Chùa Nền
Số 17 Ngõ 1160 Đường Láng, Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội
0243 851 1306
Giới thiệu
Chùa Nền có tên chữ “Đản Cơ tự” hay “Cổ Sơn tự” tọa lạc tại số 17, ngõ Chùa Nền, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
Theo truyền thuyết, chùa Nền có nguồn gốc hình thành từ ngôi nhà cũ của cha mẹ Thiền sư Từ Đạo Hạnh, là nơi Đức thánh được sinh ra, vì vậy có tên là Đản Cơ. Khi hai người qua đời, nơi này trở thành đền thờ. Khi Từ Đạo Hạnh trở thành nhà sư nổi danh triều Lý, đền thờ đã được Phật hoá và trở thành ngôi chùa. Tích này được phản ánh qua nội dung câu đối cổ hiện còn trong chùa.
Long Đỗ giáng Thần thuỳ vũ trụ.
Từ Cơ khải Thánh đối càn khôn.
Nghĩa là:
- Họ nhà Rồng - nước giáng xuống Thần bao khắp vũ trụ
Từ cái nhà ở họ Từ mở ra vị Thánh, công đức có thể sánh với đất trời.
Như vậy, chùa Đản Cơ là nơi thờ Phật và thờ Thân Phụ, Thân Mẫu của Thiền sư Từ Đạo Hạnh.
Theo sách "Lĩnh Nam Chích Quái" của Vũ Quỳnh và Kiều Phú thì cha của Từ Đạo Hạnh là Từ Vinh - một nhà sư giỏi Pháp thuật làm chức Tăng Quan Đô Sát ở triều Lý, thường qua chơi làng An Lãng, lấy con gái nhà họ Lỗ tên là Loan, nhân thế ở lại đó. Sau khi Từ Đạo Hạnh thi đỗ khoa Bạch Liên được ít lâu, do làm phật ý Diên Thành Hầu, Từ Vinh bị Thiền sư Đại Điên dùng phép đánh chết, ném xác xuống sông Tô Lịch. Xác trôi đến cầu An Quyết, trước cửa nhà Diên Thành Hầu thì dựng đứng lên ở đấy suốt một ngày không trôi đi. Diên Thành Hầu sợ hãi nói với Đại Điên và hét lên rằng: "Người đi tu không được phép giận quá một ngày", vừa dứt lời, thấy xác đổ xuống và trôi đi.
Sau khi cha qua đời, Từ Đạo Hạnh đã đi tìm thầy học đạo để báo thù cho cha. Còn mẹ Ngài đến tu ở chùa Hoa Lăng (Dịch Vọng). Sau này để tưởng nhớ các bậc thân sinh của Thiền sư Từ Đạo Hạnh, triều đình phong kiến đã ban tặng sắc phong là Phúc Thần và cho phép nhân dân lập đền thờ cúng. Hàng năm vào ngày hội chính của chùa Láng (7/3), dân làng thường tổ chức đám rước long trọng để đưa Thiền sư Từ Đạo Hạnh lên chầu Phụ Mẫu. Sau đó, tái diễn lại cuộc “Đấu thần” giữa Từ Đạo Hạnh với Đại Điên để báo thù cho cha.
Những ghi chép trên đã cho thấy di tích chùa Đản Cơ được hình thành từ thời Lý (thế kỷ 11) và tồn tại liên tục tới ngày nay. Dấu tích vật chất của thời Lê Trung Hưng hiện còn để lại qua chiếc khám cổ đặt tượng thờ Thánh Phụ, Thánh Mẫu và mảng chạm nổi đôi rồng chầu. Đầu thời Nguyễn, dân làng An Lãng và nhà sư trụ trì đã tạc mới một số pho tượng Phật, tượng Thánh Mẫu – Thánh Phụ và các vị Sư Tổ của chùa đã viên tịch. Năm Mậu Tuất, đời vua Thành Thái (1898), đúc quả chuông "Đản Cơ tự chung" và chiếc khánh "Đản Thánh Cơ". Đến năm Bảo Đại thứ 9 (1934), chùa Đản Cơ lại được trùng tu và sửa chữa lớn, đợt tu sửa này đã tạo ra quy mô kiến trúc bề thế cho ngôi chùa cổ.
Đầu năm 2005, nhà Tổ, điện Mẫu, nhà Khách, vườn Tháp và một số hạng mục khác đã được đại trùng tu, tôn tạo. Đặc biệt, công trình tu bổ tòa Tam Bảo đã được khánh thành trong dịp chào mừng đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội vào năm 2010.
Chùa Nền được xây dựng theo hướng Nam với nhiều đơn nguyên kiến trúc tạo thành. Các hạng mục kiến trúc được bố trí theo chiều sâu của di tích, gồm: Tam Quan, Tả - Hữu Mạc, Tiền Đường, Thượng Điện, Cung Thánh, nhà Tổ, nhà Mẫu, nhà Vong, khu Tịnh Xá và các công trình phụ trợ. Bao quanh khối kiến trúc có vườn cây xanh rộng lớn tạo ra khoảng không gian riêng biệt và tĩnh lặng cho cửa thiền.
Tam Quan chùa Nền giống với Tam Quan ngoài của chùa Láng, có hình thức như một Nghi Môn tứ trụ. Đỉnh hai trụ chính đắp trái Dành cách điệu, hai trụ bên đắp nghê đứng chầu. Liên kết giữa các trụ là hệ thống mái ngói đao cong tạo cảm giác uyển chuyển, thanh thoát. Đỉnh các mái đắp hình mặt trời, các góc đao gắn rồng lá cách điệu.
Qua cổng Tam Quan là kiến trúc gồm 3 gian, xây tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, nền lát gạch đỏ, hai hồi của kiến trúc này là hai cổng hậu để đi ra phía sau chùa.
Sân chùa rất rộng với nhiều cây lưu niên tạo cho di tích thêm thanh u, tĩnh lặng. Hai bên sân có hai nhà Tả - Hữu Mạc, mái lợp ngói truyền thống.
Chùa chính gồm tòa Tiền Đường 5 gian 2 dĩ, Thượng Điện 2 gian nhà dọc và Cung Cấm thờ Thánh Phụ, Thánh Mẫu ở phía sau tạo cho kiến trúc có bố cục mặt bằng dạng chữ “Công”. Tiền Đường, Thượng Điện xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, giữa bờ nóc đắp bức hoành phi đề 3 chữ Hán “Đản Cơ tự”, hai đốc mái trang trí rồng lá cách điệu, trước sân chùa dựng pho tượng Quan Âm bằng đá trắng tượng trưng cho sự cứu khổ, cứu nạn đối với chúng sinh.
Hệ thống khung chịu lực gồm các bộ vì gỗ đỡ mái kiểu “Thượng giá chiêng chồng rường, hạ kẻ chuyền”, trang trí văn triện, lá lật, vân xoắn trên câu đầu, kẻ hiên mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.
Cung Cấm có kết cấu theo dạng chữ “Nhị” gồm Tiền Tế và Hậu Cung, mỗi tòa gồm 3 gian 2 dĩ. Bộ khung làm bằng gỗ tứ thiết kết cấu kiểu “Thượng chồng rường hạ kẻ ngồi bẩy hiên” trên 4 hàng chân cột. Phía trước tòa Tiền Tế là hệ thống cửa gỗ kiểu “Thượng song hạ bản”, tại hai gian đầu hồi treo Chuông và Khánh. Gian giữa treo bức y môn “Ngộ hóa tồn thần” (có nghĩa là cùng gặp gỡ rồi hóa Thần ở nơi này).
Hậu Cung nằm song song với tòa Tiền Tế, đây là nơi thờ Thánh Phụ và Thánh Mẫu của Từ Đạo Hạnh. Gian giữa vẫn còn bức Y môn mang tên ngôi chùa cổ “Cổ Sơn tự”. Y môn được chạm bong kênh, chạm thủng, chạm lộng rồng ổ, long mã, tứ linh. Thân rồng được làm to mập, vây nổi khối, các đao mác dày, mập bay ra từ hai mắt rồng. Đây là bức Y môn khá đẹp còn lại trong di tích mang niên đại nghệ thuật cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX.
Gian giữa đặt tượng Thánh Phụ - Thánh Mẫu của Từ Đạo Hạnh ngồi trong Khám lớn, gian bên phải thờ Đức Ông và hai Trợ Thủ, gian bên trái thờ Thánh Hiền cùng Diệm Nhiên – Đại Sỹ.
Ngoài kiến trúc chính, chùa Nền còn nhiều công trình kiến trúc như nhà Tổ, nhà Mẫu, nhà Vong, khu Tịnh Xá và các công trình phụ trợ... Những công trình này đều làm theo phong cách truyền thống, hài hòa với quy hoạch tổng thể của di tích tạo nên sự bề thế, khang trang cho ngôi chùa cổ.
Trải qua bao thăng trầm, biến thiên của lịch sử, chùa Nền đến nay vẫn còn lưu giữ được khối lượng lớn các di vật độc đáo, quý hiếm, phản ánh nội dung tín ngưỡng của di tích, như: Chuông đồng, Khánh đồng, Bia đá, Sắc phong cùng nhiều Hoành phi, Câu đối với nội dung ca ngợi cảnh đẹp của di tích, ca ngợi vùng đất, ca ngợi công đức của các vị thần được thờ trong chùa. Trong đó, đáng quan tâm là 02 pho tượng Thánh Phụ, Thánh Mẫu trong Cung Cấm. Tượng ngồi trong chiếc Khám lớn hình mui luyện ở tư thế ngồi kiết già, hai tay đặt trên đùi. Do đã quy Phật nên hai pho tượng được thể hiện theo quy tắc tạo tượng Phật giáo, mắt khép hờ nhìn xuống, mũi thẳng, tai to chảy dài xuống vai... tượng mang niên đại nghệ thuật thế kỷ XIX.
Hệ thống tượng Phật của chùa gồm: tượng Phật, tượng Tổ, tượng Mẫu được tạo tác đẹp, chau chuốt, mang đậm phong cách nghệ thuật tạc tượng thế kỷ XIX. Những pho tượng có giá trị cao, như: bộ tượng Tam Thế, A Đi Đà, Di Lặc, Tứ Bồ Tát, Tứ Thiên Vương... Nhìn chung, tượng trong di tích chùa Đản Cơ có kích thước trung bình, niên đại ra đời chủ yếu ở thế kỷ XIX.
Chùa Nền cùng với hệ thống những di tích liên quan đến đức Thánh Láng như chùa Láng, chùa Hoa Lăng, chùa Tam Huyền, chùa Thầy… đã tạo thành quần thể di tích độc đáo ở vùng đất phía Tây kinh thành Thăng Long. Là minh chứng về sự dung hòa giữa tín ngưỡng bản địa và Phật giáo, về dấu ấn độc đáo của những ngôi chùa dạng “Tiền Phật hậu Thánh” trong lịch sử Phật giáo Việt nam dưới thời nhà Lý. Với những giá trị của di tích, chùa Nền đã được xếp hạng là di tích cấp Quốc gia năm 1992.
Bản đồ
Địa điểm xung quanh