Chùa Phổ Giác (chùa Tầu)
Số 80 Ngô Sĩ Liên, Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội
0243 851 1306
Giới thiệu
Chùa có tên chữ là “Phổ Giác tự” (có nghĩa là Phổ cập và Giác ngộ Phật Pháp); Ngoài ra, di tích còn được gọi là chùa Tàu (vì nơi đây vốn là tàu voi để huấn luyện tượng binh cho triều đình dưới thời Lê – Trịnh). Chùa hiện tọa lạc tại số 80, phố Ngô Sĩ Liên, phường Văn Miếu, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
Ban đầu, chùa được xây dựng bên hồ Hoàn Kiếm thuộc phần đất tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương. Đến năm 1883, khi thực dân Pháp chiếm đất chùa để dựng toà Đốc lý (nay là UBND thành phố Hà Nội), chùa bị tháo dỡ và chuyển đến dựng trên phần đất của Thái Y Viện đời Hậu Lê (tức vị trí hiện nay) thuộc thôn Ngự Sử, tổng Hữu Nghiêm, huyện Thọ Xương.
Ngoài thờ Phật, thờ Mẫu theo truyền thống, chùa Phổ Giác còn thờ Quận Công Phan Cảnh Điệp, một người có tài luyện voi chiến dưới thời Lê - Trịnh. Tương truyền, Phan Cảnh Điệp người xã Trường Thanh, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An; là cháu 17 đời của Đạo sĩ Vinh Quận Công nhà Tiền Lê. Vào năm Giáp Ngọ, niên hiệu Cảnh Hưng 35 (1774), đời vua Lê Hiển Tông có một con voi công phá chuồng, chạy đến trường thi phá phách dữ dội. Chúa Trịnh hạ lệnh cho người nào điều khiển được voi quay về chuồng sẽ được trọng thưởng. Phan Cảnh Điệp ứng lệnh tới trường thi dùng vũ lực nhảy lên lưng và ra lệnh cho voi về trước điện Kính Thiên. Chúa Trịnh rất mừng rỡ, thưởng chức Đội Trưởng cho Phan Cảnh Điệp, phong đến hàm Lục Phẩm. Về sau, Phan Cảnh Điệp đã nhiều lần cưỡi voi xông lên phá giặc nên được phong tước Quận Công. Tuy nhiên, ông chỉ nhận tước phong nhưng không ra làm quan mà vào chùa thụ giới niệm Phật.
Trong tấm Bia dựng năm Canh Dần, niên hiệu Cảnh Hưng 31 (1770) có đoạn viết: “Nước Nam ta thế nước vững như trên đầu ngao. Bờ cõi gồm có cả tượng quận. Các loài vật rất nhiều, nhưng trong loài thú về mặt hùng mạnh, duy có voi là quí hơn cả, thật đã làm nanh vuốt cho việc giữ nước. Song phép nuôi dạy phải có tiền nhân mở đầu. Đó là nhờ có Quận Công Tiên Sư, tài giỏi mưu trí, nắm được chân truyền trong phép dạy tập giống voi đực là loại khó thuần hoá của phương Nam, chỉ dùng nét mặt và cử chỉ khiến cho răm rắp tuân theo. Nhờ vậy mà dùng được voi vào việc binh, giữ vững nước nhà nghìn năm mãi về sau không nơi nào không phục. Công đức cao như núi Thái Sơn... Bèn dựng Bia này ghi tên vào đá phụng thờ mãi mãi về sau”.
Chùa Phổ Giác vốn là ngôi chùa cổ đẹp nổi tiếng với phong cảnh thanh u, trầm mặc. Nhân dân địa phương kể lại rằng: xưa kia, trong khu Tam Quan chùa có nhiều cây cổ thụ xanh tốt, sum suê. Ngày nay, những cây xanh đã bị chặt phá gần hết, chỉ còn lại hai cây si trước cổng chùa. Các công trình kiến trúc hiện nay gồm: Tam Quan, Tiền Đường, Thượng Điện, nhà Tổ, nhà Mẫu và các hạng mục phụ trợ.
Tam Quan chùa được tạo giống như hình quả núi. Trước đây Tam Quan có 3 cổng, nhưng hiện nay chỉ còn duy nhất một cổng ra vào. Nếu so với các ngôi chùa khác thì đây là Tam Quan rất đặc biệt với hình thức của ngọn núi như nhắc nhở con người luôn hướng về cõi Phật. Từ Tam Quan vào chùa là khoảng sân rộng, hai bên sân có lầu Quan Âm, nhà Bia tưởng niệm Liệt sĩ và những ngọn Tháp mộ, nơi đặt xá lỵ của các vị sư trụ trì chùa đã viên tịch.
Toà Tiền Đường gồm 7 gian, xây kiểu chồng diêm hai tầng 8 mái với những góc đao cong cong, uốn lượn bay lên không trung. Mái chùa lợp ngói ta, trung tâm bờ nóc là bức cuốn thư đề ba chữ Hán "Phổ Giác tự", hai bờ giải trang trí hai con kìm cách điệu. Trước các gian mở hệ thống cửa gỗ, bên trên là chấn song để tạo sự thông thoáng cho di tích. Phần cổ diêm bưng kín chạm nổi tứ linh, tứ quý, hoa sen, hoa thị, lá đề, văn hình học. Các bộ vì được liên kết với nhau theo kiểu “Thượng giá chiêng, hạ cốn” trên mặt bằng bốn hàng chân cột, nền lát gạch đỏ. Bốn phía trước, sau và hai bên Tiền Đường là hành lang thông thoáng, từ đây có thể di chuyển sang các kiến trúc bên cạnh khá tiện lợi.
Tại Tiền Đường bài trí các pho tượng: Khuyến Thiện, Trừng Ác, Đức Ông, Thánh Tăng, tượng Phan Cảnh Điệp, Ông Hậu, Bà Hậu.
Tòa Thượng Điện là một kiến trúc xây vuông góc với tòa Tiền Đường tạo thành kiểu chữ “Đinh”. Đây là nơi an tọa của các lớp tượng Phật. Trên cùng là bộ tượng Tam Thế Phật, lớp thứ hai là bộ A Di Đà Tam Tôn, tiếp sau là các lớp tượng Hoa Nghiêm Tam Thánh, Di Lặc, Quan Âm Chuẩn Đề - Phạm Thiên - Đế Thích, Cửu Long. Hai bên sườn Thượng Điện có bộ tượng Thập Điện Diêm Vương.
Nhà Tổ gồm 5 gian, 2 dĩ, xây kiểu đầu hồi bít đốc. Các bộ vì bên trong liên kết theo kiểu “Thượng giá chiêng hạ kẻ ngồi”. Gian giữa thờ Đức Bồ Đề Đạt Ma, hai gian bên là các vị sư trụ trì tại chùa đã quá cố.
Điện Mẫu gồm 6 gian, kết cấu các bộ vì theo kiểu “Chồng rường giá chiêng”. Ba gian giữa thờ Mẫu, các gian còn lại phục vụ cho sinh hoạt của nhà chùa.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, chùa Phổ Giác vẫn lưu giữ được hệ thống di vật đa dạng, phong phú minh chứng cho sự ra đời, tồn tại của di tích. Trong đó, đáng quan tâm là bộ tượng Tam Thế, tượng Ông Hậu, Bà Hậu, tượng Phan Cảnh Điệp mang đặc trưng phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII được coi như chuẩn mực của nghệ thuật tạc tượng đương thời. Bên cạnh đó là 13 tấm bia đá, 03 quả Chuông đồng có niên đại từ thời Lê Trung Hưng đến thời Nguyễn. Ngoài giá trị về mặt lịch sử, điêu khắc, nghệ thuật thì đây còn là đối tượng quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu về các văn tự, thư tịch cổ.
Nằm trong khu vực có mật độ các di tích lịch sử - văn hóa đậm đặc như: Y Miếu Thăng Long, chùa Ngọc Hồ, chùa Tiên Phúc, Văn Miếu Quốc Tử Giám … chùa Phổ Giác trở thành điểm đến hấp dẫn đối với những du khách muốn tìm hiểu về vùng đất phía Tây Nam kinh thành Thăng Long xưa, về sự đa dạng của các loại hình di tích tôn giáo – tín ngưỡng trong đời sống xã hội đương đại. Chùa Phổ Giác đã được xếp hạng là di tích cấp Quốc gia năm 1991.
Bản đồ
Địa điểm xung quanh