Chùa Liên Hoa
Ngõ Liên Hoa, Khâm Thiên, phường Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội
0243 851 1306
Giới thiệu
Chùa Liên Hoa tọa lạc tại số 71, ngõ chùa Liên Hoa, phường Khâm Thiên, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Thời Nguyễn, đây là đất làng Văn Chương, tổng Tiền Nghiêm, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội.
Hiện chưa tìm thấy tài liệu nào ghi chép về niên đại khởi dựng của di tích? Theo Văn Bia thì chùa được trùng tu vào các năm Thiệu Trị thứ 4 (1844), Tự Đức thứ 25 (1872), Thành Thái thứ 10 (1898). Quy mô kiến trúc hiện nay là kết quả của lần trùng tu gần đây với các hạng mục: Tam Quan, nhà Tam Bảo, nhà Tổ, nhà Mẫu và các công trình phụ trợ được bố trí trong khuôn viên đã xây tường bao tách biệt với các hộ dân liền kề.
Tam Quan chùa gồm 3 cổng dạng chồng diêm hai tầng 4 mái lợp ngói ri. Phía dưới xây cuốn vòm, trên cổng chính đắp bức cuốn thư với 3 chữ Hán “Liên Hoa tự”, hai bên cột ghi câu đối chữ Hán. Phía dưới 3 cổng mở cánh bằng gỗ, cửa giữa làm rộng và cao hơn hai cổng bên. Cổng Tam Quan chùa là ranh giới tách biệt giữa cửa thiền và thế giới trần tục bên ngoài.
Vào bên trong, trước tòa Tam Bảo tạo một hòn non bộ, xung quanh bố trí các chậu cây cảnh tạo cảm giác gần gũi với thiên nhiên. Do diện tích sử dụng có hạn, các công trình của chùa Liên Hoa đều được thiết kế với công năng hai tầng. Cách thiết kế này phù hợp với những di tích nơi đô thị, vừa đảm bảo tính hài hòa với cảnh quan môi trường xung quanh, vừa tận dụng tối đa diện tích sử dụng cho di tích. Mặt bằng tầng 1 được sử dụng làm nhà khách và các công việc trong những dịp Đại lễ, tuần tiết, sóc vọng; tầng hai làm nơi thờ Phật, thờ Tổ và thờ Mẫu. Các hạng mục được thiết kế ăn nhập với nhau, mặt trước đều có hành lang thông sang các dãy bên cạnh thuận lợi cho du khách mỗi khi đến chùa lễ Phật, cầu an.
Tòa Tiền Đường gồm 3 gian, 2 dĩ xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ri, bộ khung gỗ gồm 4 bộ vì đỡ mái kết cấu kiểu “Thượng chồng rường hạ cốn”, phần mái hiên được làm đua ra để thông sang các kiến trúc bên cạnh.
Thượng Điện gồm 3 gian nhà dọc ở phía sau tạo thành kiểu chữ “Đinh”. Bộ khung đỡ mái có kết cấu giống với tòa Tiền Đường. Phần trang trí trên kiến trúc chùa Liên Hoa chủ yếu tập trung trên các bộ vì, câu đầu, con rường, kẻ hiên, cột đá các đề tài lá lật, văn triện, vân mây, hoa thị, hoa dây, tứ quý… mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.
Khu nhà Tổ và nhà Mẫu của chùa gồm hai dãy nhà, mỗi dãy 3 gian. Nhà xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ri. Phía trước mở hệ thống cửa bức bàn “Thượng song hạ bản”, nền nhà lát gạch đỏ. Các bộ vì đỡ mái làm theo hai dạng thức: “Thượng chồng rường hạ kẻ ngồi” và “Thượng ván mê hạ cốn”. Tại các gian đều treo Hoành phi, Cửa võng, Câu đối được chạm khắc tinh xảo, sơn thếp lộng lẫy các đề tài truyền thống như: Rồng chầu mặt trời, rồng ổ, chim trĩ, cúc mãn khai, hoa dây, văn triện tạo sự u linh và tráng lệ cho điện thờ.
Ngoài ra, phía trước Tam Bảo còn đặt pho tượng Quan Thế Âm Bồ Tát đứng bằng đá, một tay cầm bình nước cam lồ, một tay trong tư thế “Thuyết Pháp”. Tượng Quan Âm là hiện thân của sự cứu khổ, cứu nạn đối với chúng sinh. Với sự biến hóa khôn lường trong nhân gian, vì vậy mà Quan Âm được coi là hiện thân của sự cứu độ để giúp chúng sinh vượt qua mọi khổ đau để sớm đến được bến bờ giác ngộ.
Chùa Liên Hoa còn bảo tồn được gần 30 tượng tròn có giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ cao, tiêu biểu như: 3 pho Tam Thế, Tượng A Di Đà, tượng Thích Ca Niệm Hoa, tượng Quan Âm Chuẩn Đề, tượng Tứ Thiên Vương, tượng Cửu Long, tượng Tuyết Sơn, tượng Di Lặc… Đây là những pho tượng đẹp, kích thước nhỏ mang đặc trưng của phong cách tạc tượng thế kỷ XIX với đường nét tinh tế, cân đối, đạt tính thẩm mỹ của nghệ thuật tạc tượng đương thời. Bên cạnh hệ thống tượng tròn, chùa còn lưu giữ được 02 quả Chuông đồng đúc năm Thiệu Trị thứ 4 (1844) và Tự Đức 25 (1872), 02 tấm Bia đá niên đại thời Nguyễn cùng nhiều Hoành phi, Câu đối, Cuốn thư, Cửa võng, Hương án và những di vật thuộc về di tích với nội dung ca ngợi Phật pháp, ca ngợi cảnh đẹp của chùa cũng như những triết lý của Phật giáo nhằm răn dạy con người làm điều thiện, tránh điều ác… hướng tới những điều tốt lành trong cuộc sống.
Trải qua những biến động của lịch sử dân tộc nhưng chùa Liên Hoa vẫn luôn là trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng dân cư sở tại, tạo nên sự gắn bó, đoàn kết, góp phần giữ gìn những thuần phong mỹ tục nhằm làm giàu thêm kho tàng di sản truyền thống của địa phương. Ngôi chùa là biểu tượng của lòng từ bi, bác ái, là nơi để mỗi người dân và du khách đến lễ Phật, cầu an, thư thái sau những ngày lao động vất vả.
Chùa Liên Hoa đã được xếp hạng năm 2011 là di tích cấp Thành phố.
Bản đồ
Địa điểm xung quanh