Chùa Phụng Thánh
360 Xã Đàn, Trung Phụng, Đống Đa, Hà Nội
0243 851 1306
Giới thiệu
Chùa có tên chữ là “Phụng Thánh tự”, tọa lạc tại số 43, ngõ Cống Trắng, phường Trung Phụng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
Theo truyền thuyết, vào thời nhà Lý có nàng Công Chúa xinh đẹp, nhân từ. Nàng thường làm nhiều việc thiện nên được nhân dân rất yêu quý. Một hôm, công chúa đi du ngoạn trên thuyền, khi đến hồ nước lớn (địa phận chùa Phụng Thánh ngày nay) thì gặp cơn giông lớn làm đắm thuyền. Được tin dữ, nhà vua bèn sai quân lính tìm vớt xác, nhưng không thấy. Nhân dân trong vùng cho rằng Công Chúa làm nhiều điều thiện nên được hóa Phật. Để tưởng nhớ công ơn của nàng, người dân đã chọn mảnh đất bên hồ để lập miếu thờ. Về sau, dân làng tiếp tục dựng thêm ba gian nhà gỗ để thờ Phật. Đó là tiền thân của di tích chùa Phụng Thánh ngày nay.
Thời Tây Sơn, chùa Phụng Thánh nằm trong khu vực chiến trường Đống Đa ác liệt nên bị hủy hoại. Đến thời Nguyễn, chùa được khôi phục lại. Đêm 26-12-1972, trong đợt ném bom B52 xuống khu phố Khâm Thiên đã phá hủy toàn bộ khu Tam Bảo của chùa. Năm 1973, sư trụ trì chùa là Đàm Ánh cho tu bổ lại tòa Tam Bảo và sửa sang các hạng mục kiến trúc để làm nơi thờ Phật, thờ Tổ và thờ Mẫu.
Khuôn viên chùa Phụng Thánh rộng rãi, khang trang, quay mặt về hướng Nam, có hồ nước. Các công trình kiến trúc hiện nay bao gồm Tam Quan, Tam Bảo, nhà Tổ, nhà Mẫu, nhà Khách, lầu Quan Âm, lầu Chuông, lầu Trống, lầu Chiêng và khu vườn rộng bao quanh. Chùa có tường bao tách biệt với khu dân cư, đảm bảo cho cảnh chùa được tôn nghiêm, tĩnh lặng.
Tam Quan chùa xây dạng chồng diêm hai tầng 8 mái. Đỉnh nóc mái đắp hình mặt trời lửa, các đầu đao đắp rồng lá cách điệu. Cổng xây cuốn vòm, trên cổng đắp 3 chữ Hán “Phụng Thánh tự”, hai bên đắp Câu đối chữ Hán.
Tam Bảo kết cấu kiểu chữ “Đinh” gồm Tiền Đường và Thượng Điện. Bộ khung đỡ mái được làm bằng bê tông liền khối thiên về độ bền chắc. Phật điện trong Tam Bảo bài trí các tượng Phật giáo. Trên cùng là lớp tượng Tam Thế, tiếp là bộ A Di Đà Tam Tôn, Quan Âm Chuẩn Đề, tòa Cửu Long, Đức Ông – Thánh Tăng.
Khu nhà Tổ có kết cấu kiểu chữ “Đinh” gồm 5 gian Tiền Tế, 3 gian Hậu Cung. Các bộ vì được liên kết với nhau theo kiểu “Thượng chồng rường giá chiêng, hạ cốn, kẻ hiên”. Trên các con rường, cốn, kẻ hiên chạm khắc lá lật, vân xoắn, văn triện, hoa thị, rồng lá. Đặc biệt, trên bộ cánh cửa nhà Tổ trạm trổ: Cúc lão, hoa sen, rồng cuốn thủy, vân lá… mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.
Nhà Mẫu gồm 3 gian Tiền Tế, 2 gian Hậu Cung. Các bộ vì được liên kết theo cách thức truyền thống. Đây là nơi thờ Tam Tòa Thánh Mẫu, Ngũ Vị Tôn Ông, ông Hoàng Bảy, ông Hoàng Mười, tượng Cậu, tượng Cô theo tín ngưỡng của đạo Mẫu.
Sau nhiều năm bị lấn chiếm vi phạm, đến nay nhà chùa đã phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng thuộc quận Đống Đa và thành phố Hà Nội tiến hành giải tỏa các hộ dân ra khỏi khuôn viên, trả lại cảnh quan cho di tích. Ngoài các đơn nguyên kiến trúc chính được tu bổ khang trang, nhà chùa đã tôn tạo thêm lầu Trống, lầu Chuông, lầu Chiêng; lầu Quan Âm, khu Vườn Tháp…
Tồn tại đến ngày nay, chùa Phụng Thánh còn lưu giữ được 29 pho tượng tròn, 02 quả Chuông đồng, 09 tấm Bia đá cùng nhiều Đại tự, Cửa võng, Câu đối, Cuốn thư, Hương án… mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX-XX.
Hàng năm, cứ vào dịp rằm tháng Giêng, nhà chùa lại tổ chức các bữa cơm chay do chính các Phật tử trong chùa thực hiện. Ngoài ra, vào những ngày thường, chùa vẫn phục vụ du khách có nhu cầu thưởng thức các món ăn chay. Cỗ chùa Phụng Thánh nổi tiếng gần xa, được mệnh danh là “Đệ nhất cỗ chay Hà Thành” với những món ăn chay như: Nem, giò, chả, mướp đắng được chế biến từ các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật và giàu chất dinh dưỡng.
Trải bao thăng trầm, biến cố của lịch sử, chùa Phụng Thánh vẫn bảo lưu được nhiều nét đẹp của kiến trúc truyền thống, đó là sự hài hòa giữa kiến trúc và cảnh quan môi trường, giữa các bộ phận kiến trúc trong cùng một tổng thể. Ngôi chùa là chốn bình yên, thư thái để mỗi người dân tìm về cửa Phật nhằm cầu mong một cuộc sống tốt lành, bình an.
Chùa Phụng Thánh đã được xếp hạng là di tích cấp Quốc gia năm 1988.
Bản đồ
Địa điểm xung quanh