Chùa Quang Minh
Số 8 Y Miếu, Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội
0243 851 1306
Giới thiệu
Chùa Quang Minh có địa chỉ tại số 10, phố Y Miếu, phường Văn Miếu, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
Tương truyền, chùa được xây dựng vào cuối thời Lê ở thôn Văn Tân (tức phố Nguyễn Khuyến ngày nay), nhưng do lâu ngày không được tu sửa nên cảnh chùa tiêu điều, đổ nát. Vào năm Quý Tỵ, niên hiệu Thành Thái (1893) có hai vị phu nhân của cố Tổng đốc Hà Ninh họ Phan và họ Hoàng đã đứng ra tu tạo, sửa sang ngôi chùa. Đời vua Duy Tân (1908), nhận thấy chùa cũ đất chật hẹp, nhà sư trụ trì đã cho chuyển ngôi chùa vào vị trí hiện nay với qui mô rộng rãi, khang trang. Tuy nhiên do quá trình đô thị hoá nhanh nên đất chùa bị các hộ dân xung quanh lấn chiếm, khiến cho khuôn viên bị thu hẹp rất nhiều. Các hạng mục công trình hiện nay gồm: Tam Quan, Tiền Đường, Thượng Điện, nhà Tổ, nhà Mẫu và một số hạng mục phụ trợ.
Tam quan chùa Quang Minh xây gạch kiểu cuốn vòm, trải qua mưa nắng thời gian, 3 cổng hiện đã xuống cấp nhiều. Hai bên cổng có hai trụ biểu, đỉnh trụ đắp trái Dành cách điệu, bên dưới 4 ô lồng đèn chạm nổi văn triện. Trên cổng đắp nổi 3 chữ Hán “Quang Minh tự” không còn rõ nét, đã bị bong tróc.
Tiền Đường là nếp nhà 3 gian 2 dĩ, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta. Bộ khung gồm 4 bộ vì gỗ kết cấu kiểu “Thượng chồng rường giá chiêng, hạ kẻ truyền” đứng trên bốn hàng chân cột, nền nhà lát gạch đỏ. Trên mỗi gian treo Hoành phi, Cửa võng và Câu đối sơn son thếp vàng lộng lẫy. Hai gian hồi Tiền Đường bài trí tượng Đức Ông – Thánh Tăng. Gian bên phải chùa có một ban thờ Vong. Tại đây đặt một pho tượng Địa Tạng và di ảnh của những người đã khuất, phía trên treo một quả chuông lớn,
Thượng Điện gồm 3 gian nhà dọc ở phía sau tạo thành kiểu chữ “Đinh”. Bộ khung gỗ kết cấu đơn giản theo kiểu "Chồng rường giá chiêng, hạ kẻ", không có trang trí hoa văn trên kiến trúc. Sát tường hậu xây các bệ giật cấp làm nơi bài trí các lớp tượng Phật giáo.
Khu thờ Tổ, thờ Mẫu được xây dựng sát bên phải của chùa chính, gồm 7 gian xây gạch kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta. Các bộ vì gỗ đỡ mái có kết cấu giống nhau kiểu "Thượng chồng rường, giá chiêng hạ kẻ". Lòng nhà được tôn cao, bên trong sát với tường hậu đặt các ban thờ Mẫu và thờ sư Tổ.
Chùa Quang Minh hiện lưu giữ được hệ thống Tượng tròn gồm 31 pho (bao gồm tượng Phật, tượng Tổ, tượng Mẫu) được tạo tác đẹp, công phu. Những pho tượng có giá trị nghệ thuật cao là bộ tượng Tam Thế và bộ tượng A Đi Đà Tam Tôn được coi là những chuẩn mực của nghệ thuật tạc tượng truyền thống.
Bộ tượng Tam Thế được tạo tác trong tư thế ngồi kiết già hàng ma, tay kết ấn “Tam muội”. Đầu tượng làm theo phong cách cổ, nổi tướng “Vô kiến đỉnh”. Các cụm tóc tuy vẫn kết thành hàng ngang có trật tự nhưng được làm nở phình ra như một chiếc mũ chụp lên đầu. Mặt tượng từ bi, mình mặc áo hai lớp, lớp ngoài phủ lên vai, phía sau tạo nếp cuộn về hông rất giống với tượng chùa Phật Tích thời Lý. Tượng mang niên đại nghệ thuật thế kỷ XVIII.
Bộ tượng A Di Đà Tam Tôn (gồm tượng Phật A Di Đà – Quan Thế Âm Bồ Tát – Đại Thế Chí Bồ Tát) cũng rất giàu giá trị nghệ thuật. Tượng Phật A Di Đà được tạc ngồi thiền, tay kết ấn “Tam muội” để trong lòng đùi, được tạo tác theo nguyên tắc Toạ trí của phương Đông. Tượng có nhục kháo nổi vừa phải, đỉnh là một u tròn trơn, các cụm tóc xoáy ốc thành hàng ngang theo các lớp. Mặt tượng có chất chân dung hơi mập, mắt khép hờ nhìn xuống, miệng mỉm cười cứu độ, mũi dày cân phân. Tai tượng lớn, dày, cổ hai ngấn. Tượng mặc áo cà sa hai lớp, các nếp áo chảy đều khá quy củ. Bộ tượng mang niên đại nghệ thuật thế kỷ XVIII.
Ngoài hệ thống tượng Phật, chùa Quang Minh còn lưu giữ được 13 tấm Bia đá, 2 quả Chuông đồng niên đại tạo tác thời Nguyễn. Đây là nguồn sử liệu quý báu giúp cho việc tìm hiểu về lịch sử vùng đất, lịch sử ngôi chùa, những lần trùng tu, tôn tạo cũng như nhiều khía cạnh khác nhau của đời sống xã hội đương thời…
Chùa Quang Minh đã được xếp hạng là di tích cấp Quốc gia năm 1993.
Bản đồ
Địa điểm xung quanh