Đàn Xã Tắc
Ngõ Xã Đàn 1, phường Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội
0243 851 1306
Giới thiệu
Di tích khảo cổ đàn Xã Tắc có địa chỉ tại ngõ Xã Đàn 1, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Thời Lê, đây là đất phường Xã Đàn, tổng Hữu Nghiêm, huyện Thọ Xương. Thế kỷ XIX, tổng Hữu Nghiêm đổi thành tổng Yên Hòa, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội.
Các tài liệu sử sách đều chép đàn Xã Tắc được xây dựng vào năm 1048 dưới triều vua Lý Thái Tông. Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép: “Mậu Tý (Thiên Cảm Thánh Vũ) năm thứ 5 (1048), mùa thu, tháng 9, lập đàn Xã Tắc ở ngoài cửa Trường Quảng, bốn mùa cầu đảo cho mùa màng”[1]. Những dòng ghi chép trên cho thấy cùng với đàn Nam Giao thì đàn Xã Tắc là một trong hai đàn tế quan trọng của quốc gia phong kiến Đại Việt được xây dựng lên để tế thần Hậu Thổ và thần Nông (tức thần Đất và thần Lúa) - vốn là những vị thần quan trọng vào “bậc nhất” trong xã hội nông nghiệp cổ xưa của người Việt. Các nghi thức tế lễ ở đây đều thuộc đẳng cấp Nhà nước, thông thường đích thân các vua làm Chủ tế, nhưng cũng có khi ủy quyền cho một vị quan cao cấp đứng Chủ tế. Từ thời Nguyễn, khi vua Gia Long dời kinh đô vào Huế, đàn Xã Tắc ở Thăng Long không còn được sử dụng, lâu dần thành phế tích.
Trong tác phẩm “Hà Nội Nửa Đầu Thế Kỷ XX”, học giả Nguyễn Văn Uẩn đã ghi chép về vị trí của đàn Xã Tắc như sau: “Về thời Lý – Trần, cửa ô đó (Ô Chợ Dừa) có tên là cửa Trường Quảng, thời Hậu Lê và Nguyễn gọi là Ô Thịnh Quang. Làng Xã Đàn có tên như vậy là do chỗ này ngày xưa có đàn Xã Tắc dựng từ thời Lý Thái Tông. Địa điểm đàn Xã Tắc xưa là một khu đất vuông cao, cạnh có hai cây gạo lớn ở phía Bắc làng, gần đê Đại La, nền Xã Tắc đã bị phá hoại từ năm 1930, dân làng làm vườn che kín cả chỗ này[2]).
Đàn Xã Tắc được mô tả trong sử sách là công trình kiến trúc đắp lộ thiên, gồm 2 tầng, hình vuông, mặt chính diện quay về hướng Bắc. Cả 2 tầng đều có lan can gạch chạy xung quanh, chính giữa bốn mặt đều xây dựng hệ thống bậc giật cấp. Cạnh đài cao khoảng 28 cm, tầng trên cùng cao khoảng 1,6m, là nơi vua quan lên làm lễ tế Thần. Trên nền dựng 32 bệ đá để cắm Tàn. Khuôn viên đàn Xã Tắc được giới hạn bằng một vòng tường gạch hình chữ nhật. Mặt hướng Bắc được trổ 3 cửa, còn lại chỉ được trổ một cửa. Bên ngoài vòng thành ở phía Nam dựng một bức bình phong.
Trải qua bao sự thăng trầm của lịch sử, đặc biệt là sau khi kinh đô được nhà Nguyễn di dời vào Huế, đàn Xã Tắc dần trở nên hoang phế và mất dần dấu tích do quá trình đô thị hóa.
Năm 2006, trong lúc thi công mở đường xã Đàn mới đã phát lộ dấu tích đàn Xã Tắc tại ngõ Xã Đàn 1, phường Nam Đồng. Ngay sau đó, di chỉ đàn Xã Tắc được Viện Khảo cổ học chủ trì phối hợp với UBND thành phố Hà Nội, Sở Văn hóa và Thông tin, UBND quận Đống Đa tiến hành khai quật trên diện tích 1.068m2. Tại đây, đã phát hiện được nhiều di vật thuộc giai đoạn Văn hóa Phùng Nguyên và thời Bắc thuộc (10 thế kỷ đầu công nguyên). Đặc biệt, phát hiện dấu tích kiến trúc đàn Xã Tắc là đường móng rải mảnh sành (niên đại thời Lý), gạch bìa và ngói (niên đại thời Trần), móng tường, đường đi, sân nền và móng sân nền (niên đại thời Lê) đã khẳng định địa điểm đàn Xã Tắc Thăng Long thời Lý - Trần - Lê đều nằm trên cùng một vị trí của đàn Xã Tắc mà vua Lý Thái Tông đã chọn xây năm 1048.
Những phát hiện trên là minh chứng cụ thể bằng vật chất cho những giả thiết của giới Sử học lâu nay về vị trí, quy mô của đàn Xã Tắc ở Thăng Long – Hà Nội; đồng thời khẳng định đây là loại hình kiến trúc đặc biệt, có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh đối với quốc gia phong kiến Đại Việt. Học giả Đào Duy Anh trong cuốn “Từ Điển Hán Việt” đã phân tích: “Xã Tắc có nghĩa là thuở xưa dựng nước. Mất nước thì mất Xã Tắc, nên Xã Tắc cũng có nghĩa là Quốc gia”. Còn nhà Sử học Lê Văn Lan cũng cho rằng: “Từ xa xưa, không chỉ đối với người dân, mà ngay cả các vương triều, kinh đô Việt Nam và Trung Hoa, đàn Xã Tắc có vị trí vô cùng linh thiêng. Giữ gìn, bảo tồn đàn Xã Tắc cũng chính là giữ gìn sơn hà xã tắc”.
Đàn Xã Tắc được xếp hạng là di tích Khảo cổ cấp Quốc gia ngày 07/02/2007.
[1] Ngô Sĩ Liên (1998), Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 1, Nxb KHXB,trang, 268.
[2] Nguyễn Văn Uẩn, Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX
Bản đồ
Địa điểm xung quanh