Chùa Tiên Phúc (chùa Bà Nành)
Số 27 Phố Văn Miếu, Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội
0243 851 1306
Giới thiệu
Chùa có tên chữ là “Tiên Phúc tự” (nghĩa là chùa được Tiên ban phúc, có Tiên giáng thế), nhưng nhân dân địa phương vẫn quen gọi chùa bằng cái tên Nôm là chùa Bà Nành. Chùa tọa lạc tại số 152, phố Nguyễn Khuyến, phường Văn Miếu, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Thời Lê, di tích nằm trên đất thôn Tả Biên Giám Thục Miến, tổng Hữu Nghiêm, huyện Thọ Xương, kinh thành Thăng Long. Thế kỷ XIX, thôn Thục Miến hợp với thôn Thanh Ngô thành thôn Thanh Miến, thuộc tổng Yên Hòa, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội.
Hiện chưa rõ chùa được dựng từ bao giờ? Các công trình nghiên cứu của một số học giả đều cho rằng chùa Bà Nành được xây dựng từ thời Lê Sơ (thế kỷ XV) để thờ Bà Nành, người đã có công xây dựng ngôi chùa. Theo truyền thuyết thì xưa kia có một bà già không rõ tên tuổi, mở một quán bán hàng nhỏ ở ngay nền chùa gần nơi các sĩ tử qua lại để vào học trường Quốc Tử Giám. Bà thường xay đậu nành chế ra các thứ chè, bánh rất thơm ngon, ai ăn cũng phải khen. Khách hàng gần xa đến thưởng thức, quán hàng trở nên phát đạt nên bà sắm được một phiến đá to làm quầy hàng. Hiện nay, phiến đá ấy vẫn còn.
Bà để dành được tiền xây ngôi chùa rất nguy nga, đặt tên ngôi chùa là “Tiên Phúc tự” ở ngay trên đất quán cũ của bà. Người đương thời cảm kích công đức ấy nên khi bà qua đời đã lấy tấm đá dùng làm quầy bán hàng khi xưa đục chạm hoa văn đặt làm bàn thờ Hậu phật cho bà ở bên ban hữu trong chùa làm kỷ niệm và gọi tên là chùa Bà Nành.
Chùa Bà Nành còn gắn với câu truyện ly kỳ của vua Lê Thánh Tông (1460-1497) từng gặp Tiên nữ tại đây. Tương truyền một lần khi vua đến thăm Trường Quốc Tử Giám, lúc đi qua chùa đã nghe thấy tiếng một ni cô đang tụng kinh. Đến khi trở về, nhà vua ghé thăm chùa, gặp ni cô. Vua cùng ni cô và nhóm quần thần bình thơ, ngâm vịnh...
Ngày nay, trong chùa còn nhiều hoành phi, câu đối nhắc đến lần gặp gỡ kỳ thú giữa vua Lê Thánh Tông và Tiên nữ, như bức Hoành phi: “Tiên Phúc tự”, “Tiên Phúc môn” (với nghĩa là chùa gặp Tiên, được Tiên ban phúc, cổng Tiên phúc…), hay đôi Câu đối ngoài cổng còn ghi:
Ngọc Hồ tả trĩ, đế thi Tiên rịch cộng lưu phương;
Tam các hữu văn, Tiên trú thánh kinh đồng đại giác
Tạm dịch là:
Núi cao bên trái hồ, vua cùng tiên đánh cờ, ngâm vịnh đẹp xiết bao
Nơi Tam các bên phải hồ, nghe Tiên cầu nguyện, đọc kinh cùng tỉnh ngộ.
Chùa có qui mô kiến trúc trang nhã, đã qua nhiều lần tu sửa, nhưng lớn nhất là vào năm Đồng Khánh Đinh Hợi (1887). Lần tu sửa này được ghi lại trên tấm bia đá tại chùa.
Chùa tọa lạc trên khu đất phong quang theo hướng Đông Nam quay mặt ra phố Nguyễn Khuyến. Theo hồi ức của các cụ cao niên, xưa chùa khá rộng, có hồ và vườn tháp nguy nga. Tổng thể các công trình kiến trúc của chùa Bà Nành hiện nay gồm: Tam Quan – Gác Chuông, Tiền Đường, Thượng Điện, nhà Mẫu và các công trình phụ trợ phục vụ cho các sinh hoạt và nghi lễ tôn giáo tại chùa.
Tam Quan - Gác Chuông nằm ngay sát hè phố Nguyễn Khuyến, xưa có 3 cổng, nay cổng phụ bên phải đã không còn, chỉ còn lại cổng chính và một cổng nhỏ bên trái. Cổng chính được xây cuốn vòm gồm 3 tầng chồng diêm 8 mái ngói giả ống. Tầng trên treo quả chuông lớn, bốn phía mở thông. Đỉnh nóc mái đắp hình mặt trời, dưới là bức đại tự đề 3 chữ “Tiên Phúc môn”. Tầng mái dưới có bức cuốn thư đề 3 chữ “Tiên Phúc tự”, hai bên cổng xây trụ biểu cao, bên trên đắp trái Dành cách điệu, thân trụ bổ khung, đắp câu đối chữ Hán.
Cổng phụ bên phải khá rộng, trên cổng làm dạng bán mái bê tông dán ngói, cánh cổng làm bằng gỗ. Hàng ngày du khách vẫn ra vào lễ bái bằng lối cổng này.
Tam Bảo của chùa kết cấu dạng chữ “Đinh” gồm Tiền Đường và Thượng Điện.
Tiền Đường gồm 5 gian, xây tường hồi bít đốc, mái ngói ta, chính giữa bờ nóc đắp bức hoành phi đề 3 chữ Hán “Tiên Phúc tự”. Bộ khung gồm 6 bộ vì kết cấu kiểu “Chồng rường giá chiêng hạ kẻ”. Các bộ vì chủ yếu bào trơn đóng bén, thiên về độ bền chắc.
Thượng Điện gồm 4 gian nhà dọc, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, bộ khung được kết cấu giống với tòa Tiền Đường. Sát tường hậu xây bục cao làm nơi bài trí các lớp tượng Phật. Trên cùng là bộ tượng Tam Thế Phật đại diện cho 3.000 vị Phật ở ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai, lớp thứ hai là bộ tượng A Di Đà Tam tôn, lớp thứ 3 là tượng Cửu Long, lớp thứ 4 là tượng vua cha Ngọc Hoàng cùng Nam Tào – Bắc Đẩu. Hai bên Thượng Điện có tượng Quan Âm Thị Kính và tượng Bà Nành. Dưới ban thờ tượng Bà vẫn còn hòn đá có đục chạm hoa văn mây cuộn, mang phong cách nghệ thuật thời Lê.
Phía ngoài Tiền Đường đặt các tượng Khuyến Thiện – Trừng Ác, tượng Đức Ông và Thánh Tăng. Gian hồi phải đặt 3 tấm bia hậu và hai pho tượng Tổ, đó là các vị sư trụ trì chùa đã viên tịch.
Nhà Mẫu xây dạng chữ “Nhị”, gồm hai nếp nhà, mỗi nếp 3 gian, kiểu tường hồi bít đốc, mái ngói ta. Do diện tích sử dụng có hạn nên nếp nhà ngoài dùng làm nhà khách, nếp nhà bên trong là nơi thờ Mẫu: Ban giữa đặt tượng Tam Tòa Thánh Mẫu, bên trái là bộ tượng Ngũ Vị Tôn Ông, bên phải bài trí Tứ Phủ Chầu Bà, Chúa Sơn Trang và Đức Thánh Trần.
Chùa Bà Nành hiện còn lưu giữ được hệ thống di vật phong phú, đa dạng gồm: Hệ thống tượng Phật, tượng Tổ, tượng Mẫu, tượng Hậu được tạo tác công phu có niên đại nghệ thuật thế kỷ XVIII-XIX-XX, chuông đồng niên hiệu Thiệu Trị thứ 3 (1843), bia đá niên hiệu Đồng Khánh (1887) cùng nhiều đồ thờ như: Hoành phi, Cuốn thư, Câu đối, Cửa võng, Hương án… được chạm khắc chau chuốt, công phu đã tạo cho di tích thêm phần u linh, cổ kính.
Ngôi chùa nằm trong vùng đất đậm đặc với nhiều loại hình di tích tôn giáo – tín ngưỡng đan xen như: Văn Miếu – Quốc Tử Giám, chùa Bà Ngô, chùa Phổ Giác, Y Miếu Thăng Long, Bích Câu Đạo Quán, đền Sòng Sơn… là những điểm thu hút khách tham quan đến chiêm bái, lễ Phật, tìm hiểu về vùng đất của đạo Nho, Phật, Lão ở kinh thành Thăng Long xưa. Ngôi chùa là nơi để mỗi người dân gửi gắm niềm tin và ước vọng về một cuộc sống thái bình, an lạc sau những ngày lao động vất vả nhằm hướng con người tới những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.
Chùa Bà Nành đã được xếp hạng là di tích cấp Quốc gia năm 1986.
Bản đồ
Địa điểm xung quanh