Đền Sòng Sơn
Số 35 Phố Tôn Đức Thắng, Hàng Bột, Đống Đa, Hà Nội
0243 851 1306
Giới thiệu
Đền Sòng Sơn tên chữ là “Sòng Sơn vọng từ” có địa chỉ tại số 35, phố Tôn Đức Thắng, phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
Theo bài minh trên quả chuông "Sòng Sơn vọng từ" đúc năm Quý Sửu, niên hiệu Duy Tân (1913) thì trước đây đền vốn có quả chuông cổ, trải qua lâu ngày, màu đồng han rỉ, âm thanh kém vang. Trước tình trạng đó, cô đồng của bản đền là Nguyễn Thị Vạn, hiệu là Diệu Đức cùng với cháu rể là Nguyễn Kiều Công, cháu gái Nguyễn Thị Cử, em là Nguyễn Văn Chương trình bày với dân làng bàn giúp xin đem sức ra hưng công, đúc lại quả chuông đồng để lưu mãi về sau. Chuông lớn đúc xong nặng đến 2 tạ, tiếng vang xa gần, âm lượng chấn động đến cõi u minh.
Sáu năm sau, năm Khải Định thứ tư (1919) một người ở bản giáp là ông Nguyễn Đình Sĩ đã cùng với con cháu, dòng họ và dân làng đứng ra tu sửa ngôi đền, phía trước, phía sau 2 toà bề thế trang nghiêm.
Năm 1947, đền bị thực dân Pháp đốt phá; năm 1949, được khởi công phục dựng lại, đến tháng 2 năm 1951 thì hoàn thành, quy mô giữ nguyên vẹn như ngày nay.
Theo Văn bia và Sắc phong thần hiện còn trong di tích cho biết: đền Sòng Sơn thờ vị nữ thần là Liễu Hạnh Công Chúa. Trong tiềm thức dân gian, Công Chúa Liễu Hạnh còn có các tên gọi tôn kính như: Bà Chúa Liễu, Mẫu Sòng, Mẫu Phủ Giày, Mẫu Nghi Thiên Hạ,… được thờ ở rất nhiều nơi trên đất nước ta.Truyền thuyết về công chúa Liễu Hạnh rất phong phú bởi sự biến hóa khôn lường của Bà nơi hạ giới. Qua ba lần xuống trần gian, Bà để lại những dấu tích ở nơi đã đi qua, đó là những đền miếu linh thiêng được người đời sau tôn sùng, thờ cúng.
Sách "Thích Văn Lục" và một số bản thần tích cho biết: Công Chúa Liễu Hạnh là con gái Ngọc Hoàng, tính tình ngang bướng, phóng túng không chịu theo khuôn phép nhà trời. Vì đánh vỡ chén ngọc nên Liễu Hạnh bị vua giáng xuống trần, đầu thai vào nhà Lê Thái Công (xã Vân Cát) mang tên là Giáng Tiên. Lớn lên, Giáng Tiên là con nuôi một vị hưu quan họ Trần. Được học hành nên có tài văn chương, đàn sáo. Năm 18 tuổi, nàng lấy chồng là Đào Lang - con một vị hưu quan ở làng. Vợ chồng ăn ở hoà thuận được ba năm thì hết hạn lưu đày, bỗng nhiên không bệnh mà hoá, để lại cho chồng hai người con, một trai, một gái.
Do lòng trần chưa dứt, Công Chúa Liễu Hạnh lại được vua cha Ngọc Hoàng cho xuống trần lần thứ 2. Lần này, với phép biến hoá huyền diệu, nàng gặp lại bố mẹ và chồng con nhưng sau đó lại bỏ đi. Với tính tình phóng khoáng, tung tích vô định, lúc làm cô gái thổi sáo, khi hoá thành bà già chống gậy đi khắp đất nước. Ở Lạng Sơn, nàng làm thơ ghẹo sứ Bộ Đại Việt từ Trung Hoa trở về; ở Tây Hồ, làm cô hàng rượu ngâm vịnh, dự tiệc cùng danh nhân Phùng Khắc Khoan cùng Tú tài họ Ngô, họ Lý. Sau đó Công Chúa Liễu Hạnh vào Nghệ An kết duyên với một người học trò, thường ngày thơ ca xướng hoạ với chồng. Sau bà sinh được một người con trai rồi trở về trời.
Sau ba năm ở Thiên Đình, vì nhớ cõi trần nên Công Chúa Liễu Hạnh lại xin Ngọc Hoàng cho xuống trần gian một lần nữa. Lần này bà mang theo hai người Tiên nữ là Quỳnh Hoa và Quế Hoa. Họ trú ngụ ở phố Cát (Thanh Hoá) để dạy dân cày cấy, xây dựng cuộc sống. Vì vậy bà được dân lập đền thờ cúng. Triều đình sau một thời gian sai Thuật sĩ tiễu trừ không được nên phải công nhận và sắc phong cho bà là Mã Hoàng Công Chúa.
Để lý giải sự có mặt của điện thờ Thánh Mẫu trong các chùa, có nơi còn giải thích thêm rằng: Sau khi Công Chúa Liễu Hạnh bị thất bại, Phật Tổ đã hiện ra để giải cứu. Ngọc Sư đã vâng lời Đức Phật, cho nàng một bộ áo cà sa, một chiếc mũ ni cô để quy Phật. Vì vậy, các chùa đều dựng thêm điện Mẫu ở phía sau để thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh.
Công Chúa Liễu Hạnh hay bà Chúa Liễu, Mẫu Sòng, Mẫu Phủ Giày, Mẫu Nghi Thiên Hạ... là một vị nữ thần có tư thái, phẩm chất in đậm vào tâm hồn người Việt Nam, bà đã cùng với Phù Đổng Thiên Vương, Tản Viên Sơn Thánh, Chử Đồng Tử tạo thành "Tứ Bất Tử" trong thần điện của người Việt. Dưới các vương triều quân chủ, bà thường được tôn phong là "Đệ Nhất Thượng Đẳng Thần".
Đền Sòng Sơn hiện nay được xây dựng theo hướng Tây trông ra đường Tôn Đức Thắng. Tính từ ngoài vào, kiến trúc đền bao gồm: Nghi Môn, một khoảng sân hẹp và khu thờ tự.
Nghi Môn đền Sòng Sơn là một kiến trúc gạch nhỏ được xây dựng theo chiều ngang của nhà Tiền Tế, gồm 3 cổng, cổng chính được xây cao hơn hai cổng bên, mái lợp ngói ta. Trên cổng chính có bức Hoành phi đề 4 chữ “Sòng Sơn vọng từ”, cổng có kết cấu đơn giản, xây cuốn vòm. Hai bên cổng đắp câu đối chữ Hán.
Qua cổng vào một sân hẹp là tới khu đền chính, gồm nhà Tiền Tế, Đại Bái và Hậu Cung.
Nhà Tiền Tế gồm 5 gian xây gạch kiểu tường hồi bít đốc. Chính giữa bờ nóc trang trí mặt trời lửa đứng trên mặt hổ phù, diềm mái trước làm hệ thống tường hoa, gian giữa có bức Cuốn thư đề 4 chữ Hán: "Sòng Sơn vọng từ".
Bộ khung nhà Tiền Tế kết cấu đơn giản kiểu “Vì kèo quá giang”. Lòng nhà hẹp, mặt nền lát gạch vuông mầu đỏ sẫm. Bên trong gian giữa là một khám thờ lớn đặt 5 pho tượng "Ngũ Vị Tôn Ông", Hai bên thờ Đức Thánh Trần Triều và các vị Đồng Đền đã quá cố. Các khám thờ được trang trí khá cầu kỳ, phần trên chạm nổi đề tài "Lưỡng long chầu nhật". Thân rồng được thể hiện tỉ mỉ từng lớp vẩy và hàng vây chạy dọc sống lưng. Điểm xuyết trên thân và chân rồng là những cuộn mây theo quan niệm "Vân trùng long, phong trùng hổ".
Đại Bái gồm 5 gian xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, bộ khung đỡ mái có kết cấu giống như nhà Tiền Tế. Các con hoành, xà, kẻ được bào trơn đóng bén thiên về độ bền chắc.
Hậu Cung gồm 3 gian ở phía sau toà Đại Bái, xây dạng chồng diêm hai tầng mái. Gian trong cùng xây bệ gạch lớn đặt tượng các vị Thánh Mẫu, gồm tượng Tam Tòa Thánh Mẫu ngồi trong Khám kính lớn, tượng Liễu Hạnh Công Chúa. Ngoài tượng Mẫu, trong Cung còn có tượng Phật A Di Đà và Quan Âm Tọa Sơn. Sự có mặt của 3 nhân vật quan trọng trong Thần điện tại đền Sòng Sơn cho thấy sự đan xen, tư tưởng hoà đồng "Tam giáo đồng nguyên" trong tâm thức, tín ngưỡng truyền thống của người Việt.
Đền Sòng Sơn có đầy đủ các lớp tượng theo tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Đó là tượng Tam Tòa Thánh Mẫu, tượng Mẫu Liễu Hạnh, Ngũ Vị Tôn Ông, ban Mẫu Sơn Trang, ban Trần Triều, ban thờ vua cha Ngọc Hoàng, Tứ Phủ Chầu Bà, Tứ Phủ Thánh Cô, mẫu Hải Cờn, Ban Đồng Đền, các tượng Cô, tượng Cậu, mẫu Thủ Đền… Tất cả các pho tượng đều được tạo tác rất đẹp, chuẩn mực, công phu, sơn thếp lộng lẫy, tạo cho điện thờ thêm uy linh, tráng lệ.
Ngoài những pho tượng Mẫu, trong đền còn lưu giữ được nhiều hiện vật, như: Hoành phi, Cuốn thư, Câu đối, Cửa võng, Khám thờ, Lộc bình, Sắc phong, Chuông đồng, Bia đá có niên đại tạo tác vào thế kỷ XIX-XX. Trong đó, đáng quan tâm các bức Cửa võng, Khám thờ, Long ngai được trang trí tỉ mỉ hoa văn truyền thống bằng kỹ thuật chạm nổi, chạm thủng, chạm bong kênh đề tài rồng chầu mặt trời, rồng lá, hổ phù, long mã, chim phượng, cúc lão, mai lão, hoa dây với những đường nét khéo léo, chau chuốt. Đây là phần “linh hồn” của di tích, tạo cho di tích trở nên linh thiêng, huyền bí theo đúng tính chất của một ngôi đền thờ Mẫu.
Đền Sòng Sơn đã được xếp hạng cấp Quốc gia năm 1994.
Bản đồ
Địa điểm xung quanh