Chùa Cảm Ứng
Số 9, Ngõ 538 Đường Láng, Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội
0243 851 1306
Giới thiệu
Chùa có tên Nôm là chùa Mứng, tên chữ là “Cảm Ứng Tự”, tọa lạc tại số 3, ngõ 538, đường Láng, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Đầu thế kỷ XIX, di tích thuộc đất trại Yên Lãng, tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội.
Tương truyền, chùa xây dựng từ thế kỷ XI, đời vua Lý Thánh Tông (1023–1072) cùng với thời điểm xây dựng đền Ứng Thiên ở Láng Hạ. Sau này, một Công chúa nhà Lý đã tu tại đây cho đến khi bà qua đời.
Thời Nguyễn, chùa được trùng tu nhiều lần vào đời Thành Thái và Bảo Đại. Quy mô kiến trúc hiện nay là dấu ấn của lần tu sửa vào các năm: 2001, 2003, 2012.
Nằm trong hệ thống di tích vùng Láng xưa, ngoài thờ Phật, chùa còn thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh và mẹ của Ngài là bà Tăng Thị Loan. Chùa tọa lạc trên khu đất có diện tích 3600m2, gồm Tam Bảo, nhà Tổ, nhà Mẫu. Trước đây, chùa có quy mô khiêm tốn chỉ gồm 3 gian Tiền Đường, 1 gian Thượng Điện. Sau này, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng của đông đảo phật tử, các công trình trong chùa được tôn tạo mở rộng cả về số lượng và quy mô.
Tam Quan chùa gồm có hai cổng cách nhau chừng vài chục mét. Hai cổng đều có hình thức xây cuốn vòm, dạng chồng diêm hai tầng 8 mái đao cong, hai bên có 4 trụ biểu trang trí trái Dành cách điệu. Thân các trụ đắp câu đối chữ Hán. Nối hai cổng Tam quan với nhau là bức tường bao quanh để tạo sự tách biệt với khu dân cư.
Sân chùa khá rộng, trong sân trồng nhiều cây xanh và bố trí hệ thống ghế đá để du khách dừng chân nghỉ ngơi trước khi vào lễ Phật.
Toà Tam Bảo được xây chồng diêm hai tầng 8 mái. Tầng 1 dùng làm nơi tiếp khách, tầng 2 thờ Phật. Bộ khung làm bằng bê tông giả gỗ. Các bộ vì liên kết với nhau theo kiểu “Thượng giá chiêng hạ cốn”, nền lát gạch men. Phía trên các gian treo Hoành phi, Cửa võng, Câu đối tạo sự uy linh cho Phật điện. Bên dưới bài trí các pho tượng Phật gồm: tượng Khuyến Thiện – Trừng Ác, tượng Đức Ông – Thánh Tăng, tượng Tam Thế, A Di Đà, Thích Ca Niệm Hoa, Cửu Long, Nam Tào – Bắc Đẩu...
Khu nhà Tổ - nhà Mẫu của được thiết kế giống với tòa Tam Bảo kiểu hai tầng, mái lợp ngói ta, nền lát gạch men. Kết cấu các vì theo kiểu “Thượng chồng rường giá chiêng hạ cốn”. Phía trước các gian mở cửa kiểu “Thượng song hạ bản”. Tầng trên làm nơi thờ Tổ, thờ Mẫu; tầng dưới phục vụ cho các sinh hoạt của nhà chùa và du khách thập phương.
Chùa còn lưu giữ được hệ thống di vật có giá trị, gồm: 11 đôi Câu đối, 13 bức Hoành phi, 12 bộ Cửa võng, 29 pho tượng, tượng Tổ, tượng Mẫu, 7 Hương án gỗ mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX- XX.
Trải qua thời gian tồn tại, chùa Cảm Ứng là địa chỉ sinh hoạt tôn giáo – tín ngưỡng của nhân dân địa phương. Ngôi chùa là nơi giáo dục cho con người về lòng từ bi, bác ái, nơi gửi gắm mọi vui buồn trong cuộc sống nhằm cầu mong một cuộc sống bình an, hạnh phúc.
Bản đồ
Địa điểm xung quanh