Đền Lương Sử
Số 88 Ngõ Lương Sử A Đường Văn Chương, phường Văn Chương, Đống Đa, Hà Nội
0243 851 1306
Giới thiệu
Đền Lương Sử còn được gọi là đình Lương Sử, có địa chỉ tại số 88, ngõ Lương Sử A, phường Văn Chương, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Thế kỷ XIX, Lương Sử, nguyên là đất tổng Hữu Nghiêm, sau đổi thành tổng Yên Hòa, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội.
Sở dĩ gọi là đền (đình) Lương Sử là do Lương Sử được hợp nhất bởi hai thôn: Ngự Sử và Lương Tỷ. Thôn Ngự Sử được vua Lý Thái Tông cho xây dựng ngôi đền khoảng những năm 1034 – 1038 thờ tướng quân Phạm Cự Lượng; thôn Lương Tỷ có ngôi đình thờ Cao Sơn Đại Vương và Thánh mẫu Liễu Hạnh nhưng đã bị đổ nát. Giữa thế kỷ XIX, hai thôn này hợp nhất thành thôn Lương Sử. Như vậy, đền (đình) Lương Sử ngày nay chính là sự sáp nhập của hai di tích đền Ngự Sử thờ Phạm Cự Lượng và đình Lương Tỷ thờ Cao Sơn Đại Vương và Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Sự dung hợp yếu tố tín ngưỡng của hai di tích đã tạo cho ngôi đền Lương Sử trở nên lý thú bởi nó vừa mang chức năng của ngôi đền thờ thần, vừa mang chức năng của ngôi đình thờ Thành Hoàng làng.
Các nhân vật được thờ trong đền (đình) Lương Sử đều là những anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa đã có công trong lịch sử dấu tranh dựng nước và giữ nước của ông cha ta, được nhân dân suy tôn thờ cúng. Đó là Phạm Cự Lượng - một danh tướng đờiĐinh Tiên Hoàngvà đượcLê Đại Hànhphong đến chứcThái úy. Ông là người có vai trò rất quan trọng trong cuộc binh biến đưaLê Hoànlên ngôi Hoàng đế, giúp triều Tiền Lê đánh tan quân Tống năm 981, mở ra kỷ nguyên độc lập lâu bền cho đất nước.
Thần Cao Sơn Đại Vương là một trong 50 người con theo mẹ Âu Cơ lên núi. Do có công giúp vua Hùng dẹp tan giặc Thục nên thần trở thành bộ tướng của thần Sơn Tinh và được phụng thờ trong đền núi Tản Viên Ba Vì. Trải qua thời gian cùng sự dịch chuyển của tâm thức dân gian, thần Cao Sơn tiếp tục được suy tôn là một trong “Thăng Long tứ trấn” - vị thần trấn giữ phía Nam, bảo vệ cho kinh đô Thăng Long xưa.
Mẫu Liễu Hạnh còn được gọi là Công chúa Liễu Hạnh, bà Chúa Liễu, Mẫu Sòng, Mẫu Phủ Giày, Mẫu nghi thiên hạ... là một vị nữ thần có tư thái, phẩm chất in đậm vào tâm hồn người Việt Nam, Bà đã cùng với Phù Đổng Thiên Vương, Tản Viên Sơn Thánh, Chử Đồng Tử tạo thành "Tứ bất tử" trong thần điện của người Việt. Dưới các vương triều quân chủ, bà được tôn phong là "Đệ nhất Thượng đẳng thần". Mẫu Liễu Hạnh chính là hiện thân cho sự mưu cầu hạnh phúc lứa đôi của người phụ nữ Việt Nam tạo bình đẳng nam nữ trong xã hội phong kiến.
Đình Lương Sử được tọa lạc trong khu dân cư đông đúc của làng Lương Sử xưa. Các cụ trong làng cho biết, xưa nơi đền tọa lạc rất rộng rãi, khang trang. Tuy nhiên, qua thời gian, cùng với quá trình đô thị hóa, diện mạo của ngôi đình đã thay đổi rất nhiều so với thời điểm khởi dựng. Kiến trúc chính của di tích hiện nay kết cấu theo kiểu chữ “Nhị” gồm Tiền Tế và Hậu Cung.
Tiền Tế là một nếp nhà 3 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, nền nhà lát gạch Hạ Long. Bộ khung gồm 4 bộ vì kết cấu kiểu “Thượng chồng rường giá chiêng, trung kẻ ngồi, hạ kẻ bảy” trên 4 hàng chân cột.
Gian giữa Tiền Tế thờ Công đồng, Hội đồng các quan, gian bên phải thờ Tam Tòa Thánh Mẫu, gian bên trái thờ đức Cao Sơn Đại Vương. Phía trên các ban thờ đều treo Hoành phi, Cửa võng, Câu đối sơn son thếp vàng lộng lẫy biểu hiện sự uy linh cho Thần điện.
Qua một khoảng sân nhỏ lát gạch là tòa Hậu Cung được kết cấu gồm 1 gian 2 dĩ, xây kiểu chồng diêm hai tầng mái. Nhà có khoảng hiên khá rộng, nền lát gạch đỏ. Hai hồi hiên đặt hai tấm bia đá có rùa đội. Bên cạnh là hai pho tượng Vũ Đinh – Thiên Ất, tay cầm đao, đầu đội mũ giáp. Phía trước mở cửa bức bàn “Thượng song hạ bản” vừa tạo sự thông thoáng cho di tích nhưng vẫn đảm bảo tính tôn nghiêm nơi thờ tự. Vào bên trong là 2 bộ vì gỗ kết cấu kiểu “Kèo cầu quá giang trốn cột”. Gian giữa đặt Long ngai - Bài vị của tướng quân Phạm Cự Lượng. Hai gian hồi đặt tượng quan Văn – quan Võ.
Phần trang trí tại đình Lương Sử khá giản dị, chủ yếu là lá lật, văn triện, gờ chỉ, kẻ soi trên các đầu các con rường, xà, kẻ hiên… tạo sự thanh thoát cho di tích.
Đền (đình) Lương Sử còn lưu giữ được nhiều di vật có giá trị lịch sử - văn hóa, như: Long ngai – Bài vị, Cửa võng, Hoành phi, Câu đối, Hương án… được chạm khắc đẹp, công phu, phản ánh quá trình phát triển của lịch sử mỹ thuật dân tộc qua từng thời kỳ. Đặc biệt trong đình còn 02 tấm Bia đá được tạo tác vào thời Nguyễn. Nội dung bia ghi việc các hội chủ đã bỏ tiền hưng công, trùng tu, tôn tạo ngôi đền. Đây là tư liệu có giá trị lớn về mặt lịch sử - văn hóa, khoa học, nghệ thuật và là một trong những cổ vật có giá trị tại di tích.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc, đình Lương Sử còn là địa điểm lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến của thủ đô Hà Nội. Trong kháng chiến chống Pháp, đình là nơi che chở cho những người tham gia tiếp liệu máy chữ của Chính Phủ từ Chợ Chuông – Thanh Oai ra Hà Nội, là địa điểm dạy chữ cho con em địa phương. Trong kháng chiến chống Mỹ, đình được sử dụng làm trụ sở của Đoàn xe vận tải 424 tập kết, sửa chữa, trang bị và vận tải hàng hóa phục vụ cho chiến trường miền Nam ruột thịt.
Đình (đền) Lương Sử đã được xếp hạng là di tích Lịch sử - văn hóa cấp Thành phố năm 2017.
Bản đồ
Địa điểm xung quanh