Chùa Mỹ Quang (Linh Quang tự)
Chùa có tên chữ là “Mỹ Quang tự”, ngoài ra còn được nhân dân địa phương gọi là chùa Am (vì trong ch
0243 851 1306
Giới thiệu
Chùa có tên chữ là “Mỹ Quang tự”, ngoài ra còn được nhân dân địa phương gọi là chùa Am (vì trong chùa có nhiều am nhỏ). Chùa tọa lạc tại ngõ chợ Khâm Thiên, phường Trung Phụng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
Căn cứ vào tấm bia “Bi kí lưu truyền", niên hiệu Cảnh Hưng thứ 28 (1767) và quả chuông đồng đúc năm Tự Đức thứ 2 (1849) cùng hệ thống di vật cổ thì chùa Mỹ Quang có niên đại khởi dựng vào thế kỷ XVIII. Đến thời Nguyễn, chùa được trùng tu, tôn tạo vào năm Khải Định thứ 2 (1917), Bảo Đại 11 (1935). Những năm gần đây, chùa tiếp tục được quan tâm tu bổ, tạo nên diện mạo khang trang như ngày nay.
Cũng theo Văn Bia, xưa kia chùa có quy mô rộng rãi, bề thế, là một ngôi chùa đẹp của đất kinh kỳ. Theo hồi cố của nhân dân địa phương thì trước đây chùa được bao quanh bởi hồ nước rộng, phía trước có Tam Quan đồ sộ. Tuy nhiên, trong đợt ném bom B52 của đế quốc Mỹ xuống khu phố Khâm Thiên cuối năm 1972, đã hủy hoại ngôi chùa cổ. Sau này do quá trình đô thị hóa, khiến cho quy mô chùa Mỹ Quang bị thu hẹp rất nhiều. Hiện nay chùa tọa lạc trên khu đất có diện tích khoảng 400m2 gồm các hạng mục: Tam Quan, Tiền Đường, Thượng Điện, nhà Tổ, nhà Mẫu, nhà Vong, Lầu Quan Âm và các công trình phụ trợ.
Tam Quan chùa được xây theo kiểu cuốn vòm, hai tầng bốn mái đao, hai bên đắp câu đối chữ Hán. Hai bên cổng có hai trụ biểu, đỉnh trụ đắp đôi nghê chầu vào nhau với ý nghĩa kiểm soát tâm hồn kẻ hành hương trước khi vào lễ Phật.
Sân chùa lát gạch đỏ, trong sân bố trí rất nhiều hạng mục kiến trúc nhỏ, như: Lầu Cô, Lầu Cậu, động Sơn Trang…
Tòa Tiền Đường gồm 5 gian, xây tường hồi bít đốc tay ngai, mái lợp ngói ta. Chính giữa bờ nóc đắp bình nước cam lồ, hai đốc mái gắn hai đầu rồng cách điệu. Phía trước tạo 5 bậc lên xuống bó vỉa đá xanh chạm khắc hoa văn, nền chùa lát gạch đỏ. Ba gian giữa có hệ thống cửa gỗ kiểu “Thượng song hạ bản”, hai gian bên để cửa sổ dạng chữ “Thọ”. Bộ khung chịu lực gồm 6 bộ vì gỗ liên kết với nhau theo kiểu “Thượng chồng rường giá chiêng, hạ cốn rường kẻ hiên” đứng trên mặt bằng bốn hàng chân cột gỗ lim. Nhà Tiền Đường có khoảng hiên khá rộng, các cột hiên bằng đá xanh chạm nổi rồng vờn trong mây, long mã, hoa sen. Tại các kẻ, câu đầu, con rường chạm nổi với mật độ dầy đặc các họa tiết hình lá lật, vân xoắn, văn triện, hoa thị cách điệu... Trên các gian đều treo Hoành phi, Cửa võng, Câu đối được chạm trổ tinh tế, sơn son thếp vàng lộng lẫy tạo cho Phật điện thêm phần cổ kính.
Tòa Thượng Điện là nếp nhà dọc vuông góc với Tiền Đường tạo thành kiến trúc kiểu “chuôi vồ”. Các bộ vì đỡ mái được liên kết với nhau theo kiểu “Thượng ván mê hạ cốn” chạm trổ hoa lá, văn triện. Tại Thượng Điện bài trí nhiều lớp tượng Phật giáo: Trên cùng là bộ tượng Tam Thế, tiếp sau là bộ tượng A Di Đà Tam Tôn, tượng Quan Âm Chuẩn Đề, tượng Cửu Long, Văn Thù, Phổ Hiền…
Trước Tam Bảo là Lầu Quan Âm kiểu hai tầng 8 mái đao cong. Đỡ 4 mái là 16 cột gỗ tròn, 3 mặt làm lan can bằng gỗ, mặt trước tạo bậc lên xuống, bên trong đặt pho tượng Quan Thế Âm Bồ Tát bằng đá trắng đứng, hai bên có hai tượng Thị Giả.
Khu nhà Tổ gồm 3 gian, xây tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta. Các bộ vì gỗ kết cấu theo kiểu “Thượng giá chiêng, hạ cốn”. Gian giữa thờ Đức Bồ Đề Đạt Ma, hai gian bên thờ các vị Sư tổ của chùa và một pho tượng Hậu.
Nhà Mẫu gồm 1 gian nối liền với nhà Tổ. Tại đây thờ Tam Tòa Thánh Mẫu, Ngũ Vị Tôn Ông, Nhị Vị Ông Hoàng.
Trong khuôn viên chùa Mỹ Quang còn có một động Sơn Trang với hình thức khá đặc biệt. Nếu như những ngôi chùa có không gian kiến trúc chật hẹp, động Sơn Trang thường được đặt trong nhà Mẫu thì tại chùa Mỹ Quang, động Sơn Trang được thiết kế thành một khu riêng biệt, có lối đi bên ngoài. Toàn bộ động được đắp giả hình quả núi nằm đối diện với chùa chính. Bên ngoài thờ Ngũ Hổ, vào bên trong, động được thiết kế theo từng khoang với những mỏm đá cao thấp, trần động tạo các nhũ thạch rất kỳ thú. Trung tâm động đặt pho tượng Bà Chúa Thượng Ngàn, xung quanh là 12 thị nữ tay đàn, tay sáo đang vui thú nơi bồng lai tiên cảnh. Đây là một kiến trúc đẹp, tạo ấn tượng với du khách mỗi khi đến chùa tham quan, chiêm bái và lễ Phật.
Chùa Mỹ Quang còn lưu giữ được nhiều di vật cổ, quý hiếm và có giá trị lịch sử - văn hóa - nghệ thuật, gồm 19 pho tượng tròn niên đại thời Nguyễn, 2 quả Chuông đồng (thời Nguyễn), 8 tấm Bia đá (gồm 01 Bia thời Lê, 7 Bia thời Nguyễn) cùng rất nhiều Hoành phi, Cuốn thư, Cửa võng, Câu đối, Hương án và đồ thờ tự phản ánh quá trình ra đời và phát triển của di tích. Đây chính là phần “linh hồn” của di tích tạo nên sự linh thiêng và cổ kính cho ngôi chùa.
Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, chùa Mỹ Quang vẫn luôn hiện diện, là chỗ dựa tinh thần đối với mỗi người dân, hướng con người tới những điều tốt lành trong cuộc sống.
Di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia năm 1990.
Bản đồ
Địa điểm xung quanh