Chùa Cát Linh (Phổ Quang tự)
Ngõ 27 Phố Cát Linh, Phường Cát Linh, Đống Đa, Hà Nội
0243 851 1306
Giới thiệu
Chùa Cát Linh có tên chữ là “Phổ Quang tự” hiện tọa lạc tại ngõ 27, phố Cát Linh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Thời Nguyễn, đây nguyên là đất thôn An Trạch, tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội.
Chùa Cát Linh thờ Phật theo phái Đại Thừa. Theo bài minh trên quả Chuông “Phổ Quang tự chung” đúc năm Gia Long thứ 12 (1813) thì chùa Phổ Quang là do Tam Tổ Trúc Lâm đời vua Trần Nhân Tông để lại. Đến đời Lê Thái Tông, chùa lại được mở mang thêm trở thành chốn danh lam thắng cảnh của kinh kỳ.
Theo các sách: “Thăng Long Cổ Tích Khảo”, “Đường Phố Hà Nội” và các Bản đồ Hà Nội thế kỷ XVIII-XIX cho biết chùa Phổ Quang vốn là một trung tâm Phật giáo và trải qua nhiều biến động lớn trong lịch sử. Đến năm Gia Long thứ 12 (1813), chùa được trùng tu Tam Bảo, nhà Tổ. Năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), lại tu sửa lớn và đúc chuông ghi công những vị hưng công đóng góp. Thời thuộc Pháp, chùa Cát Linh bị phá hủy nặng. Sau ngày hòa bình lập lại, sư trụ trì là Thích Thanh Hoạt đã cùng thập phương tu tạo lại ngôi chùa. Kiến trúc chùa hiện nay mang dấu ấn của lần trùng tu lớn vào cuối thế kỷ XX.
Xưa kia, quy mô của chùa khá khang trang, rộng rãi. Tuy nhiên, qua nhiều biến động, chùa đã bị thu hẹp rất nhiều. Các công trình hiện nay gồm: Tam Quan – gác Chuông, Tam Bảo, nhà Tổ, nhà Mẫu và các công trình phụ trợ được bố cục trong không gian riêng biệt đã có tường bao quanh, tách biệt với khu dân cư, đảm bảo sự tôn nghiêm nơi cửa thiền.
Tam Quan chùa xây dạng 2 tầng 8 mái với 8 đầu đao cong uốn lượn bay lên không trung, mái lợp ngói ta. Tầng trên để trống 4 phía, bên trong treo quả chuông lớn. Mặt trước và mặt sau đắp hoa văn kỷ hà, hoa dây. Tầng dưới xây cuốn vòm, trên cổng đắp nổi cúc lão hóa rồng và 3 chữ Hán “Phổ Quang tự”.
Tòa Tam Bảo chùa được xây hai tầng, tầng 1 dùng làm nơi tiếp khách và những sinh hoạt thường ngày; tầng hai thờ Phật. Mặt bằng tầng hai được bố cục kiểu chữ “Đinh” gồm Tiền Đường và Thượng Điện.
Tiền Đường gồm 5 gian, xây tường hồi bít đốc tay ngai, mái lợp ngói ta, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, bộ khung gồm 6 bộ vì gỗ kết cấu kiểu “Thượng giá chiêng chồng rường, hạ cốn rường, bẩy hiên” trên mặt bằng 4 hàng chân cột. Phía trước 3 gian mở bức bàn được chạm trổ hoa thị, chữ “Thọ”, tùng, trúc, cúc, mai, rồng lá; phía trên để trấn song con tiện nhằm tạo sự thông thoáng.
Chùa có khoảng hiên rất rộng, các cột hiên bằng đá có tiết diện hình vuông, bốn mặt cột chạm nổi rồng lá, cánh sen, vân mây, long mã hà đồ. Gian hồi bên phải treo quả chuông lớn.
Phần lan can làm bằng đá xanh, chạm trổ hoa cúc mãn khai. Các trụ đỡ lan can đều trang trí hình búp sen gắn với nhà Phật tạo cảm giác thanh tịnh và tao nhã. Chạy dọc 5 gian Tiền Đường treo 5 bức Hoành phi, dưới là Cửa võng và Câu đối lòng máng. Hai gian bên Tiền Đường có tượng Khuyến Thiện, Trừng Ác, tượng Đức Ông – Diệm Nhiên – Đại Sỹ và tượng Thánh Tăng.
Thượng Điện ở phía sau chùa, gồm 2 gian nhà dọc. Kết cấu bộ vì gỗ theo kiểu “Thượng giá chiêng, hạ cốn”. Sát tường hậu xây các bục cao để bài trí tượng Phật: Trên cùng là 3 pho Tam Thế Phật, hàng thứ hai là bộ tượng A Di Đà – Quan Thế Âm – Đại Thế Chí, hàng thứ 3 là Toà Cửu Long và tượng Thích Ca Sơ Sinh, hàng thứ tư là tượng Quan Âm Chuẩn Đề, hai bên là Địa Tạng và Mục Liên.
Khu nhà Tổ gồm 5 gian. Đây vừa là nơi thờ các vị sư Tổ, vừa là nơi tiếp khách của nhà chùa. Gian giữa đặt tượng đức Bồ Đề Đạt Ma, gian trái thờ các vị Sư Tổ đã viên tịch. Trang trí trong nhà Tổ khá đậm đặc thể hiện ở các bức Hoành phi, Cửa võng, Hương án, Sập thờ, Câu đối… được sơn son thếp vàng lộng lẫy, tạo cảm giác uy nghiêm và tráng lệ.
Nhà Mẫu có quy mô khiêm tốn hơn, đây là nơi thờ Mẫu tạo thành một tổng thể hoàn chỉnh của ngôi chùa thuần Việt.
Tuy trải qua nhiều biến động, nhưng chùa Cát Linh vẫn lưu giữ được hệ thống di vật có giá trị, minh chứng cho sự trường tồn của di tích. Đáng chú ý là 02 quả chuông đúc năm Gia Long thứ 12 (1813) Thiệu Trị thứ 5 (1845). Đây là những hiện vật vô cùng quý hiếm giúp chúng ta biết thêm về những biến thiên của lịch sử, quá trình ra đời cùng những lần trùng tu, tôn tạo chùa. Bên cạnh đó, hệ thống tượng Phật, tượng sư Tổ, tượng thánh Mẫu, Hoành phi, Câu đối, Cuốn thư, Cửa võng… có niên đại tạo tác vào thế kỷ XIX-XX được sơn thếp lộng lẫy các đề tài “tứ linh”, “tứ quý”, vân lá, hoa thị, văn triện… đã góp phần làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa của Thăng Long – Hà Nội.
Nằm trong vùng đất có nhiều di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng, như: Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Bích Câu Đạo Quán, chùa An Quốc… chùa Cát Linh là một trong những địa chỉ được người dân Hà Thành thường xuyên lui tới chiêm bái, lễ Phật cầu an sau những ngày lao động vất vả. Ngôi chùa chính là biểu tượng của sự từ bi, bác ái, hướng con người tới những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.
Chùa Cát Linh được xếp hạng năm 2003 là di tích cấp Thành phố.
Bản đồ
Địa điểm xung quanh