
Chùa Huy Văn
ngõ Văn Chương, phường Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội.
0243 851 1306
Giới thiệu
Chùa Huy Văn có tên chữ là “Dục Khánh Tự” nằm trong quần thể di tích chùa - điện - đền Huy Văn, thuộc ngõ Huy Văn, phường Văn Chương, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
Các tư liệu thành văn hiện còn cho biết chùa Dục Khánh ra đời từ thế kỷ XV, gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao và Vua Lê Thánh Tông. Theo bia: “Trùng tu Huy Văn điện, Dục Khánh tự bi ký” thì vào niên hiệu Thiệu Bình (1434-1439), bà Thái Hậu họ Ngô, là dõi công thần được vời vào làm Tiệp Dư và cho ở cung Khánh Phương. Sau bị Hoàng Hậu ghen ghét nên bà phải ra lánh nạn ở chùa Dục Khánh (chùa Huy Văn) ở phía Nam cấm thành. Vào một đêm bà mơ thấy Thượng Đế ban cho một tiên đồng rồi sinh ra con trai đặt tên là Tư Thành (sau này chính là vua Lê Thánh Tông). Tư Thành ở ngoài cung cấm, là cậu bé rất thông minh, dĩnh ngộ, văn võ toàn tài. Năm 1459, tháng 10 âm lịch, mùa đông, Lê Nghi Dângây biến, Hoàng Thái Hậu và Hoàng Đế Lê Nhân Tông bị giết hại. Năm 1460, các đại thần là Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Lê Lăng, Lê Niệm, Nguyễn Đức Trunglàm cuộc binh biến giết chết Lê Nghi Dân, đưa Tư Thành lên ngôi, đó chính là vua Lê Thánh Tông (1460-1497). Sau khi lên ngôi, Lê Thánh Tông đã tôn mẹ làmThánh Mẫu Hoàng Thái Hậu, ở điện Thừa Hoa, vua lại cho sửa chùa Dục Khánh và dựng điện Huy Văn.
Theo sách “Đại Nam Nhất Thống Chí”, “Tang Thương Ngẫu Lục” và “Thăng Long Cổ Tích Khảo” đều chép về chùa Dục Khánh như sau: Sau khi vua Lê Thánh Tông lên ngôi, vua theo chỗ ngôi nhà cũ của Thái Hậu, dựng điện Huy Văn, bên cạnh dựng chùa Dục Khánh. Năm 1496, Lê Thánh Tông truy phong mẹ là Quang Thục Hoàng Thái Hậu, còn cho tạc tượng bà và đúc chuông đặt thờ tại điện Huy Văn.
Theo tấm bia “Huy Văn điện, Dục Khánh tự bi ký” thì từ thế kỷ XV, chùa Dục Khánh đã là một ngôi chùa lớn, khang trang, trong chùa có tượng Thánh Mẫu Quang Thục Hoàng Thái Hậu bằng đồng và một quả chuông đồng cỡ lớn, nhưng đến giữa thế kỷ XVII thì cả tượng và chuông đều bị mất trộm. Vì vậy, vị sư trụ trì lúc đó là Doãn Đình Thuận, tự là Pháp Đoan đã quyên góp đồng, thuê thợ đúc lại quả chuông lớn như cũ, khánh thành vào ngày 26/7 năm Mậu Ngọ (1678). Sau đó ngày 24 tháng 3 năm Kỷ Mùi (1679), lại đúc tượng Thánh Mẫu (tức Quang Thục Hoàng Thái Hậu) thờ ở chùa. Trong lần này, việc tu bổ chùa đã được các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp, trong đó có những người trong phủ Chúa và các quan lại triều đình, binh lính, lương y và nhân dân từ nhiều địa phương. Bởi vậy, có thơ ca ngợi như sau:
“Dục Khánh cơ đồ y phục cựu
Hoàng triều xã tắc cách xuân sinh”
Tạm dịch:
Cơ đồ Chùa Dục Khánh được phục hồi như cũ
Xã tắc Hoàng triều lại càng thêm xuân.
Sang thế kỷ XIX, chùa bị hư hỏng nặng, các quan viên trong dòng họ Lê đã đóng góp tiền của công sức để trùng tu ngôi chùa, khởi công vào năm Nhâm Ngọ (1822), đến năm Quý Mùi (1823) thì hoàn thành. Sự kiện này được ghi trong tấm bia “Trùng tu Huy Văn điện bi ký”, niên hiệu Minh Mệnh thứ 4 (1823).
Năm 1864, chùa lại được trùng tu lớn với quy mô khang trang đẹp đẽ: “Bên ngoài chùa là điện thờ Thánh Mẫu kiểu nhà kép mái chồng đều 3 gian, bên trong là nhà thờ Phật, có dãy hành lang thành kiểu chữ “Công” đều 5 gian. Nói chung về di tích, chỗ nào cũ thì làm lại cho mới, vị trí theo xưa mà kiến trúc có thay đổi”.
Thế kỷ XX, chùa tiếp tục được sửa chữa nhiều lần vào năm 1909 và những năm sau này. Tuy nhiên vẫn giữ nguyên phong cách của kiến trúc thế kỷ XIX.
Chùa Dục Khánh xưa kia là ngôi chùa nổi tiếng đất kinh kỳ nên thường được các vị quan viên, cung tần trong phủ Chúa, khách thập phương thường xuyên lui tới để lễ Phật, cầu an. Trải qua thời gian và những biến cố của lịch sử, ngôi chùa bị hư hại và thu hẹp về quy mô. Hiện nay chùa nằm chung khuôn viên cùng với điện - đền Huy Văn. Chùa dựng theo hướng Tây Nam, phía trước là khoảng sân hẹp. Kiến trúc hiện nay làm theo phong cách thế kỷ XIX, với kết cấu dạng chữ “Đinh”, gồm 5 gian Tiền Đường, 3 gian Thượng Điện. Ngoài ra chùa còn khu nhà Tổ 3 gian, vườn Tháp và nhà Giảng Kinh.
Từ đường Tôn Đức Thắng rẽ vào ngõ Huy Văn sẽ gặp hai lớp cổng vào chùa. Lớp cổng thứ nhất xây gạch cuốn vòm, dạng chồng diêm hai tầng 8 mái, lợp giả ngói ống, 8 góc mái là 8 đầu đao, đỉnh mái trang trí hình mặt trời, hai đầu đốc là hình rồng lá cách điệu. Tầng hai để một cửa sổ tròn chữ thọ, tầng mái dưới đắp vữa 3 chữ “Dục Khánh Tự”, hai bên trang trí tùng, mai, dưới cổng là hai pho tượng võ tướng, đầu đội mũ trụ, tay cầm long đao đứng canh.
Qua lớp cổng thứ nhất, theo một lối nhỏ dẫn vào lớp cổng thứ hai. Cổng này xây gạch, mái đổ bê tông, bên ngoài làm dạng giả ngói ống dẫn vào sân trong của chùa.
Tiền Đường là một nếp nhà rất thấp, 5 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, tay ngai, mái lợp ngói ta. Bộ khung kết cấu theo kiểu “Thượng giá chiêng chồng rường, hạ kẻ ngồi” trên 4 hàng chân cột. Ba gian giữa mở cửa bức bàn “Thượng song hạ bản”, nền chùa lát gạch men. Phía trên các gian treo Hoành phi, Cửa võng, Câu đối, hai gian bên bài trí các pho tượng Khuyến Thiện – Trừng Ác, tượng Đức Ông – Thánh Tăng.
Tòa Thượng Điện gồm 3 gian nhà dọc tạo thành kiểu chữ “Đinh”, nhà xây tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, bộ khung gồm 4 bộ vì gỗ kết cấu kiểu “Thượng giá chiêng chồng rường, hạ cốn rường”. Phần trang trí trên kiến trúc chùa Huy Văn rất giản dị, chủ yếu là hình thức kẻ soi, gờ chỉ được bào trơn, đóng bén, thiên về độ bền chắc.
Chùa Huy Văn vừa là nơi thờ Phật, vừa thờ “Thánh”. Tại Phật điện của chùa, lớp trên là bộ tượng Tam Thế Phật; lớp thứ hai tượng vua Lê Thái Tông (cha của vua Lê Thánh Tông), hai bên là 4 pho tượng Quan trong “Tứ trụ triều đình”; lớp thứ ba là tượng “Quan Âm Chuẩn Đề”; lớp thứ tư là Tòa Cửu Long và tượng Thích Ca Sơ Sinh ngồi giữa, hai bên là tượng Quan Âm Thị Kính, Thân Mẫu của vua Lê Thái Tông và 4 pho Tứ Thiên Vương. Lớp tượng cuối cùng trên Phật điện là hai pho tượng Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, những người đã có công đóng góp rất lớn vào sự phát triển thịnh vượng của vương triều Lê Sơ.
Ngoài ra, tại Thượng Điện còn có một ban thờ nhỏ đặt Long ngai – Bài vị của vua Lê Thần Tông (1649-1662), trên bài vị khắc dòng chữ “Lê Triều Thần Tông, Uyên Hoàng Đế”. Sở dĩ có Ngai - Bài vị của vua Lê Thần Tông ở đây theo sách “Tang Thương Ngẫu Lục” và “Tây Hồ Chí” cho biết: tượng Lê Thần Tông trước đây được thờ ở chùa Khán Sơn (trong công viên Bách Thảo hiện nay), sau khi nhà Lê mất, chùa đổ nát, pho tượng được về chùa Dục Khánh, thôn Huy Văn.
Tồn tại đến ngày nay, chùa Huy Văn còn lưu giữ được nhiều di vật có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa và nghệ thuật, phản ánh quá trình ra đời, tồn tại của di tích trong tiến trình lịch sử dân tộc. Đáng lưu tâm là 11 tấm bia có niên đại từ thời Lê đến thời Nguyễn. Nội dung văn bia là những tư liệu lịch sử vô cùng quý hiếm giúp chúng ta hiểu thêm về tình hình chính trị ở thế kỷ XV. Qua văn bia chúng ta biết đây chính là nơi sinh của vua Lê Thánh Tông và Ngài sống ở đây suốt quãng thời thơ ấu khi trong triều xảy ra biến loạn. Ngoài ra, những tấm bia còn cung cấp tư liệu về quy mô, diện mạo của ngôi chùa cũng như những lần trùng tu, tôn tạo.
Ngoài văn bia, hệ thống tượng tròn của chùa cũng vô cùng đặc biệt so với các ngôi chùa khác, bởi chùa Huy Văn vừa thờ Phật, vừa thờ những nhân vật quan trọng trong vương triều Lê Sơ, thể hiện lòng biết ơn và truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của các thế hệ hậu sinh đối với những người đã có công lớn đối với lịch sử đất nước.
Chùa Huy Văn là di sản quý với thủ đô Hà Nội và của cả nước cần được bảo tồn và phát huy giá trị. Di tích đã đi vào lịch sử dân tộc như một minh chứng quan trọng về sự tồn tại và phát triển của vương triều Lê Sơ ở thế kỷ XV. Chùa Huy Văn đã được xếp hạng là di tích cấp Quốc gia năm 1996.
Bản đồ

























Địa điểm xung quanh