Chùa Xã Đàn
Số 50 Ngách 106 Ngõ Xã Đàn 2 , Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội
0243 851 1306
Giới thiệu
Chùa Xã Đàn có tên chữ là “Kim Yên tự” tọa lạc tại ngõ Xã Đàn 2, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
Chùa Xã Đàn là một kiến trúc Phật giáo được xây dựng để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng động cư dân địa phương. Ngoài thờ Phật, trong chùa còn “hợp tự” thờ Thành Hoàng của làng Xã Đàn cũ là Bảo Hoa Công Chúa. Theo truyền thuyết thì Bảo Hoa Công Chúa là chị gái của Thái Úy Lý Thường Kiệt – Vị anh hùng dân tộc ở thế kỷ XI, bà đã cùng với Lý Thường Kiệt phá Tống, bình Chiêm, bảo vệ bờ cõi đất nước dưới thời nhà Lý. Sau khi bà qua đời, tưởng nhớ công ơn, nhân dân làng Xã Đàn đã suy tôn bà làm Thành Hoàng làng thờ ở khu đền Cây Si. Sau này đền bị phá, việc “hợp tự” được chuyển vào nhà Mẫu của chùa Xã Đàn. Hiện trong chùa vẫn còn 01 đạo Sắc phong niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 4 (1796) phong cho bà là “Bảo Hoa Công Chúa”. Hàng năm, vào ngày mùng 2 tháng 2 (âm lịch), dân làng lại làm giỗ để tưởng niệm bà.
Tương truyền, chùa Xã Đàn được dựng từ thời Lý cùng với thời điểm dựng Đàn Xã Tắc để tế thần Hậu Thổ và và Thần Nông (tức thần Đất và thần Ngũ Cốc). Dấu tích còn lại trong chùa là cây cột đá dài hơn 1m nằm dưới giếng chùa. Cột đá có hình dáng giống với cột đá chùa Một Cột mà các nhà nghiên cứu cho rằng đây là loại cột đá chỉ xuất hiện ở thời nhà Lý. Còn sách Việt Sử Thông Giám Cương Mục triều Nguyễn cho biết thêm: “Cùng với quá trình xây dựng kinh thành Thăng Long, vào năm 1048, dưới triều đại Lý Thái Tông, Đàn Xã Tắc đã được xây dựng ở phía Tây Nam kinh thành mà hiện nay dấu tích ta còn thấy rõ ngay bên chùa Xã Đàn”.
Trải qua thời gian, chùa được trùng tu, sửa chữa vào các năm: Quang Thiệu thứ 5 (1520), Vĩnh Trị nguyên niên (1676), Chính Hòa thứ 20 (1699), Tự Đức thứ 30 (1877), Thành Thái thứ 14 (1902). Sau này, chùa tiếp tục được quan tâm tôn tạo. Các công trình kiến trúc của chùa Xã Đàn hiện nay gồm: Tam Quan, Lầu Quan Âm, Tiền Đường, Thượng Điện, nhà Tổ, nhà Mẫu, vườn Tháp và những công trình phụ trợ.
Tam Quan chùa Xã Đàn là kiến trúc khá đồ sộ gồm 3 cổng xây chồng diêm hai tầng 8 mái lợp giả ngói ống, chính giữa bờ nóc đắp đôi rồng chầu vào bánh xe Pháp luân, bên trong có chữ “Vạn”. Hai cổng bên trang trí rồng chầu mặt trời, các góc đao gắn hình rồng lá cách điệu, phía dưới đắp bức hoành phi đề 3 chữ: “Kim Yên tự”. Liên kết giữa các cổng là 4 cột đồng trụ trang trí trái Dành cách điệu, nghê chầu, thân trụ đắp câu đối chữ Hán.
Lầu Quan Âm được tạo tác bằng chất liệu đá xanh, dạng chồng diêm hai tầng 8 mái, với 8 đầu đao cong uyển chuyển. Đỡ mái là hệ thống trụ đá vuông tròn khắc câu đối chữ Hán, linh vật. Trong lầu, đặt pho tượng Quan Âm bằng đá trắng đứng trên đài sen, xung quanh có nhiều cây cảnh tạo cảm giác hòa quyện, gần gũi với thiên nhiên.
Tiền Đường là một nếp nhà 7 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, mái lợp ngói ta. Giữa bờ nóc đắp bức cuốn thư đề 3 chữ Hán “Kim Yên tự”, hai đốc mái gắn đầu rồng cách điệu. Phía trước các gian tạo 3 bậc lên xuống bằng đá xanh chạm cánh sen cách điệu, nền nhà lát gạch men. Năm gian giữa mở hệ thống cửa gỗ theo kiểu “Thượng song hạ bản”, hai gian hồi để cửa sổ tròn chữ “Thọ”. Trước hồi hiên xây hai cột đồng trụ cao ngang nóc chùa, đỉnh trụ là bốn con chim phượng chụm đuôi vào nhau tạo thành chái giành cách điệu, phần lồng đèn trang trí tứ linh, tứ quý, thân trụ tạo mặt cắt đắp câu đối chữ Hán. Đây là hai cột đồng trụ khá đẹp bởi chi tiết trên chái giành mềm mại, uyển chuyển. Các con phượng trong tư thế như muốn bay ra khỏi trụ. Trụ biểu được coi như một mẫu đẹp trong kiến trúc cổ truyền hiện nay.
Các bộ vì liên kết với nhau theo dạng thức “Thượng giá chiêng hạ cốn, kẻ hiên” trên mặt bằng bốn hàng chân cột. Tại các con rường, đầu dư, cốn nách, cốn hiên, xà hạ… trang trí rồng lá, vân mây, văn triện, rồng ổ, lá lật, hoa sen. Đặc biệt là hệ thống cột hiên bằng đá xanh chạy suốt 7 gian chạm rồng cuốn thủy, hoa dây, hoa thị, văn triện, tùng, trúc, cúc, mai rất sinh động và sắc nét.
Thượng Điện gồm 4 gian nhà dọc, kết cấu kiểu “Thượng giá chiêng hạ cốn rường” trên mặt bằng hai hàng chân. Các bộ vì tại Thượng Điện chủ yếu được bào trơn, đóng bén, không có trang trí hoa văn.
Nhà Mẫu gồm 3 gian 2 dĩ, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta. Bộ khung kết cấu kiểu “Thượng giá chiêng hạ cốn”. Đây là nơi “hợp tự” thờ Thành Hoàng làng Xã Đàn là Ngọc Hoa Công Chúa cùng với Tam Tòa Thánh Mẫu, chúa Sơn Trang và đức Thánh Trần.
Nhà Tổ thiết kế dạng chữ “Đinh” gồm 3 gian Tiền Tế, 1 gian Hậu Cung theo cách thức truyền thống. Bộ khung kết cấu kiểu “Chồng rường giá chiêng hạ kẻ” kết hợp trang trí tứ linh, tứ qúy, văn triện, lá lật tạo sự thanh thoát cho kiến trúc.
Phía sau chùa vẫn còn một giếng hình bán nguyệt. Theo quan niệm dân gian thì đây là nơi tụ phúc, tụ thủy cho di tích. Xung quanh giếng đã được kè đá hoàn chỉnh. Sau giếng là khu Vườn Tháp tạo cho cảnh chùa thêm phần thanh u, trầm mặc.
Chùa Xã Đàn còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý hiếm, phản ánh quá trình ra đời tồn tại và phát triển của di tích; đó là cây cột đá có hình thức giống với cột đá thời Lý ở chùa Một Cột; một số viên gạch vồ thuộc niên đại thế kỷ XV-XVI; 05 tấm Bia đá niên đại thế kỷ XVI-XVII-XVIII-XIX; 01 Sắc phong thời Tây Sơn cùng hệ thống tượng Phật, tượng Tổ, tượng Mẫu, tượng Thành Hoàng có niên đại nghệ thuật thế kỷ XVIII-XIX… đã khẳng định sự phát triển liên tục của chùa Xã Đàn trong tiến trình lịch sử. Những di vật này ngoài việc cung cấp cho chúng ta những tư liệu quý về mặt lịch sử, văn hóa, điêu khắc nghệ thuật…, còn là những cổ vật vô cùng quý hiếm góp phần làm giàu thêm kho tàng di sản văn hóa của Thăng Long – Hà Nội.
Trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, chùa Xã Đàn không chỉ là căn cứ hậu cần quan trọng của cách mạng, mà còn là nơi đóng quân của tự vệ và vệ quốc đoàn, trạm cứu thương trung chuyển thương binh từ nội thành ra vùng ngoại thành.
Chùa Xã Đàn được xếp hạng di tích cấp Quốc gia năm 1990.
Bản đồ
Địa điểm xung quanh