Chùa Linh Ứng
290 Khâm Thiên, Thổ Quan, Đống Đa, Hà Nội
0243 851 1306
Giới thiệu
Chùa Linh Ứng có địa chỉ tại số 290, phố Khâm Thiên, phường Thổ Quan, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
Căn cứ vào các tư liệu thành văn hiện có trong chùa như: chuông đồng niên hiệu Thành Thái thứ mười một (1890); bia đá niên hiệu Duy Tân thứ ba (1909) và Bảo Đại thứ mười bốn (1939),… chùa Linh Ứng khởi dựng vào đầu thế kỷ XIX, được tu bổ, tôn tạo vào những năm đầu thế kỷ XX và đã trải qua đợt trùng tu lớn vào năm 1951. Trong sư kiện máy bay B52 Mỹ ném bom hủy diệt khu phố Khâm Thiên, vào cuối tháng 12 năm 1972, chùa Linh Ứng bị hư hại nặng và lại tiếp tục được nhân dân địa phương tu bổ, sửa chữa.
Ngoài thờ Phật theo truyền thống, tại chùa còn thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo, vị anh hùng dân tộc kiệt xuất ở thế kỷ XIII, người đã lãnh đạo nhân dân ta hai lần đánh thắng giặc Nguyên – Mông xâm lược vào các năm 1285 và 1288.
Trước đây, do nằm trong khu dân cư đông đúc, có nhiều hộ dân sinh sống trong khuôn viên, khiến cảnh quan chùa không được đẹp, các công trình kiến trúc thiếu đồng bộ. Trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2017, được sự quan tâm của chính quyền quận Đống Đa, sự chung tay đóng góp công sức của nhà sư trụ trì và phật tử gần xa, toàn bộ khuôn viên chùa được quy hoạch lại, các công trình kiến trúc được trùng tu, phục dựng và bài trí theo đúng nguyên tắc truyền thống.
Tam Quan chùa Linh Ứng xây gạch chồng diêm 3 tầng mái, tầng dưới xây cuốn vòm, tầng trên làm dạng hai tầng tám mái. Trên cổng chính đắp 3 chữ “Linh Ứng Tự”, hai bên cổng đắp câu đối chữ Hán.
Nhà Tam Bảo là công trình quan trọng nhất của chùa, bao gồm Tiền Đường và Thương Điện kết cấu kiểu chữ “Đinh”.
Tiền Đường gồm 3 gian, 2 dĩ, kiểu chồng diêm hai tầng mái, lợp ngói ta. Chính giữa bờ nóc đắp bức cuốn thư đề 3 chữ Hán “Linh Ứng Tự”. Trong nhà là hệ thống khung gỗ bao gồm các bộ vì kết cấu kiểu “Thượng giá chiêng chồng rường, hạ cốn” đứng trên bốn hàng chân cột, nền nhà lát gạch Bát Tràng mầu đỏ, phía trước mỗi gian có cửa gỗ lim kiểu “Thượng song hạ bản”.
Hiên chùa khá rộng, các cột hiên làm bằng đá xanh chạm trổ cầu kỳ và khắc câu đối chữ Hán. Trước hiên có hai trụ biểu, đỉnh trụ đắp hình 4 chim phượng hoàng chụm đuôi, đầu ngoảnh về bốn hướng tạo hình trái Dành cách điệu, thân trụ bổ khung, đắp câu đối chữ Hán. Sân chùa có một ngôi tháp mộ 2 tầng, là nơi đặt xá lị của nhà sư trụ trì đã viên tịch.
Thượng Điện là nếp nhà dọc gồm 2 gian, 1 dĩ liền sát và vuông góc với Tiền Đường, mái lợp ngói ta, hệ khung gỗ kết cấu theo cách thức truyền thống. Tại đây, nổi bật trên Phật điện là pho tượng Phật A Di Đà đặt trên bệ và đài sen cao 2,5m, thân tượng cao 3,5m, vai rộng 2,2m được tạc trong tư thế ngồi kiết già hàng ma, tay kết ấn thiền định, mình khoác áo cà sa lộ chữ “Vạn” trước ngực, khuôn mặt từ bi, thánh thiện, cao quý,… tạo tác giàu giá trị nghệ thuật, có kích thước tương đương với tượng phật A Di Đà bằng đồng đen tại chùa Ngũ Xã, quận Ba Đình. Ngoài ra, trên Phật điện còn có một số pho tượng như: tượng Cửu Long, Quan Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát, nhị vị Thiên Vương, thập điện Diêm Vương… cũng được tạo tác hết sức đặc sắc.
Nhà Mẫu gồm 3 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta. Hệ thống khung gỗ được làm kiểu “Thượng rường hạ kẻ”. Gian giữa thờ Tam Tòa Thánh Mẫu, gian bên phải thờ Chúa Sơn Trang, gian trái thờ Đức Thánh Trần Triều.
Nhà Tổ gồm 5 gian, khung gỗ kết cấu kiểu “Thượng giá chiêng chồng rường, hạ cốn”. Gian giữa làm nơi thờ các vị sư tổ, hai gian bên dùng cho sinh hoạt của nhà chùa.
Tại chùa Linh Ứng còn bảo lưu được nhiều di vật, đồ thờ bao gồm gần 30 pho tượng, Bia đá, Chuông đồng, Hoành phi, Cửa võng, Câu đối, Long ngai, Bài vị… có niên đại tạo tác vào thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX được sơn thếp lộng lẫy, chạm trổ, trang trí các đề tái “tứ linh”, “tứ quý”, rồng chầu, hoa cúc, cây quả thiêng tạo cảm giác linh thiêng, gần gũi đối với du khách mỗi khi đến chùa lễ Phật.
Trải qua nhiều biến động, đến nay quy mô của chùa Linh Ứng đã trở nên hoàn chỉnh bởi sự hài hòa giữa kiểu dáng kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên trong môi trường đô thị, đáp ứng nguyện vọng của người dân và du khách thập phương trong việc hưởng thụ những giá trị của di sản văn hóa truyền thống.
Chùa Linh Ứng đã được xếp hạng là di tích cấp Quốc gia năm 1993.
Bản đồ
Địa điểm xung quanh