Chùa Trung Tự (Phúc Long tự)
162 Đê La Thành, Phương Liên, Đống Đa, Hà Nội
0243 851 1306
Giới thiệu
Chùa Trung Tự có tên chữ là “Phúc Long tự” tọa lạc tại ngõ 198 Xã Đàn, phường Phương Liên, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Đây nguyên là đất phường Đông Tác, huyện Thọ Xương, phủ Phụng Thiên thời Lê. Đầu thế kỷ 20, Trung Tự thuộc tổng Kim Liên, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông.
Theo tấm bia khắc năm Tân Dậu, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 2 (1741) thì chùa Phúc Long do Quận chúa Trịnh Thị Thuần là con gái Chúa Trịnh lập ra từ giữa thế kỷ 18 và giao cho dân làng Trung Phụng trông nom, thờ cúng. Phần cuối bia có bài minh ca ngợi cảnh đẹp của chùa:
"Ấp danh Đông Tác
Địa thông Hoàng thành.
Tích giáng hữu nhiều
Lâm thuỷ tiều oanh..."
Tạm dịch:
Ấp ta tên là Đông Tác
Thế đất nội, liền với Hoàng thành
Có sông Tích uốn lượn ở bên phải
Phía trước có dòng nước chảy quanh...
Chùa Trung Tự đã trải qua nhiều lần trùng tu vào các năm 1892, 1894, 1925. Năm 1947, chùa bị giặc Pháp đốt cháy. Năm 1951, nhà sư Đàm Châm cùng với nhân dân địa phương đã xây dựng lại ngôi chùa quy mô như ngày nay.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa là cơ sở cách mạng, nơi che dấu cho cán bộ cách mạng về hoạt động ở Nội thành. Bản thân sư trụ trì Đàm Châm đã tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1945 và nhiều năm là Uỷ viên Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội và rất tích cực tham gia công tác xã hội.
Vào cuối tháng 12 năm 1972, khi máy bay Mỹ ném bom hủy diệt khu phố Khâm Thiên, chùa Trung Tự là một trong những nơi che chở cho nhiều lượt gia đình đến lánh nạn. Vì vậy, chùa đã được Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội tặng Bằng khen.
Cổng chùa trông ra đường Đê La Thành chạy song song với phố Xã Đàn vừa mới được mở nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Chùa chính được kết cấu theo dạng chữ “Đinh” gồm tòa Tiền Đường và Thượng Điện, hai bên sân chùa là nhà Tổ và nhà Mẫu nằm song song nhau, phía sau chùa còn 3 ngọn tháp cổ, nơi lưu giữ xá lỵ của những vị sư trụ trì chùa đã viên tịch.
Tiền Đường chùa Trung Tự gồm 3 gian 2 chái, xây dạng chồng diêm hai tầng 8 mái thanh thoát, mái lợp ngói ta, đỉnh móc mái đắp bức cuốn thư đề 3 chữ Hán “Phúc Long tự”, hai bên đốc mái là hai con rồng ngậm bờ nóc, 8 góc đao là 8 đầu rồng uốn cong uyển chuyển bay lên không trung, trên bờ dải được trang trí bằng gạch hoa chanh theo phong cách truyền thống. Phần cổ diêm làm dạng chấn song con tiện có tác dụng đón ánh sáng vào bên trong nội thất. Ba gian giữa mở cửa bức bàn “Thượng song hạ bản”, hai gian hồi để cửa sổ tròn chữ “Thọ”. Sân chùa được láng xi măng, từ sân bước lên hiên chùa phải qua các bậc ngũ cấp được bó bằng những phiến đá xanh cỡ lớn.
Vào bên trong gồm 4 bộ vì gỗ kết cấu theo dạng “Thượng chồng rường giá chiêng, hạ cốn rường” trên 4 hàng chân cột. Trang trí trên kiến trúc chùa được tập trung trên hệ thống cửa ra vào, ván dong, câu đầu, con rường, cổ diêm, đầu dư, kẻ hiên… các họa tiết như: Lá lật, văn triện, đầu rồng, vân xoắn, tứ linh, tứ quí rất uyển chuyển và tinh tế tạo cho kiến trúc chùa thêm phần nhẹ nhàng và thanh thoát.
Thượng Điện là nếp nhà dọc ở phía sau Tiền Đường, nhà xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta. Bộ khung gồm 3 bộ vì gỗ được kết cấu giống như tòa Tiền Đường. Nơi cao và sâu nhất là nơi an tọa của các lớp tượng Phật trong chùa. Trên cùng là bộ tượng Tam Thế Phật; lớp thứ hai là tượng Thích Ca Giáo Chủ và hai Thị Giả, lớp thứ 3 là tượng A Di Đà – Kim Đồng – Ngọc Nữ, dưới cùng là Tòa Cửu Long cùng tượng Thích Ca Sơ Sinh bằng đồng. Hai bên Tiền Đường là tượng Khuyến Thiện – Trừng Ác, tượng Đức Ông – Thánh Tăng. Nhìn chung các lớp tượng chùa tuy không nhiều nhưng đều được tạo tác rất đẹp, tỷ lệ cân đối, đạt tính chuẩn mực của nghệ thuật tạc tượng đương thời.
Trên các gian đều treo hoành phi, câu đối ca ngợi cảnh đẹp của chùa, ca ngợi đạo Phật cùng các bức cửa võng được sơn son thếp vàng lộng lẫy tạo cho Phật điện thêm phần linh thiêng và ấm cúng.
Nhà Tổ gồm 5 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, 3 gian giữa là nơi thờ Tổ và Quận chúa Trịnh Thị Thuần, người đã có công xây dựng chùa Trung Tự.
Nhà Mẫu gồm 3 gian, 2 dĩ, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, chính giữa bờ nóc trang trí rồng chầu mặt trời, các bộ vì bên trong được làm theo cách thức truyền thống. Gian giữa là ban Tam Tòa Thánh Mẫu, gian bên trái là ban Trần Triều, gian phải là ban thờ chúa Sơn Trang.
Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, chùa Trung Tự vẫn bảo lưu được hệ thống di vật quý, hiếm, có giá trị lịch sử - văn hóa, mỹ thuật. Những pho tượng có giá trị nghệ thuật cao như: bộ tượng Tam Thế, tượng Thích Ca Giáo Chủ, tượng A Di Đà, tượng Quận chúa Trịnh Thị Thuần… được tạo tác đẹp, trau chuốt mang niên đại nghệ thuật thế kỷ XVIII-XIX. Bên cạnh hệ thống tượng tròn, chùa còn lưu giữ được là hệ thống di vật đa dạng, phong phú, gồm: 9 Bia đá, 2 quả Chuông đồng cùng nhiều Hoành phi, Câu đối, Cửa võng, Cuốn thư, Hương án … góp phần nâng cao giá trị lịch sử - nghệ thuật của di tích.
Chùa Trung Tự là di sản văn hóa quý của thủ đô cần được trân trọng, gìn giữ và phát huy giá trị. Tồn tại đến ngày nay, ngôi chùa đã có nhiều đóng góp cho lịch sử đất nước và cuộc sống tinh thần của nhân dân địa phương. Chùa Trung Tự đã đi vào lịch sử dân tộc như một niềm tự hào của văn hóa Việt.
Chùa Trung Tự đã được xếp hạng là di tích cấp Quốc gia năm 1992.
Bản đồ
Địa điểm xung quanh