Đền Trung Phụng
Số 43, Ngõ 165, Ngõ Chợ Khâm Thiên, Trung Phụng, Đống Đa, Hà Nội
0243 851 1306
Giới thiệu
Đền Trung Phụng có địa chỉ tại số 43, ngõ 165, ngõ chợ Khâm Thiên, phường Trung Phụng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Thế kỷ XIX, nguyên là đất của hai thôn Phụng Thánh và Thị Trung, thuộc tổng Tiền Nghiêm, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội.
Theo đạo sắc phong duy nhất hiện còn, niên hiệu năm Thành Thái nguyên niên (1889) thì đền Trung Trụng thờ Đức Thánh Bà Huệ Minh Phu Nhân, là người có công giúp nước, an dân, phù trì cho cuộc sống của nhân dân làng Trung Phụng.
Sau này đền Trung Phụng thờ Mẫu theo tín ngưỡng dân gian. Đây vốn là tín ngưỡng thuần Việt,có lịch sử lâu đời, biến chuyển thích ứng với sự thay đổi của xã hội. Tín ngưỡng thờ Mẫu chính là sự tôn thờ bà Mẹ “Xứ sở”, như: Mẹ Đất – mẹ Nước – mẹ Âu Cơ với ước vọng cầu mong về sức khỏe, tài lộc, may mắn, là một nhu cầu tất yếu trong đời sống tâm linh của người Việt, mang lại cho con người niềm tin, sức mạnh và nghị lực trong cuộc sống. Tục thờ Mẫu có nguồn gốc từ thời Tiền sử khi người Việt thờ các thần linh thiên nhiên gọi là Nữ Thần Mẹ. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, tín ngưỡng thờ Mẫu ở nước ta đã phát triển hình thành tín ngưỡng Tam phủ (Thiên phủ, Nhạc phủ, Thoải phủ), Tứ phủ (Thiên phủ, Nhạc phủ, Thoải phủ, Địa phủ). Đến thế kỷ XVI, trên cơ sở tín ngưỡng Tam Phủ, Tứ Phủ, với sự ra đời của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, một tôn giáo bản địa sơ khai được hình thành. Tín ngưỡng thờ Mẫu còn gắn liền với nghệ thuật Chầu Văn hay còn gọi là Hát Văn - một loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống của người Việt đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Căn cứ vào các di vật hiện còn như: Sắc phong, Hoành phi, Câu đối, tượng Mẫu… và dấu vết kiến trúc hiện còn thì đền Trung Phụng có niên đại khởi dựng khoảng thế kỷ XIX, sau đó được trùng tu ở thế kỷ XX. Lần tu sửa gần đây vào năm 2007 và giữ nguyên cho tới hiện nay.
Đền nằm trên cùng thửa đất với đình Trung Phụng có chung cổng Nghi Môn. Cổng giữa làm chồng diêm hai tầng 8 mái với 8 góc đao cong uyển chuyển, mái lợp ngói giả ống, bờ nóc đắp rồng chầu mặt trời, dưới xây cuốn vòm. Hai bên là cổng phụ có hình thức giống với cổng chính. Từ hai cổng phụ kéo sang hai bên là hai trụ biểu, đỉnh trụ đắp đôi nghê chầu vào nhau, thân trụ đắp câu đối chữ Hán, đế trụ thắt cổ bồng.
Vào bên trong, hai bên sân đền được bố trí các hạng mục kiến trúc nhỏ: Bên phải là Nhà Bia tưởng niệm các Liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc, bên trái là hòn non bộ tạo cảnh quan cho di tích. Lùi vào bên trong có lầu Cô, lầu Cậu. Nhìn chung các hạng mục này hài hòa với cảnh quan và qui mô của di tích.
Tổng thể các công trình kiến trúc của đền Trung Phụng gồm: Tiền Tế, Trung Tế và Hậu Cung được bố trí trên một trục thần đạo theo nguyên tắc của kiến trúc dân gian truyền thống.
Từ sân đền, qua bậc ngũ cấp là toà Tiền Tế 3 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, mái lợp ngói ta. Chính giữa bờ nóc đắp đôi rồng chầu mặt trời, hai đấu gắn đầu kìm. Hai bên hồi xây hai trụ biểu vượt ra, đỉnh trụ trang trí trái Dành cách điệu, thân trụ tạo mặt cắt đắp câu đối chữ Hán.
Bộ khung gồm 4 bộ vì bê tông giả gỗ kết cấu theo kiểu “Thượng chồng rường giá chiêng, trung kể ngồi, hạ kẻ bẩy”. Đỡ các bộ vì là các hàng chân cột chắc khỏe. Phần hiên được làm khá rộng; Phía trước mở cửa “Thượng song hạ bản”, nền lát gạch Bát Tràng.
Phần trang trí chỉ điểm xuyết trên các vì, con rường, xà với đề tài: Lá lật, văn triện. Gian giữa treo bức Cửa võng chạm rồng chầu mặt trời, hổ phù, lá lật. Bên dưới đặt một Hương án gỗ bài trí Ngai thờ và các đồ Tế khí.
Tòa Trung Tế có hình thức giống như tòa Tiền Tế. Gian giữa là nơi thờ Công đồng, Hội Đồng các quan, Ngọc Hoàng – Nam Tào – Bắc Đẩu, Ngũ Vị Tôn Ông, gian bên phải thờ chúa Sơn Trang, gian bên trái thờ Đức Thánh Trần.
Hậu Cung gồm 3 gian dọc ở phía sau, phía trước mở 3 cửa ra vào, bên trên trang trí Cửa võng “kép” chạm khắc khá đẹp và tinh tế. Hàng ngày, cửa giữa được đóng lại, chỉ mở hai cửa phụ dùng làm lối đi lại.
Bộ khung tòa Hậu Cung có kết cấu dạng “Thượng chồng rường, trung bán chồng rường giá chiêng, hạ bẩy”. Gian giữa xây bục giật cấp làm nơi đặt các lớp tượng Mẫu của đền.
Đền Trung Phụng còn lưu giữ được nhiều di vật có giá trị lịch sử - văn hóa, nghệ thuật, như: 01 đạo Sắc phong niên hiệu Thành Thái nguyên niên (1889), 14 pho tượng Mẫu, 08 bộ Khám thờ, 06 bức Hoành phi, 06 đôi Câu đối, 07 bức Cửa võng, 05 Hương án, 07 bộ Ngai thờ cùng nhiều đồ thờ tự như Chấp kích, Bát hương, Mâm bồng, Binh khí, Giá kiếm… mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.
Tồn tại đến ngày nay, tuy đã qua nhiều thăng trầm của lịch sử dân tộc, nhưng đền Trung Phụng vẫn luôn được chính quyền và nhân dân địa phương chăm lo chu đáo. Ngôi đền chính là địa chỉ sinh hoạt văn hóa tâm linh của bà con khối phố, nơi điều chỉnh những hành vi đạo đức, củng cố tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống.
Đền Trung Phụng đã được UBND thành phố Hà Nội xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa năm 2016.
Bản đồ
Địa điểm xung quanh