Chùa Kim Liên
Số 153 Đường Kim Hoa, Phường Phương Liên
0243 851 1306
Giới thiệu
Chùa Kim Liên tên chữ là “Thiên Phúc tự”, sau đổi thành “Kim Hoa tự” tọa lạc tại số 180, tổ 1, phường Phương Liên, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Thời Lê, chùa thuộc phường Kim Hoa, huyện Thọ Xương, kinh thành Thăng Long. Đến giữa thế kỷ XIX, thuộc tổng Tả Nghiêm (sau đổi thành tổng Kim Liên), huyện Thọ Xương, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Nội.
Tương truyền, chùa khởi dựng từ rất sớm, đến thời Lê Trung hưng được mở rộng quy mô trở thành một danh thắng nổi tiếng của đất kinh kỳ. Thời Tây Sơn, sư trụ trì đã cho đúc quả chuông “Kim Hoa tự chung” và sửa sang lại các tòa Phật điện. Cuối thời Nguyễn, chùa bị xuống cấp nặng; sư trụ trì cùng nhân dân và du khách thập phương lại hưng công, tu tạo khiến ngôi chùa trở nên khang trang, sạch đẹp. Qui mô kiến trúc ngày nay là kết quả của lần trùng tu vào năm 2009 với các hạng mục: Tam Quan, Tiền Đường và Thượng Điện, nhà Tổ, nhà Mẫu, nhà Khách và các công trình phụ trợ.
Tam Quan chùa Kim Liên là kiến trúc gồm 3 cổng xây cuốn vòm, dạng chồng diêm hai tầng tám mái tạo cảm giác thanh thoát, uyển chuyển. Đỉnh nóc mái trang trí nghê chầu, bờ nóc đắp hình hoa chanh, bên trong treo quả chuông đồng lớn. Trên cổng đề 3 chữ Hán “Kim Hoa tự”. Liên kết giữa ba cổng là hệ thống cột đồng trụ trang trí lá lật, văn kỷ hà; thân trụ đắp câu đối chữ Hán.
Tiền Đường là một nếp nhà 5 gian xây tường hồi bít đốc tay ngai, mái lợp ngói ta. Chính giữa bờ nóc đắp bức hoành phi đề 3 chữ Hán “Kim Hoa tự”, phía các gian mở hệ thống cửa gỗ theo kiểu “Thượng song hạ bản”. Bộ khung gồm 6 bộ vì gỗ liên kết với nhau theo kiểu “Thượng chồng rường giá chiêng, hạ cốn” trên mặt bằng 4 hàng chân. Phần trang trí được tập trung trên các đầu dư, câu đầu, con rường, kẻ hiên đề tài: lá lật, văn triện, rồng lá, vân xoắn … mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.
Thượng Điện là nếp nhà 4 gian ở phía sau tạo thành dạng chữ “Đinh”. Nhà xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ri. Bộ khung gồm 5 bộ vì gỗ liên kết với nhau theo kiểu “Thượng giá chiêng hạ cốn” kết hợp vì ván mê trên mặt bằng hai hàng chân cột. Sát tường hậu xây những bệ gạch cao bài trí các lớp tượng. Trên cùng là bộ tượng Tam Thế đại diện cho 3.000 vị Phật ở ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai; lớp thứ hai là bộ A Di Đà – Quan Thế Âm – Đại Thế Chí, tiếp theo là tượng Quan Âm Chuẩn Đề, Di Lặc – Phạm Thiên – Đế Thích, Cửu Long, Nam Tào – Bắc Đẩu. Tòa Tiền Đường có các tượng Khuyến Thiện, Trừng Ác, Đức Ông, Thánh Tăng…
Khu nhà Tổ được kết cấu theo dạng chữ “Đinh”, gồm 5 gian Tiền Tế, 3 gian Hậu Cung. Các bộ vì được kết cấu theo kiểu “Chồng rường giá chiêng”, nền lát gạch men. Đây là nơi thờ đức Bồ Đề Đạt Ma và các vị Sư trụ trì tại chùa đã viên tịch.
Nhà Mẫu gồm 5 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái ngói ta, các bộ vì liên kết theo kiểu “Thượng giá chiêng hạ cốn” trên mặt bằng ba hàng chân. Gian giữa bài trí tượng Tam Tòa Thánh Mẫu, Ngũ Vị Tôn Ông, Ông Hoàng Bảy – Ông Hoàng Mười, hai gian bên thờ Chúa Sơn Trang và Đức Thánh Trần Hưng Đạo.
Ngoài khu kiến trúc chính, chùa Kim Liên còn khu nhà bia, nơi lưu giữ 28 tấm bia đá có niên đại từ thời Lê Trung hưng đến thời Nguyễn. Nhiều bia được bảo quản còn khá tốt, nét chữ rõ ràng, hoa văn uốn lượn, bay bổng, giàu tính nghệ thuật. Nội dung văn bia ca ngợi cảnh đẹp của chùa, ca ngợi Phật pháp, ghi lại các lần trùng tu, sửa chữa và tên họ của những người đã phát tâm công đức để trùng tu, tôn tạo ngôi chùa cổ.
Chùa vẫn bảo lưu được hệ thống di vật đa dạng, phong phú gồm nhiều chất liệu và chủng loại khác nhau, minh chứng cho quá trình ra đời, tồn tại và phát triển của di tích, gồm: 52 pho tượng tròn nghệ thuật thế kỷ XVIII-XIX, 4 quả Chuông đồng (từ thời Tây Sơn đến thời Nguyễn), 01 đôi Sấu đá nghệ thuật thế kỷ XVIII, 28 tấm Bia đá niên đại thời Lê đến thời Nguyễn và rất nhiều Hoành phi, Cửa võng, Câu đối, Cuốn thư, Hương án…. Ngoài giá trị lịch sử - văn hóa, thẩm mỹ, điêu khắc, những di vật này chính là linh hồn của di tích, tạo cho ngôi chùa trở nên linh thiêng, cổ kính.
Trải qua thời gian và những biến thiên của lịch sử, sự hiện diện của chùa Kim Liên đã khẳng định sức sống trường tồn của di sản văn hóa dân tộc. Giá trị của di tích được tạo nên bởi nội dung lịch sử, giá trị kiến trúc – nghệ thuật, giá trị cảnh quan, môi trường cùng những di vật quý hiếm thuộc về di tích. Ngôi chùa đã đi vào lịch sử như một niềm tự hào của văn hóa Việt.
Chùa Kim Liên được xếp hạng là di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia ngày 09/01/1990.
Bản đồ
Địa điểm xung quanh