Chùa Nam Đồng
Ngõ 59 Hoàng Cầu, Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội
0243 851 1306
Giới thiệu
Chùa Nam Đồng có tên chữ là “Càn An tự”, tọa lạc tại số 32, ngõ 64, phố Nguyễn Lương Bằng, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
Theo truyền thuyết, chùa được xây vào năm Tân Dậu (1141), niên hiệu Đại Đinh thứ hai, đời vua Lý Anh Tông. Trong thời kỳ Nam – Bắc triều (1527-1595) chùa bị chiến tranh tàn phá. Sau này, với tấm lòng hằng tâm hằng sản của nhân dân địa phương và du khách, ngôi chùa đã nhiều lần được trùng tu, tôn tạo.
Tấm Bia “Càn An tự bi ký” dựng năm Vĩnh Tộ thứ 3 (1621) tại chùa cho biết: “Trước đây, gặp thời binh hỏa, chùa bị đổ nát từ lâu. Vào năm Nhâm Tý (1612), vị Tăng Thống là Nguyễn Nhân, tự Pháp Tạng, hiệu Đức Thiệu trụ trì chùa đã đứng ra huy động công đức, khởi công dựng lại chùa”. Lần sửa chữa này đã mở rộng quy mô chùa, tô đắp tượng Phật khiến cho ngôi chùa trở nên nguy nga, tráng lệ: “Cột vẽ tường tô, bốn phía hành lang, nơi nơi tráng lệ, lại tô đắp tượng vàng các tòa…”
Năm Đinh Sửu (1697), niên hiệu Chính Hòa thứ 18, đời vua Lê Hy Tông, chùa lại được trùng tu lớn. Lần trùng tu này đã xây lại Chính Điện, Tam Quan, Gác Chuông. Chùa Càn An trở thành trung tâm Phật giáo của Thăng Long lúc bấy giờ.
Tồn tại đến ngày nay, chùa Càn An đã trải qua nhiều lần sửa sang, tôn tạo. Quy mô kiến trúc hiện nay mang dấu ấn của lần trùng tu lớn vào thời Nguyễn và những năm gần đây. Các công trình kiến trúc hiện nay gồm: Tam Quan, Tiền Đường, Thượng Điện, nhà Mẫu, nhà Tổ, Vườn Tháp và các hạng mục phụ trợ phục vụ cho sinh hoạt tôn giáo – tín ngưỡng tại di tích.
Tam Quan chùa Càn An là một kiến trúc đồ sộ, gồm 3 cổng xây cuốn vòm dạng chồng diêm hai tầng 8 mái đao cong. Chính giữa bờ nóc mái đắp hình mặt trời lửa, các đầu đao gắn đầu rồng cách điệu. Trên cổng trang trí hổ phù, rồng lá, vân mây. Liên kết giữa ba cổng với nhau là 4 trụ biểu và những bức tường lửng trang trí hình trái Dành, nghê chầu xen lẫn tứ linh, tứ quý, hoa lá tạo cho khối kiến trúc vừa uy nghi, vừa sự thanh thoát, gần gũi với thiên nhiên.
Chùa chính tọa lạc theo hướng Nam, kết cấu dạng chữ “Đinh” gồm tòa Tiền Đường và Thượng Điện. Tiền Đường gồm 5 gian 2 dĩ, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ri. Trung tâm bờ nóc đắp bức cuốn thư đề bốn chữ Hán "Càn An cổ tự", phía dưới các gian mở hệ thống cửa gỗ theo kiểu “Thượng song hạ bản”. Phần trang trí trên kiến trúc tập trung trên các bức cốn nách, câu đầu, ván mê, kẻ hiên đề tài lá lật, vân mây, rồng lá, văn triện, chữ “Thọ”… mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.
Thượng Điện là nếp nhà dọc gồm 4 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ri. Kết cấu các bộ vì theo kiểu “Thượng chồng rường giá chiêng hạ cốn” trên mặt bằng 4 hàng chân. Trang trí trên kiến trúc đơn giản, chủ yếu bào trơn, đóng bén, kết hợp gờ chỉ, kẻ soi thiên về độ bền chắc.
Ngoài kiến trúc chính, chùa Càn An còn có khu nhà Tổ 5 gian; nhà Mẫu 3 gian. Tất cả đều được làm theo phong cách truyền thống tạo nên sự hài hòa giữa các công trình kiến trúc của ngôi chùa cổ.
Trong khuôn viên chùa còn có khu Vườn Tháp. Các ngọn tháp đều được xây bằng gạch chỉ mỏng, dẹt, để mộc không trát vữa. Vườn Tháp là một kiến trúc tạo cho cửa thiền thêm phần thanh u, trầm mặc.
Tại chùa Càn An còn một khu thờ vọng Xã Tắc Đế Quân mới được tôn tạo trong những năm gần đây với hình thức như một “Phương Đình” kiểu hai tầng 8 mái đao cong. Đỡ bốn mái là bốn cột đá tròn ở tầng 1 và bốn cột gỗ trên tầng 2. Phía trước là bức Bình phong đắp 4 chữ “Xã Tắc niên trường” (nghĩa là Xã Tắc mãi mãi trường tồn), xung quanh chạm trổ rồng chầu mặt trời, dơi ngậm chữ Thọ, cúc mãn khai, hoa dây, sen, hổ phù, tùng, cúc… Điều đặc biệt là toàn bộ các hiện vật ở đây đều bằng đá được chạm khắc tinh vi, giàu tính nghệ thuật, tạo nên độc đáo cho di tích.
Trải qua nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sử, chùa Càn An vẫn lưu giữ được nhiều di vật có giá trị, minh chứng cho quá trình tồn tại của di tích; trong đó, đáng quan tâm là bộ tượng A Di Đà Tam Tôn. Tượng A Di Đà được tạc ngồi trên đài sen với kích thước khá lớn. Tượng cao 2m20, khuôn mặt hiền từ, phúc hậu; thân hình cân đối, mình mặc áo cà sa hai lớp, ngực để lộ có chữ “Vạn” biểu hiện về Tứ Vô Lượng Tâm của Đức Phật. Bệ tượng được chạm trổ rất đẹp, tỉ mỉ, chia làm ba lớp: Lớp trên chạm nổi hoa cúc, sen và những tảng vân xoắn tượng trưng cho bầu trời mây nước; lớp giữa là bông cúc trên nền lá cùng nhiều vân xoắn cách điệu, các mặt bên chạm nổi mây cuộn, long mã đang phi trên dòng đại thuỷ; lớp dưới cùng hơi thót vào trang trí các đường hồi văn gãy góc và hoa sen... rất gần với nghệ thuật đầu thế kỷ 17; Hai bên A Di Đà là tượng Quan Thế Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát tạc đứng với những chi tiết rất đẹp. Nhìn chung, đây là bộ tượng đẹp nhất của chùa Càn An hiện nay.
Chùa còn lưu giữ được nhiều bia đá, minh chuông ghi lại cảnh đẹp, quy mô cũng như những lần trùng tu, tôn tạo của di tích. Đặc biệt là hai tấm bia “Càn An tự bi ký” dựng năm Vĩnh Tộ thứ 3 (1621) và bia “Giáp Đông hưng công tạo” dựng năm Chính Hòa 18 (1697), đây là hai tư liệu quý hiếm, có giá trị về mặt tư liệu lịch sử, mỹ thuật, điêu khắc đã được Ủy ban khoa học xã hội chọn lựa in trong “Tuyển Tập Văn Bia Hà Nội” do nhà xuất bản Khoa học Xã hội xuất bản năm 1978.
Từ xa xưa, chùa Càn An luôn là chốn danh thắng nổi tiếng của đất kinh kỳ, là nơi du ngoạn tìm về đạo Phật của những bậc công khanh, tu sĩ, trí thức và nhân dân trong vùng. Ngôi chùa là biểu tượng thân thuộc của mỗi làng quê Việt Nam, là nơi bảo lưu những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp nhằm hướng con người tới những điều tốt lành trong cuộc sống.
Với những giá trị của di tích, chùa Nam Đồng (Càn An tự) đã được xếp hạng là di tích cấp Quốc gia năm 1992.
Bản đồ
Địa điểm xung quanh