Đền Tương Thuận
Ngõ Đền Tương Thuận, Phố Khâm Thiên, Khâm Thiên Hà Nội
0243 851 1306
Giới thiệu
Đền Tương Thuận có địa chỉ ở số 2, ngõ Đền Tương Thuận, phường Khâm Thiên, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Thế kỷ XIX, đây nguyên là đất thuộc tổng Tiền Nghiêm, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội.
Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo và tướng quân Phạm Ngũ Lão, những người đã có nhiều công lao trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông ở thế kỷ XIII, mang lại nền thái bình, thịnh trị cho đất nước.
Trần Hưng Đạo (1232–1300), quê làng Tức Mặc, tỉnh Nam Định, là con An Sinh Vương Trần Liễu (anh ruột của vua Trần Thái Tông). Thủa nhỏ rất khôi ngô, tuấn tú; lên 5-6 tuổi đã biết làm thơ Ngũ ngôn và bày chơi đồ bát trận. Khi lớn lên, học thông kinh sử, có tài kiêm cả văn lẫn võ. Ông là nhà chính trị, nhà quân sự kiệt xuất ở thế kỷ XIII, người đã chỉ huy quân đội Đại Việt đánh tanhai cuộc xâm lược của quân Nguyên – Mông năm 1285 và năm 1288.
Không chỉ là một thiên tài quân sự, Trần Hưng Đạo còn là một nhân cách lớn để lại tiếng thơm muôn đời cho hậu thế. Khi đất nước bị lâm nguy, ông sẵn sàng gạt bỏ thù riêng để lo việc nước. Mặc dù lập được chiến công phi thường nhưng sự trung thành của ông khiến người đời phải thán phục. Ông chính là biểu tượng của lòng trung nghĩa, sự tận tuỵ báo quốc, là khí phách bất phàm của một bậc chính nhân quân tử. Trước khi mất, ông vẫn không quên dặn các vua Trần: “Phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc" cho sự nghiệp lâu dài của nước nhà. Ông còn là tác giả của hai bộ Binh thư và đặc biệt bài "Hịch tướng sĩ" nổi tiếng còn lưu truyền đến ngày nay. Sau khi ông mất, vua phong ông tước Hưng Đạo Đại Vương. Nhân dân lập đền thờ ở khắp nơi trên mọi miền đất nước.
Phạm Ngũ Lão, người làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, Hải Dương (nay thuộc huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên). Theo sách Tông phả kỷ yếu tân biên của Phạm Côn Sơn dẫn gia phả họ Phạm thì ông là cháu 8 đời của tướng Phạm Hạp thời nhà Đinh. Ngay từ thuở nhỏ, cậu bé Ngũ Lão đã tỏ ra khác thường, tính tình khẳng khái. Khi ở làng có ông Bùi Công Tiến đỗ Tiến sĩ, tổ chức ăn mừng, cả làng kéo đến, riêng Ngũ Lão thì không. Người mẹ hỏi con tại sao không đến, Ngũ Lão thưa với mẹ: Chí làm trai phải lập công danh rạng rỡ non sông mà con chưa lập được bằng người, đi mừng người ta nhục lắm. Cũng thời gian ấy, Hưng Đạo Vương có việc quân qua vùng đất Phù Ủng. Phạm Ngũ Lão đang ngồi đan sọt ngoài đường mải nghĩ về cuốn sách Binh Thư nên không biết quan quân đi đến. Một người lính dẹp đường quát mãi, chàng trai đan sọt vẫn cứ ngồi yên. Người lính bèn dùng giáo xuyên vào đùi kẻ cản đường, vậy mà người đan sọt cứ như không. Thấy vậy, Trần Quốc Tuấn bèn đến hỏi chuyện với chàng trai. Qua đối đáp đều tinh thông. Quốc Tuấn bèn sai lính lấy thuốc trị vết thương rồi cho mời về triều.
Sau khi về kinh đô, Trần Quốc Tuấn tiến cử Phạm Ngũ Lão lên Triều đình với chức cai quản quân Cấm vệ. Vệ sĩ biết ông là nông dân thì không phục bèn xin tâu được cùng ông thử sức. Phạm Ngũ Lão bằng lòng, nhưng trước khi vào đấu sức, ông xin về quê 3 tháng. Về quê, ngày nào Phạm Ngũ Lão cũng ra cái gò lớn ngoài đồng, đứng cách một tầm mà nhảy lên, nhảy mãi cho đến khi cái gò bị sạt mất một nửa. Hết hạn, ông trở về cấm thành, cùng các vệ sĩ so tài. Thấy ông tiến thoái như bay, tay đấm, chân đá thoăn thoắt, xem ra sức có thể địch nổi cả vài chục người. Từ đó, quân vệ sĩ bái phục ông.
Sau đó ông theo Trần Quốc Tuấn đi đánh giặc Nguyên – Mông, lập nhiều chiến công. Về sau, ông còn có công dẹp giặc Ai Lao, vì thế được thăng làm Điện Tiền Thượng Tướng Quân. Khi mất được phong làm Thượng Đẳng Phúc Thần. Người dân Phù Ủng quê ông đã lập đền thờ ngay trên nền nhà cũ của ông. Do là bộ tướng của Trần Hưng Đạo nên những nơi lập đền thờ Trần Hưng Đạo đều có thờ Phạm Ngũ Lão.
Hiện chưa rõ đền Tương Thuận được dựng từ năm nào? Căn cứ vào 02 đạo Sắc phong hiện còn, niên hiệu Minh Mệnh thứ 12 (1831) và Thiệu Trị thứ 8 (1848) phong cho Trần Hưng Đạo và Phạm Ngũ Lão giúp chúng ta nhận định: Ít nhất ngôi đền đã tồn tại ở đây từ đầu thế kỷ XIX và phát triển liên tục cho tới ngày nay.
Vào đêm ngày 26/12/1972, giặc Mỹ cho máy bay B52 ném bom hủy diệt khu phố Khâm Thiên đã phá hủy đền Tương Thuận. Sau này, bằng sự hằng tâm hằng sản của nhân dân, ngôi đền đã được khôi phục lại. Kết quả kiến trúc hiện nay mang dấu ấn của lần trùng tu cuối thế kỷ XX.
Đền Tương Thuận dựng theo hướng Tây Nam theo kiểu chữ “Đinh”, gồm Tiền Tế và Hậu Cung. Ngoài ra, trong khuôn viên di tích còn có khu thờ Phật mới được xây dựng trong những năm sau này.
Cổng đền xây dạng tứ trụ, đỉnh hai trụ chính đắp trái Dành cách điệu, hai trụ bên đắp đôi nghê chầu. Dưới hai cạnh sườn của trụ chính gắn các mái đao cong, trên đỉnh bờ nóc trang trí rồng chầu mặt trời, thân trụ đắp câu đối chữ Hán.
Tòa Tiền Tế gồm 3 gian 2 dĩ, xây chồng diêm hai tầng mái, mái lợp ngói ta. Bộ khung gồm 4 bộ vì gỗ kết cấu theo kiểu “Thượng giá chiêng chồng rường, hạ cốn” trên mặt bằng bốn hàng chân cột; phía trước mở hệ thống cửa gỗ theo kiểu “Thượng song hạ bản”. Phần cổ diêm để dạng chấn song con tiện tạo sự thông thoáng bên trong nội thất, nền nhà lát gạch men.
Hậu Cung là nơi thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão và những người hầu cận của Ngài. Tượng Đức Thánh Trần tạc ngồi trong Khám gỗ, dáng vẻ oai phong của một vị võ tướng, đầu đội mũ cánh chuồn, khuôn mặt quắc thước, râu dài, mình mặc áo thụng có bố tử phía trước, chân đi hia. Đây là pho tượng khá đẹp. Tượng mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX.
Bên cạnh đền còn có khu thờ Phật với quy mô 4 gian, xây hai tầng: Tầng dưới đổ bê tông, tầng trên làm bằng gỗ, mái lợp ngói ta. Ba gian ngoài thờ Phật, Đức Ông và Thánh Tăng, gian phía trong thờ Tổ.
Trải qua bao thăng trầm, biến cố của lịch sử, đền Tương Thuận vẫn bảo lưu được hệ thống di vật có giá trị lịch sử, văn hóa, góp phần làm giàu thêm kho tàng di sản văn hóa của Thăng Long Hà Nội, tiêu biểu như: 02 đạo sắc phong niên hiệu Minh Mệnh thứ 12 (1831) và Thiệu Trị thứ 8 (1848), 01 quả Chuông đồng đúc năm Khải Định thứ 7 (1922), tượng Đức Thánh Trần, tượng Phạm Ngũ Lão... cùng nhiều Hoành phi, Câu đối, Cửa võng, Bát hương, Đỉnh trầm... tạo cho ngôi đền thêm uy linh, cổ kính.
Đền Tương Thuận đã được xếp hạng là di tích cấp Quốc gia năm 1993.
Bản đồ
Địa điểm xung quanh