tín ngưỡng Tam Phủ, Tứ Phủ, với sự ra đời của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, một tôn giáo bản địa sơ khai được hình thành. Tín ngưỡng thờ Mẫu còn gắn liền với nghệ thuật Chầu Văn hay còn gọi là Hát Văn - một loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống của người Việt đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Hiện chưa rõ niên đại khởi dựng của di tích. Căn cứ vào dòng chữ ghi trên cổng đền đề: “Văn Chương linh từ” với các mảng nề ngõa, họa tiết trang trí cùng các di vật hiện còn có thể nhận định mộ của Đức Thành Hoàng đã tồn tại ở đây từ rất lâu. Đến thế kỷ XIX, nhân dân xây dựng ngôi đền Văn Chỉ để thờ Ngài. Sau đó đền Văn Chỉ đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần. Lần tu sửa gần đây vào năm 2008 với qui mô kiến trúc như hiện nay.
Nghi Môn đền xây dạng tứ trụ. Hai trụ chính nối với nhau bằng bốn mái đao cong, đỉnh nóc mái đắp rồng chầu mặt trời, bên dưới xây cuốn vòm. Trên cổng đắp bức cuốn thư “Văn Chương linh từ” nghĩa là (đền thiêng Văn Chương), dưới đề 3 chữ “đền Văn Chỉ”. Hai trụ bên thấp hơn, đỉnh trụ đắp đôi nghê chầu hơi chếch ra phía ngoài với ý nghĩa kiểm soát tâm hồn kẻ hành hương trước khi vào lễ Thánh.
Mộ Đức Thành Hoàng được xây lộ thiên bằng vôi vữa, thành mộ thiết kế kiểu tay ngai, hai bên thành ngai chạm rồng chầu mặt trời, Cuốn thư, Bút, Kiếm biểu trưng cho văn võ song toàn, chữ “Thọ”, Câu đối, hổ phù v.v… Lòng Ngai đề 3 chữ “Nam Phương cường” (có nghĩa là thần mạnh mẽ ở phương Nam).
Đền Văn Chỉ tọa lạc theo hướng Tây Nam, phía trước là ngõ Văn Chương, phía sau và hai bên là khu dân cư. Kiến trúc của đền có qui mô khiêm tốn, kết cấu dạng chữ “Đinh”, xây hai tầng gồm Tiền Tế 3 gian, Hậu Cung 1 gian, tất cả làm bằng bê tông cốt thép, kiểu dáng hiện đại. Tầng 1 là nơi thờ Thành Hoàng làng, tầng 2 thờ Mẫu.
Tại di tích còn bảo lưu được một số di vật, đồ thờ như: Bát hương gốm da lươn, nghệ thuật thế kỷ XVIII, Ngai thờ, Khám, Hoành phi, Câu đối, Hương án, Y môn… với các đề tài trang trí truyền thống như: Tứ linh, tứ quý, hổ phù mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX-XX.
Đền Văn Chỉ tọa lạc trên vùng đất cổ có bề dày lịch sử lâu đời với những làng xóm xen lẫn ao hồ. Di tích nằm trong vùng đất đậm đặc các di tích lịch sử - văn hóa, như: Văn Miếu – Quốc Tử Giám, chùa – điện – đền Huy Văn, đình Văn Hương, đình – chùa Linh Quang, đình – đền Trung Tả… tạo thành địa chỉ tham quan hấp dẫn trên hành trình tìm hiểu di sản của Thăng Long – Hà Nội.
Di tích đã được xếp hạng là di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Thành phố năm 2016.
Bản đồ
Địa điểm xung quanh