Chùa Bụt Mọc (Long Hoa tự)
Số 24 Đường Ven Hồ Văn Chương, Thổ Quan, Đống Đa, Hà Nội
0243 851 1306
Giới thiệu
Chùa Bụt Mọc có địa chỉ tại số 71, ngõ Văn Chương, phường Văn Chương, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
Chùa có tên chữ là “Long Hoa tự”, tuy nhiên nhân dân địa phương vẫn quen gọi theo tên Nôm là chùa Bụt Mọc. Theo giải thích của người dân thì xưa kia đây vốn là vùng dân cư thưa vắng, cây cối um tùm. Một hôm mưa to, bão lớn cây cối đổ gãy lộ ra pho tượng đá, dân làng lấy làm lạ cho đó là linh hiển nên mời Thiền sư về rồi xây dựng chùa thờ Phật trên nền đất ấy, từ đó chùa có tên là Bụt Mọc.
Tương truyền, chùa Bụt Mọc được khởi dưng từ rất sớm, đến năm Gia Long thứ 15 (1816) được trùng tu, sửa chữa lớn. Lần tu sửa này, ngoài các công trình kiến trúc, các hội chủ đã quyên góp đúc lại quả chuông cho chùa. Sau này, chùa tiếp tục được sửa sang ngày thêm khang trang, sạch đẹp. Quy mô kiến trúc hiện nay là kết quả của lần trùng tu lớn vào năm 2008.
Chùa tọa lạc trên khu đất xinh xắn, xung quanh đã xây tường bao quanh để tách biệt với khu dân cư. Mặt bằng kiến trúc gồm các công trình: Tam Quan, Tiền Đường, Thượng Điện, nhà Tổ, nhà Mẫu và khu Vườn Tháp.
Tam Quan xây chồng diêm hai tầng tám mái, đỉnh nóc mái đắp hình mặt trời lửa, phía dưới xây cuốn vòm. Tầng hai đặt một pho tượng Quan Âm bằng đá ngồi trên tòa sen, mặt hướng ra phía cổng. Hai bên Tam Quan là 4 trụ biểu, đỉnh hai trụ chính đắp trái Dành cách điệu. Hai trụ bên đắp hình búp sen, thân trụ đắp câu đối chữ Hán, trên cổng tạo bức hoành phi đề ba chữ “chùa Bụt Mọc”.
Vào trong sân, trước tòa Tiền Đường có một giếng nhỏ. Dân làng cho biết: Trước đây không có giếng này mà chỉ là một hốc cây nơi Bụt mọc lên. Sau khi cây cổ thụ xưa đổ gãy, người dân xây dựng thành giếng chùa. Giếng sâu khoảng 1m, bờ giếng trang trí hình bông sen đang nở tượng trưng cho nhà Phật, dưới giếng là 4 pho tượng đá cùng một khối nhũ thạch nhô lên, tất cả đều được nhân dân gọi là “Bụt Mọc”.
Tòa Tiền Đường gồm 3 gian, 2 dĩ xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, chính giữa bờ nóc đề 3 chữ “Long Hoa tự”, phía trước mở hệ thống cửa gỗ theo kiểu “Thượng song hạ bản”. Bộ khung gồm 4 bộ vì gỗ liên kết với nhau theo kiểu “Chồng rường giá chiêng”. Trên các con rường, đầu dư, ván dong, bẩy hiên chạm nổi văn thực vật, văn triện, lá lật, rồng mây, tứ quý, hoa thị, long mã hà đồ, bầu rượu túi thơ, tạo cảm giác ấm cúng và thanh tịnh cho di tích.
Thượng Điện là nếp nhà 2 gian ở phía sau tạo thành kiểu chữ “Đinh”. Kết cấu bộ khung có hình thức giống với tòa Tiền Đường, phần trang trí chủ yếu chạm nổi trên các con rường, ván mê vân mây, lá lật… mang tính chất điểm xuyết, nhẹ nhàng.
Trên các gian của tòa Tiền Đường và Thượng Điện đều treo Hoành phi, Cửa võng, Câu đối được sơn son thếp vàng lộng lẫy tạo cho Phật điện trở nên uy nghi, lộng lẫy; phía dưới bài trí các lớp tượng Phật: trên cùng là tượng Tam Thế, tiếp sau là các lớp tượng A Di Đà – Quan Thế Âm – Đại Thế Chí, Quan Âm Chuẩn Đề - Phạm Thiên – Đế Thích, cuối cùng là tòa Cửu Long và tượng Thích Ca Sơ Sinh mô phỏng đức Phật khi mới chào đời dưới vòm trời được 9 con rồng phun nước để tắm cho Phật. Hai bên Tiền Đường có tượng Khuyến Thiện – Trừng Ác, tượng Đức Ông, Thánh Tăng…
Khu nhà Tổ của chùa gồm 3 gian, nhà Mẫu 7 gian. Tất cả đều làm bằng gỗ theo phong cách kiến trúc truyền thống. Nhìn chung, các đơn nguyên kiến trúc chùa được quy hoạch gọn gàng, phù hợp với công năng sử dụng của di tích.
Chùa Bụt Mọc vẫn lưu giữ được nhiều di vật có giá trị, gồm: 30 pho tượng tròn, 14 bức Hoành phi, 05 đôi Câu đối, 01 bức Cuốn thư, 11 bộ Cửa võng, 01 quả Chuông đồng niên hiệu Gia Long 15 (1816), 01 Bia đá thời Nguyễn… minh chứng cho quá trình ra đời, tồn tại của di tích, góp phần làm giàu thêm kho tàng di sản văn hóa của Thăng Long Hà Nội.
Chùa Bụt Mọc đã được xếp hạng là di tích cấp Thành phố năm 2011.
Bản đồ
Địa điểm xung quanh